Đoàn Dự: Vị minh quân có thật trong lịch sử
- Trần Hưng
- •
Người Việt đã quen thuộc với “Thiên long bát bộ” của Kim Dung, nhất là bản chuyển thể thành phim nổi tiếng vào đầu thế kỷ 21. Nhân vật chính của bộ truyện này là 3 anh em kết nghĩa Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự. Trong tiểu thuyết, Đoàn Dự là người hiền lành lại có nghĩa khí, không hại ai, không thích học võ công hại người, thường để lại đường lui cho người khác, khi gặp cảnh đánh đấm thì dựa vào “Lăng ba vi bộ” mà chạy thoát thân. Bởi vậy nhân vật Đoàn Dự tiểu thuyết chiếm được rất nhiều cảm tình của độc giả. Còn ở ngoài đời thật, Đoàn Dự được đánh giá là một vị minh quân trong lịch sử Đại Lý.
Thuở nhỏ thông minh ngoan ngoãn lại hiếu học
Đoàn Dự là nhân vật có thật trong lịch sử, người dân tộc Bạch, sinh năm 1083 và là con trưởng của Đoàn Chính Thuần. Bác của Đoàn Dự là Đoàn Chính Minh, là vua Đại Lý lúc bấy giờ. Đại Lý thời đó bao gồm tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và một phần tây bắc của Việt Nam ngày nay.
Theo “Đoàn thị Truyền đăng lục” thì Thái tổ Đoàn Tự Minh đặt ra quy định rằng: “Phàm là con cháu trực hệ hoàng tộc, 6 tuổi phải học văn luyện võ, 10 tuổi phải biết cưỡi ngựa bắn cung, 13 tuổi phải diễn trận luyện binh, 15 tuổi thì văn phải thông thi từ, võ phải tinh điều binh đánh trận. Kẻ không có năng lực ấy thì dù là hoàng tử cũng không thể lên ngôi báu. Trong hoàng tộc phải chọn kẻ văn võ toàn tài lại có đức mới lên làm vua. Nếu trong hoàng thất không có người như vậy thì chọn trong triều thần mà lập”. Vì thế mà trong hoàng tộc ai cũng giỏi cả văn lẫn võ.
Từ nhỏ Đoàn Dự là đứa trẻ thông minh lại hiếu học nên được vua Đoàn Chính Minh yêu quý, mời Lục Huyền đại sư đến dạy dỗ. Lục Huyền đại sư là người theo Thiên Thai tông. Đoàn Chính Minh mời đại sư dạy cho cháu mình với hy vọng sau này Đoàn Dự có được trí huệ của Phật Pháp mà tạo phúc cho dân chúng.
Lục Huyền đại sư ở Trung Nguyên là người giỏi cả văn võ, người thời đó sánh võ học của ông với Châu Đồng. Mà Châu Đồng theo truyền lưu trong dân gian là hậu duệ của Khương Duy thời tam quốc, là thầy của Địch Thanh, Lư Tuấn Nghĩa, Lâm Xung và Nhạc Phi. Đây đều là những nhân vật lỗi lạc về võ nghệ.
Được học với một đại sư như vậy, Đoàn Dự về võ học có thể xem là cao thủ hàng đầu, chứ không giống như hình tượng lóng ngóng vụng về trong tiểu thuyết Kim Dung.
Lục huyền đại sư vốn nghiêm khắc, thấy Đoàn Dự thông minh lại hiền lành chăm chỉ nên rất yêu quý. Ông mời đồng đạo là Diệu Trừng đại sư cùng đến dạy dỗ. Diệu Trừng đại sư cũng rất quý mến Đoàn Dự nên truyền cho “Lục môn diệu pháp”. Đây cũng là nguồn gốc của môn võ “Lục mạch thần kiếm” trong tiểu thuyết Kim Dung.
Theo lịch sử, Đoàn Dự không chỉ giỏi văn võ mà còn tinh thông thư họa, vẽ hoa sen rất đẹp và chơi cờ cũng rất giỏi.
Họ Cao chuyên quyền
Lúc này ở Đại Lý có một thế lực lớn là gia tộc họ Cao ở Điền Đông (nay thuộc Côn Minh), được kế thừa tước vị Thiện Xiển hầu trong Triều đình.
Năm 1094 lúc Đoàn Dự 11 tuổi, Thiện Xiển hầu Cao Thăng Thái ép Đoàn Chính Minh thoái vị xuất gia, nhường ngôi lại cho mình. Nhưng chỉ 2 năm sau, Cao Thăng Thái bệnh nặng, các bộ tộc nổi lên chống lại Cao Thắng Thái vì cướp ngôi. Trước khi mất, Cao Thăng Thái dặn con là Cao Thái Minh trả ngôi lại cho họ Đoàn.
Cao Thái Minh nghe lời nên trả ngôi lại. Em của Đoàn Chính Minh là Đoàn Chính Thuần (tức cha của Đoàn Dự) lên ngôi vua Đại Lý. Việc này đã liên kết được 37 bộ tộc, đồng thời họ Cao vẫn giữ được tước vị Thiện Xiển hầu, tình hình Đại Lý được yên.
Đại Lý là Vương quốc tín ngưỡng Phật Pháp, từ Vua đến dân đều tín Phật. Vua ở ngôi đến khi Thái tử trưởng thành thì thường nhường ngôi cho con rồi xuất gia. Đại Lý Đoàn Thị kéo dài 316 năm qua 22 đời Vua, trong đó 10 Vua chọn xuất gia tu luyện. Đoàn Chính Thuần ở ngôi trị vì từ năm 1096 đến năm 1108 thì nhường ngôi cho Đoàn Dự rồi đi tu.
Minh quân trị quốc
Đoàn Dự lên ngôi năm 26 tuổi, lân bang cùng 37 bộ tộc đều đến chúc mừng.
Đoàn Dự là người chuyên cần chính sự. Bấy giờ thế lực họ Cao vẫn rất mạnh, thường xuyên gây rối loạn, nhưng Đoàn Dự đã dần dần thay đổi được sự chuyên quyền của họ Cao. Vua yêu thương dân chúng, giảm nhẹ thuế khóa, tăng giao thương với các nước, Đại Lý bước vào giai đoạn thịnh trị.
Đoàn dự ở ngôi 2 năm, Đại Lý vừa có chút khởi sắc thì bất ngờ thời tiết khô hạn, động đất kéo dài phá hủy hàng vạn ngôi nhà, hơn 3.000 người cùng nhiều gia súc bị chết. Sau đó là nước lũ tràn về, rồi lại bước vào nắng hạn, mùa màng hư hại, thu hoạch được rất ít. Dân chúng 37 bộ tộc nổi lên, Đoàn Dự phải thân chinh đi vỗ yên dân chúng.
Với lân bang, Đoàn Dự nhiều lần cho sứ sang giao hảo với nhà Tống, cống nạp ngựa Vân Nam, biểu diễn âm nhạc và ảo thuật cho vua Tống xem. Năm 1117, vua Tống Huy Tông phong cho Đoàn Dự là “Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm hiệu tư không, Vân Nam tiết độ sứ, Thượng trụ quốc, Đại Lý quốc vương”.
Nhờ ngoại giao với lân bang tốt nên việc giao thương của Đại Lý cũng dễ dàng, ngoài việc thông thương với nhà Tống còn có Ba Tư (Iran), Ấn Độ, Thổ Phiên. Nhờ đó Đại Lý trở nên giàu có. Quan trọng là thời kỳ Đoàn Dự trị vì không có chiến tranh với ngoại bang, đất nước được bình yên phát triển.
Năm 1147, Đoàn Dự nhường ngôi cho con là Đoàn Chính Hưng rồi xuất gia đi tu luyện ở Vô Vi tự.
Năm 1176, Đoàn Dự mất, thọ 94 tuổi, là người sống thọ nhất và có thời gian trị vì lâu năm nhất trong các vị Vua thuộc Đoàn Thị. Ông cũng được hậu thế đánh giá là một vị minh quân của Đại Lý.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Lịch sử mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phía tây bắc
- Vua quan Đại Việt ứng xử như thế nào trước thiên tai?
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử thế giới