Danh tướng Phạm Ngũ Lão – P2: Chống quân Nguyên
- Trần Hưng
- •
Được Hưng Đạo Vương chỉ bảo thêm nên Phạm Ngũ Lão tiến bộ rất nhanh. Năm 1285, nhà Nguyên cử Thoát Hoan đem 50 vạn quân tiến đánh Đại Việt từ phía bắc. Sau đó 20 vạn quân của Toa Đô sau thời gian bị sa lầy ở Chiêm Thành cũng từ hướng nam đánh ngược lên.
- Tiếp theo phần 1
Cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 năm 1285
Hưng Đạo Vương cho quân vừa đánh vừa lùi nhằm tiêu hao binh lực và nhuệ khí quân Nguyên, lại vừa bảo toàn được lực lượng.
Đạo quân Toa Đô đánh từ phía nam ngược lên, lâu ngày mệt mỏi, lương thực cũng cạn. Thoát Hoan lệnh cho đội quân này hướng ra bắc để hợp nhất với cánh quân của Thát Hoan. Hưng Đạo Vương liền lệnh cho Trần Nhật Duật đuổi theo Toa Đô, không để 2 đội quân này hợp nhất với nhau.
Nhận thấy cánh quân phía bắc không còn hung hăng truy tìm quân chủ lực của Vua Trần như trước, cánh quân từ phía nam chạy đến hợp nhất với cánh quân phía bắc, chứng tỏ quân Nguyên sức đã kiệt, Hưng Đạo Vương liền quyết định đưa quân chủ lực tấn công.
Lúc này quân Nguyên lập hệ thống phòng thủ phía nam thành Thăng Long ở Hàm Tử và bến Chương Dương. Hưng Đạo Vương cho quân tiến thẳng đến hai căn cứ này.
Quân Đại Việt tấn công vào cửa Hàm Tử, đánh tan quân Nguyên ở đây, khiến bến Chương Dương bị cô lập. Trần Quang Khải chỉ huy cánh quân hướng đến bến Chương Dương. Phạm Ngũ Lão dù mới chỉ vào quân ngũ nhưng đã được cử làm phó tướng cùng Trần Quốc Toản tiến quân ra bắc.
Phạm Ngũ Lão cùng toàn quân đánh đâu thắng đó, thẳng đến Bến Chương Dương, quân Nguyên ở đây tan vỡ. Mất Chương Dương khiến Thăng Long bị uy hiếp, lại không hội được với quân của Toa Đô, nên Thoát Hoan cho quân tinh nhuệ đánh chiếm lại.
Đoán biết ý đồ của quân Nguyên, Đại Việt cho quân mai phục ở con đường từ Thăng Long đến Chương Dương. Quân Nguyên đến đây bị đánh cho thảm bại, phải bỏ chạy về Thăng Long.
Phạm Ngũ Lão cùng toàn quân truy đuổi đến thành Thăng Long. Thoát Hoan thấy quân mình còn đông liền ra khỏi thành tiến đánh. Quân Đại Việt thua chạy, quân Nguyên đuổi theo thì lại rơi vào trận địa mai phục do Trần Quang Khải bố trí sẵn. Quân Nguyên thảm bại bỏ chạy vào trong thành.
Trong tình thế binh sĩ kiệt quệ, Thoát Hoan phải cho quân rút khỏi Thăng Long, chạy đến sông Thiên Mạc (đoạn sông Hồng chảy qua Khoái Châu). Toa Đô đưa quân đến Tây Kết, hai cánh quân Nguyên vẫn chưa hợp nhất được với nhau.
Hưng Đạo Vương chỉ huy quân tiến đánh vào cả hai cánh quân Nguyên. Toa Đô bị bao vây, trúng tên chết. Thoát Hoan thua trận quyết định rút chạy về nước để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trong khi đó Phạm Ngũ Lão được lệnh đưa 3 vạn quân đến phía bắc nhằm chặn đường rút lui của quân Nguyên. Quân Nguyên bị Phạm Ngũ Lão truy kích, quân sĩ bị tử trận nhiều. Quân Nguyên gọi Phạm Ngũ Lão là hổ tướng họ Phạm.
Cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 3 năm 1287 – 1288
Cuối năm 1287, quân Nguyên tiến đánh Đai Việt lần thứ 3. Hưng Đạo Vương vẫn theo kế sách vừa đánh vừa lùi nhằm bảo toàn binh lực, tiêu hao quân Nguyên, áp dụng vườn không nhà trống khiến quân Nguyên không cướp bóc được gì.
Trong cuộc tấn công lần thứ 3 này, quân Nguyên mang theo đến 70 vạn thạch lương theo đường thủy sẵn sàng đánh lâu dài với Đại Việt. Tuy nhiên thuyền lương nặng nề đi chậm, thủy quân của Ô Mã Nhi vượt lên trước, còn đội thuyền lương nặng nề đi sau bị Trần Khánh Dư mai phục tiêu diệt hoàn toàn. 70 vạn thạch lương hoặc bị rơi xuống biển hoặc bị lọt vào tay quân Đại Việt.
Không có lương thực, cũng không cướp bóc được nhiều, quân Nguyên không thể đánh lâu dài phải rút quân về nước theo 2 đường thủy bộ.
Phạm Ngũ Lão chặn con đường rút lui của Thoát Hoan, tiêu diệt rất nhiều quân Nguyên, sau đó được lệnh đến sông Bạch Đằng chặn thủy quân của Ô Mã Nhi. Thủy quân của quân Nguyên va phải cọc ngầm, toàn bộ đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống.
Sau khi đánh bại quân Nguyên, Triều đình phong thưởng, ngoài các tôn thất họ Trần, Phạm Ngũ Lão là một trong số ít tướng lập công lớn nhất. Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông chỉ huy đội quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân.
Xem phần 3
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chiến công trọng yếu tại Vân Đồn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
- Trần Quốc Toản không tử trận, uy vũ chấn động Trung Nguyên
Mời xem video:
Từ khóa Phạm Ngũ Lão lịch sử Việt Nam nhà Trần