Dạy con tổ chức cuộc sống
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Tổ chức cuộc sống là gì? Là sắp xếp công việc, thời gian, sắp đặt nhà cửa một cách hợp lý, khoa học để có được năng suất và hiệu suất cao nhất. Tại sao phải học cách tổ chức cuộc sống? Vì biết cách tổ chức cuộc sống sẽ giúp ta có một cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Không biết cách tổ chức cuộc sống, con người sẽ rất mệt mỏi trong công việc, học tập, thậm chí ngay cả lúc vui chơi.
Hồi con gái của mình còn trong độ tuổi dậy thì, mới lớn, bạn ấy không biết cách tổ chức cuộc sống. Bạn ấy thường thức rất khuya để đọc sách, sáng không thể dậy sớm. Mẹ nhờ nấu bữa cơm thì mười giờ bạn ấy mới đi chợ, hơn mười một giờ mới về, nấu xong một bữa cơm ba món: rau xào, canh, kho hoặc chiên đơn giản phải đến một giờ mới có để ăn. Và trong lúc nàng nấu cơm, toàn bộ bàn ăn, bàn bếp, bồn rửa đều bày bừa và bẩn thỉu. Phòng của bạn ấy thì đồ đạc vứt lung tung, không quét dọn, thùng rác đầy tràn ra ngoài, nhà vệ sinh đóng cáu bẩn. Chai kem đánh răng luôn bị bóp nặn một cách thô bạo, méo mó. Nói chung là bạn ấy chẳng để ý, chẳng biết cách thức tổ chức cuộc sống ra sao. Và đó là lỗi của mình và bà ngoại.
Mình đi xa, không ở cạnh bạn ấy nên không dạy con cách tổ chức cuộc sống từ nhỏ. Bà ngoại thì chiều nên cứ giành hết việc của cháu, cứ làm hộ. Lâu dần, bạn ấy ỷ lại và không hiểu, không coi việc tổ chức cuộc sống là điều cần thiết. Thậm chí còn tỏ thái độ bực bội, “Mẹ giống dì Ba quá!” khi mình nhắc tới nhắc lui làm tới đâu phải dọn dẹp gọn gàng tới đó. Hoặc ngụy biện, “Trong cái bừa bộn cũng có sự thú vị của nó mà, mom!” khi mình nhắc bạn ấy dọn phòng.
Mình biết nàng như thế là do lỗi của mình và của bà, nên mình tìm cách sửa. Mỗi lần mình vào bếp, mình đều vừa làm vừa chỉ cho nàng từ cách cầm dao, thái như thế nào cho không bị đứt tay, thái xong dao đặt trên thớt thế nào để không bị vướng gây tai nạn. Làm tới đâu rửa dọn tới đó. Nhặt một cọng hành, một tép tỏi thì gạt vỏ luôn vào thùng rác. Xong bữa cơm thì dao thớt, nồi niêu, thau rổ cũng đã rửa xong và úp gọn vào kệ, bàn bếp, bếp, bồn rửa sạch sẽ. Nấu một bữa cơm thì món gì trước món nào sau, món nào nấu cùng lúc để đỡ mất thời gian và công sức. Mình cũng luôn giải thích lý do tại sao cái khăn treo trong nhà tắm phải ngay ngắn, tại sao chai kem đánh răng phải được bóp từ dưới lên và đậy nắp cẩn thận, tại sao nhà cửa phải ngăn nắp…
Đáp lại những dạy bảo nhẹ nhàng, kiên trì một cách bền bỉ của mình nàng luôn dạ dạ, dạ dạ, nhưng không bao giờ thực hiện. Mình vốn kiên nhẫn, nên cứ dạy thôi. Sáng nào vào phòng vệ sinh mình cũng sửa lại cái khăn, sửa lại chai kem và rửa sạch. Dọn bếp dọn nhà dọn phòng… mình làm hết mà không cằn nhằn hay than thở với hi vọng là nàng sẽ nhìn thấy việc mẹ làm mà làm theo. Rồi đến lúc mình bệnh, mệt nên không làm được nữa mà nàng vẫn thế.
Mình đau nằm suốt mà có những hôm mãi hai giờ chiều mới có bữa ăn. Nàng không biết cách chăm sóc cho bản thân nên cũng không biết cách chăm sóc mẹ. Không biết cách tổ chức cuộc sống nên làm gì cũng thấy vất vả, mệt nhọc. Thế nhưng mẹ dạy thì không làm theo, không nghe. Đôi lúc mình cảm thấy tuyệt vọng bởi cảm giác bao nhiêu công sức dạy dỗ dường như đều như nước đổ lá môn. Nhưng điều làm mình đau hơn cả là mình quá lo lắng không biết nàng sẽ sống ra sao nếu mình chết ở thời điểm đó. Mình không còn kiên nhẫn. Mình cáu. Đôi lần lớn tiếng. Nhưng đâu vẫn vào đó. Mình lại quay về với sự kiên nhẫn và giải thích.
Giờ nàng về thăm mình mỗi cuối tuần dù xa. Vào bếp làm bánh, nấu nướng là nàng dọn dẹp tinh tươm sạch bóng ngay và rất nhanh. Công việc, cuộc sống, bạn bè, cách cư xử, cách sống, nhân sinh quan của nàng đều ổn. Nàng biết cách tổ chức cuộc sống từ tiền bạc cho đến thời gian và công việc. Mình vui khi nàng ngày càng mê đọc triết. Đến giờ, mình không còn phải lo lắng một chút nào về nàng nữa.
Mình nhận ra một điều rằng những gì mình dạy nàng đều học và nhận thức được hết, chẳng qua ở cái tuổi ương ương nên nàng thích cãi, làm ngược, chống đối để thể hiện bản thân, đòi hỏi sự tôn trọng như một người lớn, thế thôi. Qua độ tuổi đó, những gì mình dạy đều được nàng thực hiện một cách rất tốt, tốt hơn cả mình.
Mình kể chuyện nhà để muốn nhấn mạnh một điều: Cần dạy cho con cách thức tổ chức cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ để những điều đó trở thành thói quen có lợi cho trẻ. Nhưng chỉ dạy theo kiểu áp đặt là không đủ, trẻ cần sự giải thích tại sao lại phải thế này mà không nên thế kia. Khi hiểu, chúng sẽ thực hiện một cách tự nguyện, vui vẻ và yêu thích.
Ngay khi con có thể cầm nắm, ba mẹ nên để con tự xúc. Trẻ có thể làm rơi vãi nhiều, vấy bẩn, nhưng điều đó không quan trọng, dọn một xíu là xong, điều quan trọng là tập cho trẻ tính tự lập. Lớn hơn một xíu, khoảng hai tuổi, khi trẻ đã có thể nghe hiểu nhiều hơn, ta cần dạy trẻ tự dọn bàn ăn, dĩa ăn của mình và giải thích cho trẻ hiểu, “Bé ăn xong bé dọn bàn ăn dĩa ăn để thành người lịch sự, không làm phiền người khác phải dọn giúp mình. Bé giỏi, bé biết tự chăm sóc bản thân.”
Cũng vậy, ta dạy trẻ chơi xong phải cất gọn đồ chơi vào nơi quy định. Giải thích cho trẻ hiểu nếu không cất gọn gàng thì có thể một lúc nào đó bé sẽ làm thất lạc món đồ chơi bé thích. Sự ngăn nắp giúp bé dễ dàng lấy được thứ bé cần. Từ ba tuổi ta có thể dạy bé rửa bát. Cho bé học cắt thái rau củ bằng dao nhựa. Cho bé tham gia vào việc dọn dẹp, nấu nướng. Dạy bé tự xếp quần áo, sắp đặt đồ đạc thế nào cho gọn gàng. Giờ học, giờ chơi… Mỗi một việc đều đi kèm lời giải thích tại sao để bé hiểu. Các bé trong độ tuổi này rất háo hức được học và tiếp thu rất nhanh. Trong quá trình dạy tổ chức cuộc sống là kèm cả việc dạy bé tư duy. Tình yêu thực thụ nảy sinh từ những sinh hoạt gia đình chung như thế.
Với những trẻ đã qua độ tuổi trẻ thơ, ta vẫn có thể dạy trẻ tổ chức cuộc sống. Như câu chuyện gia đình mình chia sẻ ở trên, ta cứ dạy, cứ trao đổi, cứ giải thích, kiên trì, đừng cáu giận, hãy nói cho trẻ biết ta yêu chúng, khuyến khích, khen ngợi, thường xuyên nói ta tự hào về chúng mỗi khi chúng làm được một điều tốt, điều hay dù nhỏ. Những lời bạn dạy sẽ không như “nước đổ lá môn” đâu, chúng tiếp thu hết tuy có lúc thực hiện có lúc không. Đừng quá lo lắng, đừng quá thúc ép, hãy biết đó là do lỗi của chính chúng ta đã không hướng dẫn trẻ lúc trẻ còn bé chứ không phải tại trẻ hư. Từng bước, kiên trì, hướng dẫn con cách thức tổ chức cuộc sống và tư duy, bởi ta cần phải hiểu rằng chính những điều đó mới là gia tài ta trao trẻ làm hành trang vào đời và theo trẻ suốt cuộc đời chứ không phải tiền bạc vật chất.
Viết bài này, mình có xin phép nàng cho mình chia sẻ câu chuyện. Y như mình dự đoán: nàng vui vẻ đồng ý.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa Dạy con Làm cha mẹ Nguyễn Thị Bích Ngà nền tảng giáo dục gia đình