Người xưa vô cùng coi trọng chữ Tín, giảng rằng lời nói là phải có sự thành tín tuyệt đối. Một người khi đã chủ định giữ chữ Tín với ai mà lại không làm được thì phẩm giá của bản thân người ấy đã bị hạ thấp rồi.

Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai của con người
(Tranh: Đào Nguyên tiên cảnh đồ, Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)

Thành tín, giữ chữ Tín là đức hạnh truyền thống tốt đẹp của người từ xưa đến nay. Hàng ngàn năm qua, thành tín vẫn là thước đo nhân phẩm và đạo đức của một người.

Bàn về chữ Tín, Khổng Tử nói: “Người mà không giữ chữ tín, không biết có thể thành người được không.” Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai của một người, thậm chí đôi khi là sinh mệnh của một quốc gia.

Người xưa coi thành tín là điều vô cùng đáng quý. Trong “Sử ký – Quý Bố, Loan Bố liệt truyện” có chép một câu như vậy: “Được trăm lạng vàng cũng không bằng được một lời hứa của Quý Bố”.  Thời Hán Sở phân tranh, Quý Bố là tùy tướng của Hạng Vũ, là một người rất coi trọng chữ Tín. Mỗi khi ông đã hứa hẹn với ai điều gì thì  không bao giờ ông để thất hứa, luôn tận sức hoàn thành lời hứa. Cho nên người đời xem lời hứa của Quý Bố rất có giá trị, quý hơn cả trăm nén vàng. Về sau dân gian cũng có câu rằng: “Lời hứa đáng giá ngàn vàng“, đều là để chỉ sức nặng của lời hứa.

Trong cuộc sống, những thứ đoạt được nhờ thất Tín thì không thể tồn tại lâu dài. Người mà không giữ chữ Tín thì vĩnh viễn không có bạn bè chân chính, cũng không thể thành tựu được sự nghiệp. Một thương nhân dựa vào lừa gạt hãm hại người khác thì chỉ kiếm được chút tiền trong nhất thời mà không thể trở nên phú quý thực sự. Một người không có học vấn cũng có thể miệng lưỡi thao thao bất tuyệt, nhưng một khi mọi người biết được trình độ thật của họ thì sẽ không còn ai bị những lời ấy mê hoặc nữa. Một người lãnh đạo mà nói không giữ chữ Tín thì người dưới quyền sao có thể trung thành, giữ chữ tín với họ được? Thậm chí còn mang tâm lý khinh miệt, không hề có chút niềm tin.

Về chữ Tín này, người xưa còn lưu truyền lại câu chuyện “Ba nghìn dặm không thất tín”, xem như một cách để răn dạy hậu nhân. Chuyện kể rằng hai người bạn kia gặp nhau vào khoảng đầu mùa xuân. Trước khi chia tay, người chủ nhà hỏi rằng khi nào thì lại đến chơi. Người bạn kia ước hẹn vào tết Trung Thu sẽ tới để hai người cùng ngắm trăng.

Đến tết Trung Thu, chủ nhà mang rượu và thức ăn ra hoa viên sau nhà, không ăn không uống mà kiên trì ngồi chờ bạn đến. Đến lúc gần tới canh 3, người bạn kia quả nhiên đi đến, đứng ngoài cửa hoa viên hỏi: “Hiện tại chưa qua canh 3 nên vẫn tính đang là ngày rằm chứ?”.

Người chủ nhà trả lời bạn: “Chưa qua, chưa qua, đương nhiên vẫn là rằm rồi. Tôi biết rõ ngài nhất định sẽ đến, bởi vì trong trí nhớ của tôi thì ngài chưa thất tín với tôi bao giờ. Xin mời, mau vào cùng tôi uống rượu ngắm trăng”. Người chủ nhà nói xong liền chạy lại cổng của hoa viên để đón bạn vào.

Người bạn lùi lại một chút rồi nói: “Xin ngài đừng qua đây! Vì gặp chuyện đặc biệt nên tôi không thể gặp ngài đúng hẹn. Tôi từng nghe có người nói, người mà trút bỏ đi thân thể rồi thì chỉ trong tích tắc, linh hồn có thể đi ngàn dặm đường. Cho nên, vào canh hai tôi đã trút bỏ đi thân thể của mình để có thể đi ba nghìn dặm đến đây trước canh ba. Giờ tôi đã ở đây rồi, xem ra lời ấy cũng không phải hư truyền. Tôi với ngài giờ đã là âm dương cách biệt, nhưng dù sao thì tôi cũng đã giữ được lời hứa với ngài”.

Câu chuyện có phần huyền hoặc này là để nói với chúng ta rằng, người xưa coi trọng chữ Tín, thậm chí còn đặt tín nghĩa cao hơn cả tính mạng của bản thân mình. Kỳ thực trong lịch sử có rất nhiều người vì chữ Tín mà thật sự mất đi sinh mệnh, ví như chuyện Vĩ Sinh thủ tín mà chết dưới cầu, ví như chuyện Kinh Kha hành thích Thủy Hoàng Đế…

Người ngày nay cho rằng lời nói gió bay nhưng cổ nhân lại cho rằng lời một khi nói ra thì có Trời đất chứng giám, cho nên, đừng vì tùy hứng mà hứa rồi lỡ thất Tín với người khác. Chúng ta cần phải noi gương người xưa, coi trọng việc giữ chữ Tín, như thế mới có thể khiến cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn, đáng tin hơn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: