Sau khi cuộc chiến chống quân Nguyên toàn thắng, Phạm Ngũ Lão nổi lên là vị tướng trụ cột của triều đình, các trận đánh bảo vệ biên giới phía nam và phía tây đều có mặt ông.

Danh tướng Phạm Ngũ Lão - P3: Bách thắng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Chiến tranh với Ai Lao

Năm 1294, Ai Lao quấy rối vùng biên giới, nhà Trần liền cất quân tiến đánh, Phạm Ngũ Lão lập công to. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép rằng: “Tháng 8, Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. Trong chiến dịch này, Trung Thành Vương làm tiên phong, bị quân Ai Lao bao vây, Phạm Ngũ Lão dẫn quân ập tới, giải vây, rồi tung quân nghênh chiến, đánh bại quân Ai Lao. Ban kim phù cho Ngũ Lão”.

Năm 1297, Ai Lao lại xâm chiếm vùng biên giới, Phạm Ngũ Lão tiến binh lấy lại được các vùng đất này: “Ai Lao xâm phạm sông Chàng Long. Phạm Ngũ Lão đánh bại chúng, lấy lại được đất cũ. Ban vân phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây) cho Phạm Ngũ Lão” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Năm Tân Sửu (1301), Phạm Ngũ Lão được phong làm Thân Vệ Đại tướng Quân và được ban Quy Phù (tức binh phù có chạm hình con rùa).

Năm 1302, “có đứa nghịch thần tên là Biếm làm loạn. Sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, Biếm bị giết. Phong Phạm Ngũ Lão làm Điện súy, ban cho hổ phù” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Chiến tranh với Chiêm Thành

Năm 1307, vua Chế Chí lên ngôi vua Chiêm, dù vẫn triều cống Đại Việt nhưng tìm cách lấy lại vùng đất châu Ô và châu Lý. Vua Chiêm cho người kích động nổi loạn, các toán quân Chiêm Thành cũng cướp phá vùng biên giới.

Năm 1312, vua Trần Anh Tông cùng Phạm Ngũ Lão và Đoàn Nhữ Hài xuất quân tiến đánh Chiêm Thành. Phạm Ngũ Lão trở thành tướng trụ cột, quân Đại Việt thắng lớn, Chế Chí xin hàng.

Năm 1318, “sai Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão tung quân đánh phía sau giặc. Quân giặc thua chạy, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão tước Quan nội hầu, ban cho phi ngư phù và cho con ông làm quan” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Sau khi 3 lần đánh thắng quân Nguyên, trong khi các tướng trước đó hoặc đã có tuổi hoặc qua đời, thì Phạm Ngũ Lão lại nổi lên trở thành tướng trụ cột, đánh đâu thắng đấy, sử thần Ngô Sĩ Liên giải thích rằng: “Quân của ông đều một lòng thân yêu như cha với con, đánh đâu được đấy”.

Một vị tướng văn võ song toàn

Sử gia Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời nhà Lý đến thời Lê Sơ. Trong đó nhà Trần có 4 vị tướng là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá các tướng giỏi của nhà Trần như sau:

“Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm điện súy (tức Phạm Ngũ Lão giữ chức Điện Súy) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ có chuyện về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không một ai vượt nổi các ông.”

Trong các bài thơ của Phạm Ngũ Lão thì đến nay chỉ còn lưu lại 2 bài là “Vãn Hưng Đạo Đại vương” (Viếng Hưng Đạo Đại vương) và “Thuật hoài” (Tỏ lòng). Cả 2 bài đều nổi tiếng cho đến tận ngày nay.

Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương

Trường Lạc chung thanh đệ nhất chuỳ,
Thu phong tiêu táp bất thăng bi.
Cửu trùng minh giám kim vong hĩ,
Vạn lý trường thành thục hoại chi.
Vũ ám trường giang không lệ huyết,
Vân đê phức đạo toả sầu my.
Ngưỡng quan khuê tảo từ phi dật,
Ngư thuỷ tình thâm kiến vịnh thi.

Dịch nghĩa:

Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương

Tiếng chuông cung Trường Lạc một hồi vang lên,
Gió thu hiu hắt, đau thương khôn xiết.
Tấm gương sáng của cửu trùng nay đã mất rồi,
Bức trường thành vạn dặm ai làm cho sụp đổ?
Mưa phủ kín sông dài, luống tuôn lệ máu,
Mây sa xuống đường sạn đạo nhíu hàng mi sầu.
Ngước xem văn chương lời lời cô đúc,
Tình sâu cá nước đã hiện ra ở lời thơ vịnh.

(Bản dịch của Bùi Tông Hoan)

Thuật hoài

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:

Tỏ lòng

Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Bản dịch của Bùi Văn Nguyên)

Năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất ở Thăng Long. Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng:

“Tháng 11, Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất tại phụ đệ vua ban ở vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt.”

“Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật, đối đãi tướng hiệu tực như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ với binh sĩ, cho nên quân đi tới đâu, không ai dám chống; tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy.”

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: