Đạo trị quốc của cổ nhân: Khoan thứ bao dung
- An Hòa
- •
Người xưa có câu: “Hữu dung nãi đại, vô dục tắc cương”, có lòng bao dung nên mới to lớn, không nhiều dục vọng nên mới giữ mình được cương trực. Bao dung, nhường nhịn là một khí phách phi phàm, là một tấm lòng bao la, là một cảnh giới vô tư tràn ngập lòng nhân ái, là truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân loại từ xưa đến nay. Cũng vì thế, trong việc trị quốc thời xưa, sử sách có ghi chép lại rất nhiều những câu chuyện về việc nhường nhịn, dùng lòng bao dung để thiện giải hết thảy.
Trong cuốn chỉnh sử “Tư trị thông giám” có chép một chuyện về Hoàng đế Đường Đại Tông như vậy.
Danh tướng Quách Tử Nghi sau khi dẹp xong loạn An Sử thì trở thành người có công lớn phục hưng tôn thất nhà Đường. Hoàng đế Đường Đại Tông hết sức kính trọng Quách Tử Nghi, liền gả con gái là công chúa Thăng Bình cho con trai của Quách Tử Nghi là Quách Ái.
Có một lần hai vợ chồng Quách Ái và Thăng Bình cãi cọ lẫn nhau. Quách Ái thấy vợ ra vẻ kiêu căng ngạo mạn thì bất bình nói: “Giang sơn của phụ hoàng nàng là do cha của ta đánh bại An Lộc Sơn mà bảo toàn lại.”
Câu nói này có hàm ý Quách Tử Nghi vốn có thể lên làm Hoàng đế, chỉ là không muốn mà thôi. Công chúa Thăng Bình nghe Quách Ái nói thế, tức khí hồi cung bẩm báo Đường Đại Tông.
Hoàng đế nghe con gái khiếu nại xong, thản nhiên nói: “Đúng vậy, thiên hạ này là do Quách Tử Nghi bảo toàn lại đó.” Sau đó Đường Đại Tông khuyên nhủ con gái cần phải sống hòa thuận tốt đẹp với gia đình chồng. Được cha an ủi, công chúa hết giận, chủ động trở lại nhà họ Quách.
Sau khi Quách Tử Nghi biết chuyện đã rất sợ hãi, lập tức sai người bắt trói Quách Ái rồi dẫn vào cung bái kiến Hoàng đế, xin Hoàng đế trị tội. Đường Đại Tông lại vui vẻ hòa nhã, không hề có ý trách tội, còn an ủi Quách Tử Nghi: “Hai đứa trẻ cãi nhau, có lỡ lời một chút. Làm như không nghe thấy gì là được rồi.”
Chuyện này nếu bao dung bỏ qua thì có thể không sao, nhưng nếu giáng tội thì là “phạm thượng”, “mưu tạo phản”, tất có thể dẫn đến tru di. Bậc quân vương thời xưa bởi vậy trong rất nhiều chuyện là phải lấy thiện tâm làm nền tảng, có thể giáng tội cũng có thể không thì tất không giáng tội, có thể thưởng cũng có thể không thì tất nên xem xét việc ban thưởng để làm yên lòng người bên dưới. Tương tự như thế, có những chuyện chỉ liên quan đến tự trọng cá nhân, thì lại càng nên châm chước cho người khác. Trong “Bắc Tề thư” có ghi chép một điển cố như vậy.
Vào thời Bắc triều, tại nước Tề, Thôi La giữ chức tả Thừa tướng, rất được kính trọng. Bấy giờ Cao Trừng là đại thừa tướng, là người nắm toàn bộ quyền hành thực chất của Đông Ngụy, sau này khi triều Bắc Tề hình thành đã truy tôn thụy hiệu cho Cao Trừng là Văn Tương Đế.
Thôi La rất thích tiến cử nhân tài. Ông đề cử Hình Thiệu đảm nhiệm việc phụ tá phủ Thừa tướng kiêm quản lý việc quân cơ với Cao Trừng. Cao Trừng nghe lời Thôi La đề cử, bèn bổ nhiệm Hình Thiệu. Hình Thiệu quả nhiên có năng lực ấy, rất được tin cậy.
Hình Thiệu bởi kiêm quản việc cơ mật, cho nên có cơ hội gần gũi với Cao Trừng. Lúc nói chuyện, Hình Thiệu thường hay gièm pha nói xấu Thôi La, đến nỗi làm Cao Trừng mất vui.
Có một hôm, Cao Trừng bảo Thôi La: “Khanh luôn kể những điều hay điều tốt của Hình Thiệu, mà Hình Thiệu lại hay nói xấu khanh.”
Thôi La rộng lượng nói: “Hình Thiệu kể ra những nhược điểm của thần, thần nói đến những chỗ hay của Hình Thiệu. Những điều mà hai người nói đều là sự thật, không có gì sai cả.”
Thôi La khoan khoan dung đối đãi với người khác, nhưng đối với bản thân thì vô cùng nghiêm khắc. Ông không chỉ biết chắc được sở trường của người khác, bao dung những chỗ thiếu sót của người khác, mà còn thản nhiên đối mặt với những điều chưa tốt của chính bản thân. Đó là phong thái vô cùng khoan dung độ lượng, đạo đức cao thượng. Cũng bởi vậy mà ông có thể tiến cử được người tài.
Người xưa luôn nhắc nhở con cháu rằng đối nhân xử thế cần phải “Nghiêm khắc với chính mình, khoan dung với người khác”, nhưng muốn làm được như thế thật là không dễ dàng. Dù là người ngu dốt cũng có thể nhìn thấy rõ ràng và nói ra chính xác những điều lầm lỗi của người khác. Tuy nhiên, khi người thông minh tự kiểm điểm những lỗi lầm và thiếu sót của bản thân thì họ thường rất hồ đồ và gặp rất nhiều khó khăn, gần như không tự nhận thức ra được. Bởi thế, Tể tướng Phạm Thuần Nhân thời Bắc Tống có một câu nói nổi tiếng rằng: “Dùng tâm trách người khác để tự trách mình, dùng tâm khoan thứ cho mình để bao dung người khác”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoan dung bao dung tu dưỡng đạo trị quốc