Các tư tưởng gia đấu tranh cho tự do – dân chủ – nhân quyền có mặt trong nghệ thuật
- Lê Hữu Khóa
- •
Tôi xin được đi lại con đường các tư tưởng gia này…
Như họ, tôi muốn đứng về phía nước mắt…
Những giọt nước mắt đã rơi… đang rơi… sẽ rơi…
Không khoanh tay – không cúi đầu – không quỳ gối
Có khi phải khoanh tay tủi hờn trước sự thật
Vì bao lần nhân tâm để sẩy thai chân lý!
Có khi phải cúi đầu nhìn lại nhân diện
Vì bao lần nhân tri để đánh mất tự do!
Có khi phải quỳ gối thấp hơn nhân dạng
Vì bao lần nhân tai đã giam cầm chủ thể!
Sự thật mãi mãi – tự do mãi mãi – chủ thể mãi mãi
Cúi sâu xuống bóng đêm quật lên sự thật
Vì mấy lần chân lý đã quỵ chân
Nằm sát đất nén hơi thở tự do vào ngực lửa
Vì bao bận công lý buông nhân dạng!
Xiết chặt tay ôm đầy nguồn nước mắt
Vì vạn lần chủ thể đã biệt tăm!
Các bạn cùng tôi dừng chân trước các tư tưởng gia này, trước những tác phẩm nhân tri vì nhân loại, các tư tưởng gia này đã vào các tác phẩm nghệ thuật ba thế kỷ qua: họ ngẩng đầu, họ thẳng lưng, và không bao giờ quỳ gối. Hãy nhìn kỹ ánh mắt của họ, họ nhìn sâu vào sự thật nhân sinh để tìm cho ra chân lý nhân vị, rồi đón nhận lẽ phải nhân bản:
- Khi bạn gặp Diderot, tức là bạn sẽ gặp được kiến thức uyên thâm của nhân trí đã thành trí thức hàn lâm trực tiếp phục vụ nhân sinh.
- Khi bạn gặp Voltaire, bạn sẽ gặp ý chí của tự do là phải bảo vệ cho bằng được nhân phẩm trong nhân quyền.
- Khi bạn gặp Montesquieu, bạn càng quý tự do hơn, quý vì tự do là cao, sâu, xa, rộng trong không gian lẫn thời gian, tự do biết vận dụng công bằng để nâng bác ái.
- Khi bạn gặp Rousseau, bạn thấy ngay công ước của xã hội là phải bảo vệ dân chủ để dân chủ là chủ lực để che chở nhân quyền trong tam quyền phân lập.
- Khi bạn gặp Hugo, bạn cảm nhận được tự do, công bằng, bác ái đã bàng bạc trong nhân văn, bạn cứ thở mạnh và từ buồng phổi dâng lên sung lực của nhân phẩm, đã song hành cùng với nội lực của nhân tâm, cả hai đang làm nên hùng lực cho nhân bản.
Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).
Từ khóa triết học Lê Hữu Khóa nhà tư tưởng Nhân quyền nghệ thuật dân chủ tự do điêu khắc