Bánh Su-Sê hay Bánh Phu-Thê? (P1)
- Nguyễn Vĩnh Tráng
- •
Vừa rồi tôi được một anh bạn gởi cho một tập hình về các món ăn ở Huế, hình chụp rất đẹp, rất hấp dẫn. Hình đầu tiên là Cơm Hến, với bốn câu thơ:
Đã nghe ớt đỏ cay nồng,
Tìm trong vị Hến một dòng Hương xanh.
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành,
Mời anh buổi sáng chân thành món quê.
Thứ đến là bánh Bèo, bánh Nậm, bánh Bột-Lọc, và hình thứ năm là bánh « Phu-Thê » với bốn câu thơ:
Lá dừa ôm bột lọc trong,
Ngọt ngào thơm nhụy đậu xanh ứng vàng.
Phu Thê vui chuyện xóm làng,
Mừng nhau tác hợp thiếp chàng hòa duyên.
Nhìn hình bốn cái bánh Su-Sê với hai chữ « Phu Thê » làm tôi ngạc nhiên, vì chưa từng nghe thấy ba chữ « bánh phu-thê » bao giờ.
Trước năm 1962, lúc tôi còn ở Việt Nam, còn ở Huế, tôi hân hạnh có liên hệ bà con với các Cụ Ưng-Bình, Ưng-Trình, Tôn-Thất Quảng, Hồ-Đắc Hàm… Các Cụ là những nhân sĩ thời bấy giờ ở Huế và cũng là những nhà văn học uyên thâm. Tôi được gặp các Cụ trong những dịp đi hầu thăm, đi dâng tuổi đầu năm, hay trong những dịp đi hầu kỵ. Thế mà tôi chưa bao giờ nghe được ba chữ « bánh Phu-Thê », ở tại chính gia đình tôi, ở ngoài thành phố, ở tại nhà của các Cụ, hay ở tại các nhà thờ họ… Vả chăng, người Huế, nói chung, phần đông hay có tánh « đài các », hễ thấy một danh từ nào đẹp, âm thanh hay thì hay dùng đến, như trái Măng-Cụt thì người Huế gọi là trái Giáng-Châu…, vậy nếu hai chữ « Su-Sê » là do hai chữ « Phu-Thê » mà ra, thì có lẽ tôi đã nghe qua…
Nói như thế, không có nghĩa là các Cụ hay những người Huế mà tôi đã gặp không biết hai chữ « Su-Sê » là do hai chữ « Phu-Thê » mà ra. Có lẽ họ biết mà không nói cho tôi nghe chăng ? Và tất nhiên, mấy hàng tôi trình trên, cũng không chứng minh gì, là hai chữ « Su-Sê » không do hai chữ « Phu-Thê » mà ra cả.
Bánh Su-Sê ở Huế, lúc bấy giờ, là một loại bánh rất thông thường, thường đi đôi với bánh Ít-Đen, làm bằng lá Gai. Ngày Tết, ngày Kỵ, thì không bao giờ thiếu hai món bánh nầy, cọng (cộng) với những loại bánh « In », làm bằng bột nếp, bột đậu xanh, bột bình tinh hay bằng hột sen tán…. Bánh « In » được in bằng khuôn đồng có dấu chữ Thọ, gói bằng giấy dầu, đủ màu. Ăn rất ngon, rất thơm và trông rất đẹp mắt. Ngoài những ngày Tết, ngày Kỵ tại nhà, hay nếu có đi hầu thăm các Cụ, hay đi hầu Kỵ, thì khi nào, chúng tôi cũng được Cha, Mẹ, hay các Cụ Bà, các Cô, các Dì cho một gói bánh gồm có một ít bánh Su-Sê, bánh Ít-Đen và bánh In…
Tôi nói thế, để nói lên tính cách phổ thông, bình dân, đại chúng của bánh Su-Sê, nhất là ở Huế.
Mặt khác, bánh Su-Sê ở Huế và ở ngoài Bắc có thể khác nhau. Bánh Su-Sê ở Huế có màu trắng trong đục, gói bằng lá dừa, mặt có hình vuông, hay kiểu cách hơn, mặt là hình ngũ giác, chứ không có màu vàng ửng và gói bằng lá chuối, như ta thấy ở ngoài Bắc hay trong Nam bây giờ.
Hiếu kỳ và muốn học hỏi thêm, tôi lên mạng Internet, gõ hai chữ « Su Sê » vào khung Google, thì ôi thôi, có hàng chục trang, có hàng trăm bài viết, mà có đến khoảng trên 95% đều nói bánh Su-Sê « nguyên xưa là bánh ” Phu thê “, một số địa phương nói chệch thành bánh ” Su sê “ ».
Sự ngạc nhiên của tôi đi đến độ choáng váng. Thế rồi, từ giờ nầy qua giờ khác, tôi lo đọc những bài viết đó.
Nào là « Về tên gọi, thảng hoặc ở Huế cũng có người gọi là bánh su sê, đây có lẽ là cách gọi chệch âm theo thói quen thường gặp của người Huế, còn đại bộ phận người Huế vẫn gọi là bánh phu thê như đúng tên gọi vốn có của nó ». (vnnavi.com – Bánh Phu Thê –Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống) ! [năm 2011].
Nào là « bánh phu thê tượng trưng cho sự gắn bó giữa vợ chồng » ! « Bánh su sê hay còn gọi là bánh phu thê. Tên gọi này gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh. Chồng cảm động đặt tên cho bánh là phu thê (tức bánh vợ chồng) (sic). Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gởi cho chồng kèm theo lời nhắn:
Từ ngày chàng bước xuống ghe
Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu.
Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới nhằm nhắn nhủ lời thuỷ chung đến các đôi vợ chồng trẻ » (Phố cổ Hội An – Tin Tức, Văn Hóa Hội An, Ẩm Thực) ! [năm 2011].
Nào là « trong các lễ cưới có nhiều lễ vật, nhưng không thể thiếu bánh Su sê » (PhunuNet.com. Thêm vào My Wikiphunu) ! [năm 2011].
Có người còn dẫn chứng đến các vua, chúa, như « vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê (sau này còn có tên gọi là bánh xu xuê) » (Bánh Phu Thê – Lê Minh Hợi) ! [năm 2011].
Có người còn nói đến cả Bà Ỷ-Lan: « Một lần hội làng, Lý Thánh Tông cùng vợ là Nguyên phi Ỷ Lan về quê lễ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở Đền Đô. Tại đây, dân làng đã dâng Đức vua và Nguyên Phi đặc sản của quê hương là bánh Su Sê. Đức vua và Nguyên Phi thưởng thức món bánh này và khen ngon. Người cho rằng, cuộc đời con người có được hạnh phúc là niềm vui lớn của mỗi lứa đôi, và truyền từ nay, ngày ăn hỏi, ngày cưới thành vợ thành chồng nên có món bánh quý này cho mọi người cùng hưởng. Cũng từ đó bánh Su Sê được gọi là bánh Phu Thê, buộc từng cặp bằng lạt điều và là một trong những lễ vật không thể thiếu trong đám cưới hỏi, bởi nó như một biểu tượng về lòng chung thủy, gắn bó sắt son của tình vợ chồng ». (Góc bếp – Bánh phu thê Đình Bảng, sản vật tiến vua – không cho tên, họ tác giả) ! [năm 2011].
Có người lại đưa Triết Lý vào cái bánh su sê: « Nhắc tới bánh phu thê, chắc đã không còn xa lạ đối với mỗi người Việt Nam, chiếc bánh vẫn thường xuất hiện trong mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi. Bánh phu thê không chỉ là một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam mà còn hàm chứa trong đó triết lý âm dương của cả dân tộc… Tục truyền, tên gọi bánh phu thê là do sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê. Cũng vì tên gọi ấy mà bánh phu thê (hay cũng còn gọi là xu xê) luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình chồng vợ » (Kêng14.vn – Nguồn gốc tên gọi của chiếc bánh vợ-chồng. Theo PLXH. Không cho nguyên họ, tên) ! [năm 2011].
Tựu trung, hàng trăm bài trên cũng chỉ dựa vào một câu của một tác giả đầu tiên là « nguyên xưa là bánh ” Phu thê “, một số địa phương nói chệch thành bánh ” Su sê ” », và cũng sao đi, chép lại, mà không cho xuất xứ, không dẫn chứng một tài liệu văn học sử nào !
Rồi từ đó, các bài cứ thao thao bất tuyệt, tràng giang đại hải. Đem vào không biết bao là tưởng tượng, là thêu dệt, mà không cho một mảy may xuất xứ !
Để góp phần vào sự tìm kiếm sự thật, và trong giới hạn hiểu biết của tôi, tôi xin chia mục nầy ra làm hai phần. Thật ra, lúc trước chỉ có phần nầy, nhưng khi định cho đăng lên các điện báo, thì có người lại đề cập tới « Ngôn Ngữ Học », và Giáo Sư Ngữ Học nổi tiếng Lê Ngọc Trụ, với cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của Giáo Sư, nên tôi phải tìm tài liệu để khảo cứu thêm và để viết thêm phần thứ hai.
A – Phần 1
Nếu bánh « Su-Sê » là do bánh « Phu-Thê » từ xưa mà ra, thì trong các tác phẩm văn học, các tự/từ điển xưa hay các từ/tự điển chữ Nôm phải đề cập tới ba chữ « bánh Phu-Thê ».
Trong phần nầy, tôi không tìm nguồn gốc của hai chữ « Su Sê », mà đơn giản hơn nhiều: Trong Văn Học dân gian, trong các Từ/Tự Điển xưa, ba chữ « bánh Su-Sê » có trước hay có sau ba chữ « bánh Phu-Thê » ?
Nếu ba chữ « bánh Phu-Thê » có trước ba chữ « bánh Su-Sê », thì có thể là hai chữ « Su-Sê » do hai chữ « Phu-Thê » mà ra. Nhưng chưa chắc, vì sau khi có loại bánh Phu-Thê, dân ta có thể đặt thêm loại bánh Su-Sê, khác với bánh Phu-Thê. Trong trường hợp nầy, chuyện hai chữ « Su-Sê » do hai chữ « Phu-Thê » mà ra, chỉ thực hiện được khoảng 50% mà thôi.
Nếu ba chữ « bánh Phu-Thê » có sau ba chữ « bánh Su-Sê », thì chắc chắn hai chữ « Su-Sê » không do hai chữ « Phu-Thê » mà ra.
I – Trong Văn Học dân gian, ba chữ « bánh Su-Sê » có trước hay có sau ba chữ « bánh Phu-Thê » ?
Ta thử tìm kiếm trong Văn Học dân gian.
Nếu bánh Su Sê là do bánh Phu-Thê mà ra, và tượng trưng cho việc hôn nhân, thì ta đã thấy ba chữ « bánh phu-thê » trong các Ca Dao, Tục Ngữ. Tôi đã rà cuốn Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (Mặc Lâm Xuất Bản. Yễm Yễm Thư Quán. 1967 – Sàigòn), mà không tìm thấy ba chữ « bánh phu thê », chứ đừng nói gì về chuyện « không thể thiếu » bánh « phu thê » (su sê, sô sê, xu xê, xu xuê) trong những lễ cưới hỏi, như Trầu, Cau mà ta thấy hàng loạt trong các câu Cao Dao, Tục Ngữ, trong các tác phẩm văn học sử, hay trong các lễ Tơ Hồng Nguyệt Lão, lễ Hợp Cẩn với « hoa quả, bình trà, 12 miếng cau, 12 miếng trầu, một be rượu, hai chén nhỏ, dĩa gừng, đèn hương… » (Việt Nam Phong Tục. Phan Kế Bính. Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995 hay Một số Phong Tục Nghi Lễ Dân Gian Truyền Thống Việt Nam. Quảng Tuệ. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc, Hànội, 2004).
Lúc còn ở Huế, tôi có dự vài lễ cưới. Có những « đám cưới » không có bánh Su-Sê, như các tác giả đã khẳng định trên.
II – Các Từ/Tự Điển xưa
1) Tự Điển Annamiticum Lusitanum et Latinum OPE cùa Alexandro de Rhodes, Rome 1651.
Trong cuốn tự điển nầy không có ba chữ « Banh Su-Sê » và ba chữ « Bánh Phu-Thê », và cũng không có các chữ « Su-Sê » và « Phu-Thê ».
Có những chữ sau đây:
– « Phu » được dịch là « Maritus » (chồng), thành ngữ « Trượng Phu » được dịch là « Homem robustus » (người tráng kiện), « Phu » dịch là « Moço hay Moça » (thanh niên hay thiếu nữ), « Kieù Phu » (sic) dịch là « Lignorum venditor » (người bán gỗ », « Xou Phu » (sic) dich là « agricola » (nông dân) [trang 604].
– « Sê » với thành ngữ « Sê cơm » dịch là « Vide » (vo gạo) [trang 684].
– « Sô, coi sô sộ » dịch là « inspicere ex proximo loco » (nhìn gần) [trang 690].
– « Su » với thành ngữ « Su Si » dịch là « Asper » (sần sùi), « Su Gia hay Suigia (sic) » dịch là « Socer, Socrus » (ông nhạc, bà nhạc / cha vợ hay chồng, mẹ vợ hay chồng) [trang 698].
– « Thê » dịch là « Uxor » (vợ) [trang 753].
2 – Tự Điển Anamitico (sic) -Latinum de Jean-Louis Taberd. J.C Marshman, 1838 (viết tay, có cho chữ Nôm), và Ninh Phú, 1877 (In, không có chữ Nôm).
Trong cuốn tự điển nầy CÓ BA CHỮ « BÁNH SÔ-SÊ », nhưng không có ba chữ « Bánh Phu-Thê » !
Có các chữ sau đây:
– « Phu 夫 » dịch là « Maritus » (chồng) và vài thành ngữ như « Phu Thê夫妻 » dịch là « Coniuge » (vợ chồng), « Phu Phụ » (id) (sic)…. [trang 410].
– Không có chữ « Sê ».
– « Sô » với ba chữ « Bánh Sô Sê » dịch là « Genus Placentæ » (bánh gia đình) [trang 412] (Nhà Xuất Bản Ninh Phú, Ex Typis Missionis Tunquini Occidentalis, 1877. Không có chữ Nôm).
– « Su 㮲 » với thành ngữ « Su Si » dịch là « Rudis » (thô, thô lậu), « Cây Su » dịch là (chữ mờ không đọc được, có lẽ là cây Su trong đầm) [trang 471].
– « Thê 妻 » dịch là « Uxor » (vợ) với vài thành ngữ « Phu Thê » dịch là « Conjuges » (vợ chồng), « Thê Noa » dịch là « Uxor et Filii » (vợ và con), « Thê Tử » cũng dịch là « Uxor et Filii », « Thê Hiền » dịch là « Uxor Fidelis » (vợ trung thành), « Thê Thiếp » dịch là « Uxor et Concubina » (vợ và vợ hầu/thiếp) [trang 516].
3 – Tự Điển Đại Nam Quốc Âm Tự Vi de Huình Tịnh Của. Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Saigon 1895.
Trong cuốn tự điển nầy, không có ba chữ « Bánh Su-Sê » hay « Bánh Phu-Thê ».
– Có chữ « Phu 夫 »: chồng ; tiếng xưng hô người lớn tuổi chẳng kì sang hèn. Có và thành ngữ như « Trượng Phu »: người lớn, người tai mắt ; « Đại Phu »: tước quan lớn ; Tiều Phu » ; « Nông phu » ; « Dân Phu » ; … ; « Trạo Phu »: trai chèo ; « Thôn Phu » ; « Thất Phu » ; « Thất Phu – Thất Phụ » ; … ; « Phu Tử » ; « Phu Quân » ; Phu Nhân » ; « Phu Thê 夫妻»: vợ chồng ; « Phu Phụ »: id. [trang 819].
– Không có chữ « Sê ».
– Có chữ « Sô 縐»: hàng dệt bông hoa, có thứ dày thứ mỏng. [trang 913].
– Có chữ « Su 㮲 »: cây rừng sác, giống cây ổi… [trang 923].
– Có các chữ « Thê 妻 »: vợ ; « Thê 悽 »: buồn ; … [trang 995].
4 – Tự Điển Annamite-Français của J.F.M. Génibrel. NXB: Imprimerie de la Mission à Tân Định (Tái bản lần thứ 2), Sàigòn, 1898.
Trong cuốn Tự Điển nầy không có ba chữ « Bánh Su-Sê » hay « Bánh Phu-Thê ».
– Có chữ « Phu 夫»: chồng ; với nhiều thành ngữ như « Phu Thê 夫妻»: vợ chồng… [trang 615].
– Không có chữ « Sê ».
– Có chữ « Sô 縐 »: nhiễu ; « Sô 芻 »: loài ăn cỏ ; « Sô 蒭 »: rơm ; « Sô 雛 »: chim con [còn nhỏ], [trang 701].
– Có chữ « Su 㮲 », với các thành ngữ « Su Si »: thô tục, cẩu thả ;… ; « Cây Su »: cây… [trang 706].
– Có chữ « Thê 妻 »: vợ ; cùng vài thành ngữ xung quanh chữ « Thê » [trang 825].
5 – Tự Điển Annamite-Français của Jean Bonet, NXB Imprimerie Nationale, Paris 1899.
Trong cuốn Tự Điển nầy không có ba chữ « Bánh Su-Sê » hay « Bánh Phu-Thê ».
– Có chữ « Phu夫 »: chồng ; người làm việc,… ; « Phu Phụ 夫婦» et « Phu Thê 夫妻»: vợ chồng ; cùng nhiều thành ngữ khác không thuộc về bài viết nầy [trang 130, t ập 2].
– Không có chữ « Sê ».
– Có chữ « Sô 芻»: cây khô, rơm..; « Sô 篘 »: tre đan… ; « Sô 騶 »: loại chim phi thường ; « Sô 縐 »: lụa, nhiễu. [trang 212, tập 2].
– Có chữ « Su »: tên cây, cái cọc. [trang 220, tập 2].
– Có chữ « Thê »: gái có chồng, vợ ; có thêm vài chữ « Thê » như « Thê 悽 »: buồn rầu ; « Thê 凄 »: lạnh lẽo ; … [trang 272, tập 2].
6- Tự Điển Annamite-Chinois-Français của Gustave Hue. NXB Imprimerie Trung Hoà, 1937 (trước 1975 đến 39 năm).
Trong cuốn Tự Điển nầy CÓ BA CHỮ « BÁNH SÔ-SÊ »: gâteau [trang 843], nhưng không có ba chữ « Bánh Phu-Thê ».
Vậy trong các Tự Điển xưa (Taberd 1877 và Gustave Hue 1937) ta thấy có ba chữ « Bánh Sô-Sê », NHƯNG không có ba chữ « Bánh Phu-Thê ».
Có lẽ hai chữ « SÔ-SÊ » được người Huế xưa (trước năm 1975) sửa lại thành « SU-SÊ » cho dễ nghe.
III – Các Tự/Từ Điển ngày nay (sau năm 1975).
1) Từ Điển Chữ Nôm Trích Dẫn – TĐCNTD. NXB Viện Việt Học. USA 2009. [Hiện nay, 2018, tôi có cuốn nầy].
Tôi có nhờ anh bạn, ở Garden Grove, California, Mỹ, đến thư viện giúp tôi tra hai chữ « Sê ; Su » trong cuốn Từ Điển Chữ Nôm Trích Dẫn – TĐCNTD (Viện Việt Học), hầu mong tìm được hai chữ « Su Sê » và hai chữ nầy là do hai chữ « Phu Thê » mà ra, cùng những câu trích dẫn những chữ nầy trong các tác phẩm văn học sử, nhưng rủi thay, anh đã cho biết « Đã xem kỹ các trang trong, không tìm thấy hai chữ “su, sê” tách rời hay liền chữ kép “su sê” hay bánh su sê, bánh phu thê, mà chỉ có hai chữ phu , thê ».
[Phụ thêm (2018)]:
– Có chữ « Phu 夫 » [trang 1010].
– Không có chữ « Sê ».
– Có chữ « Sô 縐, 蒭» [trang 1126].
-Có chữ « Thê 妻, 凄, 淒 » [trang1271].
2) Đại Tự Điển Chữ Nôm, của Trương Đình Tín, Lê Quý Ngưu – ĐTĐCNTĐTLQN – Nhà Xuất Bản Thuận Hóa. Công ty Văn Hóa Hương Trang. Huế. 2007.
Cựu Nghiên Cứu viên chữ Nôm, tại Đại Học Sorbonne, Paris.
Tôi cũng có nhờ một chuyên gia về chữ Nôm, làm việc tại ĐH Sorbonne, Pháp, tìm giúp trong các Từ/Tự Điển chữ Nôm bốn chữ « Sê ; Su ; Phu ; Thê », thì ông ta cho biết « Bánh su sê phải có từ lâu đời thì may ra mới có trong sách cổ (dù là văn chương hay từ điển). Tui có thử tìm thì không thấy từ điển cổ đề cập tới loại bánh này ».
Hay « Tự Điển của Trương Đình Tín và Lê Quý Ngưu gồm 2 tập: tập 1 sắp xếp theo ABC (2643 tr.); tập 2 theo bộ thủ và số nét (2756 tr.). [Đại Tự Điển Chữ Nôm, của Trương Đình Tín, Lê Quý Ngưu – ĐTĐCNTĐTLQN (Nhà Xuất Bản Thuận Hóa. Công ty Văn Hóa Hương Trang. Huế. 2007)].
Về “Su sê” thì:
* tập1: “phu thê” hoặc “su sê”
– không có ở mục từ “phu” (tr 1683), “su” (tr. 1924-1925), “thê” (tr. 2118).
– có ở mục từ “sê” (tr. 1888)
* tập2: “phu thê” hoặc “su sê”
– không có ở mục từ “夫 phu” (tr 541-542).
– có ở mục từ “妻 thê-sê” (tr. 559)
Định nghĩa ở tập 1 và tập 2 (sê/妻) giống y nhau.
Gửi Bác ảnh chụp trang 559 của tập 2.
Ngoài ra đó là giải thích không có dẫn xuất xứ cho hai chữ “夫 妻 ” đọc “su sê”. Tất cả cũng là do hai tác giả kết luận mà thôi.
Hy vọng Bác có thể tham khảo được. ».
Sau đây là trang 559 của cuốn Đại Tự Điển Chữ Nôm, của Trương Đình Tín, Lê Quý Ngưu –mà ông ta đã cho:
- a) SÊ妻
N: Đọc trại âm « thê » (phương ngữ Huế), chỉ dùng trong cụm từ 夫妻 Su sê = phu thê,
?夫妻 Bánh su sê: tên một loại bánh thông dụng ở Thừa Thiên Huế, bên ngoài có khuôn bằng lá dừa bẻ vuông đậy úp lên nhau, bên trong là bột lọc trộn lẫn dừa và đường rồi cháo lên, nhụy làm bằng nhân đậu xanh xay nhuyễn. Bánh dùng trong việc cúng, kỵ, cưới hỏi.
- b) TÊ
N: Kia, ấy. …
- c) THÊ
H: Vợ cả, vợ chính. …
?
Rõ ràng trong ba chữ ?夫妻 của cuốn Tự Điển trên, có một chữ Nôm, gồm chữ Thực 食 và chữ Bính 丙 ghép lại được đợc là Bánh, với hai chữ Hán Phu夫 Thê 妻 cả ba chữ được đọc là Bánh Su Sê. Còn nói « đọc trại âm “thê” », thì phải đọc trại « âm “phu” », cớ sao trong từ « Phu » lại không nói đến âm « Su » ? Vậy ba chữ ?夫妻 có hai cách đọc Bánh Phu Thê hay Bánh Su Sê (theo các tác giả là phương ngữ Huế).
Vậy hai tác giả trên đã bị chi phối bởi những bài mà ta đã thấy trên các trang mạng, hay bởi cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị (tác giả Lê Ngọc Trụ), và ông chuyên gia chữ Nôm ở Paris, đã góp ý: « Ngoài ra đó là giải thích không có dẫn xuất xứ cho hai chữ “夫妻” đọc “su sê”. Tất cả cũng là do hai tác giả kết luận mà thôi ».
Ông cũng có nhã ý cho tôi một khâu trên mạng chữ Hán, khi gõ ba chữ « 夫妻餅 » (phu thê bính) vào khung Google, thì được trang « wretch/blog/clairehsiao », và có « 夫妻餅. 這是越南有名夫妻餅 » (Banh Phu The) (Đọc âm: Phu Thê bính. Giá thị Việt Nam hữu danh Phu Thê bính. Dịch: Bánh Phu Thê. Đây là bánh Phu Thê có tiếng của Việt Nam) (sau hàng chữ Hán có chua thêm trong vòng ngoặc đơn ba chữ « Banh Phu The » bằng chữ Việt không dấu). Ở dưới câu có hình chiếc bánh Su-Sê với cái nắp hình ngũ giác. Dưới đó nữa là mấy hàng chữ Hán nói đến nguyên liệu của bánh…
Ông ta cũng kết luận: « Tuy thế không có thông tin gì cụ thể cho thấy dịch hay tiếng Hán của “su sê” là “phu thê” ».
Như thế trang mạng nầy cũng bị chi phối bởi những bài bằng tiếng Việt tìm thấy trên Internet, như đã trình trên, hay do những người Việt đã cho rằng hai chữ « Su-Sê » là do hai chữ « Phu-Thê », rồi mách cho.
3) Đại Từ Điển Tiếng Việt – ĐTĐTV. Hànội 1999.
Tôi tìm trong Đại Từ Điển Tiếng Việt – ĐTĐTV. Chủ biên: Nguyễn Như Ý. (Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin. Hànội, 1999), thì thấy:
Trang 104,
bánh phu thê dt Bánh đặc sản của người Huế, cắt thành miếng, màu trắng trong, ba lớp, giữa màu vàng, mềm dẻo, béo, ngọt, mát, làm bằng bột sắn lọc bỏ khuôn hấp chín.
Trang 1464,
dt su sê Bánh làm bằng bột nếp lọc, trong và quánh, màu hổ phách, có nhân bên trong.
Cuốn Từ Điển nầy cho cả hai loại bánh: « Bánh Phu-Thê » và « Bánh Su-Sê ».
4) Từ Điển Việt Pháp – TĐVP của Lê Khả Kế.
Trong Từ Điển Việt Pháp – TĐVP – của Lê Khả Kế, Nguyễn Lân. (Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001), cho:
phu thê (cũ) entre mari et femme; conjugal. (giữa vợ chồng với nhau ; thuộc về chuyện vợ chồng). [Trang 783].
su sê gâteau de pâte de riz couleur d’ambre. (bánh bột gạo có màu hổ phách). [Trang 870].
Có hai chữ « Su-Sê » (bánh), NHƯNG không có ba chữ « bánh phu thê » trong cuốn Từ Điển nầy.
5) Tự Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính.
Trong Đại Tự Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính – ĐTĐCNVVK. (Nhà Xuất Bản Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm nghiên cứu Quốc Học, 1999), cho:
- a) BÁNH 掽 ÂHV (âm hán việt) 掽. Có tất cả 14 chữ, và với chú thích ở một bên như sau:
« Vó câu khấp khểnh BÁNH xe gập ghềng (KVK) (Kim Vân Kiều), BÁNH đa, BÁNH lái, BÁNH kẹo, BÁNH mứt, BÁNH dẻo, BÁNH chưng, BÁNH lá, BÁNH hỏi, BÁNH ít, BÁNH ngọt, BÁNH xe, BÁNH không nhân, cho ăn BÁNH vẽ, BÁNH tầy, BÁNH dầy, BÁNH phồng ».
Ở từ Bánh nầy, có tất cả 14 chữ Nôm dưới dạng Hài Thanh (HT), như:
軿 HT Xa 車 + Tinh 并 ; ? HT Phiến 片 + Bính 丙 ; ? HT Mễ 米 + Bính 丙 ; ? HT Xa車 + Bính丙… [Trang 60, 61].
Không có ba chữ « bánh Su Sê » cùng ba chữ « bánh Phu Thê » trong mục từ « BÁNH » nầy.
- b) PHU夫 伕 ÂHV 孚 玞 枹 砆 衭 趺 鈇 孵 麩 敷 膚 鄜. Và ghi chú:
Hảy xin báo đáp ân tình cho PHU (KVK), Ai chẳng khen là đức PHU nhân (GHC) (Gia Huấn Ca), Cong PHU, Đi PHU, Mướn PHU xây nhà.
拊GT (giả tá) ÂHV Phụ 跗. [Trang 1082].
Không có ba chữ « bánh Su Sê » cùng ba chữ « bánh Phu Thê » trong mục từ « PHU » nầy.
- c) THÊ (Chữ Nữ女trong bộ Hô虍) ÂHV 妻 梯 悽 棲. Và ghi chú:
Buổi tiễn đưa lòng bịn THÊ noa (CPN) (Chinh Phụ Ngâm), THÊ lương, THÊ thảm, Phu THÊ, Lê THÊ. [Trang 1349).
Không có ba chữ « bánh Su Sê » cùng ba chữ « bánh Phu Thê » trong mục từ « THÊ » nầy.
- d) SÊ (Không viết được chữ Si nầy), 棲 GT ÂHV Si, Thê. Và cho ghi chú:
Bánh Su SÊ, Nước SÊ Si Ri A, Thành SÊ Sa Ri A, SÊ Nô Ca, Phi li SÊ (M.) (Majorica).
捿 HT Thủ 扌 + Thê 妻
槎 GT ÂHV Tra (Mộc + Sai)
足車 HT Túc 足 + Xa 車 (máy của tôi không viết chữ Nôm nầy được, đành phải viết thành hai chữ).
木師 HT Mộc 木 + Sư 師 (máy của tôi không viết chữ Nôm nầy được, đành phải viết thành hai chữ). [Trang 1215].
CÓ BA CHỮ « BÁNH SU-SÊ » trong mục từ « SÊ » nầy.
- e) SÔ ÂHV芻
蒭 HT (Thảo + Sô)
縐 GT Âm Trứu (Mịch + Sô)
…. [Trang 1228-1229].
Không có ba chữ « Bánh Sô-Sê » trong mục từ « SÔ » nầy.
- f) SU 秋 收 GT ÂHV Thu
Củ SU hào, Cây SU, Cao SU, Bánh SU SÊ, Đất SU Du Ma, Đức Chúa Giê SU sinh thì trên cây Thánh giá.
樞 趨 GT ÂHV Xu
蒭 HT Thảo 艹 + Sô 芻
丷秋 HT P.hiệu 丷 + Thu 秋 (máy của tôi không viết chữ Nôm nầy được, đành phải viết thành hai chữ).
㮲 HT Mộc 木 + Sô 芻
芻 GT Sô (viết đơn) (máy của tôi không viết chữ Nôm nầy được, chữ nầy gồm một nửa chữ Sô ở trên, ở dưới là dấu nháy). [Trang 1237].
CÓ BA CHỮ « BÁNH SU-SÊ » trong mục từ « SU » nầy.
Trong cuốn Tự Điển nầy CÓ BA CHỮ « BÁNH SU-SÊ », NHƯNG không có ba chữ « Bánh Phu-Thê ».
Vậy hai Từ Điển ĐTĐTV và TĐVP có cho ba chữ « bánh Su-Sê », và Tự Điển ĐTĐCNVVK cũng cho ba chữ « bánh Su-Sê » ở các từ « Sê », « Su » và còn cho cả chữ Nôm của hai chữ « Su ; Sê », cùng cho dẫn chứng (tuy không cho tác phẩm văn học sử nào) ở các trang 1212 và 1237. Ta thấy đàng hoàng ba chữ Nôm « bánh ? », « Su 㮲 », « Sê 捿 ».
Cũng nên nhớ ba tác giả Nguyễn Như Ý (cùng với ban Biên Tập là Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành), Lê Khả Kế (cùng với Nguyễn Lân) và Vũ Văn Kính là ba nhà uyên bác đã làm Từ Điển lâu năm, và đã có tiếng tăm trong giới văn học, trước năm 1975.
Điều nầy cho ta thấy: Ca Dao, Tục Ngữ, Phong Tục, Lễ Nghi xưa trong dân gian, không đề cập đến loại « bánh Phu-Thê » trong các lễ cưới hỏi ; các Từ/Tự Điển chữ Nôm xưa, có đề cập đến ba chữ « bánh Sô/Su-Sê », còn các Từ/Tự Điển chữ Nôm mới đây, hoặc không đề cập đến ba chữ « bánh Phu-Thê », hay nếu có như ĐTĐCNTĐTLQN mà không cho dẫn chứng (bị chi phối bởi các bài trên các trang mạng Internet hay bởi cuốn Việt Ngữ Chánh Tà Tự Vị ?, xem Phần 2).
Vậy rõ ràng trong dân gian, ba chữ « BÁNH SU-SÊ » CÓ TRƯỚC BA CHỮ « bánh phu-thê » và như thế « Bánh Su-Sê » KHÔNG DO BA CHỮ « bánh phu-thê » mà ra, như một số người ngày nay đã khẳng định và cho là « đọc trại âm ».
Rất có thể là ở miền Bắc có loại « bánh Phu Thê », nghe đâu ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh, nhưng hai loại bánh không giống nhau và hai tên cũng không giống nhau và cũng chỉ có tiếng trong vùng, chứ không cả nước. Hai chữ « Phu Thê » là hai chữ Hán, còn hai chữ « Su Sê » là hai chữ Việt (tên Việt), không dính dáng gì với chữ Hán, như GS. Lê Ngọc Trụ khẳng định ! Những sự lầm lẫn trên rất có thể bị cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của GS. Lê Ngọc Trụ chi phối !
Cũng vì, trước khi cho đăng phần 1, có người đã đề cập tới cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của nhà Ngữ Học nổi tiếng Lê Ngọc Trụ, nên tôi đã viết thêm phần 2.
Phần 2: Cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị.
Nguyễn Vĩnh-Tráng.
Mùa Hè năm Con Mèo.
309 082 011 nvt*ttl*
Mùa Lập Đông năm Con Chó.
306 112 018 nvt*ttl*
Từ khóa ẩm thực Việt Nam bánh su sê