Chuẩn ơi là chuẩn!
- Vũ Thế Thành
- •
Hồi tôi học Đệ Lục (lớp 7 bây giờ), cô giáo Việt Văn người Bắc (chắc là dân 54) đọc chính tả, “đập cửa rầm rầm” thành “đập cửa dzầm dzầm”.
Với môn luận văn, tả tình tả cảnh thì tôi dốt nát, nhưng môn chính tả thì tôi khó… thua, ngay từ thời tiểu học, tôi luôn luôn dẫn đầu môn chính tả. Lần đó, tôi quyết định viết “dầm dầm” y như phát âm của cô giáo. Kết quả là tôi bị bắt lỗi. Sai hai lỗi giống nhau, nên bà cô ra ơn, trừ một điểm. Chỉ chờ có thế, tôi khiếu nại. Cô giáo chẳng nói gì, nhưng vẫn trừ điểm.
Người Bắc thường phát âm nặng , vần “tr” thành “ch” (“trời” thành “chời”) như tác giả Huyền Chiêu “bắt lỗi” trong bài Bắc kỳ di cư. Bắt lỗi người ta mà trong lòng lại… thích thú với lỗi đó.
Người Bắc cũng hay đọc vần “r” thành “dz” như “Năm năm rồi không gặp”, nhiều ca sĩ Bắc (cả ca sĩ trong Nam nữa) đều hát thành “Năm năm “dzồi” không gặp”…
Dân Nam và Trung phát âm còn trớt quớt hơn nữa, nhất là dân Miền Trung, tới miệt Quảng Bình, phát âm nghe không hiểu nổi. Có lần ở một bến đò xứ Huế, bà chủ đò chắc bị ai đó giựt mối, nổi cơn la hét chửi rủa một tràng, tôi ngây người, không hiểu được câu nào… (May mà tôi không hiểu).
Đâu đó cách nay 15 năm, tôi ra Đà Nẵng dự hội thảo, nhân tiện ghé Huế thăm bè bạn. Cậu tài xế biết Huế là gì nên tôi dẫn vào thăm Đại Nội. Tình cờ gặp một cơ hướng dẫn viên du lịch, trạc ngoài 30, mặc áo dài tím, đội nón lá đang thuyết minh cho du khách, giọng lúc trầm, lúc bổng, nhẹ như hơi gió… Tôi vốn không tin gì lắm vào thuyết minh du lịch ở Việt Nam, nên tiếp tục đi. Quay lại, tài xế mất tiêu. Đi tìm, thấy cậu ta đang đứng ngẩn người nghe thuyết minh. Tôi khều, anh ta miễn cưỡng đi theo như người mất vía. Hỏi, nghe có hiểu gì không? – Thẩn thờ lắc đầu. Anh tài xế quê gốc gác Mỹ Tho. Cho mày chết! Nghe giọng con gái Huế thủ thỉ con trai miền Nam như bị chích thuốc tê, bất kể nội dung.
Hồi xuống An Giang, theo đoàn làm phim tài liệu nước mắm cá đồng, tôi phỏng vấn một bà làm nước mắm cá linh. Bả nói, năm nào mùa nước lên thu được cá linh gặt… Tôi ngắt lời, cá linh gặt là loại cá linh thế nào? Ngữ Yên, kẻ lê la ăn vặt miền Tây phá lên cười, dù đang ghi âm thu hình. Té ra, “gặt” là “rặt”. Cá linh “gặt” nghĩa là “rặt” toàn là cá linh, tỉ lệ cá tạp ít.
Với tôi, đó là chỉ là phát âm riêng vùng miền. Tôi luôn luôn tôn trọng kiểu phát âm của họ, dù họ có nói, “lạnh lùng” thành “nạnh nùng”, hay “cá rô” thành “cá gô”,… Đôi khi tôi còn cảm thấy khó chịu khi có người nhại giọng vùng khác hàm ý chê bai người ta quê mùa.
Nói cho cùng, chẳng có vùng miền nào phát âm tiếng Việt đáng gọi là “chuẩn” cả. Vùng nào ít ra cũng phát âm vài từ không đúng. Điều này tạo ra đặc trưng của giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn, giọng Nẫu, giọng Huế,…
Từ “chuẩn” chỉ xuất hiện sau năm 75 để chỉ sự độc tôn kiêu hãnh, phát âm phải như thế này… này mới gọi là… “chuẩn”. Đành thế, ngay cả phương ngữ cũng phải… chuẩn, “chả lụa” phải nói là “giò lụa”, chả giò phải gọi là nem rán mới… chuẩn. Tính đa dạng của ngôn ngữ bị cầm tù.
Rốt cuộc “chuẩn” là cái gì, tôi không biết.
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành có bổ sung ảnh minh họa
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa tiếng Việt