Đạo trị quốc của cổ nhân: Điềm lành điềm dữ
- Khởi Huệ
- •
Bất kể nền văn hóa nào đều có cái gọi là điềm lành và điềm dữ. Đối với người phương Đông, việc nhìn thấy những đám mây hay sao băng đẹp lạ thường, hay chim én xây tổ ở nhà là những điềm lành; nghe thấy tiếng chó tru, hay thấy côn trùng tràn ra nhiều bất thường là điềm dữ sắp xảy ra. Đối với người phương Tây, thấy cỏ bốn lá hay thấy cầu vồng là điềm lành; gặp chim hỷ thước ồn ào hay gương vỡ là điềm dữ. Nhiều người khi gặp điềm lành thì tâm trạng trở nên tươi sáng hơn, mong chờ những điều tốt đẹp sắp tới; khi gặp điềm dữ thì không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, chán nản. Tuy nhiên trong đạo trị quốc của người xưa, điềm lành điềm dữ còn mang một ý nghĩa khác.
Người xưa tin vào những điềm lành và điềm dữ do Thượng Thiên ám thị, và đối mặt với chúng theo hướng tích cực. Theo “Sử ký: Ân bản kỷ” và “Khổng Tử gia ngữ”, trước khi Thái Mậu (vị vua thứ chín của nhà Thương) lên ngôi, nhà Thương suy yếu, các chư hầu coi thường triều đình và không đến triều bái. Sau khi Hoàng đế Ung qua đời, em trai ông là Thái Mậu lên ngôi. Thái Mậu bổ nhiệm Y Trắc làm tể tướng. Lúc bấy giờ ở kinh đô có một hiện tượng lạ là cây dâu và cây dó hợp lại cùng mọc trong sân đình, chỉ qua một đêm chúng lớn bằng hai cánh tay ôm vào nhau. Thái Mậu nhìn thấy, cho rằng là điềm xấu, sợ hãi nên hỏi Y Trắc. Y Trắc nói với Thái Mậu rằng:
“Thần nghe nói yêu ma không địch nổi người có đức hạnh, phải chăng chính lệnh của bệ hạ có gì sai trái? Hy vọng bệ hạ có thể tu dưỡng đức hạnh của mình.”
Thái Mậu nghe theo lời khuyên của Y Trắc, cẩn thận tu dưỡng đức hạnh của bản thân, học hỏi cách trị vì đất nước của các tiên vương, và tìm cách nuôi dưỡng dân chúng, cái cây quái lạ đó khô héo và biến mất. Sau ba năm, nhiều quốc gia xa xôi ngưỡng mộ đạo đức của triều đại Ân Thuơng, và mười sáu quốc gia đã cử sứ giả đến triều kiến. Nhà Thương lại hưng thịnh, các nước chư hầu lại đến quy phục. Vì Thái Mậu đã trung hưng nhà Thương nên sau khi chết ông được tôn là Trung Tông.
Vũ Đình là vị vua thứ 22 của nhà Thương, “Sử ký – Ân bản kỷ” có ghi lại rằng, có lần Vũ Đinh hiến tế tiên vương Thành Thang, ngày hôm sau, một con gà lôi đậu trên tai cái đỉnh và gáy. Vũ Đinh vì thế kinh sợ bất an. Tổ Kỷ đã nói với Vũ Đinh rằng: “Bệ hạ đừng lo lắng, cứ xử lý việc triều chính trước đã.” Tổ Kỷ nói thêm:
“Thượng Thiên khảo sát con người thế gian, là xem họ hành động có tuân theo đạo nghĩa hay không. Tuổi thọ do Thượng Thiên ban cho có dài có ngắn, không phải là Trời khiến tuổi thọ con người bị rút ngắn, mà là con người không thực hiện theo chính đạo nên đã cắt đứt tuổi thọ của mình. Có người làm trái với đạo đức, không thừa nhận tội lỗi, thì Thượng Thiên sẽ trừng phạt họ, để quy chính phẩm hạnh của họ. Đại vương, ngài cần phải kính trọng người dân, họ đều là con dân của Thượng Thiên, ngài còn cần phải thường xuyên tế lễ, nhưng chớ cử hành lễ nghi theo những thứ yêu đạo.”
Vũ Đinh nghe theo lời khuyên của Tổ Kỷ, sửa sang chính sự trong sáng, thúc đẩy nhân đức, cải cách dùng người, “chức quan không trao riêng mà chỉ dựa vào tài năng; tước vị không được trao cho người có đức hạnh kém, chỉ coi trọng người hiền”. Ông cũng dẹp yên sự xâm phạm và quấy nhiễu của các dân tộc phía bắc như Thổ Phương, Thiệt Phương, Bào Phương, Quỷ Phương, Khương Phương, khiến bách tính trong thiên hạ an cư lạc nghiệp, khiến nhà Thương lại thịnh vượng, được lịch sử gọi là “Thời kỳ thịnh thế Vũ Đinh”.
“Khổng Tử gia ngữ” có ghi chép rằng Lỗ Ai Công đã từng thỉnh giáo Khổng Tử: “Sự tồn vong họa phúc của quốc gia, ta tin là Thiên mệnh, chứ không phải do con người quyết định, đúng không?” Khổng Tử trả lời: “Sự tồn vong họa phúc của một quốc gia đều do quân vương quyết định. Thiên tai địa họa không phải là trọng yếu nhất.”
Khổng Tử đưa ra một ví dụ:
“Ngày xưa, dưới thời Trụ Vương nhà Ân, một con chim sẻ nhỏ đã sinh ra một con chim lớn trên thành lầu. Người xem bói nói, phàm là nhỏ sinh ra lớn, thì quốc gia nhất định sẽ hưng thịnh. Trụ Vương tin vào điềm lành này, nhưng không trị vì đất nước cho tốt, mà trái lại trở nên độc ác, đến mức quốc gia diệt vong. Đây là do hành vi đi ngược lại ý Trời, phúc đã trở thành họa. Tuy nhiên, thời Thái Mậu, khi điềm xấu xuất hiện thì Thái Mậu lo lắng, sợ hãi, nên đã tu dưỡng phẩm hạnh, thực thi nhân đức, điềm xấu lại biến thành phúc lành. Do đó, thiên tai địa họa được Thượng Thiên dùng để cảnh báo quân vương. Tai họa không thể địch nổi sự cai trị tốt, và điềm xấu không thể địch nổi đức hạnh tốt.”
Thiên tai là lời cảnh tỉnh, người ở trên vị trí cao cần có thái độ thận trọng kính úy, lấy đức hạnh để yêu cầu bản thân, lấy sự thiện lành để đối đãi với người dân, không làm những việc trái ngược với đạo.
Theo “Điềm lành điềm dữ“
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Khởi Huệ
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân Điềm báo