Bốn kiểu người cần sửa đổi để bảo tồn vận thế gia đình
- An Hòa
- •
Cổ ngữ có câu: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích ác chi gia tất hữu dư ương”, đó không chỉ là câu nói khuyên răn mà còn giảng ra vận thế của một gia đình. Tích thiện, tích ác ở đây không chỉ là hành vi mà còn là những thói quen tốt và xấu trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như trong gia đình có bốn kiểu người dưới đây thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến vận thế của gia đình, cần nghiêm khắc sửa đổi.
Người phụ nữ không nhu hòa
Người xưa giảng: “Nữ nhân bất nhu, bả tài cản tẩu”, nữ nhân không nhu hòa thì tiền tài đi mất. Câu này nghĩa là trong một gia đình nếu như muốn thịnh vượng, phát đạt thì người phụ nữ cần phải biết nhu hòa, vun vén.
“Nữ nhân bất nhu”, nghĩa là người phụ nữ tính tình mạnh mẽ quyết liệt, hung hãn, khí thế đè ép người khác, ngoan cố quá khích. Người phụ nữ không nhu hòa, không chia sẻ nỗi lo lắng với người đàn ông, không làm gia đình ổn định vững chắc thì sẽ làm hao tổn tinh lực của người chồng, đương nhiên cũng xua đuổi đi tài vận của gia đình.
Trong văn hóa truyền thống, quan hệ vợ chồng còn là quan hệ âm dương. Người phụ nữ mang tính âm, ôn nhu, thùy mị, ẩn mình, thận trọng, kín đáo. Đức tính này được ví như đặc tính của nước, nước chảy chỗ trũng, làm lợi và nuôi dưỡng vạn vật mà không đòi hỏi. Bởi thế, một người phụ nữ có thể ôn nhu, hòa ái, ẩn mình hay không sẽ quyết định sự hưng vượng của gia đình.
Người đàn ông trầm mê
Có câu: “Nam nhân vô chí, gia đạo bất hưng”. Một gia đình nếu như muốn thịnh vượng, phát đạt thì điều quan trọng hàng đầu là người đàn ông trong nhà phải là người có chí hướng rộng lớn, có khả năng gánh vác và dốc sức vì gia đình. Còn nếu người đàn ông trong gia đình chỉ để ý đến những điều nhỏ mọn hay suốt ngày ham chơi thì sẽ mê muội mất cả ý chí, làm cho gia cảnh suy tàn.
Người xưa coi “tửu, sắc, tài, khí” là “tứ đổ tường”, bốn bức tường lớn. Hễ một người vướng mắc vào rượu, sắc đẹp, tài vật hay các loại tâm tình vọng niệm thì giống như là đi vào bốn bức tường không lối thoát, cuộc đời sẽ gặp chướng ngại lớn, thậm chí là chịu chết ở trong đó, uổng phí một kiếp nhân sinh.
Xưa nay, ăn chơi, sắc đẹp luôn là cám dỗ lớn mà một người đàn ông có thể gặp phải trong cuộc sống. Nhưng khi đã thành gia lập thất thì với trách nhiệm là một người trụ cột trong gia đình, người đàn ông phải tận sức tránh được những điều này. Bởi vì một người khi dính mắc vào chúng thì không chỉ đánh mất đi những người thân yêu mà còn đánh mất đi nhân cách của mình.
Con cái không biết hiếu kính
Có câu cách ngôn: “Đường bại xuất nê thu, gia bại xuất mao hầu”, ý nói nếu như trong ao mà xuất hiện cá chạch sinh sống thì ao đó không nuôi cá được nữa, còn trong một gia đình mà có đứa trẻ có tính khí không ổn định, dễ dàng nổi loạn, ngỗ ngược không nghe lời giống như khỉ thì gia đình ấy sẽ suy bại. Người con hư này sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến những người con khác mà còn làm ảnh hưởng đến cả gia đình.
Trong văn hóa truyền thống, lòng hiếu thảo là một phần quan trọng trong tư cách đạo đức của một người. “Lão ngô lão cập nhân chi lão, ấu ngô ấu cập nhân chi ấu”, tức là hiếu thuận với cha mẹ mình rồi mở rộng ra hiếu thuận với cha mẹ mọi người, yêu thương con mình sau đó mở rộng ra yêu thương con mọi người. Như thế mới có thể làm được việc đối xử tốt với tất cả mọi người. “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong xã hội người thường, sự thiện lương của con người bắt đầu từ việc hiếu kính cha mẹ. Nếu một người không thể đối xử tốt với cha mẹ mình, thì người đó nhất định sẽ trở nên xấu xa.
Người già không thể làm gương
“Đức” là yếu tố căn bản đảm bảo cho sự sinh tồn và hòa thuận của gia đình. Bởi vậy thời xưa người già thường giảng “thất đức”, “khuyết đức”, “tổn đức”. Người già trong gia đình được ví là sao Thiên Đức, lấy đức làm gốc. Nhưng nếu người già trong gia đình mà có những cách nghĩ, cách làm trái ngược với luân thường đạo lý, không làm tốt bổn phận của người già trong nhà, không giáo dục tốt con cái thì như vậy sẽ không thể có được sự kính trọng của người trẻ. Từ đó dẫn đến gia đình đảo lộn trật tự và không thể hòa hợp trên dưới.
Xã hội ngày nay, con người thường đặt lợi ích của mình lên đầu mà xem nhẹ việc tu dưỡng bản thân, và không ít người già cũng như vậy. Không ít người khuyến khích con cháu tranh danh đoạt lợi, cho rằng con cái phải đạt được địa vị trong xã hội mới là báo hiếu cha mẹ mà quên mất việc khuyên bảo con cái tu dưỡng đạo đức của bản thân. Những hành vi đi ngược lại với đạo lý ấy sẽ mang đến cho gia đình những phiền toái và làm ảnh hưởng đến danh dự, vận thế của gia đình.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Ngưu Lan Khắc
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tình cảm gia đình gia đình truyền thống