Tác dụng dưỡng sinh dưỡng thần của luyện tập thư họa
- An Hòa
- •
Nói đến thư pháp và hội họa, người phương Đông không chỉ coi đó là bộ môn nghệ thuật, mà còn gắn chúng với sức khỏe và trường thọ, điều này là có lý do nhất định. Một mặt, luyện tập thư pháp hay hội họa là hoạt động trí óc, rèn luyện khả năng tư duy của con người, mặt khác nó cũng đòi hỏi sự chuyển động của gần như toàn bộ cơ thể. Do đó thư họa còn có tác dụng dưỡng sinh.
Vào triều nhà Đường có một hòa thượng tên là Giảo Nhiên đã từng làm thơ: “Trọc tửu bất ẩm hiềm hôn trầm, dục ngoạn thảo thư khai ngã khâm”, ý tứ là thư pháp có thể giải trừ sầu não, ưu buồn, khiến con người dũng mãnh tiến về phía trước.
Thi nhân Lục Du triều nhà Tống viết: “Nhất tiếu ngoạn bút nghiên, bệnh thể vi chi khinh”, ý nói luyện tập thư pháp có thể tiếp thêm sinh lực cho tinh thần, còn có tác dụng phòng ngừa, chữa bệnh và bồi bổ cơ thể.
Luyện tập thư pháp và hội họa phương Đông không chỉ đòi hỏi trải giấy, vẩy mực là xong. Hoạt động này đòi hỏi người viết phải dụng tâm, dụng thần và dụng khí. Mỗi ngày cầm bút luyện tập đúng cách thì đều cần phải ngồi ngay ngắn, chăm chú nhìn và hết sức chuyên chú. Khi viết hoặc vẽ, đầu phải giữ thẳng, vai phải thả lỏng, thân phải thẳng, cánh tay mở, chân phải vững vàng, các ngón tay cầm bút phải chắc, lòng ban tay nắm trống, cổ tay phải thẳng, khuỷu tay phải giơ lên. Sức mạnh của cơ thể chuyển dần từ thắt lưng đến vai, đến khuỷu tay, đến cổ tay, đến lòng bàn tay và cuối cùng tập trung vào năm ngón tay mà vận hành đầu bút lông.
“Sức mạnh đến từ thắt lưng”, “truyền đến cổ tay”, do đó đây là sự vận động toàn thân. Người luyện thư pháp hay vẽ tranh theo phương pháp này thì khí huyết toàn thân của họ đang chuyển động. Đồng thời thông qua thư họa mà họ ở trong trạng thái vứt bỏ hết các lo âu, tập trung tinh thần, tâm chính khí hòa, thân an ý nhàn, huyết mạch lưu thông, hoàn toàn tiến nhập vào trạng thái giống như thiền định vậy. Chính vì thế, việc luyện tập thư họa có điểm tương đồng với “luyện khí công”.
Ngoài ra, căn cứ học thuyết kinh lạc, động tác tay cầm và xoay cán bút sẽ tạo ra ma sát tác động đến huyệt “túc tam lý”. Đây là huyệt giúp cơ thể khỏe mạnh. Sử dụng ngón tay để cầm bút, không chỉ khiến chữ viết được chắc khỏe mà thông qua chuyển động của ngón tay còn có thể điều hòa khí huyết, kích hoạt khớp xương, có lợi cho việc điều hòa thân thể.
Đông y cho rằng con người có ngũ tạng hóa ngũ khí, sinh ra hỉ giận bi ưu khủng. Nếu thất tình thái quá thì sẽ làm cho tạng khí bị mất cân bằng. Thư pháp hội họa có thể điều tiết tâm thái, giúp cho cảm xúc được ổn định. Điều đó sẽ giúp con người khỏe mạnh từ bên trong. Cho nên nói rằng nguyên lý luyện tập thư pháp và hội họa tương đương với nguyên lý luyện dưỡng sinh khí công.
Lúc mừng rỡ khôn xiết, luyện thư họa giúp ngưng thần tĩnh khí. Lúc nổi giận, luyện thư họa giúp tâm bình khí hòa. Lúc u buồn, luyện thư họa giúp xua tan sự chán nản và làm cho tinh thần vui vẻ. Lúc sợ hãi, luyện thư họa giúp thần thái an ổn, tĩnh thần định chí. Có thể thấy, thư pháp và hội họa có thể điều chỉnh cảm xúc và tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, là một liệu pháp hay.
Hoàng đế Đường Thái Tông đã viết trong “Bút pháp quyết”: “Lúc viết tầm nhìn thu lại, lắng nghe nhiều hơn, phải không lo âu, tập trung tinh thần. Tâm chính khí hòa thì chữ viết sẽ ảo diệu. Tâm thần bất chính thì chữ sẽ nghiêng vẹo, chí khí bất hòa thì chữ sẽ bị đảo lộn…”. “Khi vui thì khí hòa và chữ viết sẽ thư thái, khi tức giận thì khí dâng lên chữ sẽ hiểm, nếu u buồn thì khí uất và chữ viết sẽ thu liễm…”. Trạng thái tâm lý khác nhau sẽ khiến con người bị ảnh hưởng, những bức thư pháp và hội họa mà họ tạo ra cũng sẽ khác nhau. Chữ viết khác nhau cũng có công hiệu dưỡng sinh khác nhau.
Thư họa có tác dụng dưỡng sinh, đây là nhận thức chung của không ít thư pháp gia và họa gia. Người ta đã tổng kết tác dụng dưỡng sinh của thư họa thành bốn giai đoạn, được thể hiện qua bốn câu: “Tẩy bút điều mặc tứ thể tùng, dự tưởng tự hình thần tư ngưng, thần khí quán chú toàn tức động, thưởng tâm duyệt mục nhạc vô cùng”.
Giai đoạn thứ nhất: “Tẩy bút điều mặc tứ thể tùng” là thông qua động tác dự bị như tẩy bút điều mực khiến cho tứ chi thả lỏng, khơi thông kinh lạc khí huyết của toàn thân thể.
Giai đoạn thứ hai: “Dự tưởng tự hình thần tư ngưng” là tập trung tinh thần, đem ý thức điều tiết đến trạng thái tốt nhất, như vậy mới có thể tiến nhập vào trạng thái thư thái thoải mái, khí lực cường kiện.
Giai đoạn thứ ba “Thần khí quán chú toàn tức động” là tập trung tâm trí và năng lượng vào toàn bộ quá trình chuyển động thư pháp, điều quan trọng là làm được thần khí dẫn động nét vẽ và khí vận nơi tay, điều này kéo theo toàn thân tâm vận động. Giai đoạn này có thể nói là giai đoạn quan trọng nhất của hoạt động thư pháp và hội họa.
Giai đoạn thứ tư “Thưởng tâm duyệt mục nhạc vô cùng” là khi tác phẩm hoàn thành sẽ cho người ta cảm giác hài lòng với tác phẩm của chính mình, tinh thần được thanh lọc đạt đến sự thoải mái, dễ chịu vô cùng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa hội họa thư pháp dưỡng sinh