Cát lễ: Lễ tế quan trọng nhất của vương triều cổ đại
- An Hòa
- •
Sách “Thuyết văn giải tự” viết: “Lễ, lí dã, sở dĩ kì Thần trí phúc dã”, Lễ là một phương cách câu thông với Thượng Thiên, thông qua việc thành kính cầu khẩn Thần linh mà được Thần linh ban phúc. Trong các loại tế lễ thời cổ đại thì Cát lễ là nghi thức quan trọng nhất.
Thời cổ đại, dù ở phương Đông hay phương Tây, thì từ những việc hệ trọng của đất nước cho đến những việc hệ trọng trong cuộc sống của cá nhân, người xưa đều thông qua các nghi thức khác nhau để hy vọng nhận được sự chỉ dẫn của Thần linh. Rất nhiều các đời Thiên tử đều lập đàn cúng tế, hướng lên trời xanh, mong nhận được sự chỉ dẫn để trị vì đất nước hay cầu xin mưa thuận gió hòa.
Sau khi Chu Vũ Vương diệt vua Trụ, kết thúc triều đại nhà Thương và lập nên nhà Chu, đã cử hành tế lễ đối với Thượng Thiên: “Hiện giờ nơi đây đã trở thành vùng đất của thần và thần sẽ trị vì dân chúng nơi đây.” Những lời này được ghi lại trên khí cụ “Hà Tôn”, một loại khí cụ uống rượu bằng đồng dùng để tế lễ thời Tây Chu được khai quật ở Thiểm Tây.
Thời cổ đại, với tư tưởng “Phụ thiên nhi mẫu địa”, người xưa hy vọng có thể thông qua tế lễ thành kính đối với trời đất mà đạt được mưa gió thuận hòa, ngũ cốc được mùa, quốc thái dân an.
Việc tế lễ trong văn hóa truyền thống được chia làm năm loại là Cát lễ, Hung lễ, Quân lễ, Tân lễ và Gia lễ. Trong đó Cát lễ là đứng đầu, chính là lễ hiến tế của người xưa đối với Thiên – Địa – Nhân.
Tế Thiên
Trong Cát lễ, hiến tế đới với Thiên được chia làm ba hạng dựa theo địa vị thứ bậc. Đứng đầu là hiến tế đối với Hoàng Thiên. Trưởng Tôn Vô Kị thời Đường khi chủ trì việc tu đính bộ “Trinh Quán lễ” đã quy định chỉ có Hoàng Thiên Thượng Đế mới được xưng là Thiên, là có địa vị cao nhất.
Đứng thứ hai trong loại hiến tế này là tế Nhật Nguyệt Tinh Thần, bao gồm Mặt Trời, Mặt Trăng, năm đại hành tinh Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cùng với 28 Tinh Tú Hằng Tinh. Tinh tú trọng yếu vì có liên quan đến thiên nhân cảm ứng của quốc gia thời cổ, xem thiên văn thiên tượng để đối ứng với biến hóa nhân gian. (Xem bài: Trí tuệ cổ nhân: Nhìn thiên tượng biết biến hóa nhân gian)
Đứng thứ ba là hiến tế Thần linh chưởng quản việc mưa gió như Phong Bá, Vũ Sư, Lôi Sư, Tư Trung, Tư Mệnh và các Thần chưởng quản nhân khẩu sinh sôi, liên quan đến dân sinh.
Ở phía nam của Tử Cấm Thành có Thiên đàn, ở phía bắc có Địa đàn, phía đông có Nhật đàn, phía tây có Nguyệt đàn. Vào thời điểm đông chí hàng năm, Thiên tử sẽ ở Thiên đàn để cử hành đại lễ tế Thiên. Vào thời điểm hạ chí hàng năm, Thiên Tử sẽ cử hành đại lễ tế Địa ở Địa đàn. Vào thời điểm xuân phân, Thiên Tử sẽ cử hành đại lễ tế Mặt Trời ở Nhật đàn. Vào thời điểm thu phân, Thiên Tử sẽ ở Nguyệt đàn cử hành đại lễ tế Mặt Trăng.
Tế Địa
Hiến tế đối với Địa trong Cát lễ cũng được chia làm ba hạng. Thứ nhất là hiến tế xã tắc. Xã là Thổ Thần, Tắc là Cốc Thần. Ngoài ra còn có lễ tế đối với năm ngọn núi lớn là Đông Nhạc Thái Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn. Năm ngọn núi lớn này được xưng là trấn sơn của năm phương trong thiên hạ.
Thứ hai là đối với những ngọn núi, con sông hay rừng khá lớn. Trong “Lễ Ký” quy định rằng: Phàm là núi rừng, sông ngòi hang động, gò đống có thể sản sinh khí mây, nổi gió giáng mưa, xuất hiện vật linh dị đều được quan địa phương tế lễ.
Thứ ba là tế lễ các vị thần của vạn vật ở bốn phương. Những vị thần này có mối quan hệ mật thiết với con người trong cuộc sống hàng ngày.
Tế Nhân
Tế Nhân, kỳ thực là tế Nhân Quỷ. Nhân Quỷ trong Cát lễ chủ yếu là tế lễ đối với tổ tiên ông bà, chữ Quỷ thời cổ đại không phải hoàn toàn mang ý nghĩa xấu. Trong “Lễ Ký” cho rằng, nếu người sau khi chết đi không được con cháu tế tự, sẽ không thành quỷ, mà thành “lệ” và sẽ làm hại người. “Tả truyện” có chép sự việc một người tên là Bá Hữu sau khi chết đi thành lệ, hại làng xóm, cuối cùng có người đã lập hậu, giúp ông ta tế tự mới dẹp được nạn lệ quỷ.
Thiên tử có thái miếu, dân chúng có từ đường, đều dùng để tế tổ tiên. Ngoài ra, còn có những nơi từ đường được lập ra để tưởng nhớ các tiên thánh tiên sư hay những người nổi tiếng, như Khổng miếu để cúng tế Khổng Tử… Thời cổ đại, phàm là người đi học thì trước tiên phải tế bái các tiên thánh tiên sư.
Trong “Tuân Tử. Lễ luận”, Tuân Tử cho rằng Lễ có ba gốc: Trời đất là gốc của tính, Tổ tiên là gốc của loài, Vua thầy là gốc của trị quốc. Mất đi một trong ba cái gốc này thì con người sẽ sống không thể yên ổn. Vì vậy, tôn kính tổ tiên là truyền thống làm người mà bất cứ ai cũng cần hiểu rõ.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Tư tưởng “kính Thiên tín Thần” trong kiến trúc của Thiên Đàn
- 12 chiếc chuông tế Trời của hoàng đế Càn Long
- Trống thời cổ đại được xưng là Thần khí
Mời xem video “Dạy con trở thành người tinh tế”:
Từ khóa chữ Lễ thờ cúng tổ tiên Tế lễ