Bùi Cầm Hổ: Vị quan Ngự sử sáng suốt qua 3 đời vua Lê
- Trần Hưng
- •
Nằm dưới chân núi Bạch Tỵ (thuộc dãy núi Hồng Lĩnh) là đền thờ Bùi Cầm Hổ, vị quan Ngự sử nổi tiếng của 3 triều Vua đầu nhà Lê, được phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần.
Họ Bùi ở chân núi Bạch Tỵ
Vào cuối thời nhà Trần, họ Bùi ở xã Cổ Phí, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn (nay thuộc tỉnh Hải Dương) có người làm Giám vận phụ trách vận chuyển quân lương cho vua Trần khi tiến quân xuống phía nam.
Khi đoàn thuyền lương đến bến Lang Cảnh (bến đò Cài), cụ họ Bùi đã kết hôn với một phụ nữ người làng Kẻ Cài, xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc (Hà Tĩnh) rồi sinh được 10 người con trai, trong đó có Bùi Tôn Đường.
Bùi Tôn Đường lập gia đình và sinh sống ở chân núi Bạch Tỵ, xã Độ Liêu (nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Vợ ông thụ thai, đến ngày sinh thì có tiếng hổ gầm quanh nhà cùng mùi thơm lạ.
Bùi Tôn Đường liền đến chùa gần đó hỏi nhà sư có điềm gì, nhà sư đáp rằng đó là điềm lành. Ông Tôn Đường mừng rõ đặt tên con là Bùi Cầm Hổ nghĩa là họ Bùi bắt được hổ.
Theo tư liệu của dòng họ, Cầm Hổ hay ăn chóng lớn thành cậu bé nhanh nhẹn lại sáng dạ. Hai vợ chồng Tôn Đường đặt nhiều kỳ vọng vào con trai, nên khi nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi được quân Minh liền cho con ra Kinh thành ăn học. Đến Kinh thành, Bùi Cầm Hổ chăm chỉ học hành, sau một thời gian ngắn đã có bạn học thân thiết.
Phá vụ án nổi tiếng ở Kinh thành
Một hôm Bùi Cầm Hồ cùng chúng bạn đi ngang qua dinh quan Ngự sử thì nghe mọi người xôn xao bàn luận về vụ vợ giết chồng. Người vợ thấy chồng đi xa lâu ngày mới về liền nấu món cháo lươn cho chồng, người chồng ăn xong thì lăn ra chết. Nhà chồng nghi ngờ khi chồng đi vắng cô ta ngoại tình, nên chồng về thì tìm cách sát hại. Họ bèn kiện lên quan.
Người vợ bị bắt giam. Các quan điều tra nghe nói người vợ rất thương chồng, nhưng không cách nào tìm được chứng cứ giúp người vợ vô tội. Trong khi nhà chồng thì một mực đòi xử.
Bùi Cầm Hổ vốn ở Hà Tĩnh nên am hiểu về loại lươn này, nên ở trước cửa quan Ngự sử khi nghe kể tình tiết vụ án đã tự tin xin giúp phá án. Các quan đang bế tắc, nghe được câu này thì mời Bùi Cầm Hổ giúp.
Bùi Cầm Hổ cho người ra chợ mua lươn, cả loại lươn vàng lẫn đen, cổ có chấm lốm đốm, hay ngóc đầu lên ba đến bốn tấc. Rồi nấu cháo lươn cho chó ăn, chó sùi bọt mép mà chết.
Lúc này Bùi Cầm Hổ mới giải thích rằng có một loài rắn là Hoàng Xà rất giống với lươn, người vợ mua lươn nhưng do lẫn cả loại rắn Hoàng Xà này vào khiến người chồng bị trúng độc. Lập tức các quan tha cho người vợ bị oan.
Vụ án vợ giết chồng này khi đó nổi tiếng khắp Kinh thành, và tất nhiên người phá được án này cũng trở nên nổi tiếng.
Quan Ngự sử
Lúc này vua Lê Thái Tổ mới đánh đuổi quân Minh và lên ngôi, rất cần người tài giúp nước, nghe tin có học trò ở Kinh thành có tài phá án thì trọng dụng, phong cho Bùi Cầm Hổ làm Ngự sử. Bùi Cầm Hổ trở thành người hiếm hoi chưa thi cử nhưng đã được bổ nhiệm làm quan.
Bùi Cầm Hổ làm quan thể hiện được sự tài trí, xét việc thấu đáo. Đến thời vua Lê Thái Tông thì ông làm Ngự sử Trung thừa. Đến thời vua Lê Nhân Tông thì ông kiêm thêm Đồng tri Tây đạo, rồi thăng Tham tri chính sự.
Vua Lê Thái Tổ tin tưởng cử Bùi Cầm Hổ dạy học cho con của mình là Lê Thái Tông. Con gái của Bùi Cầm Hổ sau này là vợ vua Thái Tông gọi là Bùi Quý Phi.
Không sợ cường quyền
Vua Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi thì nhiều công thần bi oan. Vua tin Lê Sát nên phong cho làm Nhập nội Kiểm hiệu Tư khấu Bình chương quân quốc trọng sự, tức Tể tướng đầu triều. Tuy Lê Sát là quan võ lập nhiều công, nhưng lại ít học, xử oan cho nhiều quan, lại bao che cho thân cận dẫn đến phe phái mâu thuẫn trong Triều.
Một số người như Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư từng vu cáo các quan như Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn. Vua Lê Thái Tổ sau này mới nhận ra nên cách chức nhóm người này, di ngôn không bao giờ cho những người này được dự triều chính.
Khi vua Thái Tổ mất, vua Lê Thái Tông lên ngôi nhưng còn nhỏ tuổi, Lê Sát nắm quyền, muốn phục chức cho nhóm người này. Nhiều người không dám lên tiếng vì sợ Lê Sát, nhưng Bùi Cầm Hổ và Nguyễn Thiên Tích không sợ cường quyền, nhắc Vua nên theo di huấn của Vua cha. Vua nghe theo không phục chức cho những người này. Việc này khiến Lê Sát rất tức tối, vì thế điều Bùi Cầm Hổ đi làm An phủ sứ Lạng Sơn.
Sau này vua Lê Thái Tông lớn lên, nhận thấy sự chuyên quyền của Lê Sát, liền cùng các quan kiềm chế Lê Sát, sau đó thì cách chức để cho Lê Ngân lên thay. Nhà Vua xuống chiếu nói rõ việc này:
“Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen người tài, giết Nhân Chú để tự ra oai của mình, truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức của Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng. Xem những việc làm ấy đều không phải là đạo làm tôi. Nay muốn khép vào luật hình để tỏ rõ phép nước, song vì là đại thần cố mệnh, có công với nhà nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước.”
Sau đó Vua phục chức cho các vụ trung thần bị Lê Sát hãm hại, đồng thời cho gọi Bùi Cầm Hổ về lại Triều làm Ngự sử Trung thừa.
Làm quan sáng suốt, lập nhiều công lao
Sau khi vua Lê Thái Tông bãi chức Lê Sát, trong Triều vẫn còn có những người nghi kỵ lẫn nhau, muốn Bùi Cầm Hổ nói giúp để chống nhau, nhưng ông đều nhìn rõ và làm tốt việc can gián Vua của một Ngự sử Trung thừa.
Bùi Cầm Hổ góp công trong việc bang giao với nhà Minh. Khi được cử làm Phó sứ sang nhà Minh ông đã nêu việc thổ quan châu Tư Lãng phủ Thái Bình đã vượt biên lấn chiếm đất Đại Việt, nhờ đó giải quyết được việc an ninh nơi biên giới.
Năm 1459, Bùi Cầm Hổ đã 70 tuổi và xin được nghỉ hưu về quê nhà ở xã Độ Liêu. Chứng kiến cảnh đồng ruộng khô cháy bởi hạn hán, ông cho dân làng đắp một bờ đá chắn dòng Thác Bạc, lại đào khe sâu dẫn nước về ruộng dọc suốt cánh đồng. Nhờ đó quanh vùng ruộng lúa tươi tốt, dân làng lại khai khẩn thêm đất hoang. Dân chúng nơi đây trúng mùa liên tiếp, cuộc sống ấm no.
Bùi Cầm Hổ mất thọ 93 tuổi, dân chúng lập đền thờ ông ở dưới chân núi Bạch Tỵ gọi là đền Quan Đô Đài. Triều đình phong cho ông là Thượng Đẳng Phúc Thần.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhà Lê lịch sử Việt Nam Danh nhân lịch sử