Bốn loại khí khái của người đàn ông gánh vác việc lớn
- An Hòa
- •
Từ xưa đến nay, trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình và xã hội là vô cùng to lớn. Để có thể đảm đương được trách nhiệm ấy, người đàn ông không nhất thiết phải có bằng cấp cao nhưng nhất định phải có cốt khí, khí khái, không dễ dàng chịu khuất phục.
Hòa khí
Xử sự khiêm tốn, không tranh giành sinh ra hòa khí. Học giả Hồng Ứng Minh triều nhà Minh từng nói: “Người tâm bình khí hòa thì trăm phúc tự đến”. Người có thể xử sự bình hòa, làm người có hòa khí, không vì những tranh luận vô nghĩa mà đánh mất thời gian, ít nóng giận vô cớ sẽ có nhiều nhân duyên và mối quan hệ tốt, mọi chuyện tự nhiên cũng thuận lợi và thường dễ thành công.
Mạnh Tử từng nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Có thể thấy người xưa vô cùng coi trọng hòa khí.
Hòa khí là sự bao dung, là tinh thần hợp tác, là ý thức tập thể. Hòa khí vừa là một loại hình thái bên ngoài, càng là một loại tu dưỡng bên trong. Một người có hòa khí mới có thể chung sống hài hòa với người khác, hợp tác tốt với cộng sự, từ đó mà sự nghiệp thành công.
Người có hòa khí là người độ lượng rộng rãi, hậu đức tải vật, co được dãn được. Người hòa khí nhiệt tình mà không giả bộ, trung thành mà không giả tạo. Họ thi ân xuất phát từ lòng chân thành, không phải lợi dụng người khác để mua danh chuộc tiếng. Nhìn thấu người khác mà không vạch trần, luôn để cho người một đường lui. Người như vậy vừa được lòng người, lại sống không tranh với đời, ung dung tự tại mà bình an.
Chí khí
Gặp khó khăn ra sức gánh vác, nhẫn nhục, chịu khổ có thể nuôi dưỡng chí khí. Cổ nhân nói: “Nhân vô chí bất lập”, ý nói người mà không có ý chí, chí hướng thì không thể đứng được ở đời. Khổng Tử giảng: “Ba quân có thể bị mất đi chủ soái, nhưng ngay kẻ thất phu cũng không thể làm mất đi ý chí của mình.”
Mỗi người có một mục tiêu nhưng để đạt được mục tiêu ấy thì cần phải có ý chí. Người mà chí không mạnh thì trí tuệ sẽ không đạt. Hết thảy sự thành hay bại của sự nghiệp đều được quyết định bởi điều này.
Cổ ngữ có câu: “Nhân cùng chí không cùng”, ở thời điểm khó khăn hay thời điểm gặp phải bị bức ép, người có chí khí sẽ thủ vững được chí hướng, tiếp tục kiên trì với mục tiêu của mình. Người có thể nhẫn nhục gánh trọng trách của mình thì cuối cùng cũng sẽ có thành tựu.
Tư Mã Thiên xưa kia vì bênh vực cho một võ tướng mà bị thiến, bị cầm tù. Sau khi ra tù ông luôn cảm thấy nhục nhã vì hình phạt bất công, nhưng vẫn nhẫn nhục để hoàn thành trọn bộ Sử ký. Sử ký sau này trở thành một trước tác lịch sử đồ sộ nổi tiếng trên thế giới.
Đại khí
Đại khí là phong thái, khí chất, khí độ của một người, là một dạng biểu hiện bên ngoài của thế giới nội tâm, là sức mạnh vô hình toát ra từ các tố chất của một con người.
Một người đàn ông đại khí phải có tầm nhìn xa trông rộng, hạo nhiên khí khái, cương trực ngay thẳng. Một người đàn ông có thể không thông minh, không giỏi giao tế nhưng nhất định phải có đại khí. Nếu gặp phải một chút suy sụp liền không thể đứng dậy được, nếu nghe được một vài câu nói bất lợi liền không buông được, nếu động một chút liền oán trời trách đất, oán hận người khác thì đó là người khuyết thiếu đại khí. Cổ nhân cho rằng, làm người có bao nhiêu đại khí thì có bấy nhiêu thành công.
Lâm Tắc Từ, vị quan nhà Thanh từng nói: “Biển lớn dung nạp trăm nghìn sông, bởi tấm lòng bao dung mới có thể trở nên vĩ đại, vách núi nghìn trượng sừng sững, vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực”. Đại khí không phải sinh ra đã có mà trải qua quá trình tu dưỡng trong cuộc sống hàng ngày mà có được, nó là một loại hạo nhiên chính khí vô cùng mạnh mẽ.
Nhà văn triều Thanh, Phùng Mộng Long viết: “Có thể bao dung được tiểu nhân mới thành người quân tử”. Đại khí sẽ khiến cho một người có thể vững vàng chín chắn, thoải mái tự nhiên ở phương diện đối nhân xử thế. Một người đại khí đã hiểu rõ thế sự, hiểu thấu nhân tình, biết tiến thoái hợp thời, hiểu lòng người. Cho dù gặp nỗi buồn vô hạn, họ cũng vẫn nở một nụ cười, không gì có thể dễ dàng làm cản trở hay ảnh hưởng đến “khí” trong lòng họ.
Dũng khí
Dũng khí quyết định sự kiên quyết và phong cách làm việc của một người. Người có dũng khí đủ thì làm việc mạnh mẽ vang dội, quyết đoán, có sức mạnh, làm người dũng cảm hướng về phía trước. Trái lại, người thiếu dũng khí sẽ luôn sợ hãi rụt rè, do dự thiếu quyết đoán, lâu dần khiến người khác khó tin tưởng. Vì vậy, làm người hay làm việc đều cần phải có dũng khí.
Dũng khí của một người đàn ông xuất phát ra từ việc kiềm chế được bản thân. Bởi vì ngay cả bản thân mình không quản được thì không thể nói đến việc quản người khác. Dũng khí không phải ngạo khí ngông cuồng, tự đại mà là chính khí của tấm lòng vô tư thản đãng.
Dũng khí cũng không phải là không biết người, không biết sợ mà là trong lòng đã có định liệu trước rồi. Một người có lý luận thâm sâu được rèn luyện hàng ngày, có tri thức phong phú, có khả năng suy nghĩ thành thục, “phú quý mà không phóng túng, nghèo hèn mà không thay đổi, uy vũ mà không chịu khuất phục” thì là có dũng khí. Dũng khí này đến từ học thức thực sự, bãn lĩnh thực sự, thể hiện ra ở hành động không phải chỉ ở lời nói.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nhân họa dũng khí đàn ông tu dưỡng Tư Mã Thiên Mạnh Tử chí khí