Nhà nghèo sinh con hiếu, nước nguy xuất trung thần
- An Hòa
- •
Trung, hiếu, lễ, nghĩa là những giá trị trung tâm của văn hóa truyền thống phương Đông. Bởi vậy, những vị quan trung trinh và những người con có hiếu trong các thời đại xuyên suốt lịch sử đều được người đời tôn sùng, kính trọng. Nhưng từ lịch sử mà soi xét, người con hiếu thảo phần lớn đều xuất sinh trong các gia đình bần cùng, khốn khó. Còn quan lại trung trinh thì phần lớn xuất hiện khi đất nước rơi vào cảnh nguy nan. Bởi vậy, cổ nhân mới đúc kết lại thành câu: “Hàn môn xuất hiếu tử, quốc phá thức trung thần” (Tạm dịch: Nhà nghèo sinh con hiếu, nước nguy xuất trung thần).
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Đại đạo mất thì mới có cái gọi là nhân nghĩa; trí tuệ sinh ra thì mới có cái gọi là dối trá lớn; lục thân bất hòa thì người đời mới tôn vinh kẻ hiếu người lành; đất nước rối loạn thì trung thần mới xuất hiện”. Ở vào cảnh rối loạn nhiễu nhương, ở vào cảnh khó khăn chồng chất thì kẻ sĩ đức hạnh mới trở nên nổi bật.
Một tấm gương hiếu thảo có xuất thân bần hàn là Hoàng Hương. Sách cổ chép rằng Hoàng Hương là người Giang Hạ, Hồ Bắc. Năm Hoàng Hương lên 9 tuổi thì mẹ cậu qua đời. Mặc dù cha cậu là một vị quan nhỏ nhưng gia cảnh bần cùng, hai cha con sống nương tựa vào nhau. Hoàng Hương là người có tri thức rộng, lại hiểu biết lễ nghĩa, đối với cha vô cùng hiếu thảo. Hàng ngày cậu đều giành làm những công việc tương đối nặng nhọc để cho cha có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Vào ngày hè nóng bức, Hoàng Hương biết cha không chịu được nóng, thời tiết nóng thường làm ông không ngủ được, lại còn bị muỗi đốt nữa. Vì thế mà mỗi tối trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương thường dùng quạt quạt gối và chiếu cho mát, rồi đuổi muỗi xong mới mời cha ngủ. Đến mùa đông lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị lạnh, bèn nằm trên giường ủ ấm chăn chiếu, rồi mới mời cha lên giường nghỉ ngơi.
Lòng hiếu kính đối với cha của Hoàng Hương khiến người đời ca ngợi không ngớt. Lúc ấy trong Kinh thành truyền lưu câu nói: “Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng Hương”, tức là hiếu thuận như Hoàng Hương ở quận Giang Hạ, e rằng thiên hạ không có người thứ hai.
Nói về người trung thì Nhạc Phi thời Tống là một tấm gương tận trung báo quốc khi đất nước nguy nan. Năm Nhạc Phi 23 tuổi, quân Kim tấn công Đông Kinh của nước Tống. Quân Kim ngoài việc đốt sách, đánh đập và cướp của cải của dân chúng còn bắt giam Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông, cùng với rất nhiều người trong Hoàng tộc. Tổng cộng lên đến hơn 3.000 người, bao gồm cả các phi tần và quý khanh trong hậu cung… đều bị bắt làm tù binh. Cả người và của trong thành Đông Kinh lúc ấy gần như không còn lại gì.
Đến khi nhà Nam Tống do Tống Cao Tông lập ra sau đó đứng trước nguy cơ bị đại quân Kim tiêu diệt, Nhạc Phi chỉ với 4 vạn quân đã dũng cảm đứng ra đánh tan đại quân Kim, chẳng mấy chốc thu lại một vùng đất rộng lớn.
Nhạc Phi còn thể hiện lòng trung nghĩa với cả bách tính. Ông kỷ luật quân đội rất nghiêm, chủ trương răn dạy quân sĩ: “Chết rét không cướp nhà, chết đói không cướp lương thực”. Nhạc Phi nhiều lần cho con trai lấy lương thực trong quân cứu dân khiến sinh linh nước Tống đội ơn sâu.
Đến lúc Nhạc Phi thu hồi lại các vùng đất của Nam Tống, rồi lại thừa thắng truy kích quân Kim để thu về trọn vẹn Giang sơn cho nhà Tống thì ông bị gian thần Tần Cối hãm hại, vu cáo.
Với binh lực hùng hậu và được lòng dân chúng, Nhạc Phi vẫn không làm phản mà chấp nhận trao ra binh quyền, chịu bị tù đày và chết trong sự khóc thương của muôn dân trăm họ.
Văn Thiên Tường là một vị trung thần khác được người xưa khâm phục. Ông cũng xuất sinh vào lúc triều Nam Tống nguy nan, sắp bị quân Mông Nguyên tiêu diệt. Văn Thiên Tường là một vị quan văn, nhưng trước cảnh đất nước nguy nan, ông đã dũng cảm ra chiến trường. Ông nói với mọi người rằng: “Cứu nước như cứu cha mẹ. Cha mẹ có bệnh, cho dù là bệnh khó chữa trị thì con cái vẫn phải toàn lực cứu chữa!”.
Trên đường bị áp giải đến Yên Kinh, Văn Thiên Tường đã viết hai câu thơ bất hủ:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Tạm dịch:
Đời người xưa nay ai không chết?
Lưu lại lòng son rọi sử xanh.
Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt đã dùng quan to lộc hậu để dụ Văn Thiên Tường hàng nhưng ông thà chết không chịu khuất phục.
Cổ ngữ nói: “Tật phong tri kính thảo, bản đãng thức thành thần”, gió lớn mới biết cỏ cứng, hỗn loạn mới biết trung thần. Trong lúc “gió yên” thì “cỏ cứng” sẽ hòa lẫn vào với những loại cỏ thông thường khác, cũng giống như trong cuộc sống bình hòa thì người trung kẻ hiếu cũng dễ dàng bị lẫn lộn với người thường vậy, khó mà phân biệt ra.
Tuy nhiên vào lúc khó khăn, ở trong nghịch cảnh, thậm chí là khi nguy hiểm đến sinh mệnh, nếu như vẫn có thể kiên trì theo đuổi tín ngưỡng và đức hạnh của bản thân thì đó mới thực sự là “trung thần nghĩa sĩ”, là người quân tử đáng tôn kính. Đây chính là lý do mà thời xưa, rất nhiều người không thành công, thậm chí là thất bại thảm hại, nhưng vẫn được hậu nhân tán dương và kính phục.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trung nghĩa Nhạc Phi Văn Thiên Tường trung thần trung thành Hiếu thảo