Cổ nhân xử thế: Sắc bén mà không làm thương tổn người
- An Hòa
- •
Lão Tử viết: “Phương nhi bất cát, liêm nhi bất quế”, nghĩa là hành vi chính trực mà lại không tuyệt tình, mặc dù sắc bén mà lại không đả thương người. Những lời này là đạo lý đối nhân xử thế sâu sắc.
“Phương” và “liêm” trong câu nói của Lão Tử là chỉ vật có các cạnh, góc nhọn, sắc bén. Nói một người là “phương” thì tức là người đó làm việc gì cũng cương trực, ngay thẳng, nhưng nếu một người quá “phương” thì sẽ trở nên cứng nhắc, không linh hoạt. Nói một người là “liêm” thì tức là người đó rất nhạy bén, nhưng nếu quá nhạy bén thì sẽ dễ làm thương tổn người khác. “Phương nhi bất cát, liêm nhi bất quế”, đòi hỏi một người phải ngay thẳng và chính trực khi làm việc, nhưng đồng thời cũng phải chú ý đến cảm nhận của người khác và không được quá mức. Khi người khác phạm phải lỗi lầm cũng không nên làm tổn thương họ bằng lời nói cay nghiệt, hà khắc.
Trong “Truyền thế ngôn” viết: “Làm nhục người khác đến nỗi không thể chịu đựng nổi thì nhất định sẽ khiến bản thân phải chịu nỗi nhục. Làm thương tổn người khác đến mức vượt qua giới hạn chịu đựng của họ thì nhất định sẽ khiến bản thân phải chịu sự tổn hại“. Vì vậy, cho dù người khác có sai cũng không thể đối đãi với họ hà khắc đến mức không thể chịu đựng được.
Yến Tử thời Xuân Thu là một hình mẫu xử thế thể hiện rõ đạo lý này.
Yến Tử hay còn gọi là Yến Anh, là một vị quan nổi tiếng của nước Tề thời kỳ Xuân Thu. Yến Tử có tư duy nhạy bén, nhanh trí và giỏi về biện luận. Ông làm đại thần qua các đời vua Tề Linh Công, Tề Trang Công, Tề Cảnh Công suốt hơn 50 năm. Yến Tử sống cuộc sống tiết kiệm, giản dị, khiêm tốn với cả người bên dưới mình.
Trong sách “Hoại Nam Tử” ghi chép câu chuyện về Yến Tử như sau.
Tề Cảnh Công hỏi Thái Bặc: “Đạo thuật của ông có sức mạnh gì?”
Thái Bặc đáp: “Có thể khiến cho đại địa rung chuyển”.
Tề Cảnh Công cho gọi Yến Tử đến và kể: “Quả nhân vừa hỏi Thái Bặc đạo thuật của ông có sức mạnh gì. Ông ấy đáp là có thể khiến đại địa rung chuyển. Thực sự có thể làm cho đại địa rung chuyển được sao?”
Yến Tử nghe xong lời của Tề Cảnh Công, chỉ im lặng, không lên tiếng.
Sau khi rời khỏi chỗ của Tề Cảnh Công, Yến Tử liền tìm gặp Thái Bặc, nói: “Đêm hôm trước tôi quan sát thấy sao Khách ở giữa sao Phòng và sao Tâm. Chắc là sắp có động đất phải không?”
Thái Bặc đáp: “Đúng là như vậy!”
Yến Tử sau khi hỏi xong đã lập tức rời đi.
Sau khi Yến Tử rời đi, Thái Bặc vội vàng chạy tới chỗ Tề Cảnh Công, nói: “Không phải là tôi có thể làm cho đại địa rung chuyển, mà là đại địa vốn sẽ rung chuyển!”
Khi đại thần của nước Tề là Điền Tử Dương nghe được chuyện này, ông ta nói: “Yến Tử im lặng không trả lời Tề Cảnh Công là vì không muốn Thái Bặc vì nói dối mà bị xử tử. Yến Tử lại đi gặp Thái Bặc là vì muốn bảo Thái Bặc tự thừa nhận để tránh làm cho Tề Cảnh Công bị lừa gạt. Yến Tử thực sự là người trung thành với quân chủ mà lại có thể bảo vệ được người khác”.
Cho nên có thể thấy cách xử sự của Yến Tử chính là “hành vi chính trực mà lại không tuyệt tình, mặc dù sắc bén mà lại không đả thương người”.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Tần Sơn
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đối nhân xử thế trí tuệ cổ nhân