Thổ lộ tình cảm giúp con trẻ cảm nhận tình yêu
- Thiên Cầm
- •
Có lẽ những lúc bình thường, chúng ta không dễ dàng thổ lộ tình cảm, nhưng chỉ cần luyện tập một chút, chúng ta sẽ có thể học được cách thể hiện tình yêu chan chứa trong tim.
Một người cha tới tham dự khoá học về cách trò chuyện với con trẻ. Lúc đó tôi hỏi anh ấy: “Nếu muốn thể hiện tình yêu không thể nói thành lời, thì thời khắc ấy anh sẽ nghĩ tới ai? Và sẽ bày tỏ tình cảm ấy với người đó như thế nào?”
Người cha trả lời: “Tôi nghĩ tới con gái của tôi, bé nhà tôi rất đáng yêu!”
Tôi hỏi người cha: “Khi con gái anh rất đáng yêu, trong đầu anh sẽ hiện ra hình ảnh gì? Anh có thể miêu tả một chút không?”
Anh trầm lặng một hồi, mới từ tốn mở lời:
“Một hôm tôi và quản lý có chút chuyện đôi co không vui, tâm trạng tôi lúc đó rất phức tạp và mệt mỏi, người tôi ủ rũ. Tôi lê bước chân mệt mỏi về đến nhà, vừa mở cửa ra, tôi đã nhìn thấy con gái chạy chân trần, lao về phía tôi. Con bé vừa chạy vừa vui vẻ gọi ba và ôm lấy chân tôi thật chặt. Khuôn mặt bé xíu nũng nịu liên tục cọ cọ vào chân tôi, mặt mày rạng rỡ. Lúc đó tôi giang tay ra, con gái lập tức xà vào lòng tôi, vừa hôn lên má vừa nói với tôi: Ba ơi, con nhớ ba quá à!”.
Sau khi anh ấy nói xong, tôi bèn hỏi một người khác: “Khi nghe thấy những lời này, trong đầu anh có hiện lên hình ảnh gì không? Phải chăng giống như đang xem một bộ phim mà hình ảnh vô cùng sống động?”
Người đó gật đầu tỏ ý tán đồng và nói tiếp: “Đúng vậy, con gái anh ấy thật đáng yêu. Tôi cũng rất ngưỡng mộ! Đâu giống nhà tôi không có con gái, chỉ có con trai. Giờ con trai lớn rồi, ngay cả việc muốn vào phòng của nó, cũng phải được nó đồng ý tôi mới dám vào.”
Anh ấy nói xong, mọi người đều cười ồ lên.
Ban đầu người cha nói rằng con gái mình rất đáng yêu, đây là lời tán dương với con gái của anh, nghe như một lời bình phẩm. Sau đó anh lại miêu tả cảnh con gái nũng nịu, đó là một sự quan sát. Khi chúng ta khen ngợi người khác, cách tốt nhất là thông qua sự quan sát, miêu tả lại những điều mình nhìn thấy và nghe thấy. Quan sát là điều khách quan, cụ thể nhất, dùng để miêu tả sự thực mà mình nhìn thấy. Khi nghe thấy những lời này, trong trí óc mọi người cũng sẽ hiện lên hình ảnh như vậy. Như vậy mới có thể chạm được đến trái tim của người khác, khiến họ xúc động.
Khi chúng ta miêu tả lại những cảnh tượng diễn ra trong ký ức, trong tâm chúng ta tự nhiên sẽ trào dâng lòng biết ơn với người ấy, và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đây chính là sức mạnh của sự biểu đạt. Thông qua quá trình miêu tả, chúng ta lại trải nghiệm một lần nữa, đồng thời kể lại chân thực cảm nhận này với đối phương. Đây chính là cách biểu đạt bày tỏ cảm nhận xuất phát tự nội tâm.
Khi nói với con: “Con gái cưng của cha đáng yêu nhất!” chi bằng nói rằng: “Con biết không? Khi cha về nhà, nhìn thấy con chạy tới ôm chầm lấy chân ba, vừa hôn lên má vừa nói con rất nhớ ba, ba thực sự cảm thấy như mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này!”
Thông qua cách biểu đạt như vậy, con cũng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào. So với cách khen ngợi kiểu bình phẩm “thật đáng yêu”, thì trẻ sẽ trải nghiệm được giá trị của việc mang đến niềm vui cho người khác.
Con người sống trên đời, thường tìm kiếm ý nghĩa và giá trị của sự tồn tại của bản thân mình, trẻ nhỏ cũng vậy. “Hôm nay ba đi làm rất mệt, nhưng về nhà nhìn thấy con, ba lại có thêm sức mạnh. Con khiến ba cảm thấy xung quanh mình có thật nhiều, thật nhiều tình yêu.” Do vậy con trẻ sẽ biết thể hiện tình cảm với cha mẹ, mong cha mẹ vui lòng.
Những người làm cha làm mẹ chúng ta, nếu chỉ đơn thuần khen con: “Con thật giỏi!” chi bằng hãy biết cách thổ lộ nhiều hơn. Nhờ việc bày tỏ sự cảm ơn với con trẻ, chúng ta đang nói với con rằng sự tồn tại của con đáng trân quý và quan trọng với cha mẹ biết chừng nào, để con cảm nhận được ý nghĩa tồn tại của bản thân mình.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Dạy con Tình cảm gia đình