Văn Giang là huyện có truyền thống khoa bảng của tỉnh Hưng Yên, nơi đây thời nào cũng có nhân tài. Nổi bật có làng Lại Ốc với dòng họ Đỗ, họ Phạm, đặc biệt họ Đỗ có gia đình cả nhà 3 thế hệ đều đỗ đại khoa, trong đó có Trạng nguyên Đỗ Tông.

VAN MIEU XIACH DANG
Ba cha con Hoàng giáp Đỗ Nhân được ghi danh trong Văn miếu Xích Đằng của tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Lại Ốc là ngôi làng cổ, tương truyền khi quân khởi nghĩa Hai Bà Trưng đi ngang qua ghé ở lại nơi đây, vì thế mới có tên ấy. Lại Ốc (賴屋) nghĩa là “nhờ nhà”.

Làng có 6 người đỗ đại khoa, trong đó có một Trạng nguyên. Họ Đỗ làng Lại Ốc là dòng họ nổi tiếng về hiếu học từ thế kỷ 15, đến nay vẫn còn lưu lại nguồn sử liệu và giai thoại.

Năm 1493, nhà Lê mở khoa thi, Đỗ Nhân làng Lại ỐC năm ấy mới 20 tuổi tham dự và đỗ ngay Hoàng giáp. Sau khi đỗ đạt ông đổi tên thành Đỗ Nhạc.

Đến thời vua Lê Tương Dực thì nhà Lê Sơ đã suy rồi, dân chúng nổi dậy khắp nơi. Đỗ Nhân phụng mệnh cầm quân đánh nhiều trận, có công lớn với Triều đình.

Đến thời vua Lê Chiêu Tông, quân Trần Cảo đánh vào Kinh thành, Vua phải bỏ chạy. Quân Trần Cảo tiến vào Kinh thành không có ai địch nổi, chỉ có người duy nhất ngăn được Trần Cảo là Thiết Sơn bá Trần Chân. Bằng tài năng của mình Trần Chân đánh bại hoàn toàn quân Trần Cảo, khiến Trần Cảo phải bỏ chạy, cạo đầu giả làm sư để trốn tránh.

Vua Chiêu Tông trở lại Kinh thành, Đỗ Nhân là người hộ giá đưa Vua về Kinh thành an toàn. Năm 1518, Đỗ Nhân được thăng làm Đô Ngự sử. Ông làm quan trải qua 6 triều vua, không chỉ hay chữ mà còn làm việc cẩn thận, trung thành, trở thành vị quan trụ cột của Triều đình.

Sau loạn Trần Cảo, Trần Chân có công rất lớn, giữ vững nhà Lê. Nhưng có kẻ ghen ghét liền gièm pha với Vua. Lúc này vua Chiêu Tông mới chỉ 12 tuổi không rõ trắng đen nên nghe theo, Trần Chân bị giết chết trong thành. Lập tức Triều đình đại loạn, các bộ tướng của Trần Chân thấy việc bất công, tìm cách tiến vào Kinh thành. Vua Chiêu Tông đang đêm phải bỏ trốn.

Mạc Đăng Dung lúc này theo sát Vua, mượn cớ phò tá để gần gũi mượn danh Vua giết những người không theo ông ta.

Đô Ngự sử Đỗ Nhân một lòng phò tá Vua mà tâu bày, không sợ quyền thần Mạc Đăng Dung, vì thế mà ông bị Mạc Đăng Dung hại chết.

Sau Mạc Đăng Dung biết việc giết hại Đỗ Nhân là quá nhẫn tâm nên tâu Vua để bộ Lại làm lễ tế ông, truy tặng Đỗ Nhân tước Thiếu bảo, Văn Trinh bá.

Thương tiếc Hoàng giáp Đỗ Nhân, dân làng Lại Ốc quê ông lập đền thơ, tôn ông là Phúc Thần.

Con cháu của Đỗ Nhân tiếp tục nối nghiệp ông. Khoa thi năm 1529 thời nhà Mạc, con trai ông là Đỗ Tông xuất sắc đỗ Trạng nguyên, đảm nhiện các chức vụ Tả Thị lang bộ Hình, Đông các Đại học sĩ.

Khoa thi năm 1535, em trai Đỗ Tông là Đỗ Tấn thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân thời Mạc Thái Tông, làm quan đến chức Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, sau được phong tước Quận công.

Khoa thi năm 1580, con trai Trạng nguyên Đỗ Tông là Đỗ Trực thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, làm Hiến sát sứ. Về sau đến thời Lê Trung Hưng ông được phong làm Đông các Đại học sĩ. Ông có công lao giúp dân khai phá vùng đất mới nay là thôn Đại Vy, xã Đại Đồng (Tiên Du – Bắc Ninh).

Ba đời họ Đỗ là Đỗ Nhân, Đỗ Tông, Đỗ Trực là tấm gướng sáng và là niềm tự hào của người dân làng Lại Ốc, cả 3 người đều được dân làng phong Thánh để thờ phụng.

Đền ông Trạng được dân làng Lại Ốc xây dựng để thờ 3 cha con, ông cháu. Tiếc rằng qua thời gian lâu dài ngôi đền này đã bị chiến tranh tàn phá. Dẫu vậy, tấm gương của nhà họ Đỗ vần được ghi chép và được dân gian lưu truyền lại đến nay.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: