Đôi khi, việc con người mắc bệnh là ý Trời, và việc họ khỏi bệnh hay không cũng là ý Trời, không phải có thầy thuốc giỏi là có thể trị khỏi bệnh. Sách Thái Bình Quảng Ký có ghi chép lại một câu chuyện về điều này.

Lý Thời Trân và trước tác y dược nổi tiếng "Bản thảo cương mục"
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Thái Bình Quảng Ký là một tuyển tập các câu chuyện do vị Hoàng đế thứ hai của nhà Tống là Tống Thái Tông ra lệnh cho Lý Phương cùng 11 vị quan khác biên soạn. Bộ sách này gồm 500 quyển, ghi lại trên 6.000 truyện trải từ đời Lưỡng Hán, tới đời Ngũ Đại, Tống sơ. Trong bộ sách này ghi lại khá nhiều chuyện khó tin, dưới đây là một chuyện chữa bệnh kỳ lạ như vậy.

Có một ông lão gia đình giàu có mắc một căn bệnh khó chữa, cơ thể ngày càng gầy gò, thậm chí không thể ăn uống, mỗi ngày đều phải uống máu tươi để sống. Già trẻ trong nhà đều lo lắng sợ hãi nên đã bỏ ra rất nhiều tiền để cầu tìm những người giỏi chữa bệnh. Nhiều thầy thuốc đã đến, nhưng dù có đãi ngộ rất hậu hĩnh thì việc chữa trị cũng không thu được kết quả.

Có một người đến từ Kiếm Nam, sau hơn mười ngày chẩn đoán và điều trị, ông ta vẫn không tìm ra bệnh, liền nói với con trai của bệnh nhân:

“Tôi chữa bệnh cho mọi người, đã ba đời gia truyền rồi, phàm là chẩn đoán bệnh, đều nhất định phải biết nguồn gốc của bệnh là gì. Bây giờ nhìn bệnh tình của ông cụ, lại hoàn toàn cảm thấy chẳng có chút manh mối nào, có thể là do y thuật của tôi không tinh thông, hoặc có thể bệnh của ông cụ là do tai họa của Trời giáng xuống phải không? Tuy nhiên, tôi nghe có một vị phủ soái họ Giả là người học rộng tài cao, đồng thời cũng là người có năng lực phi thường. Ông thành thạo về toán quái, toán mệnh và y dược. Anh có thể bỏ ra một số tiền không? Mang đi cho người hầu của phủ soái để biết khi nào ông ta sẽ ra ngoài, có thể cung kính chờ đợi phủ soái đến gặp ông cụ. Hãy để ông ta nhìn thấy, chỉ cần ông ta nói vài lời, thì có cách giúp ông cụ chữa khỏi bệnh.”

Con trai của ông lão đã nghe theo lời khuyên của vị thầy thuốc. Quả nhiên có một ngày, Giả phủ soái ra ngoài đang trên đường vào chùa dâng hương, thấy ông lão liền nhìn chăm chăm một hồi. Khi ông vừa định nói gì đó thì giám quân tới báo cáo công việc.

Vị thầy thuốc kia thấy chuyện tốt bị ngừng, tin rằng số phận đã như thế, nên từ bỏ việc chẩn bệnh và rời đi. Ông lão cũng tin vào số phận và nói với con trai của mình:

“Bệnh của cha chắc chắn sẽ chết. Bây giờ cha rất buồn bực và không muốn nghe ai nói cả. Con có thể đưa cha đến một nơi có núi sông ở ngoại thành, chỉ cần ba ngày các con đến thăm cha một lần, nếu cha chết, hãy chôn cha ở đó”.

Con trai ông bất đắc dĩ đành chở ông ra ngoại thành, nhìn thấy một tảng đá gần hồ, anh đặt cha mình lên đó, khóc lóc thảm thiết rồi quay về.

Sau khi con trai đi rồi, ông lão đột nhiên nhìn thấy một con chó màu vàng đi vào hồ, ẩn hiện nhiều lần trong hồ, như thể đang tắm trong đó. Sau khi con chó vàng rời đi, hồ nước đó trở nên thơm ngát.

Ông lão cảm thấy khát nước và muốn uống nước, nhưng do sức yếu vô lực nên đành phải bò đến bên hồ. Uống nước hồ xong ông lập tức cảm thấy toàn thân đều dễ chịu. Sau khi uống nước liên tục, thì ông lão có thể ngồi dậy.

Ba ngày sau, khi người con trai đến nhìn thấy, rất ngạc nhiên mừng rỡ và đón cha về nhà. Ông lão không những có thể ăn uống mà còn bình phục trong vòng mười ngày.

Một ngày nọ, Giả phủ soái lại đi ra ngoài, khi xe đến chỗ đậu xe mà trước đó từng nhìn thấy ông lão bị bệnh, nhớ ra bèn hỏi thuộc hạ: “Người lần trước ta gặp ở đây có còn đó không?” Thuộc hạ tìm hiểu thì báo rằng đã khỏi bệnh rồi.

Giả phủ soái nói:

“Bệnh của người này hầu hết các thầy thuốc đều không biết. Thứ mà ông ta mắc phải là bệnh lạ, trên đời tưởng như không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi. Phải lấy một chiếc lược gỗ nghìn năm tuổi, đốt thành tro rồi uống. Nếu không, ông ta phải uống Hoàng Long dục thủy (nước tắm rồng vàng), ngoài ra không còn cách chữa trị nào khác. Các ngươi có biết ông ta đã khỏi bệnh như thế nào không?”

Thuộc hạ đến nhà ông lão để hỏi thăm, ông lão đã kể đầu đuôi ngọn nguồn.

Sau khi vị phủ soái biết được điều đó, ông nói:

“Đó là Thiên ý để ông ta mắc phải căn bệnh này, cũng là Thiên ý để ông ta tự tìm ra loại thuốc có thể chữa khỏi bệnh, điều này hoàn toàn là do số mệnh của ông ta”.

Khi đó mọi người nghe đều khâm phục kiến ​​thức uyên thâm của Giả phủ soái. Người thầy thuốc trước kia nói phủ soái là “dị nhân” cũng không phải là nói suông.

Theo “Mạn đàm Trung y: Sinh bệnh là Thiên ý, khỏi bệnh cũng là Thiên ý
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Hồ Nại Văn

Xem thêm:

Mời xem video: