“Được mất” tùy duyên mới có thể sống ung dung, tự tại
- An Hòa
- •
Sự tuần hoàn của vạn vật trên thế giới này đều là có quy luật. Trong cuộc sống cũng vậy, có rất nhiều sự việc vốn như thế nào thì sẽ là như thế ấy, không bị ràng buộc và thay đổi theo mục đích của con người. Giống như hoa sẽ không bởi vì con người thích mà luôn luôn nở, ánh trăng cũng không bởi vì con người bất mãn mà luôn vắng bóng. Bởi vậy cổ ngữ có câu: “Tùy duyên nhi hỷ, tùy ngộ nhi an”, tùy duyên mà vui, tùy ngộ mà an.
Vạn vật đều có quy luật của riêng nó, con người sống đừng nên quá truy cầu cảnh vật bên ngoài mà phải chú trọng đến nội tâm bên trong của bản thân mình. Một người nếu có thể tùy duyên mà đối đãi với hết thảy thì mọi cảnh vật bên ngoài đều trở nên tuyệt hảo. Tùy duyên là cách nhanh nhất giúp chúng ta thoát khỏi phiền não. Nhân sinh bởi vì quá để ý cho nên thống khổ, bởi vì hoài nghi cho nên bị thương tổn, bởi vì xem nhẹ cho nên khoái hoạt, bởi vì xem nhạt cho nên hạnh phúc.
Tận sức tuân theo thiên mệnh, đối với những sự tình không thể khống chế được thì nên để tùy duyên, đây là thái độ của trí giả. Tùy duyên không phải tùy tiện, tùy ý, không phải đối với sự tình nào cũng cúi đầu chịu đựng. Tùy duyên cũng không phải buông tha mà chính là thái độ thản nhiên sau những cố gắng trong khả năng của mình. Tùy duyên cũng không phải thái độ tiêu cực mà là sự thông suốt sau khi đã trải nghiệm và vượt qua.
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử giảng: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, không biết mệnh thì không có cách nào làm người quân tử, hay cũng nói: “Úy thiên mệnh”, người quân tử kính sợ thiên mệnh. Người biết mệnh hiểu rõ điều gì có thể có được, điều gì không thể. Khổng Tử còn nói rằng giàu sang phú quý không phải là thứ cầu mà có thể có được, cho nên ông không cầu phú quý.
Đại thần nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên cũng nói: “Đời người có những việc có thể làm và có những việc không thể làm. Đối với những việc có thể làm, hãy tận sức mà làm. Đây gọi là ‘tẫn tính’. Đối với những việc không thể làm thì hãy tận tâm thuận theo. Đây gọi là ‘biết mệnh’.” Câu nói này cũng mang ý tứ là “biết mệnh” và “tùy duyên”.
“Tẫn tính” chính là chỉ việc một người cần tận tâm tận sức làm tốt việc mình có thể làm, thấy việc nhân đức thì không bỏ qua, không lười biếng, càng không thể từ chối trách nhiệm của bản thân.
“Biết mệnh” còn bao hàm ý nghĩa là biết buông bỏ. Chính là đối với những thứ dù có cố gắng đến mấy cũng không đạt được thì cần phải có cái nhìn thông thoáng hơn, xem nhẹ hơn. Mỗi người đừng nên mù quáng chấp nhất vào “được mất” mà tạo ra cho bản thân sự thống khổ và thù hận.
Hiểu được đạo lý này thì làm người làm việc đều không quá truy cầu sự hoàn mỹ, đều thuận theo tự nhiên. Cũng bởi vì “tùy duyên” nên có thể thích ứng trong mọi hoàn cảnh, không bị những chấp nhất vào tham vọng được mất mà có thể sống yên vui.
Có một câu chuyện kể về “tùy duyên” như sau:
Một vị thiền sư dẫn hai đệ tử đi xuống núi. Trên đường đi, thiền sư chỉ tay vào một cái cây khô trong rừng và hỏi: “Các con nói xem, cái cây này khô héo mới tốt hay là xanh tươi mới tốt?”
Một vị đệ tử không nghĩ ngợi gì, lập tức trả lời: “Đương nhiên là xanh tươi mới tốt ạ.”
Thiền sư lắc đầu, nói: “Hết thảy phồn thịnh cuối cùng rồi cũng biến mất.”
Vị đệ tử thứ hai lại nói: “Vậy thì khô héo mới là tốt?”
Không ngờ, thiền sư Duy Nghiễm nghe xong vẫn lắc đầu. Ông nói: “Khô héo thì cuối cùng cũng trở thành quá khứ.”
Vừa hay lúc này có một vị tiểu hòa thượng đi qua nơi ba thầy trò họ đang đứng. Thiền sư liền đem câu hỏi ấy để khảo nghiệm vị tiểu hòa thượng này.
Tiểu hòa thượng liền trả lời: “Khô héo thì để nó khô héo, mà tươi tốt thì nên để nó tươi tốt.”
Thiền sư khen ngợi: “Tiểu hòa thượng nói đúng lắm. Bất kể sự tình gì trên thế giới này đều nên là để cho nó tự nhiên, đừng chấp nhất, cố chấp. Đây mới là thái độ của tu hành.”
Quả thực là như vậy, con người sống nên là “vui khổ tùy duyên, được mất tùy duyên” mới có thể ung dung tự tại. Trong cuộc đời của ai cũng vậy, có rất nhiều nhân tố mà con người không thể khống chế được, không vì ý chí của con người mà thay đổi. Chi bằng hãy tùy duyên mà sống, tùy duyên mà hỷ, luôn bằng lòng với hết thảy nhân duyên trong cuộc đời. Chúng ta bất quá cũng đều là người khách qua đường của Trời Đất, hết thảy nên tùy duyên mà sống.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phật gia Thuận theo tự nhiên vạn sự tùy duyên được mất