Đạo làm quan của người xưa: Quên mình tạo phúc cho dân chúng
- Ninh Sơn
- •
Đạo làm quan thời xưa đại để là không làm phiền nhiễu dân chúng, không phô trương hình thức, không thể hiện quyền uy, giữ mực giản dị, gặp người nghèo khổ hay khốn khó thì dốc sức tương trợ, dù là hạng người thấp kém tù tội cũng không đối xử khác đi, thường xuyên quản thúc và giáo dục người nhà biết khiêm cung với dân… Người có thể làm “cha mẹ của dân” thì trước tiên phải coi dân làm cha mẹ của mình mà đối đãi. Trong lịch sử có ghi chép về rất nhiều vị quan thanh liêm quên mình tạo phúc cho dân chúng.
Trong cuốn “Bắc sử, Tuần lại truyện” có ghi chép về một vị quan tên là Công Tôn Cảnh Mậu, làm quan trong thời kỳ Nam Bắc triều và thời nhà Tùy.
Trong cuộc chiến tranh bình định Nam Trần, có một số binh sỹ mắc bệnh ngã gục ở ven đường. Cảnh Mậu liền lấy bổng lộc của mình để mua cháo và thuốc thang cho họ, giúp đỡ nhiều mặt, đã may mắn cứu được vài nghìn mạng người.
Có lần Cảnh Mậu bị bệnh nên phải tạm thời từ chức. Các quan lại cấp dưới và bách tính trong châu đều kêu khóc, không muốn ông rời đi.
Về sau, Cảnh Mậu nhậm chức Thứ sử Đạo Châu. Ông đem toàn bộ bổng lộc mua trâu bò gà heo, phát cho những góa phụ, người hiếm muộn, người tàn tật, những ai không thể tự mình kiếm sống.
Cảnh Mậu thích một mình cưỡi ngựa, đi tuần trong dân gian, đích thân tới thăm nhà dân chúng, coi xem sản nghiệp của mọi người có sung túc hay không. Nếu có người làm việc tốt thì liền công khai tuyên dương, khen ngợi. Nếu có người làm nhiều việc xấu thì ông liền âm thầm khuyên răn, mà tạm thời không công bố những chuyện xấu đó, cho người ta cơ hội sửa sai.
Người dân dưới sự độ lượng của Cảnh Mậu đều trọng lễ trọng nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau. Đàn ông giúp nhau cày cấy, phụ nữ giúp nhau dệt vải, không phân biệt của người của ta. Hiện tượng “Ai lo việc người đấy, không quản chuyện người khác” liền không tồn tại nữa. Cả một thôn lớn có mấy trăm hộ gia đình, đều như người một nhà, đều coi công việc nhà người khác như là công việc nhà mình.
Ngày Cảnh Mậu qua đời, dân chúng và quan lại trong châu đến đưa tang ông có tận mấy nghìn người. Những người không kịp tham dự lễ tang đều thăm viếng phần mộ của ông mà khóc lóc thảm thiết.
Sử sách lại ghi chép về trường hợp của Lưu Khoáng sống cùng thời với Cảnh Mậu. Ông nhậm chức quan huyện lệnh huyện Bình Hương, là tỉnh Hồ Bắc ngày nay.
Khi xử án, Lưu Khoáng sẽ giúp cả hai bên, thuyết phục họ có được sự đồng thuận chung, và nhấn mạnh tính công bằng mà không phải khiển trách ai. Vì thế, người tham gia kiện tụng sẽ tự hòa giải qua việc suy nghĩ về khuyết điểm của họ.
Lưu Khoáng dùng toàn bộ lương bổng của mình để giảm nhẹ gánh nặng thiên tai và giúp đỡ người nghèo. Cư dân trong huyện cảm động bởi cách trị lý nhân từ của ông, tự nhắc nhở những người khác: “Có một vị quan mẫu mực như vậy, làm sao chúng ta có thể làm điều xấu được chứ?”
Trong bảy năm Lưu Khoáng làm quan ở đây, tình hình địa phương đã cải thiện đáng kể, không có vụ kiện tụng nào trong huyện. Nhà tù không có phạm nhân, cỏ mọc đầy sân. Người ta thậm chí có thể đến đó quăng lưới bắt chim.
Khi Lưu Khoáng hết hạn rời đi, thuộc hạ và người dân, bất kể tuổi tác, đều rơi nước mắt nhìn ông ra đi. Họ đã tiễn ông hơn 100 dặm.
Trong “Thanh lại cảo” còn ghi chép về một vị quan tên Lưu Khải. Lưu Khải vào năm Khang Hy thứ 34 đảm nhận chức huyện lệnh huyện Trường Sa tỉnh Hồ Nam, nổi tiếng thanh liêm và công bằng.
Năm Khang Hy thứ 37, Lưu Khải được thăng chức tri châu tại Ninh Khương tỉnh Thiểm Tây. Năm đó Quan Trung xảy ra nạn đói, vùng Hán Nam tình hình đặc biệt nghiêm trọng. Trong châu không tồn trữ lương thực, ở nơi núi non trùng điệp ấy vận chuyển rất khó khăn.
Lưu Khải thỉnh cầu triều đình cho phép vay lương thực tại kho quan của ấp lân cận và hứa với bách tính rằng ai có thể cõng được một đấu lương thực về tới nơi sẽ được cấp ba bò lương thực. Chưa đầy 10 ngày mọi người đã vận chuyển được 30 nghìn đấu lương thực. Đại quan các tỉnh cứu tế cho các ấp lân cận cũng làm theo cách của ông, mọi người đều ca ngợi cách làm này rất tiện lợi.
Lưu Khải lại phụng mệnh cứu tế huyện Dương, ông nói với quan huyện huyện Dương rằng: “Số lương thực này mượn từ kho quan, nếu bách tính không thể hoàn trả thì hai người chúng ta sẽ trả thay bách tính.” Tới mùa thu vụ mùa năm ấy bội thu, bách tính huyện Dương khích lệ lẫn nhau trả lại số lương thực đã vay, không cần nhọc công đôn đốc, giám sát.
Năm Khang Hy thứ 41, Lưu Khải phải để tang mẫu thân nên từ chức. Do phải trả xong thuế giúp bách tính nên ông bị liên lụy không được như ý nguyện, bèn dặn em trai thay mình bán đi toàn bộ gia sản. Nhưng dù vậy vẫn chưa đủ tiền, em trai ông lại bán nốt gia sản của bản thân để hoàn trả tiền thuế. Bách tính biết chuyện tranh nhau nộp tiền trợ giúp, Lưu Khải đều từ chối không nhận.
Sau đó Lưu Khải làm quan giám sát tỉnh Giang Tây và quan lớn Bố Chính Sử (chức quan) tỉnh Tứ Xuyên.
Năm Khang Hy thứ 55, hoàng đế Khang Hy hỏi các vị đại thần xem trong triều có vị quan nào khí tiết thanh liêm, có thể sánh cùng nhật nguyệt. Các đại thần tiến cử bốn người, trong đó có Lưu Khải.
Lưu Khải bán gia sản, nộp thuế thay cho bách tính, đắc được thiện báo, con cháu ông sau này đều làm quan. Lưu Thống Huân, con trai của Lưu Khải, cháu Lưu Dung, chắt Lưu Hoàn đều được tôn xưng là những danh thần lúc đương thời. Lưu Dung nổi danh trong dân gian với cái tên “Tể tướng Lưu gù”.
Theo Minghui.org
Ninh Sơn tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa đạo làm quan