Thời cổ đại, rất nhiều thi nhân không chỉ làm thơ hay mà còn là những người tu luyện. Thơ mà họ sáng tác ra cũng bao hàm những sở đắc trong tu luyện, hai yếu tố này phản chiếu lẫn nhau.

Khổng Tử nói về ích lợi của việc làm thơ
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Public Domain)

Thời Đông Tấn, thi nhân Đào Uyên Minh chẳng những biết trước chuẩn xác được thời gian mình sẽ qua đời mà còn có thể an tường điềm tĩnh viết xong ba bài thơ phúng điếu chính mình vào ngày trước hôm mất. Trong bài thơ, ông miêu tả phản ứng của người thân khi ông qua đời. Đối với điều này, hậu nhân khen ngợi đó là “thị hóa như quy” (coi cái chết như là trở về nhà). Ông đã thực sự làm được điều mà chính ông đã viết:

Túng lãng đại hóa trung, bất hỉ diệc bất cụ.
Ứng tẫn tiện tu tẫn, vô phục độc đa lự.

Dịch nghĩa là: Thân thể của ta quy về với cát bụi nhưng đây cũng không phải là nơi tận cùng của sinh mệnh. Sẽ không vui mừng khi cuối cùng rời xa cõi trần tục này, cũng không có bất kỳ nỗi sợ hãi nào đối với cái chết. Thời điểm nên kết thúc thì sẽ kết thúc, không cần phải vì thế mà bi thương đau buồn. 

Trước và sau thời thịnh Đường có rất nhiều mệnh quan triều đình và văn nhân đều tu Phật, một số người trong họ có thể biết được kiếp trước của chính mình. Bạch Cư Dị đã viết trong bài thơ “Tự giải”:

Tự Giải

Phòng truyền vãng thế vi thiện khách,
Vương đạo tiền sinh ứng họa sư.
Ngã diệc định trung quan túc mệnh,
Đa sinh trái phụ thị ca thi…

Dịch nghĩa: Nghe nói kiếp trước của Phòng thái úy là một hòa thượng tu Phật, còn kiếp trước của Vương hữu thừa Vương Duy là một họa sĩ. Ta đã ở trong ngồi đả tọa nhập định, nhìn thấy kiếp trước của mình, phát hiện ra từ rất nhiều kiếp trước ta luôn có một mối gắn kết không thể tách rời với thơ ca.

Ở đây Bạch Cư Dị đã nói rất rõ rằng tài năng thơ ca của ông là được tích lũy qua nhiều kiếp. Nhận định này là một lời giải thích cho sự xuất hiện của “thiên tài”. Việc tìm hiểu về luân hồi ở phương Tây của một số nhà khoa học và thần học cũng cho thấy điều tương tự.

Thi nhân nổi tiếng triều Đường, Vi Ứng Vật, đã quyết tâm tu luyện sau khi từ chức vì bệnh tật ở tuổi 42. Ông sống ở Thiên Phúc tinh xá, và từng viết trong một bài thơ:

Danh tuy liệt tiên tước,
Tâm dĩ khiển trần ky.
Tức sự đồng nham ẩn,
Thánh ác lương nan vi.

Ý tứ là bản thân đã đạt đến cảnh giới của Tiên, siêu thoát khỏi sự trói buộc của phiền não nơi trần tục rồi, cũng không mưu cầu danh lợi nữa. Ông tình nguyện ẩn cư ở hang đá, theo đuổi cảnh giới tinh thần của bản thân mình.

Cả đời Vi Ứng Vật bôn ba trắc trở, nhưng tâm chí của ông không thay đổi, nhất tâm hướng Đạo. Lúc buông bỏ danh lợi nơi trần thế, ông cảm ngộ được bản thân đã đạt được sự thăng hoa của tinh thần, đạt đến một cảnh giới phản bổn quy chân.

Thời Đường Hiến Tông, thi nhân Trương Chí Hòa đã viết một câu thơ: “Tây Tái sơn tiền bạch lộ phi, đào hoa lưu thủy quyết ngư phì” (Trước núi Tây Tái cò trắng bay, hoa đào, nước chảy, cá béo mập). Chuyện rằng vào quãng mùa thu đông năm Đại Lịch thứ 9 triều nhà Đường, Nhan Chân Khanh đã cùng với các môn sinh, con cháu, tân khách đến Bình Vọng Dịch dạo chơi, mọi người cùng uống rượu làm thơ, vui vẻ sảng khoái. Lúc ấy, Trương Chí Hòa say rượu đỏ mặt, như quên bản thân mình, phiêu nhiên như tiên, nhân lúc cao hứng ông muốn biểu diễn cho mọi người màn du hý trên mặt nước. Ông trải chiếu ra trên mặt nước, ngồi lên đó, cái chiếu kia có thể ở trên mặt nước trôi nổi theo ý muốn, qua lại trái phải, có âm thanh của chiếc thuyền trôi. Chỉ thoáng chốc, một bầy hạc trắng bay tới, vây xung quanh Trương Chí Hòa kêu hót uyển chuyển, mọi người ở trên bờ ai nấy đều kinh ngạc. Trương Chí Hòa hướng đến Nhan Chân Khanh vẫy vẫy tay, biểu thị cảm ơn. Cuối cùng, ông cùng hạc trắng bay vào đám mây.

Tình huống tu luyện của Trương Chí Hòa được nói đến rải rác trong “Tục Tiên truyện”, nói rằng ông là người “thủ chân dưỡng khí”, có thể “nằm trên tuyết mà không lạnh, đi vào nước mà không ướt. Núi non trong thiên hạ, đều đã từng du ngoạn.” Trong mắt một người bình thường thì nằm trên tuyết mà không lạnh, đi vào nước mà không ướt đã thực sự rất xuất sắc rồi, nhưng đó mới chỉ là một vài thứ bề ngoài trong tu luyện của Đạo gia mà thôi. Từ thư họa và thi văn của Trương Chí Hòa có thể thấy, tâm tính ông đã ở cảnh giới rất cao rồi.

Thời xưa có nhiều người ở trong trạng thái tu Đạo nhưng không hề đả tọa tham thiền, cũng không có các hình thức nghi thức như luyện đan, thắp hương bái Phật… Những công việc bề mặt này kỳ thực chỉ là tôn giáo, không phải là tu luyện, tôn giáo chỉ là hình thức mà thôi, cũng không phải là một loại cố định duy nhất. Hình thức tu luyện của thi nhân chính là sáng tác thơ ca. Khi thi nhân không ngừng đề cao cảnh giới của nhân sinh, tiêu chuẩn đạo đức của họ không ngừng thăng hoa, mà trình độ sáng tác của họ cũng đang dần dần thành thục, bản thân điều này chính là quá trình tu luyện, “tùy kỳ tự nhiên”, “thủy đáo cừ thành”.

Theo NTDTV.com
Tác giả: Trương Tín Yến
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: