Các loại giấy cổ truyền ở Việt Nam
- Hoàng Hồng Cẩm
- •
Tạm dùng thuật ngữ giấy cổ truyền để chỉ vào các thứ giấy do người thợ thủ công Việt Nam sản xuất khi chưa tiếp xúc với kỹ thuật Phương tây. Chúng tôi sẽ không nói tới các loại giấy mới được sản xuất ở Đáp Cầu, Lam Sơn, Đức Thọ trước và sau 1945 và các loại giấy Tân Mai, Vĩnh Trụ, Bãi Bằng ngày nay. Chúng tôi chỉ nói đến những loại giấy được sử dụng khi việc học theo Nho học còn thịnh hành.
Có thể kể:
- Giấy Bản: dùng in sách và viết (loại giấy cơ bản, dùng phần vỏ trắng của vỏ cây).
- Giấy Moi, giấy Phèn: loại này mặt thô ráp (do nguyên liệu xấu hơn, phần vỏ ngoài của vỏ cây, dùng để gói hàng).
- Giấy Xuề: loại dùng nguyên liệu bằng những “đầu mặt” (còn gọi là Xề, Xề là những mắt vỏ cây).
- Giấy Thô: dùng phất quạt.
- Giấy Quỳ: dùng để dát vàng quỳ (loại này chỉ sản xuất được ít vì nguyên liệu hiếm: đó là những cây niết mọc tự nhiên, còn gọi là cây dó chuột, loại cây mọc ở vùng đồi núi tốt hơn ở bờ biển).
- Giấy Lệnh: loại này khổ rộng, đẹp dùng để viết lệnh chỉ.
- Giấy Nghè: loại giấy quý, trên nền có nổi lên lờ mờ hình rồng phun mây. Giấy này được giành riêng để viết sắc phong cho các quan lại và thần linh (“Nghè” ở đây chỉ thao tác cuối cùng để hoàn thiện mặt hàng – khi giấy đã làm xong, lên màu còn phải dùng vồ đập vào giấy trải trên mặt đá. “Nghè” là một từ chuyên môn, vì vậy làng Nghĩa Đô có tên Nôm là làng Nghè).
- Giấy Nhũ tương: loại này lại có thấy óng ánh những hạt màu vàng, màu bạc, thường dùng để ghi các câu đối hay có lúc giấy Nhũ tương là hàng xuất khẩu.
- Giấy Mật hương: làm bằng gỗ trầm: mặt giấy màu trắng, có vân như vẩy cá, mùi rất thơm, bỏ xuống nước không nát.
- Giấy Trắc lý: làm bằng rong rêu lấy ở dưới biển.
- Giấy Điệp: làm bằng vỏ cây dâu để in tranh khắc gỗ dân gian.
Tất nhiên không phải cùng một lúc chúng ta có ngần ấy loại giấy, mà đây là cả một quá trình hình thành lâu dài. Thí dụ: đầu tiên chỉ có thể là loại giấy thô sơ như giấy Moi, giấy Phèn dùng để gói, giấy Bản loại thường để viết.
Tiếp đến, do nhu cầu sử dụng ngày một cao, đòi hỏi ngày một khác (nhất là yêu cầu của Nhà nước quân chủ) nên nghề giấy phải vươn lên về mặt chất lượng với các loại giấy tốt, giấy quý như giấy Nghè, giấy Nhũ tương… để sử dụng làm các sắc phong, lệnh chỉ…
Đồng thời vẫn phải có những loại giấy để phục vụ các ngành nghề khác như nghề làm quạt, nghề dát vàng… Ở mỗi làng có nghề giấy, các nghệ nhân đã sản xuất ra một loại giấy đặc biệt, như giấy Điệp dùng cho các làng tranh: tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng.
Những loại giấy trên đến thời kỳ Nho học suy tàn thì sản xuất không còn thịnh vượng nữa, nhưng ở nông thôn loại giấy bản vẫn phổ biến. Các văn tự văn khế, hương ước, gia phả, v.v. vẫn dùng đến giấy bản.
Giấy dó lụa (loại mịn, mỏng, dai) vào những năm 40 của thế kỷ này đã trở thành thứ giấy quý, dùng in những loại sách đặc biệt quý.
Hoàng Hồng Cẩm
Trích “Bước đầu tìm hiểu nghề giấy cổ truyền”
Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1992
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa giấy cổ truyền Nho học