Chuyện xưa: Tể tướng giáo dục nên Tể tướng
- An Hòa
- •
Vào triều đại nhà Thanh, Trương Đình Ngọc là Đại học sỹ, là trọng thần phò tá cho cả ba vị Hoàng đế Khang Hy, Ung Chính và Càn Long. Ông còn kiêm nhiệm chức Quân cơ đại thần. Mặc dù địa vị rất cao nhưng ông rất khiêm cung, hiểu rõ đạo lý đối nhân xử thế, sống giản dị chất phác, bằng lòng với những gì mình có và coi trọng đức hạnh. Những đức hạnh cao thượng và thành tựu mà ông đạt được trong cuộc đời có một phần rất lớn từ công lao giáo dưỡng của cha ông là Đại học sĩ Trương Anh. Hai cha con được người đời xưng là “Phụ tử song học sĩ, lão tiểu nhị tể tướng”, cha con hai học sĩ, già trẻ hai Tể tướng, cha Tể tướng giáo dục nên con Tể tướng.
Trương Anh là đại học sĩ nổi tiếng triều Thanh, là người ham thích làm việc thiện, lại hết lòng tin theo Thần Phật. Ông là một vị quan thanh liêm chính trực, hiểu rõ những nỗi khổ của dân chúng nên thường đưa ra những chính sách giúp dân chúng có cuộc sống ấm no. Trương Anh được Hoàng đế Khang Hy rất tín nhiệm.
Theo sử sách ghi chép lại, Hoàng đế Khang Hy đã nhận xét Trương Anh là người trước sau đều cung kính thận trọng, có phong thái của các bậc đại thần thời cổ. Trương Anh yêu cầu bản thân rất nghiêm khắc. Trong thư phòng của mình, ông đã viết và treo đôi câu đối:
Độc bất tẫn giá thượng cổ thư, khước yếu thì thì nỗ lực
Tố bất tẫn thế gian hảo sự, tất tu khắc khắc tồn tâm.
Tạm dịch:
Đọc không hết sách cổ trên giá nhưng phải luôn cố gắng
Làm không hết việc trên đời nhưng phải luôn chú tâm.
Ông luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng đọc sách cổ, cố gắng làm tốt việc của mình.
Trương Anh có tấm lòng khoan dung quảng đại. Cho đến nay, dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện “Lục xích hạng” về ông. Trong “Đồng thành huyền chí” có ghi rằng:
Một ngày nọ, Trương Anh nhận được lá thư ở quê nhà gửi đến. Trong thư kể rằng gia đình hiện đang vì ba thước đất làm tường mà phát sinh tranh chấp với gia đình hàng xóm nên muốn ông sử dụng chức quyền của mình để giải quyết mối tranh chấp này.
Trương Anh đã dùng bút viết một phong thư gửi về quê nhà. Trong bức thư, ông ghi hai câu thơ, tạm dịch là: “Ngàn dặm viết thư chỉ vì tường, nhường họ ba thước có sao đâu? Vạn Lý Trường Thành nay còn đó, nhưng Tần Thủy Hoàng nào thấy đâu”. Người nhà hiểu được ý mà Trương Anh muốn nhắn nhủ nên đã chủ động nhường cho hàng xóm ba thước đất. Không ngờ, người hàng xóm thấy vậy cũng chủ động nhường ra ba thước đất. Cuối cùng hai bên gia đình đều xây tường lùi vào ba thước và ngõ hẻm đó rộng thành sáu thước.
Ngoài là một vị quan tốt, thanh liêm cần kiệm, Trương Anh còn là một người cha mẫu mực, tận hết tâm sức để giáo dục con cái. Ông viết “Thông huấn trai ngữ” để chỉ dạy các con trong việc học hành, đối nhân xử thế. Nội dung của “Thông huấn trai ngữ” nhấn mạnh đạo lý khiêm nhượng thì chỉ có lợi ích chứ không có tổn hại gì.
Trong “Thông huấn trai ngữ”, Trương Anh đã viết: “Trị gia chi đạo, cẩn túc vi yếu”, tức là trong việc trị gia thì cẩn thận khiêm tốn là điều trọng yếu. Ông răn các con rằng vì các con đều được hưởng phúc trạch từ tổ tiên, được ăn no mặc ấm hơn người, nên các con phải khiêm tốn đôn hậu, giữ lễ và cẩn trọng lời nói của mình. Cụ thể hơn về khiêm tốn cẩn thận, Trương Anh dùng đạo lý “suốt đời nhường đường thì sẽ không mất gì” để dạy các con mình.
Trương Anh còn nhấn mạnh làm người phải “lập phẩm”: “Đọc kinh thư, tu thiện đức, thận uy nghi, cẩn ngôn ngữ” (đọc kinh sách, tu nhân tích đức, giữ gìn tư cách và cẩn thận lời nói). Đây cũng là điều ông dạy con trai Trương Đình Ngọc của mình. Ông còn dạy con rằng: “Khi tương giao với mọi người thì mỗi lời nói mỗi việc làm đều phải có lợi cho người khác, đó mới là người lương thiện”.
Trong kết giao, đối xử với mọi người, Trương Anh dạy con: “Nếu con có thể suy nghĩ cẩn thận, trong từng lời nói và từng hành động đều nghĩ đến việc làm lợi cho người khác và tránh làm tổn thương người khác, thì mọi người sẽ coi con như phượng hoàng, trân quý con như nhân sâm, và con sẽ được Trời đất phù hộ, Thần linh ban phúc”. Trương Anh cho rằng người có thể nghĩ nhiều cho người khác, làm những việc có lợi cho người khác và không làm những việc có hại cho người khác thì người đó nhất định là người lương thiện. Người tích thiện thì Thần Phật tự nhiên sẽ bảo hộ họ.
Trương Đình Ngọc luôn nghe và làm theo những lời dạy bảo của cha mình, từ nhỏ đã chăm chỉ học tập, đọc các kinh sách cổ, luôn đối xử tử tế, ôn hòa hiền hậu và cung kính với người khác. Về việc công, Trương Đình Ngọc có năng lực, xử lý công việc chuẩn xác và đúng mực thấu đáo. Về sau, Trương Đình Ngọc thực sự trở thành đại học sĩ và quân cơ đại thần của triều nhà Thanh.
Hoàng đế Ung Chính đã khen ngợi Trương Đình Ngọc: “Ông ta làm việc một ngày, người khác làm mười ngày cũng không bằng”. Thời Càn Long, khi Trương Đình Ngọc qua đời, ông đã được đặc ân tế riêng trong Thái Miếu. Những điều này đều chứng tỏ Trương Đình Ngọc rất được các Hoàng đế nhà Thanh tín nhiệm và ghi nhận công lao.
Hai cha con Trương Anh và Trương Đình Ngọc, hai đời đều làm tướng, đều được các Hoàng đế đương đại trọng dụng. Có thể nói, Trương Anh thân làm cha, làm triều thần, cả về công và về tư đều là tấm gương tốt cho con trai mình noi theo.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục con cái Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa