Chuyện về nữ tướng tiên phong lập công đầu đánh hạ thành Luy Lâu
- Trần Hưng
- •
Vào thời thuộc Hán, Luy Lâu là thủ phủ nơi tập trung bộ máy cai trị của nhà Hán với dân Giao Chỉ, Thái thú Tô Định cũng ở nơi đây. Tương truyền rằng quân của Hai Bà Trưng tiến vào được trong thành Luy Lâu quét sạch quân Hán là nhờ công lao của nữ tướng Phùng Thị Chính. Bà dù sắp đến ngày sinh con vẫn lĩnh ấn tiên phong và sinh con ngay trên chiến trường.
Nữ tướng Phùng Thị Chính
Theo thư tịch cổ vào những năm đầu công nguyên có ông Phùng Bổng người ở Hoan châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) đến trang Phú Nghĩa (nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) sinh sống. Tại đây ông kết duyên với bà Hùng Thị Tuyết quê ở Phong Châu (nay là thuộc tỉnh Phú Thọ), hai vợ chồng sinh được người con gái đặt tên là Phùng Thị Chính.
Bà Hùng Thị Tuyết vốn là bà con họ hàng gần gũi với bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng). Năm Phùng Thị Chính 12 tuổi thì mất cả cha lẫn mẹ nên đến ở nhà dì của mình là bà Man Thiện vốn có chồng là Lạc tướng Mê Linh.
Đến tuổi trưởng thành thì Phùng Thị Chính là người có võ nghệ lại xinh đẹp. Lúc này con gái bà Man Thiện là Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách – Huyện lệnh Chu Diên. Thi Sách chỉ trích các chính sách hà khắc của Thái thú Tô Định với dân Giao Chỉ, rồi giao du với hào kiệt các vùng bí mật chuẩn bị lực lượng để chống lại Tô Định.
Phùng Thị Chính nên duyên với một thuộc tướng thân cận của Thi Sách là Đinh Lượng, hai người kết hôn với nhau.
Tô Định biết Thi Sách liên kết với Hào trưởng các vùng chống mình, liền đưa quân đến Chu Diên. Do lực lượng yếu hơn, Thi Sách cùng các thuộc tướng đều bị bắt và giết cả, trong đó có Đinh Lượng.
Trưng Trắc mất chồng, về Mê Linh cùng em gái Trưng Nhị và Phùng Thị Chính khởi nghĩa. Lúc này cũng có rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Hán ở các nơi nhưng không liên thành một khối. Trưng Trắc cho người đến thuyết phục thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa cùng đến Mê Linh tập trung được sức mạnh đánh quân Hán.
Thủ lĩnh các nơi lần lượt đưa quân đến Mê Linh tụ nghĩa. Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng điểm 6 vạn quân tổ chức lễ hội xuất quân ở Hát Môn. Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.
Quân nam chiếm được rất nhiều thành trì, Tô Định cho quân cố thủ trong thành Luy Lâu khiến quân nam không tiến vào được.
Lập công đầu đánh chiếm thành Luy Lâu
Phùng Thị Chính lúc này có mang và sắp sinh, xin được tìm cách vào thành Luy Lâu để tìm hiểu bố phòng của quân Hán. Dù Trưng Trắc không đồng ý, nhưng Phùng Thị Chính nói mình bụng mang dạ chửa như thế quân Hán không nghi ngờ nên dễ thực hiện.
Phùng Thị Chính để tóc tai rối bời, quần áo rách nát bẩn thỉu, bụng mang dạ chửa sắp sinh lân la đến thành Luy Lâu ăn xin, rồi xin vào thành phục vụ dọn dẹp. Quân Hán thấy thế cũng chẳng nghi ngờ gì, nhờ đó bà quan sát ghi nhớ được cách bố phòng của quân Hán.
Phùng Thị Chính vẽ lại sơ đồ bố trí quân ở thành Luy Lâu, giúp các tướng của nghĩa quân lên kế hoạch tiến đánh thành.
Khi tấn công, Phùng Thị Chính lại xin lĩnh ấn tiến phong, Trưng Trắc dù không muốn nhưng trước quyết tâm của Phùng Thị Chính cũng đành bằng lòng.
Trận đánh thành Luy Lâu rất ác liệt, quân nam nhờ biết trước sơ đồ bố phòng nên đã tiến được vào trong thành. Đúng lúc đang giao chiến thì tương truyền rằng Phùng Thị Chính trở dạ sinh con.
Trước thế tiến của quân nam, Tô Định không sao chống nổi phải vứt bỏ cả ấn tín, giả dạng làm lính chạy trốn về phương bắc.
Từ đó, quân của Hai Bà Trưng chiếm lại 65 thành trì gồm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, v.v. tức bao gồm cả tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông Trung Quốc ngày nay.
Trưng Trắc lên ngôi Vua, đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức phía nam núi Ngũ Lĩnh), phong cho Phùng Thị Chính làm Trưởng Nội các Ðông phương, Tả cung Thị nội tướng quân.
Những trận đánh cuối cùng
Năm 42 sau công nguyên, Hán Quang Vũ Đế phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với Đoàn Chí đem quân tiến đánh Lĩnh Nam. Hai cánh quân thủy bộ của quân Hán hội tại Lãng Bạc (thuộc Tiên Du ngày nay).
Phùng Thị Chính theo Hai Bà Trưng cùng các tướng Lĩnh Nam đưa quân tấn công Lãng Bạc. Quân Lĩnh Nam có được những chiến thắng ban đầu, nhiều tướng quân Hán tử trận. Tuy nhiên quân Hán tăng cường thêm quân dần lấy lại thế chủ động tấn công.
Không ngăn được quân Hán, quân Lĩnh Nam rút đến Cẩm Khê lập căn cứ chống đỡ. Các trận đánh rất ác liệt từ mùa hè năm 42, đến mùa xuân năm 43 thì Cẩm Khê thất thủ.
Quân Lĩnh Nam phải rút hỏi Cẩm Khê theo các cánh khác nhau. Cánh quân của Hai Bà Trưng bị quân Hán tiến đánh sát, cùng đường Hai Bà Trưng nhảy xuống dòng sông Hát bảo toàn danh tiết.
Cánh quân của Phùng Thị Chính bị quân Hán truy đuổi, nữ tướng cùng nhóm binh sĩ còn lại chạy đến quê nhà ở Tuấn Xuyên (nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội), nhưng chưa kịp lập căn cứ thì quân Hán tiến đánh tới. Quân Lĩnh Nam không hàng mà quyết đánh đến người cuối cùng. Phùng Thị Chính đã nhảy xuống sông để bảo toàn khí tiết.
Dân chúng không quên các nữ tướng Lĩnh Nam, lập đền thờ ở khắp nơi. Nữ Tướng Phùng Thị Chính được người dân quê nhà lập đền thờ ở Vạn Thắng, Ba Vì. Trên núi Bà Vì là ngôi đền thờ nữ tướng. Đền Thanh Lãm thuộc phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội cũng thờ bà. Nhiều nơi tôn bà làm Thành Hoàng.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Bà Man Thiện: Người tạo nền tảng cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
- Khởi nghĩa Xuân Nương: Hậu duệ thủ lĩnh châu Đại Man
- Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục
Mời xem video:
Từ khóa Hai Bà Trưng Lĩnh Nam
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)