Đại ôn dịch và lịch sử nhân loại – Kỳ 1: Ôn dịch thời Tam Quốc chiến sự
- An Hòa
- •
Ôn dịch (dịch bệnh) cũng như thiên tai, hạn hán, bão lũ, động đất thông thường đều tác động rất lớn đến nhân loại và lịch sử nhân loại. Nó có thể làm biến đổi xã hội và trật tự xã hội của nhân loại. Nhìn lịch sử một cách tổng quát, con người là chúa tể nắm giữ vận mệnh hay Thượng Thiên mới là chúa tể chi phối vận mệnh con người?
Chúng ta cùng tìm hiểu về những trận đại ôn dịch xảy ra trong lịch sử nhân loại và sự ảnh hưởng to lớn của nó đối với trật tự xã hội nhân loại.
Thời kỳ Tam Quốc, chiến tranh liên miên không ngừng, dịch bệnh cũng xảy ra liên tiếp. Năm 220 TCN, Tào Phi thành lập nước Ngụy, đánh dấu sự hình thành chính thức thời kỳ Tam Quốc cắt cứ. Không lâu sau, nước Thục và nước Ngô đều lần lượt ra đời. Năm 265, Tư Mã Viêm phế bỏ Ngụy chủ thành lập nước Tây Tấn, sau đó lại diệt nước Thục, nước Ngô, thống nhất đất nước Trung Hoa.
Trong khoảng thời gian 60 năm kể từ lúc Tào Phi thành lập nước Ngụy (220) đến lúc Tư Mã Viêm tiêu diệt nước Ngô (280), trong lịch sử ghi chép lại rất nhiều những đợt đại ôn dịch và tiểu ôn dịch. Có thể nói, trong suốt khoảng thời gian này, ôn dịch xảy ra thường xuyên, liên tục và làm biến đổi to lớn đến xã hội nhân loại.
Vào tháng 3 năm 223, sau khi nước Ngụy thành lập được khoảng 4 năm, ở địa phận Uyển (nay gần Hà Nam) và ở Hứa (nay là Hứa Xương) xảy ra đại dịch, hàng vạn người bị chết.
Đầu tháng 4 kéo dài đến mùa đông năm 234 niên hiệu Thanh Long thời Ngụy Minh Đế, trong nước Ngụy xảy ra đại ôn dịch, trải rộng ra nhiều khu vực và số người chết không thống kê được hết.
Tháng giêng năm Thanh Long thứ 3 (235), trong kinh thành xảy ra đại dịch. Nước Ngụy xây dựng kinh đô ở Lạc Dương, cho nên, Lạc Dương xảy ra đại ôn dịch.
Nước Thục xây dựng ở thung lũng Tứ Xuyên. Theo sử sách ghi chép lại thì dịch bệnh xảy ra chủ yếu vào năm Kiến Hưng thứ 3 (năm 225), lúc Gia Cát Lượng chinh phạt bốn quận của Nam Trung. Thời gian này toàn bộ quân đội ở Nam Trung bị bệnh dịch sốt rét.
Trong lịch sử, nước Ngô cũng từng phải chịu bốn lần đại ôn dịch. Năm thứ 2 niên hiệu Hoàng Vũ thời Tôn Quyền (năm 223), Tào Phi phát động cuộc tấn công nước Ngô, bao vây thành Giang Lăng của nước Ngô. Không lâu sau, trong thành Giang Lăng xảy ra trận dịch bệnh lớn.
Năm thứ 5 niên hiệu Xích Ô thời Tôn Quyền (năm 242) khi Tôn Quyền phái đại quân tiến đánh Châu Nhai cũng xảy ra đại ôn dịch. Trong “Ngô chí. Tôn Quyền chí ” có ghi chép: “Binh sĩ bị bệnh dịch chết tám, chín phần”.
Năm thứ 2 Tôn Lượng (năm 253) quân Ngô tấn công nước Ngụy, bao vây thành Hợp Phì của nước Ngụy. Phần lớn đại quân bị bao vây trong thành Hợp Phì mắc phải bệnh lị. Trong sử sách ghi chép: “Người bị mắc bệnh là hơn một nửa, số người chết nằm đầy đất.” Trong mấy năm liền thuộc niên hiệu Phượng Hoàng thời Tôn Hạo đều xảy ra đại ôn dịch làm chết vô số người.
Những đợt đại ôn dịch xảy ra thời Tam Quốc phần lớn đều là gắn liền với chiến tranh. Khi Ngụy quốc vây thành Giang Lăng của nước Ngô, nghe được tin trong thành xảy ra dịch bệnh liền lập tức rút lui, lên đường về phủ bởi vì sợ chính bản thân bị lây bệnh.
Kỳ thực, dịch bệnh đi liền với chiến tranh, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến chiến cuộc. Tháng 5 năm thứ hai niên hiệu Chính Thủy, nhà Ngụy (năm 241), tướng lĩnh nhà Ngô là Chu Nhiên, Toàn Tông tiến công vây đánh Phàn Thành, Thược Pha của nước Ngụy. Tháng 6 Tư Mã Ý dẫn quân tiến đánh Nam Chinh. Tư Mã Ý một mặt muốn đánh chiếm, một mặt lại sợ quân lính bị nhiễm bệnh. Tư Mã Ý cho rằng, khí hậu phía nam nóng ẩm, không thích hợp để đánh lâu dài cho nên quyết định lập kế hoạch đánh nhanh. Quân Ngô biết được điều ấy đã ngày đêm rút lui về phía sau, do đó một trận chiến đã không xảy ra ngay lập tức.
Năm thứ tư niên hiệu Cảnh Nguyên (năm 263), quyền thần nhà Ngụy là Tư Mã Chiêu phân tích tình hình chiến sự lúc bấy giờ, nói: “Ta rất muốn đánh chiếm nước Ngô, nhưng nước Ngô có thực lực mạnh hơn nước Thục. Thêm nữa phía nam lại có khí hậu ẩm ướt. Quân đội tiến đánh nhất định sẽ xảy ra dịch bệnh, trở nên yếu thế, sẽ nhanh chóng thất bại. Cho nên, trước tiên phải chiếm được nước Thục, mấy năm sau sẽ xuôi dòng xuống phía đông, thủy bộ cùng tiến, đánh chiếm nước Ngô.” Bởi vậy mà cuộc chiến cũng không xảy ra ngay lúc ấy.
Về sau, Tây Tấn tiêu diệt nước Thục, nước Ngô cứ theo kế hoạch có sẵn mà tiến đánh. Trong những năm Thái Khang, Tây Tấn, nước Tấn xuất binh đánh Ngô. Đại đô đốc Giả Sung đã nhiều lần tấu lên Tấn Vũ Đế: “Chưa thể đánh nước Ngô lúc này, vào mùa hạ, nước sông Trường Giang và sông Hoài xuống thấp, dịch bệnh tất sẽ bùng phát.” Điều này có ý là, ông cho rằng thời cơ tiến đánh nước Ngô tuyệt đối không thể lựa chọn vào mùa hè.
Thời Tam Quốc, ôn dịch gắn liền với chiến tranh thậm chí đóng vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng to lớn đến chiến cuộc. Nhiều trận chiến không xảy ra theo ý người, không có kết cục thuận theo ý người, sức người khó có thể thay đổi được. Trong loạn là có trật tự, những điều này khiến người ta nghi ngờ rằng, lịch sử nhân loại phải chăng chính là xuôi theo một quy luật tự nhiên nào đó?
An Hòa (biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa nhân loại Đại ôn dịch lịch sử