“Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”
- Thiên Cầm
- •
Học vấn của cổ nhân không phải chỉ có được từ nơi trường học và trong sách giáo khoa. Thời xưa có câu rằng: “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”, tự cổ chí kim cũng có rất nhiều tấm gương về việc tự học thành tài.
Đỗ Phủ, một nhà thơ nổi tiếng đời Đường có câu rằng: “Độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần”, nghĩa là “Sách đọc nát vạn quyển, hạ bút như có thần”. Đây là kinh nghiệm đúc rút được trong nhiều năm cuộc đời của Đỗ Phủ, cũng có thể nói là cảm ngộ nhân sinh của ông, cũng là nhận thức chung của nhiều người. Đọc sách càng nhiều, tri thức càng uyên bác, khi làm việc, ứng xử thì tư duy sẽ nhạy bén, tự nhiên, thông thuận, không cứng nhắc hay gượng ép.
Đổng Kỳ Xương, một họa gia, sau này đã kế thừa và phát triển câu trên của Đỗ Phủ thành “Độc vạn quyển thư, hành vạn lý lộ”, nghĩa là “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”. Câu này của ông ý nói rằng người học vẽ tranh cần tích lũy kiến thức, cũng cần đi khắp thiên hạ, từ đó mà tích lũy được những kinh nghiệm phong phú. Sự lịch duyệt đó cuối cùng sẽ phản ánh vào tác phẩm của họ.
Trong lịch sử thế giới có khá nhiều nhân vật nổi tiếng cũng phát triển bản thân theo cách này.
Nhà văn vĩ đại của nước Mỹ là Mark Twain sinh ra tại Florida. Ông chưa hề được đi học tại bất kỳ một trường chính quy nào, mà đều học từ trường đời, nhờ tự học mà thành công.
Khi còn nhỏ ông đã từng học in ấn, xếp chữ, làm thuyền viên trên tàu. Sau đó ông làm công nhân mỏ, phóng viên. Sau khi cho ra đời hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng, tới năm 71 tuổi, ông mới giành được học vị tiến sỹ của trường Đại học Oxford.
Sáng tác của Mark Twain là những trải nghiệm của chính bản thân mình, vô cùng phong phú, lại hài hước. Ông trở thành một trong những nhà văn được yêu thích nhất của giới trẻ. Mark Twain đã từng đi qua rất nhiều nơi trên thế giới như Missouri, New York, Boston, Nevada, San Francisco, Hawaii, Buffalo, Connecticut và Nam Mỹ, Châu Âu, Úc, Ấn Độ, Ý… có thể thấy rằng hành trình suốt một đời của ông không chỉ có “vạn dặm đường”.
Một tấm gương tự học thành danh nổi tiếng khác như Benjamin Franklin. Ông là một vị cha lập quốc của Hoa Kỳ, cũng là một nhà khoa học uyên bác, nhà phát minh, nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao, nhà thực nghiệp, nhà giáo dục và nhà từ thiện nhờ vào việc tự học. Học vấn uyên bác và sự cống hiến của ông liên quan tới nhiều lĩnh vực sâu rộng.
Benjamin Franklin phải trải qua những năm tháng ấu thơ vô cùng gian nan, vất vả và ham học tới mức khắc khổ. Suốt cuộc đời mình ông chỉ được học 2 năm chính quy trong trường học. Tuổi thơ của ông là trong xưởng in và hiệu sách. Khi còn làm ở hiệu sách, vì muốn đọc sách buổi tối, ông mượn sách về, đọc thâu đêm suốt sáng, sáng sớm hôm sau ông mang trả lại.
Franklin nói được nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, tiếng Tây Ba Nha, tiếng Ý, tiếng La tinh và rất am hiểu về kiến thức văn hóa, khoa học của những nước này. Đó là thành quả do ông tự học trong thời gian đảm nhiệm chức vụ vụ phó tại bưu điện Philadelphia.
Những kiến thức này đã đặt định nền móng vững chắc cho việc nghiên cứu thực nghiệm khoa học, phát minh, hoạt động chính trị và việc sáng lập trường Đại học Pennsylvania sau này. Franklin đã đúc kết kinh nghiệm và bí quyết thành công suốt một đời của mình trong câu nói nổi tiếng sau: “Thành thực và chăm chỉ nên theo ta suốt cuộc đời”.
Có thể thấy rằng bí quyết thành công của rất nhiều vĩ nhân trong lịch sử đều nằm trong câu “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường” này. Người xưa cũng nói: “Để lại cho con cháu cả sọt vàng, không bằng dạy chúng siêng năng học một cuốn kinh thư”. Những lời này quả thực không phải là lời nói suông vậy.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Mark Twain Đỗ Phủ đọc sách Benjamin Franklin