Dọc theo kinh Chợ Lớn có nhiều cầu cao cẳng, đặc biệt của xứ Chợ Lớn, vì cầu rất cao có bực thang bộ hành lên xuống dễ dàng, xe đạp dắt tay hoặc khiêng vai qua lại không khó, nhưng bất tiện là xe cộ chạy qua không được, cầu nầy cốt ý làm ra để giúp người hai bên cầu qua lại bằng chơn khỏi đi đò đi ghe lâu lắc, duy xe cộ phải chạy vòng ngã khác, còn đường nước vẫn lưu thông, ghe chài và tàu có thể chun qua lòn lại không trở ngại lắm. Kể sơ là:

1. Cầu Xóm Chỉ, ngay con đường Tản Đà;

2. Cầu Chợ Lớn, trở vô Chợ Lớn cũ;

3. Cầu Chà Và, gọi làm vậy vì xưa đây là Phố Chà bán vải;

4. Cầu Xóm Củi;

5. Cầu Ông Lớn (vì xưa dân không dám gọi tên Đỗ Hữu Phương;

6. Cầu Bót Bình Tây qua Bình Đông;

7. Cầu Ba Cẳng trổ ra đường Cambodge và Yunnan;

8. Cầu có bực thang trổ ra đường xuống đường Gò Công;

9. Cầu Palikao, (gần đây có nhà giàu bực thứ tư là Hộ Định);

nhưng kể hoài không dứt, chỉ thêm bực trí. Vậy xin để tạm đó, tạm thời nhắc lại Chợ Lớn thuở xưa có hai đường thuỷ thông thương với Mỹ Tho và miền Hậu Giang, có thể nói là hai đường sanh mạng giúp sự chuyên chở thổ sản và mễ cốc miền Tây được mau chóng và rẻ tiền:

1. Thứ nhứt là Rạch Chợ Lớn nối liền Rạch Cát (Sa Giang) với Rạch Bến Nghé, do Kinh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) đào năm 1772, và Rạch Lò Gốm.

Tại ngã ba Rạch Chợ Lớn và Rạch Lò Gốm, có Kinh Vòng Thành (Canal de Ceinture) ăn thông đến phía sau Đồn Cây Mai. Gọi Kinh Vòng Thành, vì khi người Pháp chiếm Sài Gòn vào tháng mười một năm 1862, theo dự án Coffyn, thì Đô Đốc Bonard truyền đào kinh nối liền Rạch Chợ Lớn đến Rạch Cầu Kiệu, để làm cho có một đường nước bao bọc vùng Sài Gòn Chợ Lớn trở thành như một cù lao. Có cả thảy bốn chục ngàn nhơn công ra đào kinh ấy, định bề ngang hai mươi thước, bề sâu sáu thước, băng qua Đồng Tập Trận, dài lối sáu cây số (6km). Nhưng công việc dở dang thất bại, và Đô Đốc Bonard đành bỏ nửa chừng công tác ấy.

Đoạn Rạch Chợ Lớn, từ Cầu Sắt tới Rạch Lò Gốm, trước kia có Rạch Phố Xếp đào năm 1778, gần đây đã lấp thành Đại lộ Tổng Đốc Phương.

Khúc rạch chạy từ đường Vân Nam (Yun-nan) đến Cầu Ba Cẳng, (trước hãng xà bông Trương Văn Bền) xưa đào năm 1782. Trên đoạn này có Cầu Sắt, Cầu Đường, Cầu Vân Nam (bắc ngang Rạch đường Vân Nam), Cầu Khâm Sai (sau cất lại đổi tên là “Cầu Ba Miệng”), và cầu Phước Lâm, tại đường Xóm Vôi. Cầu Phước Lâm là cầu từ Cầu Sắt đến Rạch Lò Gốm sau lấp đi trở nên đường Khổng Tử (Gaudot cũ và Bonhoure cũ) thêm một khúc là đường Trang Tử (quai de Fou-kien) và Bến Xe Đò. Khi lấp rạch thì các cầu cũng bị triệt hạ.

Đoạn từ Rạch Lò Gốm vô Rạch Cát, tại đường Danel (nay Phạm Đình Hổ) ngay Đồn Cây Mai, có cầu có bực thang, tiếng Pháp là Pont Danel, ta đặt tên Cầu Công Xi Heo. Kế bên có lò heo Đô Thành, từ ngày lò làm heo được dời về Chánh Hưng thì trụ sở lò heo sửa lại làm trường học chi nhánh Trường Cây Gõ. Dọc theo rạch, phía tay trái có con gạch nhỏ của Lò Siêu trên có bắc cầu gọi “Cầu Khum”.

Đoạn đường Minh Phụng, bắc ngang qua Rạch Lò Gốm, có Cầu Cây Gõ. Cầu này khi xưa làm bằng sắt trên lót ván, nhưng hai bên dốc cầu quẹo xuống đường Lò Gốm và Phú Lâm, cao và gắt, nên thường xảy ra nạn xe kiếng lật đổ nơi đây. Từ năm 1924, cầu nầy được đúc lại bằng đá sạn và đã bớt nạn xe ngã. Nới vô trong gần Lò Lu, thì có Cầu Bà Kế, vì ăn thông với đường Bà Kế, nay là đường Phú Lâm, và có “Cầu Xây”, loại cầu nầy làm bằng cây lót hai tấm ván có tay vịn, nhưng từ khi mở con đường Renault và cầu đúc Renault, (nay là đường và cầu Hậu Giang) thì Cầu Xây đã dẹp.

Dọc theo Rạch Lò Gốm, về phía tay mặt có con rạch nhỏ của lò làm gạch hiệu Quảng Di Thành, đào để tiện chở chuyên đất hầm gạch từ Phú Định, (nay là phía tay trái đường Hậu Giang), trên con rạch nhỏ nầy có “Cầu Chú Bon”, cột bằng sắt. Tại Cầu Bà Kế trở bên tay mặt, có Rạch Ông Buông, chảy một nhánh tới làng Tân Hoá, một nhánh tới làng Tân Khai. Trên nhánh đi Tân Khai có cầu sắt gọi “Cầu Đồn”, vì ở trên đường ngay trước Đồn Phú Lâm. Trên nhánh đi Tân Hoá có “Cầu Tre”, Cầu Xe Lửa (xe chạy đường Sài Gòn – Mỹ Tho) và Cầu Ông Buông tại bót Phú Lâm là trên đường đi về Lục Tỉnh. Còn khoảng rạch từ bót Phú Lâm tới ngã ba Rạch Lò Gốm thì có cầu cây của tư nhơn bắc để đi qua chùa Giải Bịnh (nay gọi Thiên Trước Tự).

Rạch Chợ Lớn, ngày xưa là đường giao thông thạnh vượng. Tại chỗ bến xe, ngày trước ghe chài đậu tấp nập để vô ụ ghe sửa chữa. Ụ ghe ngày nay trở nên Chợ Bình Tây do ông Thông Hiệp hiến đất để xây cất. Dọc hai bên Rạch Lò Gốm, xưa có lò gạch: lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng; thêm có lò siêu và lò làm lu.

Lò gạch Tín Di Hưng, tại ngã ba Kinh Vòng Thành nay đã dẹp, trên khu đất nầy nay phố xá cất đông đúc.

Lò siêu Bửu Nguyên nay cũng nghỉ việc, trở nên lò làm ve chai và làm giấy súc. Lò gạch Quảng Di Thành, tại Cầu Chú Bon, cũng dẹp, nơi đây nay có nhà chuyên làm giấy súc.

Còn lò lu thì sau đổi thành lò chén, nhưng cũng không phát đạt cho lắm.

Lò siêu ở sau Đồn Cây Mai cũng dùng Kinh Vòng Thành để ra Rạch Chợ Lớn. Nay rạch Kinh Vòng Thành đã cạn và lò siêu cũng thôi hoạt động.

Đối diện lò siêu Bửu Nguyên, bên tay mặt Rạch Lò Gốm, khi xưa có giếng Hộ Tùng, giếng xây hộc vuông, nước thật ngọt và trong mát, mùa hạn nắng, ghe đổi nước từ Chợ Đệm, Bến Lức, Cầu Ông Thìn, Cần Giuộc, Cần Đước… đều đua nhau chen chúc đến nơi đây, gây cảnh tấp nập ồn ào. Từ khi lấp Rạch Chợ Lớn, thì Rạch Lò Gốm, Kinh Vòng Thành không thông thương và cạn lần. Các lò gạch, lò lu, lò gốm, lò siêu, sinh kế đã mất, cũng dẹp lần. Ngày nay xóm Lò Gốm chỉ còn sót lại cái tên trơn, mà không sản xuất đồ gốm nữa.

Trở lại vấn đề tìm hiểu thêm về vị trí Sài gòn.

2. Con đường thuỷ thứ nhì là Kinh Chợ Lớn cũng gọi là Kinh Tàu Hũ (Arroyo Chinois).

Vùng Chợ Lớn thuở nay buôn bán thạnh vượng một phần lớn là nhờ Kinh Tàu Hũ nầy. Đây là đường thuỷ vận nối liền Sài Gòn với các sông ngòi chảy xuống miệt Hậu Giang. Con đường thuỷ nầy tiện lợi vô cùng vì đã thâu ngắn đường ghe thuyền tránh được nguy hiểm khỏi trổ ra đường biển để vào Cửa Cần Giờ. Tàu nhỏ, ghe thương hồ, các ghe chài “ăn lúa” từ Bạc Liêu, Bãi Xàu, Sốc Trăng, kéo lên, hoặc thuyền “cá đen” Biển Hồ (Nam Vang) đổ xuống, đều noi theo Kinh Tàu Hũ nầy mà “ăn hàng”, “ăn gạo”, hoặc đợi “cất lúa” lên cho các nhà “tầu khậu” và nhà máy xay Chợ Lớn, cũng như nhờ con Kinh Tàu Hũ nầy để giao dịch với thương cảng và các tàu hàng buôn xuất ngoại.

Con kinh nầy, ngoài việc lợi ích giao thông về kinh tế còn là con đường chiến lược, thuở xưa tàu binh Pháp đã mượn nó mà đến vây Đồn Cây Mai và thuận đường đánh úp chợ Mỹ Tho. Con Kinh Tàu Hũ đã từng chứng kiến những biến cố lịch sử đau thương của ta và lịch sử nó đã được ghi rành trong cận sử Việt.

Khảo ra vì Rạch Chợ Lớn cạn hẹp, (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) nên để có một con kinh rộng lớn hơn, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), Vua hạ lịnh cho đào Kinh Tàu Hũ. Phó Tổng Trấn Gia Định Thành là Huỳnh Công Lý, (cha vợ Vua Minh Mạng), được phong làm Khâm Sai, hiệp với ông Tổng Thanh Tra Gia Định, điều khiển mười một ngàn bốn trăm sáu chục nhơn công (11.460), chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền và một khẩu phần, khởi công ngày 23 tháng giêng, đến ngày 23 tháng tư năm Kỷ Mão (1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ Cầu Đề Thông (nôm gọi là Cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói kinh dài 2.129 tầm và 1 bộ, bằng chín dặm rưỡi, (mỗi dặm 576 thước tây = 576 x 9,5 = 5.472 m). Bề ngang rộng mười lăm tầm (mỗi tầm 8 xích, tính ra 0,32 x 8 x 15 = 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích = 0,32 x 6 x 9 = 17m28). Mỗi bên kinh có chừa một bờ đất rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng sáu tầm. Đào rồi, Vua Gia Long đặt tên khúc kinh ấy là An Thông Hạ.

Nay ráp với đoạn Chợ Quán và Cầu Ông Lãnh, gọi chung là Kinh Tàu Hũ (Tài liệu rút trong Phổ Thông số 15 ngày 15-7-1959, bài của ông Lê Ngọc Trụ viết).

Theo bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, thì vốn là lạch nhỏ cũ đào rộng ra, nhưng xét qua địa đồ xưa của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định trước năm 1815 thì không thấy có con rạch nhỏ ấy.

Theo sử, Rạch Chợ Lớn chứng kiến hai trận chiến tranh:

1 – Thời Nguyễn Ánh, binh Tây Sơn tàn sát người Hoa Kiều nơi chỗ gọi “Thầy Ngôồn” (Đề Ngạn), trong ba tháng “không ai dám rớ tới miếng cá miếng tôm” (1782).

2 – Thời Pháp chiếm Sài Gòn, thuỷ quân Pháp dùng khinh pháo hạm Jaccaréo án ngữ trên Kinh Chợ Lớn, đậu tại đầu đường Tản Đà (vì thế họ đặt tên đường ấy trước kia là đường Jaccaréo), còn một chiếc khác họ đậu tại sông Rạch Cát để bao vây Đồn Cây Mai của Nguyễn Tri Phương.

Con Kinh Chợ Lớn thường nổi cồn cát cản trở sự thông thương và phải được vét hoài mới dùng thuận tiện.

Dọc hai bên bờ kinh, có nhiều nhà máy xay gạo như hiệu Nam Long, hiệu Kiến Phong, là danh tiếng nhứt, đều của Hoa Kiều và nhiều chành lúa gạo dựng san sát kế liền nhau từ Bình Tây đến Bình Đông. Hãng rượu Bình Tây cũng ở về hữu ngạn Kinh Chợ Lớn nầy. Những cầu bắc ngang Kinh Chợ Lớn kể từ Chợ Lớn Cũ trở vô Bình Đông thì có Cầu Chà Và dùng để đi qua Xóm Củi, Cầu Bót Bình Tây và Cầu Hãng Rượu. Cầu Bót Bình Tây và Cầu Hãng Rượu là loại cầu có mang cá, xe cộ muốn qua phải theo hai mang cá tả hữu leo lên. Hai dãy nhà máy nầy được một thời thạnh vượng. Qua đời Nhựt Bổn chiếm Sài Gòn các nhà máy nầy bị Nhựt trưng dụng về quân sự, trở nên những đích cho máy bay Đồng Minh dội bom. Năm 1945, có một trận bom dội xuống trúng nhằm nhà máy Nam Long, khiến thường dân vô tội chết rất nhiều.

Còn giữa khoảng Rạch Lò Gốm và Kinh Chợ Lớn, có kinh gọi Kinh Hàng Bàng nối liền hai đường thuỷ nầy do khúc kinh đường Vân Nam hiệp thành một ngã ba và nơi đây có cây Cầu Ba Ngã. Cầu nầy nguyên khi xưa làm bằng sắt lót ván, vì một cuộc hoả hoạn xảy ra ở đường Gia Long (nay là đường Trịnh Hoài Đức), thiên hạ bu đông trên cầu để đứng xem, dồn dập quá sức chịu đựng, nên cầu sập. Sau nầy xây lại cầu đúc sạn cốt sắt và đặt tên là Cầu Ba Cẳng.

Dọc kinh đường Vân Nam đến Cầu Ba Cẳng, trước mặt hãng xà bông Trương Văn Bền, nay đã lấp bằng. Chỉ còn khoảng từ Cầu chạy ra tới Kinh Chợ Lớn là có nước chảy.

Bắc ngang khoảng kinh nầy, dọc theo Kinh Chợ Lớn thì có Cầu Ông Lớn (Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương). Còn từ ngã ba Cầu Ba Cẳng đến Rạch Lò Gốm, có cả thảy năm cây cầu:

– Cầu nấc đường Gò Công, xe đi không được, đã kể rồi!

– Cầu Palikao.

– Cầu nấc đường Minh Phụng.

– Cầu Kinh.

Hai cầu nấc kể sau đây nay đã thay bằng cầu đúc: cái thứ nhứt là Cầu Bình Tây mấy năm về trước, còn chở chiếc xe điện Bình Tây qua Chợ Lớn Mới, cái thứ nhì là cầu đúc Bình Tiên. Kinh chỗ nầy gọi Kinh Hàng Bàng, vì khi xưa dọc hai bên bờ kinh có trồng cây bàng bóng to mát mẻ, thường có ghe chài đậu tại kinh nầy nhiều vì có ụ sửa ghe (sau lấp bằng trở nên Chợ Lớn Mới). Hai dãy nhà hai bờ kinh phần nhiều là của người Tàu, nhà cất khít sát nhau chen chúc. Bản tính người đàn bà Tàu hay tiện tặn, đụng gì cũng cất để dành, xác mía, dăm bào không món nào bỏ, nhưng đàn bà Tàu cũng có tánh rất lơ đễnh khinh thường, thêm trẻ con của người Tàu có tánh ưa chơi lửa, nên hoả hoạn xảy ra rất thường. Khoảng đầu năm 1923, lối tháng Giêng âm lịch, một cuộc hoả tai tàn khốc chưa từng thấy, xảy ra. Hai dãy nhà lá và ngói từ khoảng Cầu Bình Tây chạy suốt đến Cầu Đúc Bình Tiên đều làm mồi cho lửa. Lửa gặp gió chiều càng mạnh dữ thêm, nên dân cư phần lo dọn đồ đạc, lớp lo cõng con dắt mẹ, la khóc rùm trời. Sức lửa mau lẹ cứu cấp không xuể, lửa dồn người ra giữa đường và từng cơn gió, lửa táp vào người một cách rùng rợn không tả xiết. Túng thế nạn nhơn nhảy xuống kinh, nhưng than ôi, nước dưới kinh lại nóng như sôi, nạn nhân chết quay, còn chết luộc! Sáng ngày sau, đi ngang đây còn bay mùi khét, nào lợn gà, bò nguyên con nằm chình ình chỏng cẳng, nào dưa hấu nguyên vựa, khô cá gộc cháy nguyên kho, bày ra không ma trơi nào lượm! Sau trận hoả tai dữ tợn năm đó, có một dạo hèn lâu, không ai dám nhắc đến chuyện trở về lập cơ chỉ nơi chốn cũ: Kinh Hàng Bàng. Chánh phủ Pháp thừa dịp làm ra con đường ở vùng đó để xe miệt Hậu Giang bận lên chạy một chiều vô Chợ Lớn, nên gọi đường Hậu Giang. Nhờ dấu vết cũ không còn, nên dân dạn lần mà trở về, đến nay mới có mòi phồn thịnh. Ngờ đâu năm 1945, quân đội Nhựt đến đây, thiếu cây dùng, nên bọn chúng hạ lịnh đốn cây bàng cây me ở hai bên bờ Kinh Hàng Bàng và Rạch Lò Gốm để làm hầm núp nơi Cầu Bình Điền, báo hại dân cư hai xóm, kẻ nào ra đường, bất luận mặc y phục Langsa hay y phục Việt đều bị chúng lùa bắt đi kéo gỗ, khiến nhiều người phải chuồi mình xuống Rạch Lò Gốm, kết gỗ thành bè thả trôi ra xa, mới thoát khỏi tay bọn quân lùn.

Kể về kinh rạch còn có Kinh Lò Gốm (Canal Des Poteries) ở vùng Rạch Cát và Kinh Đôi (Canal de Doublement), đào sau Kinh An Thông Hạ, cũng là một con đường thuỷ giúp ích rất nhiều cho sự thịnh vượng hai đô thị Sài Gòn và Chợ Lớn.

Vương Hồng Sển
Trích Sài Gòn Năm Xưa

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: