Chuyện một người Việt làm vua Chiêm Thành
- Minh Vũ Hồ Văn Châm
- •
Chuyện xảy ra vào đời vua Lê Đại Hành, cuối thế kỷ thứ 10, lúc nền tự chủ của Đại Cồ Việt còn đang ở giai đoạn củng cố để tự khẳng định, còn Chiêm Thành thì đã là một quốc gia độc lập gần 800 năm nay, và đang ở vào thời kỳ cực thịnh.
Chiêm Thành lập quốc và tranh chấp biên cương với Giao Châu
Nước Chiêm Thành vốn là đất quận Nhật Nam, thuộc Giao Chỉ Bộ nhà Hán. Năm 192 sau Công Nguyên, niên hiệu Sơ Bình thứ 3 đời Hán Hiến Đế, con trai của viên công tào huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên (trên bia đá tìm được ở Khánh Hòa có khắc tên tiếng Phạn là Xri Mara) nổi lên chiếm cứ huyện thành, dựng cờ độc lập. Quận Nhật Nam lúc bấy giờ có 5 huyện: Lư Dung, Tỵ Cảnh, Tây Quyển, Tượng Lâm, và Châu Ngô. Huyện Tượng Lâm nằm ở phần đất tỉnh Quảng Nam ngày nay. Vì địa thế Tượng Lâm xa xôi hiểm trở, quan binh Lĩnh Nam không có khả năng đánh chiếm lại, mà triều đình lại gặp lúc suy vi không thể điều động quân nơi khác đến tăng viện, nên nhà Đông Hán đành để cho Tượng Lâm tự chủ, và gọi địa phương tân lập này là Lâm Ấp, ý nói là đô ấp của huyện Tượng Lâm. Gặp lúc Trung Hoa loạn lạc, đất nước bị chia ba (Thời Tam quốc), Lâm Ấp kiêm tính luôn huyện Châu Ngô (Bình Định), định quốc đô ở Sinharpura (Trà Kiệu), bành trướng lãnh thổ lên Tây Nguyên và vào phía nam đèo Cả, thế lực mỗi ngày một mạnh. Chỉ nửa thế kỷ sau khi độc lập, Lâm Ấp đã tính đến chuyện tiến ra miền bắc tranh phong với Đế quốc Hán.
Năm 248, niên hiệu Xích Ô thứ 11 nhà Đông Ngô, Lâm Ấp đánh chiếm thành Khu Túc (ở xã Nguyệt Biều trên bờ nam sông Hương) của quận Nhật Nam, rồi kéo quân ra cướp phá hai quận Cửu Chân (Thanh Hóa) và Giao Chỉ (Bắc Bộ), san bằng hai quận thành này. Ngô Chúa Tôn Quyền sai Lục Dận làm Thứ Sử Giao Châu, An Nam Hiệu Úy, đem đại binh từ Kim Lăng sang ứng phó, Lâm Ấp mới lui quân, nhưng vẫn giữ thành Khu Túc. Từ đó, Lâm Ấp sửa sang Khu Túc thành căn cứ quân sự xuất phát các cuộc tiến binh cướp phá Giao Châu khiến nhà Tấn phải lấy phần đất của huyện Tây Quyển tiếp giáp với Lâm Ấp để lập thêm huyện Thọ Lãnh (huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên) nhằm mục đích củng cố việc bảo vệ cương giới cực nam của Giao Châu.
Năm 347, đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 3, vua Lâm Ấp Phạm Văn cử đại binh đánh chiếm quận Nhật Nam, bắt giết Thái Thú Hạ Hầu Lãm, san bằng thành Tây Quyển (phía bắc Huế), xây lũy Bình Chánh (mạn bắc Quảng Bình) để làm đường phân ranh Giao Châu-Lâm Ấp, mưu tính chuyện chiếm đóng lâu dài. Nhưng liền sau đó, nhà Tấn cử Đằng Tuấn làm Chinh Tây Đốc Hộ huy động quân lính hai châu Giao Quảng, năm 349, vào tái chiếm Nhật Nam, nhưng bị Phạm Văn đánh bại, phải lui về Cửu Chân.
Trong trận này, Phạm Văn cũng bị thương và chết ít lâu sau đó, con là Phạm Phật lên thay. Đằng Tuấn thừa cơ hợp binh với Thứ Sử Giao Châu Dương Bình và Thái Thú Cửu Chân Quán Súy, năm 351, tiến vào chiếm lại Tây Quyển, đuổi đánh quân Lâm Ấp qua Thọ Lãnh đến Khu Túc, rồi hai bên giảng hòa.
Nhưng chỉ ít lâu sau khi Đằng Tuấn bãi binh, năm 359, vẫn đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Thăng Bình năm đầu, Phạm Phật lại từ Khu Túc tiến ra xâm lấn Nhật Nam, khiến Thứ Sử Giao Châu là Ôn Phóng Chi phải cử đại binh thủy lục vào đánh. Phạm Phật rút quân lui về giữ vững thành Khu Túc. Hai bên nghị hòa, Phạm Phật trả lại đất Nhật Nam, lấy bến Ôn Công (mũi Chân Mây, cực nam Thừa Thiên) làm ranh giới Giao Châu-Lâm Ấp.
Nhật Nam yên ổn được một thời gian. Đến đời Tấn An Đế, con Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt (Bhadravarman I) lên nối ngôi cha, năm 399, niên hiệu Long An thứ 3, lại tiến binh đánh hãm quận Nhật Nam, bắt giết Thái Thú Cảnh Nguyên, rồi thừa thắng tiến ra đánh chiếm quận Cửu Đức (nhà Tấn lấy phần đất phía nam quận Cửu Chân mà lập ra, (ngày nay là Nghệ Tĩnh), bắt giết Thái Thú Tào Bính, và vây hãm quận thành Giao Châu, nhưng bị Thái Thú Giao Chỉ là Đỗ Viện đánh bại phải rút quân về. Nhờ quân công này, Đỗ Viện được thăng làm Thứ Sử Giao Châu, đến khi mất, con là Đỗ Tuệ Độ thay thế.
Năm 413, Phạm Hồ Đạt vượt biển ra cướp phá quận Cửu Chân, gia tướng của Đỗ Tuệ Độ là Đỗ Tuệ Kỳ đánh giết được Âu Tri là con nối ngôi của Phạm Hồ Đạt, và Phạm Kiện là tướng chỉ huy quân Lâm Ấp, và bắt sống một người con khác của Phạm Hồ Đạt là Na Năng cùng hơn một trăm tùy tướng lớn nhỏ. Phạm Hồ Đạt thảm bại, rút quân về, rồi mất trong năm đó. Con cháu Phạm Hồ Đạt không giữ được vương nghiệp, ngôi báu về tay người khác họ là Phạm Dương Mại.
Lúc bấy giờ nhà Tấn mất, và Trung Hoa chia làm Nam Bắc triều. Năm 420, Lưu Dũ lên ngôi, lập ra nhà Tống (Nam triều), tức là Tống Vũ Đế, và vẫn dùng Đỗ Tuệ Độ làm Thứ Sử Giao Châu.
Năm 421, niên hiệu Vĩnh Sơ thứ 2, Đỗ Tuệ Độ hàng phục được Phạm Dương Mại. Tống Vũ Đế bèn phong Phạm Dương Mại làm Lâm Ấp vương, và từ đó Lâm Ấp chính thức trở thành phiên bang của Trung Quốc.
Năm 433, đời Tống Văn Đế, niên hiệu Nguyên Gia thứ 10, vua Lâm Ấp kế tiếp là Phạm Dương Mại II cử sứ bộ sang xin nhà Tống cho kiêm tính Giao Châu nhưng bị từ chối, nên đem lòng oán hận, một mặt lơ là việc triều cống, mặt khác thường xuyên đem quân cướp phá Giao Châu. Tống Văn Đế bèn sai Đàn Hòa Chi đem bọn Tiêu Cảnh Hiến, Tông Xác, Khương Trọng Cơ, Kiều Hoằng Dân, năm 446, niên hiệu Nguyên Gia thứ 23, cử đại binh đánh Lâm Ấp, hạ được thành Khu Túc, rồi tiến vào kinh đô Trà Kiệu đốt phá chém giết, thu vét được nhiều vàng bạc châu báu. Từ đó, Lâm Ấp suy yếu, chịu giữ phận phiên thuộc nên biên cương phía nam của Giao Châu (mũi Chân Mây) được tạm yên.
Nhà Tề thay nhà Tống, năm 492, niên hiệu Vĩnh Ninh thứ 10, lại gia phong cho vua Lâm Ấp Phạm Chư Nông tước vị An Nam Tướng quân Lâm Ấp vương. Nhưng đến khi nhà Lương lên ngôi vua Nam triều, nhân việc Lý Bôn nổi lên độc lập ở Giao Châu, lập ra nước Vạn Xuân vào năm 541, đời Lương Vũ Đế, niên hiệu Đại Đồng thứ 7, vua Lâm Ấp là Luật Đà La Bạc Ma (Rudravarman) thừa cơ đem quân lấn chiếm Nhật Nam rồi kéo ra cướp phá Cửu Đức, bị tướng nhà Tiền Lý nước Vạn Xuân là Phạm Tu đánh bại, nên phải rút quân khỏi Cửu Đức, nhưng vẫn chiếm cứ Nhật Nam. Đây là lần đụng độ quân sự đầu tiên giữa Lâm Ấp và Giao Châu độc lập.
Từ đó, suốt 62 năm tồn tại của nước Vạn Xuân, trải qua các đời Lương, Trần (Nam triều) cho đến khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc, Lâm Ấp tiếp tục chiếm cứ Nhật Nam. Sau khi hàng phục Lý Phật Tử, chiếm lại Giao Châu, nhà Tùy sai Lưu Phương làm Hoan Châu đạo Hành quân Tổng quản đem đại binh đi kinh lược Lâm Ấp.
Năm 605, đời Tùy Dượng Đế, niên hiệu Đại Nghiệp năm đầu, Lưu Phương cùng Thứ Sử Khâm Châu là Ninh Trường Chân hợp binh thủy bộ chiếm lại Nhật Nam, hạ thành Khu Túc, rồi kéo quân vào quốc đô Trà Kiệu đánh đuổi vua Lâm Ấp là Phạm Phạn Chí chạy vào Panduranga, thu vét nhiều vàng bạc châu báu và kinh sách.
Nhà Tùy chia đất mới bình định làm 3 quận là Tỵ Cảnh (Quảng Bình), Hải Âm (Quảng Trị, Thừa Thiên), và Lâm Ấp (Quảng Nam, Bình Định). Nhưng triều Tùy quá ngắn ngủi, Trung Hoa rơi trở lại vào cảnh loạn lạc, nhân đó Phạm Phạn Chí nổi lên khôi phục đất cũ.
Đến lúc nhà Đường lên thay, Phạm Phạn Chí và các vua kế vị tuy cung thuận Trung Quốc nhưng vẫn giữ đất Nhật Nam.
Từ năm 758, đời Đường Túc Tông, niên hiệu Càn Nguyên năm đầu, sử Tàu gọi Lâm Ấp là Hoàn Vương. Các vua Hoàn Vương không triều cống Trung Quốc, và thường xuyên kéo quân ra cướp phá An Nam. Đến mạt diệp nhà Đường, triều đình suy yếu, quan binh An Nam Đô Hộ phủ lại bận bịu đối phó với nạn Nam Chiếu thường xuyên từ mạn tây bắc tràn xuống cướp bóc, không còn hơi sức để lo việc phương nam, nên Nhật Nam mất hẳn về Lâm Ấp. Biên giới Giao Châu-Lâm Ấp là ở Hoành Sơn.
Năm 875, Lâm Ấp thiên đô về Đồng Dương (Indrapura), cũng trong địa hạt Quảng Nam. Bắt đầu từ đây, sử sách Trung Quốc dùng danh xưng Chiêm Thành (Champapura) có nghĩa là đất nước của người Chiêm, thay thế danh xưng Lâm Ấp có nghĩa là đô ấp của huyện Tượng Lâm. Sự kiện này hàm ý từ bỏ tham vọng khôi phục quận Nhật Nam đời Hán và nhìn nhận Chiêm Thành là một xứ sở tự chủ ở ngoài cương vực sinh hoạt của dân tộc Trung Hoa.
Giao Châu tự chủ bước đầu lấn đất Chiêm Thành
Vào đầu thế kỷ thứ 10, nhân lúc Trung Hoa loạn lạc, ở Giao Châu, Khúc Thừa Dụ nổi lên tự lập làm Tiết Độ sứ.
Năm 907, nhà Đường mất. Nhà Hậu Lương lên thay, cử Lưu Ẩn làm Tiết Độ sứ Quảng Châu, tước Nam Bình vương, và mặc nhiên công nhận Khúc Hạo thay thế cha giữ chức Tiết Độ sứ Giao Châu.
Năm 911, Lưu Ẩn chết, Lưu Cung lên thay, tách Quảng Châu thành nước độc lập, và xưng đế, lấy quốc hiệu là Đại Việt, định đô ở Phiên Ngung.
Trong lúc đó, tại Giao Châu, năm 917, khi Khúc Hạo chết, nhà Lương giao chức Tiết Độ sứ cho con Khúc Hạo là Khúc Thừa Mỹ. Lưu Cung bèn cất quân đi đánh Khúc Thừa Mỹ.
Năm 923, Khúc Thừa Mỹ bại trận, Quảng Châu và Giao Châu lại thống nhất sau hơn nửa thiên niên kỷ chia cắt. Nhưng Lý Khắc Chính và Lý Tiến cùng bọn quan lại Lưu Cung đưa sang Giao Châu là bọn tham tàn, dân Giao Châu không phục, nên chỉ ít lâu sau, năm 931, bị tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ nổi lên đánh đuổi. Dương Đình Nghệ tự lập làm Tiết Độ sứ. Thừa lúc Giao Châu có nội loạn (Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn), năm 938, Lưu Cung cử đại binh sang đánh Giao Châu. Quân hai bên giao chiến trên sông Bạch Đằng, và quân Lưu Cung đã bị Ngô Quyền đánh bại. Ngô Quyền xưng vương, nhưng sau khi Ngô Quyền chết vào năm 944, Giao Châu rơi vào nạn 12 sứ quân cát cứ.
Tại Quảng Châu, Lưu Cung nghĩ mình thuộc tông thất nhà Hán nên vào năm 947 đổi quốc hiệu Đại Việt lại thành Nam Hán.
Tại Giao Châu, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, tự lập làm vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng, được quần thần tôn là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình, và định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Trong khoảng thời gian này, Triệu Khuông Dẫn thống nhất Trung Hoa, lập nên nhà Tống. Vua Tống sai Phan Mỹ đem binh đánh bắt Lưu Thành, diệt nhà Nam Hán. Quảng Châu lại thuộc bản đồ Trung Quốc. Trước tình hình đó, liên tiếp các năm 970, 971, Đinh Bộ Lĩnh cử sứ bộ sang Tống triều cầu phong, và năm 972, vua Tống phong cho Đinh Bộ Lĩnh tước vị Giao Chỉ Quận vương. Giao Châu được chính thức thừa nhận tự chủ.
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích ám hại, vua kế vị còn nhỏ tuổi, triều thần khuynh loát lẫn nhau. Nhà Tống thừa cơ sai Hầu Nhân Bảo và Lưu Trừng, năm 980, đem quân thủy bộ hai mặt cùng tiến vào đánh, đồng thời đưa thư uớc hẹn vua Chiêm Thành là Tỳ Mi Thuế tiến công cương giới phía nam của Đại Cồ Việt.
Trước tình thế nguy cấp như vậy, do sự sắp xếp của Phạm Cự Lượng và sự đồng tình của bà Thái hậu họ Dương, quân sĩ tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, lấy hiệu là Đại Hành Hoàng Đế.
Tháng 3 năm 981, quân Tàu tiến vào nội địa Đại Cồ Việt. Lê Hoàn chia quân giữ chặt mặt thủy, ngăn chặn quân Lưu Trừng không vào được sông Bạch Đằng, đồng thời đón đánh đạo quân Tàu đi đường bộ qua ngã Ôn Châu, bắt giết chủ tướng Hầu Nhân Bảo và cầm tù bọn bộ tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huấn.
Năm 982, Lê Hoàn cử sứ bộ qua Tống triều cầu hòa và được phong chức Tĩnh Hải Tiết Độ sứ. Về sau, Lê Hoàn còn được Tống triều gia phong Giao Chỉ Quận vương vào năm 993, và Nam Bình vương vào năm 997. Yên được mặt bắc, ngay trong năm 982, Lê Hoàn cất quân chinh phạt Chiêm Thành.
Lúc này, Chiêm Thành là một quốc gia tự chủ từ bảy tám trăm năm nay và chịu ảnh hưởng đậm đà văn minh Ấn Độ.
Từ năm 749 đời Đường Huyền Tông, niên hiệu Thiên Bửu thứ 8, Lâm Ấp vĩnh viễn chiếm cứ Nhật Nam và không còn gửi sứ bộ thông hiếu với Trung Quốc. Đã vậy, các vua Hoàn Vương lại thường xuyên kéo quân ra cướp phá miền Hoan Ái.
Từ năm 875 là năm quốc gia này được sử Tàu bắt đầu gọi là Chiêm Thành thì nước này đã trở nên cường thịnh, nhất là dưới các triều vua Indravarman II và Indravarman III. Chiêm Thành đánh thắng Chân Lạp nhiều trận lớn, mở rộng biên cương về phía nam và phía tây, kiến thiết kinh đô Đồng Dương và khu thánh địa Mỹ Sơn vô cùng tráng lệ. Chiêm Thành không thông hiếu với Trung Quốc, nhưng đến khi Triệu Khuông Dẫn chấm dứt thời Ngũ Đại, lên ngôi vua lập ra nhà Tống thì vua Chiêm Thành lúc bấy giờ là Jaya Indravarman ngay trong năm 960 đã nhanh chóng gửi sứ bộ mang lễ vật sang chúc mừng và xin nối lại bang giao với Trung Quốc. Sau đó, Jaya Indravarman cũng như vua kế vị là Paramecvaravarman mà sử ta gọi là Tỳ Mi Thuế đều đặn giữ lệ triều cống nhà Tống. Do có mối giao hảo này mà có vụ Tống triều năm 980 gửi thư ước hẹn Tỳ Mi Thuế liên minh cất quân đánh vào biên giới phía nam của Đại Cồ Việt.
Lê Hoàn là một vị Hoàng đế Tướng quân có thực tài cả về quân sự lẫn chính trị. Vừa lên ngôi vua, Lê Hoàn một mặt tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang để đối phó với quân nhà Tống, mặt khác đẩy mạnh công tác ngoại giao tìm cách thông hiếu với Chiêm Thành.
Năm 981, niên hiệu Thiên Phúc thứ 2, vua Lê sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chiêm Thành giao hiếu. Nhưng vua Chiêm Thành Tỳ Mi Thuế ỷ vào thế liên minh với nhà Tống, lại thấy quân Tống đang sửa soạn tiến vào nội địa Đại Cồ Việt, nên chẳng những không chịu bàn việc hòa hiếu mà còn trở mặt bắt giữ sứ giả. Vua Lê vô cùng tức giận, nên ngay sau khi đánh bại hai đạo quân thủy bộ của nhà Tống, và thành công trong việc gửi sứ bộ sang Tống triều nghị hòa và cầu phong, năm 982, niên hiệu Thiên Phúc thứ 3, nhà vua ngự giá thân chinh cất đại quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành Tỳ Mi Thuế xuất quân chống cự, và chiến trận đã xảy ra trong vùng Bình Trị Thiên ngày nay. Tỳ Mi Thuế bị chém chết ngay tại trận tiền, và binh lính Chiêm Thành bị giết và bị bắt sống hàng mấy vạn người.
Người Chiêm tôn Indravarman IV lên làm vua để lo việc chống giữ, nhưng không cản được đà tiến quân như vũ bão của Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành đánh chiếm kinh đô Đồng Dương (Quảng Nam), Indravarman IV bỏ thành chạy trốn vào Panduranga (Phan Rang). Quân nhà Tiền Lê san thành Đồng Dương thành bình địa, và thiêu hủy tông miếu hoàng gia Chiêm Thành. Vua Lê Đại Hành chia quân đóng giữ các nơi xung yếu của Chiêm Thành đến tận Vijaya (Bình Định). Nhà vua ở lại trên đất Chiêm một năm mới hạ chiếu ban sư. Khi rút quân về, nhà vua mang theo 100 cung nữ người Chiêm giỏi múa hát và một thầy tăng người Ấn Độ, cùng rất nhiều vàng ngọc châu báu. Nhà vua lưu lại một đạo quân trú phòng dưới quyền chỉ huy của Quản giáp Lưu Kế Tông để chiếm đóng phần phía bắc nước Chiêm Thành (từ Hoành Sơn đến mũi Varella).
Chuyện người Việt làm vua Chiêm Thành
Chuyện xảy ra vào triều vua Lê Đại Hành.
Năm 983, niên hiệu Thiên Phúc thứ 4, vua Lê Đại Hành rút đại quân về Hoa Lư, và cử Quản giáp Lưu Kế Tông ở lại Đồng Dương chỉ huy đạo quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, bao gồm bắc bộ quận Nhật Nam cũ (Bình Trị Thiên), miền Amaravati (Quảng Nam) và miền Vijaya (Bình Định). Vua Chiêm Thành Indravarman IV chạy trốn vào nam, chỉ còn giử được miền Panduranga (Khánh Thuận).
Năm 985, niên hiệu Thiên Phúc thứ 6, Indravarman IV cử sứ bộ sang Tống triều dâng cống phẩm và khiếu nại với vua Tống Thái Tông về chuyện Giao Châu (Đại Cồ Việt) xâm chiếm đất đai và phá hủy tông miếu của Chiêm Thành. Vì quân nhà Tống vừa mới bị Lê Đại Hành đánh bại, nên Tống triều cũng e ngại không muốn xen vào công việc của hai nước Chiêm Việt, chỉ biết một mặt phủ dụ sứ bộ Chiêm Thành nên cư xử hòa mục với lân bang, mặt khác hứa hẹn sẽ làm trung gian trong việc thương nghị với Đại Cồ Việt để giải quyết tranh chấp bằng con đường thỏa hiệp hòa bình.
Năm 986, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7, Indravarman IV chết, Lưu Kế Tông tự lập làm vua Chiêm Thành và cử sứ giả mang phẩm vật sang triều cống vua Tống (1). Người Chiêm Thành nổi lên chống đối và bị Lưu Kế Tông đàn áp nên phải chạy trốn sang Hải Nam và Quảng Châu tỵ nạn. Vua Tống Thái Tông bèn cử sứ giả mang tặng vật qua Hoa Lư ban cho vua Lê Đại Hành và đưa thư hỏi về việc Lưu Kế Tông tự lập làm vua và đàn áp người Chiêm Thành, và việc bọn Bồ La Át đem hơn 100 người trong thị tộc chạy sang Đạm Châu (Hải Nam) xin qui phụ nhà Tống (2). Vua Lê Đại Hành sai Ngô Quốc Ân cầm đầu sứ bộ sang Tống triều đáp lễ và biện giải về các vụ Lưu Kế Tông và Bồ La Át (3).
Trong những năm tiếp theo, người Chiêm Thành tiếp tục chống đối Lưu Kế Tông, và bị đàn áp mạnh, nên bỏ chạy sang qui phụ Trung quốc mỗi ngày một nhiều (4).
Năm 988, niên hiệu Thiên Phúc thứ 9, người Chiêm Thành nổi dậy chiếm lại miền Vijaya, và tôn người lãnh đạo cuộc nổi dậy lên ngôi vua tại thành Phật Thệ (còn gọi là Chà Bàn, ở Bình Định). Vua mới được tôn lên ngôi lấy hiệu là Ku Xri Harivarman II, sử ta gọi là Băng vương La Duệ. Lưu Kế Tông lo buồn sinh bệnh. Qua năm sau, 989, niên hiệu Hưng Thống năm đầu đời Lê Đại Hành, Lưu Kế Tông mất.
Harivarman II thừa cơ tiến ra khôi phục miền Amavarati và bắc bộ Nhật Nam cũ đến tận châu Địa Lý.
Năm 990, niên hiệu Hưng Thống thứ 2, vua Lê Đại Hành sai quân sang đánh châu Địa Lý, bắt được nhiều tù binh. Harivarman II liền cử sứ bộ mang tê ngưu và sản vật quí giá sang Tống triều tiến cống và dâng biểu tố cáo Đại Cồ Việt lại sang xâm chiếm đất đai Chiêm Thành. Vua Tống Thái Tông đích thân đứng ra giảng hòa hai nước Chiêm – Việt.
Ngay trong năm 990, niên hiệu Thuần Hóa năm đầu triều Tống Thái Tông, vua Tống gửi chiếu cho vua Lê yêu cầu bãi binh, và khuyến dụ nước nào hãy giữ nguyên biên cảnh nước đó, không được xâm lược lẫn nhau. Vua Lê Đại Hành vì mới được nhà Tống phong Kinh Triệu Quận hầu, và gia phong Kiểm Hiệu Thái úy (5), lại vì việc năm trước vua Chiêm Thành Harivarman II không chứa chấp bọn phản thần Dương Tiến Lộc (6), nên chấp nhận việc bãi binh nghị hòa. Vua Lê Đại Hành ra lệnh rút quân khỏi châu Địa Lý, đem về đóng giữ châu Bố Chính.
Năm 992, niên hiệu Hưng Thống thứ 4, vua Lê Đại Hành trao trả cho Chiêm Thành 360 người bị bắt tại châu Địa Lý trong trận đánh năm 990.
Cũng trong năm 992, nhà vua sai Phụ Quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người mở đường bộ dọc theo bờ biển từ cửa Nam Giới (cửa Sót ở Hà Tĩnh) vượt đèo Ngang và xuyên suốt qua châu Bố Chính để đến thẳng châu Địa Lý (miền giữa Quảng Bình).
Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành chỉ được 3 năm (986-989), thời gian làm vua không đủ dài và sự nghiệp không có gì hiển hách để lưu lại dấu ấn trong lịch sử bang giao hai nước Chiêm Việt. Tuy vậy, việc Lưu Kế Tông tự lập làm vua Chiêm Thành là chuyện có thực. Điều đáng nói là sự kiện lịch sử này sử cũ nước ta hoàn toàn không đả động đến, trong lúc đó thì sử nhà Tống ghi chép rất rõ ràng việc Lưu Kế Tông lên ngôi vua và gửi sứ bộ qua Tống triều cầu phong (1), cũng như biểu tấu của các biên thần ở Quảng Châu và Đạm Châu về việc những người Chiêm Thành chống đối Lưu Kế Tông chạy sang Trung Quốc xin qui phụ (2,4).
Sử cũ nước ta không hề nhắc nhở đến nhân vật Lưu Kế Tông, thảng hoặc có đề cập đến Lưu Kế Tông thì hoàn toàn không nói đến việc Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành mà chỉ nói đến chuyện Lưu Kế Tông trốn ở lại.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng Lưu Kế Tông vốn là một viên Quản giáp trong đạo quân của Lê Đại Hành đi chinh phạt Chiêm Thành năm Thiên Phúc thứ 3 (982). Khi vua Lê rút quân về nước năm Thiên Phúc thứ 4 (983), Lưu Kế Tông trốn ở lại. Vua Lê sai người con nuôi (không tường danh tính) đuổi theo bắt được, đem chém. Điều ghi chép này của Toàn Thư có mấy điểm không ổn.
Thứ nhất, Quản giáp đời Tiền Lê là chức quan võ phụ trách việc binh bị của một châu, tương đương với chức vụ Tiểu Khu trưởng hay Tư lệnh Quân khu ngày nay, như vậy, việc đào nhiệm của một Quản giáp là một sự kiện quan trọng, sử quan không thể giản lược chép “Lưu Kế Tông trốn ở lại” mà không nói rõ thêm vì sao trốn ở lại, trốn ở lại rồi đi đâu, làm gì v.v.
Thứ hai, việc đuổi bắt thành công một Quản giáp đào nhiệm là một công trạng khá lớn, người được vua sai phái thi hành công tác lại là con nuôi vua, thế mà sử quan không có được một vài chữ để nói về thân thế nhân vật này, chỉ ghi chú “không tường danh tánh”.
Thứ ba, việc “vua Lê sai con nuôi đuổi theo bắt được, đem chém” được Toàn Thư ghi là xảy ra vào năm Thiên Phúc thứ 4 (983) đời Lê Đại Hành, trong lúc đó thì Tống sử lại chép năm Ung Hy thứ 3 (986) đời Tống Thái Tông, tức là 3 năm sau, Lưu Kế Tông sai sứ giả là Lý Triều Tiên sang cầu phong. Chả lẽ Lưu Kế Tông bị chém chết rồi sống lại? Chả lẽ sử quan nhà Tống đặt chuyện ra để chép bậy? Mà nếu sử nhà Tống chép đúng sự thực thì việc “đuổi theo bắt được đem chém” là chuyện không hề xảy ra.
Cứ thế mà suy thì việc con nuôi vua Lê được sai phái đi đuổi bắt cũng không hề có, và việc Lưu Kế Tống trốn ở lại khi vua Lê rút quân về Hoa Lư chỉ đúng sự thực có nửa phần, nghĩa là Lưu Kế Tông đã ở lại chứ không phải trốn ở lại. Nói khác đi, Lưu Kế Tông đã công khai ở lại, Lưu Kế Tông được chỉ định ở lại để thi hành nhiệm vụ. Mà nhiệm vụ gì thích đáng hơn để giao phó cho một Quản giáp (là viên chức trông nom việc binh bị một châu) nếu không là nhiệm vụ chỉ huy đạo quân lưu lại chiếm đóng phần lãnh thổ mới bình định của nước Chiêm Thành, từ đèo Ngang đến mũi Varella.
Tóm lại, chuyện Lưu Kế Tông tự lập làm vua Chiêm Thành là chuyện có thực. Nguyên ủy của việc Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành là do vua Lê Đại Hành khi rút quân về Hoa Lư năm 983 đã lưu lại một đạo quân để chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, và cử Quản giáp Lưu Kế Tông chỉ huy đạo quân đó. Nhưng tại sao sử nước ta hoàn toàn không đề cập đến việc Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành?
Tại sao sử nước ta không ghi chép việc vua Lê có lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành?
Và tại sao sử nước ta lại quanh co bịa đặt chuyện Lưu Kế Tông đào nhiệm, bị bắt và bị xử chém?
Đó là những vấn đề cần được nêu lên để làm sáng tỏ một số dữ kiện lịch sử quan yếu trong giai đoạn nền tự chủ của nước ta vừa phôi thai, nhân đề cập đến chuyện một người Việt làm vua Chiêm Thành.
Những vấn đề xoay quanh chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành
Hầu hết sách sử nước ta không nói đến chuyện Lưu Kế Tông, thảng hoặc có nói tới thì chỉ nói Lưu Kế Tông trốn ở lại chứ hoàn toàn không nói vì sao trốn ở lại, trốn ở lại để làm gì. Đương nhiên là không có trước tác lịch sử nào, kể cả truyện dã sử và lịch sử tiểu thuyết, nói đến chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành. Ngay cả sách sử soạn thảo từ thời cận đại ấn hành bằng chữ quốc ngữ cũng không có tác phẩm nào đề cập đến chuyện Lưu Kế Tông, ngoại trừ cuốn Việt Sử: Xứ Đàng Trong của Phan Khoang có trích dẫn Toàn Thư nói về việc Lưu Kế Tông trốn ở lại, bị bắt, và bị chém, và Tống sử khẳng định chuyện Lưu Kế Tông có làm vua Chiêm Thành. Nhưng Phan Khoang chỉ đơn thuần trích dẫn sử ta và sử Tàu mà không đối chiếu, không đánh giá và không kết luận.
Như đã trình bày ở trên, chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành là chuyện có thực. Vậy ta thử tìm hiểu tại sao sử cũ nước ta hoàn toàn không đề cập đến?
Lưu Kế Tông lên ngôi vua Chiêm Thành là do có nhiều điều kiện khách quan làm tiền đề, nhưng tựu trung chủ yếu vẫn là do chiến công oanh liệt của Lê Hoàn đã chém chết Tỳ Mi Thuế, đốt cháy Đồng Dương và chiếm đóng già nửa nước Chiêm Thành. Sự nghiệp bình Chiêm của nhà Tiền Lê quả là lớn lao, dẫu các đời thịnh trị Lý, Trần về sau, trong lãnh vực này, cũng không hơn được. Do đó, luận giải giản đơn và dễ dàng được chấp nhận nhất về vấn đề sử cũ nước ta không đề cập đến chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành là một khi đã nói đến chuyện Lưu Kế Tông lên ngôi vua Chiêm Thành, thì phải nói đến chuyện Lưu Kế Tông được cắt cử ở lại chỉ huy đạo quân chiếm đóng già nửa nước Chiêm Thành, nghĩa là phải nói đến sự nghiệp bình Chiêm vô cùng hiển hách của Lê Hoàn. Gia dĩ, Lê Hoàn không có sử thần để lưu lại các trước tác tán tụng công đức, triều Tiền Lê lại quá ngắn ngủi, con không nối được nghiệp cha, còn nói gì đến việc ghi chép công trạng mở nước của đời vua trước. Tiếp đến các triều Lý Trần, sự nghiệp bình Chiêm, hoặc là không có gì vượt trội hơn, hoặc là bị lu mờ trước vai tuồng trọng yếu của giới khăn yếm (Ỷ Lan (7) đời Lý, Huyền Trân (8) đời Trần), cho nên đối với công nghiệp của Lê Hoàn, các sử quan đời sau đã vì chúa của mình mà lược bớt. Cũng cùng một lề lối suy luận giản đơn và dễ dãi như vậy, có người cho rằng hành động phản phúc của Lưu Kế Tông, cho dù tội nhẹ bỏ ngũ trốn ở lại, hay tội nặng hơn tự lập làm vua Chiêm Thành, là một chuyện không mấy tốt đẹp theo tinh thần chính thống nho giáo, bởi lẽ Lưu Kế Tông, dưới con mắt phán xét của các sử quan các triều đại phong kiến, là kẻ phản thần bạn nghịch, là tấm gương xấu xa không đáng để người đời sau biết đến, nên lược bỏ không chép.
Chuyện Lưu Kế Tông liên quan mật thiết đến việc vua Lê Đại Hành lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành. Cũng như đối với vụ Lưu Kế Tông tự lập làm vua, sử cũ nước ta hoàn toàn không đề cập đến vụ Lê Hoàn lưu quân. Hơn nữa, không phải chỉ có các sử gia đời sau không nhắc nhở đến việc lưu quân, mà chính ngay đương thời triều đình Tiền Lê cũng tránh né đả động đến chuyện này. Rõ ràng là nhà cầm quyền ở Hoa Lư tìm cách phủ nhận tất cả mọi liên hệ với các vụ việc xảy ra ở phía nam đèo Ngang sau năm 983 là năm Lê Hoàn rút đại quân ra khỏi Chiêm Thành, và lưu lại một đạo quân trú phòng dưới quyền chỉ huy của Lưu Kế Tông để chiếm đóng một miền rộng lớn vừa được bình định, kéo dài từ đèo Ngang đến mũi Varella. Vấn đề lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành là một hạng mục gay go trong các cuộc thương thảo ngoại giao giữa nhà Tống Trung Quốc và triều đình Tiền Lê Đại Cồ Việt. Tuy đã đánh bại 2 đạo binh thủy bộ của nhà Tống vào tháng 3 năm 981, Lê Hoàn luôn luôn tiến hành các cuộc vận động ngoại giao với nhà Tống để cầu phong. Liên tiếp trong các năm 981, 982, 983, Lê Hoàn gửi sứ bộ mang cống phẩm sang Tống triều lo việc thông hiếu. Mặt khác, Chiêm Thành là nước phiên thuộc của nhà Tống, vuốt mũi phải nể mặt, triều đình Đại Cồ Việt luôn luôn phải giải thích với nhà Tống lý do của việc chinh phạt Chiêm Thành năm 982 cũng như phải biện bạch về các dữ kiện chính trị và an ninh xảy ra ở Chiêm Thành từ năm 983 trở về sau. Chính sách ngoại giao của nhà Tống lúc bấy giờ đối với 2 nước phiên thuộc phương nam là làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Chiêm Việt, đồng thời sử dụng lá bài công nhận ngoại giao (tấn phong) một cách nhỏ giọt đối với Đại Cồ Việt để tạo áp lực ngăn cản Lê Hoàn thôn tính Chiêm Thành. Do đó mà năm 982, Lê Hoàn chỉ được nhà Tống phong Tĩnh Hải Tiết Độ sứ. Đến năm 989, qua bao nhiêu biến cố dồn dập và những nỗ lực liên tục của các sứ bộ, Lê Hoàn cũng chỉ mới được phong An Nam Đô Hộ Tĩnh Hải Tiết Độ sứ Kinh Triệu Quận hầu, gia phong Kiểm Hiệu Thái Úy. Chỉ sau khi Lê Hoàn chịu bãi binh nghị hòa (năm 990), rút quân ra khỏi châu Địa Lý theo chiếu chỉ của Tống Thái Tông, và trao trả tù binh cho Chiêm Thành (năm 992), năm 993, niên hiệu Thuần Hóa thứ 4 đời Tống Thái Tông, Lê Hoàn mới được nhà Tông phong làm Giao Chỉ Quận vương (5). Những hoạt động ngoại giao quanh co khúc mắc vừa kể trên đã giải thích lý do triều đình Hoa Lư phủ nhận sự liên hệ với các hành trạng của Lưu Kế Tông trên đất Chiêm Thành từ năm 983 trở về sau. Triều đình Hoa Lư trước sau đều nói với các sứ giả nhà Tống rằng Lưu Kế Tông là một tên đào ngũ, đã bị vua Lê sai con nuôi đi đuổi bắt và chém chết từ năm 983. Triều đình Hoa Lư nhất mực chối từ trách nhiệm về hoạt động của những người lính Đại Cồ Việt đồn trú trên đất Chiêm Thành dưới quyền Lưu Kế Tông bằng cách rêu rao rằng họ là những người trốn ở lại. Triều đình Hoa Lư giả tảng không biết Lưu Kế Tông là ai, làm ngơ để mặc Lưu Kế Tông muốn làm gì thì làm, kỳ thực thì tất cả các hoạt động của Lưu Kế Tông đều do Hoa Lư chỉ đạo. Thậm chí việc Lưu Kế Tông tự lập làm vua sau khi Indravarman IV chết cũng do sự dàn dựng của Hoa Lư. Thực vậy, nếu vua Lê Đại Hành rút hết đại binh về năm 983, không lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, thì hà cớ gì triều đình Hoa Lư phải quanh co, úp mở, che dấu, thậm chí bịa đặt chuyện Lưu Kế Tông trốn ở lại, bị bắt, và bị chém chết. Nếu Lưu Kế Tông là một kẻ phản bội, năm 983 đào ngũ, trốn ở lại một thân một mình, không có đạo quân trú phòng trong tay, thì làm sao năm 986 lại có thể tự lập làm vua Chiêm Thành. Nếu Lưu Kế Tông là một kẻ phản bội, năm 986 tự tung tự tác lên ngôi vua, cử sứ bộ sang Tống triều cầu phong, thì tại sao vua Lê Đại Hành không phát binh hỏi tội Lưu Kế Tông, mà phải đợi đến sau khi Lưu Kế Tông chết, Xri Harivarman II khôi phục hầu như toàn bộ đất cũ, vua Lê Đại Hành mới sai quân đánh châu Địa Lý lúc này đã trở lại trong tay người Chiêm Thành.
Kết luận
Chuyện một người Việt tên Lưu Kế Tông, vốn là một võ quan trong đạo quân nam chinh của vua Lê Đại Hành, đã lên làm vua Chiêm Thành là một chuyện có thực, được sử nhà Tống ghi chép rành rẽ, nhưng sử cũ nước ta hoàn toàn không đề cập đến. Với tài trí siêu việt của vua Lê Đại Hành, cùng với quân lực hùng hậu của Đại Cồ Việt thuở bấy giờ, nước ta có thừa khả năng thu phục toàn bộ quận Nhật Nam ngày trước. Nhưng nhà Tống không muốn Giao Châu trở nên quá mạnh, đích thân vua Tống Thái Tông đã đứng ra hòa giải để ngăn cản Đại Cồ Việt thôn tính Chiêm Thành, dùng lá bài tấn phong làm áp lực buộc vua Lê Đại Hành rút quân. Mặt khác, vua Lê Đại Hành tuy vừa oanh liệt đánh bại quân Tống, nhưng vẫn muốn thông hiếu với Trung quốc, nên trước đòi hỏi của Tống triều, vua Lê lúc đầu, bề ngoài thì minh thị rút quân nhưng bên trong thì âm thầm bố trí đạo binh Lưu Kế Tông ở lại chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, và về sau, khi Lưu Kế Tông chết, người Chiêm Thành nổi dậy chiếm lại đất cũ, vua Lê buộc lòng ra mặt cất quân đánh châu Địa Lý để rồi cuối cùng chịu bãi binh chỉ giữ lại châu Bố Chính (9) và đổi lấy việc phong vương trong mục đích tranh thủ Tống triều tiếp tục chính thức thừa nhận nền tự chủ của Đại Cồ Việt.
Cái tước quận vương Giao Chỉ của nhà Đinh và nhà Tiền Lê Đại Cồ Việt buổi đầu dựng cờ tự chủ đã mở đường cho cái tước quốc vương của các triều đại sau này và việc hình thành quốc gia Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam, độc lập và thống nhất. Chính sách ngoại giao kiên trì, mềm dẻo và khôn khéo của vua Lê Đại Hành xuyên qua câu chuyện Lưu Kế Tông làm vua Chiêm Thành đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp mở nước của dân tộc ta.
Và Lưu Kế Tông là kẻ có công chứ không phải là người có tội.
Tháng 5 năm 2001
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Đăng lại từ Lưu tộc Việt Nam (luutoc.vn)
Chú thích:
(1) Sử nhà Tống chép rằng trong năm 986, đời Tống Thái Tông, niên hiệu Ung Hy thứ 3, sứ giả của Lưu Kế Tông là Lý Triều Tiên mang phẩm vật sang tiến cống.
(2) Sử nhà Tống chép rằng trong năm 986, đời Tống Thái Tông, niên hiệu Ung Hy thứ 3, biên thần Đạm Châu (Hải Nam) tâu rằng người Chiêm là bọn Bồ La Át bị Giao Châu bức bách nên đem hơn 100 người trong họ chạy sang xin qui phụ.
(3) Tiếc rằng ngày nay không tìm thấy sử liệu nào đề cập đến các lời biện giải này.
(4) Sử nhà Tống chép trong năm 987, huyện Thanh Viễn, Nam Hải, thuộc Quảng Châu, tiếp nhận 150 người Chiêm đến xin tỵ nạn. Năm 988, niên hiệu Đoan Cung năm đàu, biên thần Quảng Châu lại tâu có thêm 301 người Chiêm xin qui phụ.
(5) Lê Hoàn được nhà Tống tấn phong như sau:
– Năm 982 Tĩnh Hải Tiết Độ sứ;
– Năm 989 An Nam Đô hộ Tĩnh Hải Tiết Độ sứ Kinh Triệu Quận hầu, gia phong Kiểm Hiệu Thái úy;
– Năm 993 Giao Chỉ Quận vương;
– Năm 997 Nam Bình vương.
(6) Năm 989, niên hiệu Hưng Thống năm đầu triều Lê Đại Hành, Quản giáp Dương Tiến Lộc làm phản, đem một số thủ hạ người châu Hoan châu Ái chạy sang Chiêm Thành xin qui phụ, nhưng vua Chiêm Harivarman II không thu nhận.
(7) Năm 1069, Lý Thánh Tông đem 5 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Tháng 2, vua thân chinh Chiêm Thành, đánh mãi không thắng, đem quân trở về, đến châu Cư Liên, nghe tin nguyên phi Ỷ Lan trông nom việc nội trị, lòng dân hòa hợp, trong nước yên tĩnh, thẹn nghĩ mình là phận mày râu mà không bằng khách má phấn, bèn quay binh trở lại đánh, và thắng trận”.
(8) Năm 1306, Trần Anh Tông gã em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Simhavarman III) để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (Quảng Trị, Thừa Thiên và Đà Nẵng).
(9) Sử cũ chép năm Kỷ Dậu (1069), niên hiệu Thiên Huống Bửu Tượng thứ 2, tháng 2, ngày Mậu Tuất, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh, và được tha về. Sử cũ chép như vậy là đã chép để chính thức hóa châu Bố Chính vốn đã thống thuộc Đại Việt trong thực tế từ đời Lê Đại Hành. Thực vậy, năm 990, vua Lê Đại Hành sai quân đánh châu Địa Lý, và năm 992, sai Ngô Tử An đắp đường bộ từ cửa Nam giới để đến châu Địa Lý, như vậy, nếu châu Bố Chính trong thực tế chưa thống thuộc Đại Cồ Việt thì lẽ ra vua Lê phải sai quân đánh châu Bố Chính trước, cũng như phải đặt vấn đề làm sao Ngô Tử An có thể mở đường xuyên qua châu Bố Chính nghĩa là trên đồng đất nước người. Hơn nữa, năm 1075, niên hiệu Thái Ninh thú 4, vua Lý Thánh Tông xuống chiếu đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh, và chiêu mộ dân đến lập nghiệp ở các châu ấy, không nhắc nhở gì đến châu Bố Chính. Điều này phù hợp với nhận xét của giáo sĩ Cadière rằng từ Bố Trạch (Địa Ly) đến Gio Linh (Ma Linh), dân Việt qui tụ người cùng họ để lập thành làng (Ngô xá, Phan xá, Hoàng xá, Hồ xá v.v.), một hiện tượng không thấy có ở Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Bố Chính). Nói khác đi, khi dân Việt hưởng ứng chiếu di dân của Lý Thánh Tông đến lập nghiệp ở Lâm Bình và Minh Linh thì ở Bố Chính đã có dân Việt đến định cư từ trước rồi
Xem thêm:
- Vì sao Chiêm Thành mất nước?
- Chiêm Thành đã cầm cự trước đội quân hùng mạnh nhất thế giới như thế nào?
- Hạ nhục đại tướng quân, vua Trần tử trận giữa kinh thành nước Chiêm
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Tống Lê Đại Hành nhà tiền Lê Chiêm Thành