Đại Việt đánh bại gọng kìm Tống – Chiêm – Khmer như thế nào?
- Trần Hưng
- •
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức mới chỉ 7 tuổi đã lên ngôi. Đại Việt lúc này phải đối diện với nguy cơ từ gọng kìm 3 nước Tống – Chiêm – Khmer.
Đại Việt hai đầu thọ địch
Năm 1077, tướng Tống là Quách Qùy chỉ huy 30 vạn quân (10 vạn quân chủ lực và 20 vạn dân phu) tiến đánh Đại Việt ở phía bắc. Phía nam quân Chiêm Thành và Khmer cũng hội quân uy hiếp Đại Việt. Tình thế Đại Việt lâm nguy, hai đầu đều thọ địch.
Trong khi ở phía bắc đại quân Tống bị chặn lại trên dòng sông Như Nguyệt với những trận đánh vang dội, thì ở phía nam khoảng 2 vạn liên quân Chiêm Thành – Khmer do đích thân vua Chiêm là Chế Củ 4 (Harivarman IV) chỉ huy cũng xuất phát đánh Đại Việt.
Về binh lực thì Chiêm Thành và Khmer không mạnh bằng Đại Việt, nhưng hai nước này lại cho rằng quân Tống sẽ đánh bại quân ta ở phía bắc, từ đó họ có thể nhân cơ hội hưởng lợi phía nam.
Do Đại Việt phải chống Tống nên quân số phía nam ít ỏi. Liên quân Chiêm Thành – Khmer chiếm được các châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình, rồi tiến tiếp về kinh thành Thăng Long.
Vua Khmer là Harshavarman III hay tin quân Tống và Đại Việt đang tập trung ở sông Như Nguyệt, liền dự tính gửi thêm một đội quân lớn sang Chiêm Thành, theo đường biển bổ sung thêm cho liên quân.
Chiến thắng quân Tống, đánh bại thế gọng kìm
Điều Chiêm Thành và Khmer không ngờ là quân Tống hoàn toàn bế tắc trước phòng tuyến sông Như Nguyệt, không sao vượt được trước sự phòng ngự chắc chắn và kiên cường của quân Đại Việt.
Khi quân Tống mệt mỏi, Lý Thường Kiệt tìm điểm yếu rồi tập trung quân Đại Việt đánh vào doanh trại của phó tướng Triệu Tiết. Quân Tống bị đánh bất ngờ, bị tiêu diệt gần hết, tàn quân chạy sang phía doanh trại của chủ tướng Quách Quỳ.
Lúc này Đại Việt hoàn toàn có thể đánh bại quân Tống mà đuổi về nước. Tuy nhiên đứng trước việc liên quân Chiêm – Khmer đang tiến đến, Lý Thường Kiệt quyết định nghị hòa với quân Tống ở phía bắc nhằm đối phó với phương nam.
Quân Tống đang trong tình thế tuyệt vọng, được nghị hòa thì mừng rỡ, liền đồng ý ký nghị hòa rút quân về nước. Trong cuốn “Nhị Trình di thư” của nhà Tống có ghi chép rằng: “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó giảng hòa. Nếu không có lời quy thuận của giặc thì làm thế nào?”
Sau khi quân Tống về nước, kiểm lại binh mã của mình thì 10 vạn quân chủ lực chỉ còn lại 23.400 lính; 20 vạn phu phen còn lại chưa đầy một nửa.
Quân Tống thất trận phải rút lui khiến kế hoạch liên quân Chiêm – Khmer bị đổ bể. Vua Chế Củ 4 cũng không dám đóng quân mà lui trở lại trấn giữ 3 châu chiếm được của Đại Việt là Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình.
Giúp Chiêm Thành đánh bại Khmer
Cuối năm 1077, Lý Thường Kiệt chỉ huy quân Đại Việt nam tiến chiếm lại các vùng đất bị mất, rồi tràn qua đánh thẳng vào Chiêm Thành. Quân Đại Việt tiến thẳng đến kinh thành Phật Thệ (Vijaya). Vua Chế Củ 4 phải cho quân chạy đến vùng cao nguyên phía tây, rồi gửi thư xin cầu hòa, đồng ý thần phục và chịu cống nạp. Lý Thường Kiệt đồng ý rồi cho quân rút trở về.
Bấy giờ cánh quân Khmer do Hoàng thân Sri Nandanavarmadeva chỉ huy cùng Chiêm Thành đánh Đại Việt cũng đến Panduranga của Chiêm Thành. Nghe tin Chiêm Thành đã nghị hòa với Đại Việt, Hoàng thân Sri Nandanavarmadeva tức giận cho rằng Chiêm Thành phản bội nên cho quân chiếm lấy luôn vùng Panduranga. Hai nước Chiêm Thành – Khmer từ chỗ là đồng minh bỗng chốc trở thành đối địch.
Một cánh quân Khmer tiến đánh Thánh địa Mỹ Sơn và tàn phá nơi đây. Hai cánh quân Khmer theo hai hướng bắc nam bao vây Kinh thành Phật Thệ. Vua Chiêm vừa chống trả quân Khmer vừa cho người gửi thư cầu viện khẩn cấp Đại Việt.
Lý Thường Kiệt lại cho quân tiến đến Chiêm Thành, giúp quân Chiêm đánh bại quân Khmer. Quân Chiêm Thành thừa thắng truy đuổi sang tận Khmer. Quân Khmer do Hoàng thân Sri Nandanavarmadeva chỉ huy quyết chặn quân Chiêm ở Biển Hồ (nay thuộc tỉnh Siêm Riệp).
Một trận thủy chiến lớn diễn ra ở Biển Hồ, quân Khmer thảm bại khiến quân sĩ mất hết tinh thần. Quân Chiêm chiếm được thành Shambhupura và tàn phá thành phố này.
Quân Chiêm tiếp tục tấn công vào tận Kinh đô Angkor, đánh bại quân Khmer và giết chết vua Harshavarman III. Khmer rơi vào thời kỳ loạn lạc.
Đánh bại Khmer, quân Chiêm Thành rút trở về với vô số chiến lợi phẩm. Đại Việt cũng củng cố xây dựng lại đất nước sau cuộc chiến. Thời kỳ vua Lý Nhân Tông là thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lý.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Lý Thường Kiệt nhà Tống nhà Lý