Ngẫm nhiều hơn về “ảo tưởng” phúc lợi cao và những điều “miễn phí”
- Quang Minh
- •
Khi nói đến phương Tây, những người Việt thực tế nhất sẽ nghĩ đến điều gì? Là chế độ phúc lợi rất cao, là xã hội không để ai đói, là một miền đất hứa tuyệt vời… Nhưng phương Tây không phải chỉ là như thế.
Khi nhiều người Việt chứng kiến các chính sách phúc lợi xã hội cao mà người dân các nước phương Tây được hưởng như miễn phí giáo dục, miễn phí y tế, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp nhà ở, v.v.. mà ao ước, thì thật ra chúng ta cũng đang đứng trong một hiểu biết lệch lạc.
Khi nhiều người Việt chứng kiến khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng xa, chi phí y tế, chi phí học đại học tăng vùn vụt, và chính sách lương hưu bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sai phạm, thì người ta lại mơ tới giấc mơ “xuất ngoại”.
Điều đó là đúng và dễ hiểu, nhưng thực tế không phải là mơ.
Có một tư duy sai lầm về xã hội phương Tây, và ngược lại, cũng có một tư duy sai lầm về xã hội mà chúng ta đang sống.
Hãy thử ngẫm về điều này:
Để bạn nhận được những thứ miễn phí, thì ở một nơi nào đó, có ai đó, đang phải làm việc nặng nhọc hơn.
Để ai đó nhận được những thứ miễn phí, thì chính bạn sẽ phải làm việc cực khổ hơn, và đóng thuế cao hơn.
Để nuôi sống những kẻ ăn không ngồi rồi vin vào cái cớ “thất nghiệp” chứ không phải là những người khốn khổ vô gia cư, cả xã hội sẽ phải gồng mình thêm một chút…
Lương hưu của bạn, thứ mà bạn nghĩ là được “cấp cho”, kỳ thực chính là phần tiền mà bạn làm ra chứ không phải là thứ mà người khác cho bạn.
Người ta thường hay nói: “Trên đời không có bữa ăn trưa miễn phí”, ấy vậy mà người ta vẫn thường mơ ước về những điều “miễn phí”.
Chúng ta đang đứng trước một lối tư duy phi lý: “Cào bằng tất cả”. Nếu trời sập thì tất cả sẽ cùng chết, vậy nên lợi ích phải cùng hưởng, có cái gì hơn thì phải chia cho đều nhau, thấy người khác có gì hơn thì dù ít dù nhiều cũng cảm thấy ghen tị. Ích kỷ, nóng giận, đố kị, và tư duy hưởng thụ đã chui vào suy nghĩ của hầu hết mọi người. Đây chẳng phải là thứ chúng ta từng thấy trong thời kỳ “bao cấp” hay sao?
Hãy lấy một ví dụ thực tế. Ở Đức, một quốc gia phương Tây hàng đầu, những người bản xứ trẻ tuổi, tài giỏi không muốn làm việc tại chính quốc gia của họ, bởi vì sau khi tốt nghiệp đại học, có được một công việc thu nhập khá khẩm, họ phải đóng phần lớn thu nhập của mình để nuôi “một đội quân ăn bám”: những đứa trẻ to xác không dám rời khỏi nhà; những người nhập cư “thất nghiệp” còn sức lao động nhưng không muốn làm việc; những “Shopaholic” nghiện mua sắm bằng cách ghi nợ trả dần, v.v.. Người có lương cao trên 3000 Euro nếu chưa có miễn trừ gia cảnh đã phải trừ 50 – 52%. Thậm chí người có lương thấp thì việc chi trả bảo hiểm cũng đã mất tới 19% rồi.
Một cư dân mạng tâm sự rằng sự nguy hiểm của tư duy cào bằng phi lý trí này là ở chỗ, nó khiến người ta không phải “nghĩ”, mà chỉ cần “cảm thấy tốt” là được rồi. Thất nghiệp được trợ cấp, thật là tốt! Miễn học phí, thật là tốt! Chữa bệnh miễn phí, thật là tốt! Người ta không thèm suy nghĩ nguồn gốc của những khoản tiền này đến từ đâu. Sự “cảm thấy tốt” này đã từng phá nát châu Âu, và nó có vẻ như cũng đang phá hoại Hoa Kỳ. Nhiều năm trước, khủng hoảng nợ công của Hy Lạp bắt nguồn từ việc chính phủ vay tiền về chi cho đủ mọi loại phúc lợi xã hội mà bất chấp khả năng trả nợ, bởi vì chỉ cần người dân “cảm thấy tốt” là được rồi.
Ở Hoa Kỳ, khi người dân được sống trong cảnh vật chất tương đối cao, thì dục vọng của con người vẫn không hề giảm bớt. Các phong trào “Thức tỉnh”, BLM, v.v.. đang đẩy người ta về phía cực đoan với những câu hỏi chụp mũ: Tại sao anh ta giàu có hơn tôi? Thất nghiệp không phải lỗi của tôi, mà chắc chắn là lỗi của chính phủ! Tại sao lương của tôi chỉ có vậy? Tại sao học phí ở cường quốc này lại không được miễn? v.v..
Có thể thấy, trong vài chục năm nay, thế giới đã đối mặt với một làn sóng hưởng thụ cào bằng. Chính sách bảo hiểm tại các quốc gia ngày càng yêu cầu mức đóng nhiều hơn, như để thỏa mãn với nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao hơn của người dân.
Còn nhớ sau khi Hillary Clinton của đảng Dân chủ thất bại, và Donald Trump của đảng Cộng hòa nổi lên tại Hoa Kỳ như một làn gió mới, nhiều người đã không thể hiểu được tại sao. Thật ra, chính sách phúc lợi cao của đảng Dân chủ, đặc biệt là Obama Care đã khiến cả xã hội Hoa Kỳ gồng mình gánh chịu chi phí y tế. Đó chính là ví dụ nổi cộm nhất về tư duy “cào bằng tất cả”, về mộng tưởng phúc lợi cao. Nó có thể khiến người ta “cảm thấy tốt”, nhưng sự thực là “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Ngày nay, người dân Hoa Kỳ lại một lần nữa nhìn thấy tác hại của chính sách chi tiêu vô tội vạ dưới thời Tổng thống Biden.
Hãy nghĩ về điều này, con người sinh ra là khác nhau: có nam có nữ, có giàu có nghèo, có khỏe mạnh cũng có bệnh tật. Chúng ta là khác nhau. Tài nguyên và nguồn năng lượng trên thế giới là hữu hạn, sự tận tụy và trách nhiệm là khác biệt, con người sinh ra đã là khác nhau, và sẽ luôn là khác nhau. Người ta chỉ có thể dựa vào sự thông cảm và yêu thương để sẻ chia một cách thiện nguyện, chứ không thể dùng luật lệ để thỏa mãn nhu cầu “cào bằng tất cả”.
Chính sách và luật pháp có thể được dùng như một phương thức cân bằng xã hội, kéo lại khoảng cách giàu nghèo, nhưng không thể lạm dụng nó. Bề mặt có vẻ là như nhau, tuy nhiên ẩn sâu đằng sau lại là sự nuông chiều lòng tham một cách không tự biết. Chúng ta không phủ nhận sự văn minh và điều kiện tuyệt vời ở phương Tây, nhưng cách chúng ta nhìn nhận về sự vận hành của xã hội chính là điều cần phải suy ngẫm. Chính sách và pháp luật chỉ giải quyết được vấn đề ở bề mặt vật chất, nhưng sẽ không thể giải quyết được gốc rễ vấn đề ở phương diện nhân tâm.
Vì sao trong các chuyện cổ, ta thấy có rất nhiều tấm gương “vô công không nhận lộc”? Xưa có một vị quan huyện mang quà đến biếu một vị thanh quan, nói rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết”. Vị thanh quan kia đã để lại câu nói nổi tiếng như vậy: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. “Người đang làm, Trời đang nhìn”, người xưa thật sự không muốn nhận đồ “miễn phí”, đây là sự cao thượng trong cảnh giới đạo đức của cổ nhân.
Khi một người nhận được thứ gì đó “miễn phí” mà không phải bỏ công sức ra, lương tâm của họ có thể sẽ thấp đi một chút, sự tự tin và nỗ lực của họ sẽ giảm đi một chút. Khi họ nhận được nó từ “chính phủ”, nhận được nó như một điều đương nhiên, sự biết ơn trong họ sẽ giảm đi một chút. Họ sẽ không thể xây dựng được một nhân cách lớn lao, không thể có một nội tâm “an bần lạc đạo” (dù nghèo nhưng lòng vẫn vui vì làm điều đúng đắn).
Trên thực tế, phúc lợi cao không hề giải quyết được các vấn đề xã hội, mà chỉ làm tăng cường tâm lý ỷ lại, tự tư, tật đố của người ta. Nếu muốn thoát khỏi khoảng cách giàu nghèo, muốn kiềm chế dục vọng, muốn xã hội tốt lên, thì chỉ có một biện pháp, đó chính là chú trọng vào nhân tâm, khiến cho đạo đức hồi thăng trở lại. Đây chính là lý do vì sao người xưa tôn sùng “giáo hóa”. Nhân sinh có ai mà không chết, điều để lại không phải là có bao nhiêu gia sản, mà chính là nhân cách, là sự bảo toàn lương tri và sự cống hiến cho xã hội. Chính là như thế.
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa phúc lợi xã hội tâm sự cuộc sống tư duy ngụy biện văn hóa xấu xí chủ nghĩa bình quân