Cáo sa mạc Erwin Rommel: Vị Thống chế Phát-xít đặc biệt (P2)
- Trần Hưng
- •
Khi nói đến Phát-xít Đức, người ta thường liên tưởng đến một đội quân giết chóc tàn bạo. Thế nhưng trong số các tướng lĩnh, vẫn có ít nhất một người đặc biệt, đó là Thống chế Erwin Rommel, người được xem là viên tướng tài ba bậc nhất của Đức với tàì dùng binh, lắm mưu mẹo. Ông là một vị tướng quả cảm, lại có tấm lòng hào hiệp, khoan dung, đối xử rất tốt với binh lính cũng như tù binh. Chính vì lẽ đó Thống chế Erwin Rommel nhận được sự tôn trọng, người Anh bái phục ông, người Mỹ xem ông là một lãnh đạo mẫu mực. Sau thế chiến ông vẫn được sự tôn vinh của người Đức cũng như quân Đồng minh.
- Tiếp theo phần 1
Tiến quân thần tốc khiến bộ chỉ huy không theo kịp
Sau khi có được những thành công vào năm 1939, đầu năm 1940, Erwin Rommel xin Hitler cho được chỉ huy một sư đoàn tăng thiết giáp, dù ông chưa hề trải qua kinh nghiệm thực tế chiến trường chỉ huy tăng thiết giáp. Dù gặp phải sự phản đối, cuối cùng Hitler đã đồng ý để Rommel chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 7.
Ngày 10/5/1940, quân đoàn 15 của Đức dưới sự chỉ huy của tướng Hermann Hoth tiến đánh Bỉ, sư đoàn của Rommel tiến rất nhanh, bỏ xa các sư đoàn khác của Đức, thậm chí Bộ tham mưu Đức ở mặt trận này không nhận được bất cứ liên lạc vô tuyến nào từ sư đoàn của Rommel. Họ cho rằng sư đoàn này đã bị tiêu diệt nên ngừng cung cấp nhiên liệu cho cánh quân này. Sau này Rommel buộc tội các sĩ quan quân nhu bất cẩn, còn Bộ tham mưu Đức thì cho rằng Rommel đã tiến quân quá nhanh khiến chỉ huy không theo kịp.
Đánh bại Bỉ, quân Đức nhanh chóng tiến vào Pháp. Ngày 20/5, sư đoàn của Rommel đã tiến đến thành phố Arras. Quân đồng minh Anh-Pháp có mặt ở đây để ngăn quân Đức tiến đến eo biển Anh và bao vây diệt quân chủ lực Đồng Minh trên mạn bắc. Nhưng quân đồng minh nhanh chóng bị đánh bại.
Rommel được tặng thưởng huân chương, trở thành Sư trưởng đầu tiên được tặng thưởng trong chiến dịch này. Đồng thời được giao thêm chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 5.
Ngày 28/5, Rommel cho quân tiến đánh vào Lille (một tỉnh lỵ của tỉnh Nord), Rommel cho quân tiến rất nhanh. Sư đoàn thiết giáp số 7 đụng phải một trận pháo kích dữ dội của quân Pháp. Rommel thúc quân bao vây quân đoàn thứ nhất của Pháp không cho rút về Dunkirk (thuộc tỉnh Nord).
Ngày 6/6, Rommel tiếp tục cho quân đánh chiếm các vùng quanh sông Seine. Trong hai ngày tiến đến 100 km.
Ngày 10/6, Rommel đã đến bờ biển gần Dieppe (là một xã trong vùng hành chính Normandie, thuộc tỉnh Seine-Maritime, quận Dieppe). Nhận thấy quân của mình đã tiến quá nhanh cách xa Bộ chỉ huy, rút kinh nghiệm lần trước, Rommel gửi tin nhắn báo về bộ chỉ huy: “Tôi đang ở bờ biển” .
Ngày 14/6, Paris thất thủ, nước Pháp thất bại toàn diện, Rommel chuyển đến Paris. Lúc này sư đoàn thiết giáp số 7 của Rommel đã nổi tiếng khắp nơi bởi tốc độ tiến quân cực nhanh, gây bất ngờ cho đối phương. Từ đó sư đoàn này còn được gọi là “sư đoàn ma”.
Rommel nhận được nhiều lời tán dương, cũng như nhiều lời mỉa mai cho rằng tiến nhanh như thế là không cần thiết. Tuy nhiên những chiến công của Rommel khiến Hitler cùng chỉ huy cao nhất quân Đức hài lòng.
Tháng 2/1941, Rommel lại được thăng cấp, chỉ huy sư đoàn tia chớp số 5 của quân đội Đức, về sau trở thành Sư đoàn Thiết giáp số 21. Sư đoàn này cùng với Sư đoàn Thiết giáp số 15 tạo nên Quân đoàn châu Phi.
Lối đánh bất ngờ của Erwin Rommel khiến quân đồng minh đại bại
Lúc này ở mặt trận Bắc Phi, quân Ý vất vả đối phó với quân Anh. Bắc Phi có vị trí quan trọng, phe Trục phát-xít muốn chiếm nơi đây nhằm khống chế Địa Trung Hải và kênh đào Suez, rồi tiến lên chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ ở vùng Trung Cận Đông. Quân Ý liên tục thất bại nên Rommel được điều đến đây.
Ban đầu Bộ chỉ huy Trục phát-xít lên kế hoạch nghi binh phòng thủ, sau đó sẽ tổ chức những đợt tấn công nhỏ trong tháng 5 vào Agedabia và Benghazi, và lên kế hoạch giữ vững phòng tuyến ở giữa các thành phố trên.
Romel không đồng ý với kế hoạch và cho rằng tấn công nhỏ lẻ như thế thì vô dụng vì Cyrenaica sẽ bị chiếm. Rommel thực hiện kế hoạch của mình, ban đầu cho quân lập thế trận giữ vững phòng tuyến.
Trong khi quân Anh cho rằng quân Đức đang củng cố thế trận sau những thất bại liên tiếp của quân Ý trước đó, thì bất ngờ Rommel cho quân tiến thần tốc đánh chiếm El Agheila vào ngày 24/3 và Mersa el Brega ngày 31/3. Rồi Rommel liên tiếp tấn công đẩy lùi quân Anh đến tận biên giới Sollum, chiếm lại toàn bộ Lybia (ngoại trừ Tobruk).
3 viên tướng chỉ huy quân Anh bị bắt sống là trung tướng Philip Neame, tư lệnh chiến trường mới của Tổng hành dinh Bộ chỉ huy Cyrenaica (tên mới đổi của Quân đoàn XIII); Richard O’Connor, mới được điều về để hỗ trợ; thiếu tướng Michael Gambier-Parry, tư lệnh Sư đoàn Thiết giáp số 2 Anh.
Chỉ trong 2 tuần lễ với lối đánh bất ngờ chuyển từ phòng thủ sang tấn công chớp nhoáng, Rommel đã khiến quân Anh phái rút về Ai Cập, khiến những thành quả trước đó của quân Anh bị mất hết.
Thất bại này khiến viên tướng tổng chỉ huy mặt trận trung ương và phía đông của Anh là Archibald Wavell bị cách chức
Trong quá trình đẩy lui quân Anh, Rommel gặp phải sự phản đối dữ dội từ Bộ tổng chỉ huy quân Ý vì họ cảm thấy ông bất tuân thượng lệnh. Sau đó Rommel lại nhận được lệnh từ phía Bộ Chỉ huy Tối cao quân Đức rằng ông không được vượt qua khỏi Maradah. Tuy nhiên cuối cùng Rommel vẫn bỏ ngoài tai và thực hiện kế hoạch của mình.
Dù các tướng lĩnh phe trục phát-xít không bằng lòng bởi cách điều binh bất tuân thượng lệnh của Rommel, nhưng quân đồng minh lại rất khâm phục ông. Danh tiếng Erwin Rommel trở nên lừng lẫy trên chiến trường như một vị tướng tài tình đầy mưu lược, ông được mệnh danh là “Cáo sa mạc”, Hitler quyết định phong quân hàm thượng tướng cho ông.
Sau chiến thắng, Eommel cho quân bao vây nốt thành phố cảng biển còn lại là Tobruk nhằm có đường đến Ai Cập, thành phố này đang được sự bảo vệ bởi 25.000 quân Anh và Úc.
Để tấn công vào đây, Rommel yêu cầu quân Ý cung cấp cho mình sơ đồ bố phòng quân cảng. Tuy nhiên người Ý lấy lý do gấp gáp không làm kịp, cũng có thể do Rommel bất tuân thượng lệnh khiến người Ý không hợp tác. Rommel cũng không nhận được sự hỗ trợ từ Bộ tổng tư lệnh tối cao Đức do ông không tuân lệnh. Vì vậy các đợt tấn công của Rommel bị quân đồng minh đẩy lùi.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thế chiến II Đức quốc xã lịch sử thế giới Erwin Rommel