Cổ nhân duy hộ sự trung thực của lịch sử
- Trần Hưng
- •
Lịch sử là tham chiếu căn bản nhất, là tấm gương để hậu nhân soi mình, vậy nên từ xa xưa, người viết sử luôn phải mang tâm thái “thấy chết không sờn”, “thà làm ngọc nát”. Sử quan chân chính dù đối mặt với sức ép của vua, chúa, thì đều cần phải đứng ở vị trí khách quan mà duy trì sự trung thực của lịch sử. Cũng như vậy, những vị hoàng đế anh minh đều cần phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn thẳng vào khuyết điểm của chính mình.
Chữ “sử” (史) bao gồm chữ “trung” (中) ở trên và biến thể chữ “hựu” (乄) tức là tay ở dưới. Mang ý nghĩa là người viết sử phải trung chính, phải viết đúng theo sự thật, không vì thiên vị mà viết sai lệch đi. Trong sách “Thuyết văn giải tự” có ghi: “Sử, ký sự dã. Tòng hựu trì trung. Trung, chính dã”. Ý nghĩa là: Sử, là ghi chép sự việc xảy ra một cách kiên trì, công chính và liền mạch. Chính vì thế mà sử quan thường làm việc một cách độc lập, không chịu tác động bởi vua chúa đương quyền. Tất nhiên không phải bậc vua chúa nào và sử quan nào cũng tôn trọng nguyên tắc này, vì thế mà những tấm gương duy hộ sự trung thực của lịch sử luôn được hậu nhân tôn kính.
Quân Vương tôn trọng lịch sử
Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép một sự kiện như sau:
Năm 1467, vua Lê Thánh Tông muốn xem quốc sử nên sai nội quan đến Hàn Lâm Viện nói với sử quan Lê Nghĩa. Tuy nhiên Lê Nghĩa không đồng ý mà nói rằng: “Vua mà xem quốc sử, hẳn không phải là việc hay.”
Nội quan nói: “Vua bảo là xem những ghi chép hằng ngày để biết trước có lỗi gì còn có thể sửa được.”
Nghĩa nói: “Chỉ cần bệ hạ gắng làm điều hay thôi, việc gì phải xem quốc sử.”
Nội quan dụ bảo nhiều lần, Nghĩa nói: “Thành chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc, thế dẫu không khuyên can mà cũng không là khuyên can.”
Rồi dâng những ghi chép hằng ngày lên. Vua xem xong trả lại cho Sử Viện.
Vua Lê Thánh Tông là minh quân của Đại Việt, là người tạo nên thời Hồng Đức thịnh trị, ông xem sử không phải để can thiệp mà là để sửa mình.
Tại Trung Hoa, thời Đường Thái Tông cũng có vài lần hoàng đế muốn xem sách sử hoặc muốn sửa sử. Nhưng chuyện sửa sử này lại là muốn sửa cho đúng.
Lần thứ nhất liên quan tới sự kiện “Huyền Vũ Môn”. Theo đó, vào thời Đường Cao Tổ xảy ra sự kiện Tần vương Lý Thế Dân giết anh Lý Nguyên Thành và em Lý Nguyên Cát, lên ngôi hoàng đế. Sau này khi Lý Thế Dân lên ngôi, hiệu là Đường Thái Tông, đã trở thành vị minh quân bậc nhất trong lịch sử.
Sử thần Phòng Huyền Linh khi viết sử đến biến cố “Huyền Vũ Môn” thì không biết viết thế nào. Phòng Huyền Linh không phải vì sợ hoàng đế mà vì bản thân ông cảm thấy Đường Thái Tông đích thực là minh quân.
Đường Thái Tông khi biết chuyện đã yêu cầu Phòng Huyền Linh không được giấu diếm, phải ghi chép lại đúng các sự kiện trong lịch sử, dù nó để lại một vết đen trong cuộc đời ông.
Lần thứ hai là sự việc được ghi lại trong “Sử quán tạp lục thượng”. Theo đó, Đường Thái Tông rất muốn xem “Khởi cư chú” (sách ghi chép lời nói hành vi của hoàng đế mỗi ngày), bèn hỏi sử quan Chử Toại Lương: “Khanh đã ghi chép những gì, Trẫm có thể xem được không?”
Chử Toại Lương trả lời: “Hôm nay sở dĩ thiết lập chức quan Khởi cư lang, chính là cũng giống như hai chức quan Tả Sử quan và Hữu Sử quan thời xưa, thiện ác đều ghi lại, để Hoàng đế không làm điều sai trái. Thần chưa từng nghe nói Hoàng đế tự mình muốn xem những điều đó.”
Đường Thái Tông lại hỏi: “Trẫm nếu có chỗ nào không tốt, khanh cũng nhất định phải ghi lại sao?”
Chử Toại Lương trả lời: “Chức vụ của thần chính là như vậy, cho nên nhất cử nhất động của Ngài đều cần phải được ghi lại hết.”
Quan Môn thị lang tên là Lưu Ký nói: “Cho dù Ngài hạ lệnh bắt Chử Toại Lương không ghi chép lại, thì người trong thiên hạ cũng sẽ ghi chép lại hết.”
Lần thứ ba, Đường Thái Tông lại hỏi Tể tướng Phòng Huyền Linh: “Vì sao Quân Vương không thể được xem quốc sử?”.
Tể tướng Phòng Huyền Linh đáp: “Quốc sử xưa nay đều ghi lại hết cả điều thiện và điều ác. Vì lo lắng rằng những điều ghi chép trong quốc sử có thể sẽ xúc phạm đến Thánh ý mà bị bóp méo sự thật lịch sử, cho nên mới quy định Quân Vương không được xem sách lịch sử đương triều.”
Đường Thái Tông lại nói: “Nhưng mà ý nghĩ muốn xem sách sử của Trẫm so với phần lớn các bậc Quân Vương trước đây thì không giống nhau. Sách sử ghi chép chính là công trạng và thành tích của Trẫm, vậy cũng không cần đề cập đến. Lỗi lầm của Trẫm đương nhiên có thể ghi chép vào sử sách. Trẫm chỉ hy vọng khanh nhất định nói cho Trẫm biết những lỗi lầm ấy, như vậy Trẫm mới có thể chú ý đến lời nói và việc làm của bản thân mình để không phạm phải lỗi lầm như trước nữa.”
Sử quan duy hộ sự trung thực của lịch sử
Trong lịch sử thì đáng ghi nhận hơn là các trường hợp sử quan trực tiếp duy hộ sự trung thực của lịch sử, mà nổi tiếng nhất là chuyện “Thôi Trữ giết vua”.
Vào thời Chiến quốc, Tề Trang Công bị quan đại phu là Thôi Trữ giết chết. Thôi Trữ lệnh cho Thái sử là Thôi Bá chép lại rằng Tề Trang Công bị bệnh mà chết. Nhưng Thôi Bá vẫn chép: “Thôi Trữ giết Vua”. Thôi Trữ liền giết chết Thôi Bá.
Thôi Bá có ba em trai là Trọng, Thúc, Quý. Trọng chép: “Thôi Trữ giết Vua”, Thôi Trữ liền giết Trọng. Thúc chép đúng câu ấy và lại bị giết.
Khi Thôi Quý chép: “Thôi Trữ giết Vua”, Thôi Trữ liền nói với Quý: “Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu này mà bị giết chết, lẽ nào ngươi không tiếc mạng sống sao? Ngươi viết câu này theo đúng ý ta, ta sẽ tha chết cho ngươi.”
Quý ung dung đáp rằng: “Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Dù cho hôm nay thần không viết ra câu này, thì trong thiên hạ nhất định sẽ có người viết lại sự thật này. Do đó thần thà chết vẫn phải viết như vậy, kính mong bệ hạ suy nghĩ kỹ.”
Thôi Trữ đành chịu mà không giết nữa.
Quý trên đường đi đến Sử quán thì gặp Nam Sử thị, cũng là sử quan nước Tề, chặn hỏi. Quý hỏi vì sao ông ta đến đây thì Nam Sử thị đáp rằng: “Tôi nghe nói anh em nhà ông vì khẳng khái, kiên quyết viết đúng sự thật mà đều bị giết chết cả. Do lo không còn người dám hy sinh mạng sống của mình để ghi lại sự việc, vì vậy tôi vội vã cầm thẻ sách đến đây.”
Quý đưa thẻ sách lên cho Nam Sử thị xem, ông ta mới yên tâm.
Ngày xưa người viết sử đời này truyền đời kia, không chỉ truyền cho nhau chức trách mà còn truyền lại cho nhau sự khẳng khái, vì sự thật mà không bán rẻ thân mình. Và hậu nhân cần hiểu rằng dù các sử quan đáng kính ấy có thấu hiểu được ý nghĩa của việc chép sử, nhưng đôi lúc sẽ chịu ảnh hưởng của thời đại và hoàn cảnh, nên không được chính xác.
Chẳng hạn bộ Sử ký nổi tiếng của Tư Mã Thiên tuy được coi là tư liệu nguồn, thực chất cũng là tác phẩm do Tư Mã Thiên tổng hợp, chọn lọc từ nhiều bộ sử khác nhau trong thư viện của triều đình. Tư Mã Thiên đã đi khắp Trung Hoa kiểm chứng tư liệu lịch sử, nhưng do sự thay triều đổi đại nên khi ông chép về một số nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử thì cũng không thể hoàn toàn đứng ở trạng thái trung lập, như chuyện về Tần Thủy Hoàng, các đánh giá về Tần Tử Anh, chuyện Hán Cao Tổ giết hại nhiều bậc trung lương, v.v.. Đây cũng là hạn chế cố hữu trong việc lưu truyền sử sách qua các triều đại.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Đường Thái Tông Lê Thánh Tông sử quan ý nghĩa của việc chép sử