Con người không ai là hoàn thiện, cũng không ai là người chưa từng phạm lỗi. Có lẽ rất nhiều người có thể hiền đức ở một phương diện nào đó, nhưng lại phạm sai lầm ở một phương diện khác. Do vậy, khi đối đãi với người khác cần phải khoan dung. Đối nhân là như thế, trị quốc lại càng cần phải như thế.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Khoan dung đãi người
(Tranh: History.com, Public Domain)

Không thể thấu hiểu và thiện đãi người khác, tự nhiên cũng không nhận được sự đồng cảm và bao dung của họ. Dưới đây là một câu chuyện khoan dung đãi người rất đáng để suy ngẫm.

Bấy giờ vào thời Đường có ba anh em nhà họ Đỗ, người anh hai là Đỗ Như Hối và em út là Đỗ Sở Khách.

Đỗ Sở Khách cùng một người chú là Đỗ Yêm từng rơi vào tay của viên tướng triều Tùy là Vương Thế Sung. Đỗ Yêm xưa nay bất hoà với anh em họ Đỗ, bèn vu oan để khiến Vương Thế Sung giết hại người anh cả và bắt giam Đỗ Sở Khách. Đỗ Sở Khách suýt chút nữa thì chết đói, nhưng không hề ôm lòng oán hận.

Sau khi Vương Thế Sung bị Lý Thế Dân bình định, Đỗ Yêm bị luận tội chết. Lúc đó Đỗ Như Hối là mưu sỹ được Lý Thế Dân tín nhiệm. Đỗ Sở Khách không nhớ thù cũ, khóc lóc van xin Đỗ Như Hối cứu Đỗ Yêm một mạng. Đỗ Như Hối ban đầu không đồng ý. Đỗ Sở Khách bèn khuyên rằng: “Thúc thúc đã giết đại ca, hiện giờ ca ca ngài lại vì thù xưa mà bỏ mặc thúc thúc không cứu, người trong gia tộc chúng ta tàn sát lẫn nhau, há chẳng đau lòng hay sao?”

Đỗ Như Hối nghe những lời này thì vô cùng cảm động, buông bỏ thù cũ, lấy đức báo oán, cầu xin Lý Thế Dân tha mạng, nhờ vậy Đỗ Yêm mới được khoan hồng miễn tội chết.

Lúc này Đỗ Yêm không còn chức vụ, dự định đầu quân cho thái tử Lý Kiến Thành. Phòng Huyền Linh lo lắng Lý Kiến Thành có được Đỗ Yêm sẽ trợ giúp cho gian kế của Lý Kiến Thành, bèn bẩm tấu với Lý Thế Dân, tìm cho Đỗ Yêm một chức vụ tạm thời dưới trướng của Lý Thế Dân, để tài năng của ông có thể được dùng vào nơi chính đạo.

Sau này, Dương Văn Cán, tổng quản Khánh Châu làm loạn, khai khẩu cung liên luỵ tới đông cung của thái tử và quy tội cho Đỗ Yêm. Lý Thế Dân biết rằng Đỗ Yêm vô tội, bèn tặng cho Đỗ Yêm 300 lạng vàng. Đến khi Lý Thế Dân kế vị, đã bổ nhiệm Đỗ Yêm vào chức vụ quan trọng là Thượng thư bộ Lại, tham dự việc triều chính. Đỗ Yêm lần lượt tiến cử với triều đình hơn 40 người, sau này đa phần đều là những nhân tài có tiếng.

Đỗ Sở Khách sau khi cầu xin tha chết cho chú, bản thân ông lên núi Tung Sơn ẩn cư. Năm Trinh Quán thứ 4 mới được triệu hồi về làm quan trong triều, nhưng Đỗ Sở Khách không hề bất bình, hay sinh tâm đố kỵ, oán hận.

Sau này Đỗ Sở Khách phạm phải sai lầm khi trợ giúp Nguỵ Vương Lý Thái mang vàng đi hối lộ các vị triều thần. Đường Thái Tông biết chuyện nhưng im lặng, không nói ra việc Đỗ Sở Khách đã làm. Đợi tới khi âm mưu bị bại lộ, Đường Thái Tông mới công bố sai lầm của Đỗ Sở Khách, nhưng lại khoan dung, miễn cho ông tội chết. Chẳng bao lâu sau hoàng thượng lại bổ nhiệm Đỗ Sở Khách làm quan huyện lệnh, cấp cho ông cơ hội sửa chữa sai lầm.

Khi Đỗ Yêm phạm sai sót, Đỗ Sở Khách đã khoan dung cho thúc thúc của mình. Sau này khi bản thân ông sai sót, cũng lại được hoàng đế tha tội. Đỗ Yêm được Đỗ Sở Khách khoan dung, tha thứ mới có thể tiến cử cho Lý Thế Dân hơn 40 nhân tài.

Trong câu chuyện này, Đỗ Sở Khách không hề oán hận người chú đã khiến mình tổn thương. Phòng Huyền Linh lại có mắt nhìn người, nhận thức được rằng nếu không thể bao dung, tín nhiệm Đỗ Yêm, thì sẽ đẩy Đỗ Yêm về phía Lý Kiến Thành, trở thành trở lực cho Lý Thế Dân sau này. Người có thể bao dung cho người khác, cuối cùng đắc được nhân tâm nhất lại là Lý Thế Dân. Ông có thể dung thứ cho lỗi lầm của Đỗ Yêm, cũng có thể bao dung cho sai sót của Đỗ Sở Khách, cấp cho hai người cơ hội sửa chữa sai sót.

Nếu mắt không thể dụi hạt bụi, không thể dung thứ cho sai lầm của người khác, không có được tấm lòng độ lượng dung nạp trăm sông, thì cũng không thể có được một triều đại thịnh thế như vậy.

Theo Minghui.org
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm: