“Everything Everywhere All at Once” đã trở thành một hiện tượng của Oscar 2023 khi giành được tới 7 giải Oscar liên tiếp. Hơn nữa nam diễn viên Quan Kế Huy được tượng vàng Oscar lại là một người Mỹ gốc Việt, sinh ra trong một gia đình người Việt gốc Hoa, rồi trở thành thuyền nhân và được tị nạn ở Mỹ. Là một bộ phim kinh phí thấp, với một đội ngũ kỹ xảo điện ảnh khiêm tốn, “Everything Everywhere All at Once” đã không đi theo con đường của các ông lớn trong làng phim.

"Everything Everywhere All at Once" và những câu hỏi của thời đại chúng ta
Poster “Everything Everywhere All at Once”. (Ảnh: Fair Use)

“Everything Everywhere All at Once” xoay quanh nhân vật Evelyn, người đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống: Tình hình kinh doanh hiệu giặt ảm đạm, hôn nhân rạn nứt, mối quan hệ với con gái căng thẳng… Giữa lúc cuộc đời rối ren nhất, Evelyn bất ngờ phải gánh vác thêm nhiệm vụ giải cứu đa vũ trụ, bằng cách xâm nhập vào tiềm thức của chính mình trong các vũ trụ khác, vận dụng các kỹ năng mà bản thân có ở các vũ trụ khác đó để ngăn cản cái ác làm đa vũ trụ diệt vong. Và oái oăm thay, cái ác đó lại là Jobu, người mang hình hài con gái của Evelyn ở một thực tại khác.

“Everything Everywhere All at Once” mang một cảm giác rất “đa vũ trụ”. Đôi khi bạn không biết mình đang xem một bộ phim tâm lý xã hội, phim kinh dị, hay phim khoa học viễn tưởng nữa. Có lẽ điều khiến bộ phim này đặc biệt là vì nó lồng ghép được rất rất nhiều vấn đề, rất nhiều câu hỏi mà nhân loại hiện đang phải đối mặt.

Một thời đại của hỗn loạn

Alpha-Waymond, chồng Evelyn tại vũ trụ Alpha, nói với Evelyn về sự thay đổi của vũ trụ như vậy:

“Chúng ta đều có thể cảm giác được. Em cũng cảm giác thấy, đúng không? Có gì đó không đúng. Quần áo em mặc không còn vừa vào ngày hôm sau. Tóc em không còn rụng theo cách nó vẫn rụng. Vị cà phê cũng không còn đúng. Nền móng của chúng ta đang đổ vỡ. Không ai còn tin tưởng hàng xóm của mình. Và em thức khuya tự hỏi… Làm thế nào để mọi thứ quay trở lại?”

Cảm giác mà Alpha-Waymond nói tới ở đây, có thể nhiều người tinh ý sẽ để mắt tới. Trên thực tế, ngoài sự ô nhiễm môi sinh khiến đôi khi hít thở cũng là điều khó khăn, thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với một sự ngột ngạt khó giải thích thành lời. Nó khiến cho con người sống không có niềm tin vào nhau, khiến cho chúng ta luôn phải nghĩ xem người khác nghĩ gì, luôn đánh giá người khác, luôn sinh ra sự uất hận đối với người khác. Có thể bạn cho mình là người tốt, nhưng khi quan niệm cá nhân bị xung kích đến thì bạn sẽ thấy bản thân tràn ngập tâm đố kỵ, oán hận, tranh đấu, thay vì lòng bao dung và vị tha. Thậm chí chuyện con giết cha mẹ, chồng giết vợ, vợ chồng giết con… đã không còn là một hai trường hợp cá biệt nữa. Những người sống nơi thị thành có lẽ sẽ cảm nhận được điều này rõ nhất, và sẽ càng cảm nhận rõ hơn khi chỉ cần cách xa khỏi thành phố vài km thôi, áp lực đó sẽ được giảm nhẹ nhiều lần mặc dù vẫn có.

Và bạn biết không, chỉ mới 60, 70 năm trước thôi, cảnh “ngủ đêm không cần khóa cửa” vẫn là điều bình thường trong cuộc sống. Đôi khi bạn tự hỏi: Xã hội làm sao vậy? Chúng ta làm sao vậy?

Một ví dụ nữa là về thời gian, điều này có lẽ những người già hoặc người lớn tuổi sẽ mơ hồ cảm giác được. Trong quá khứ, chúng ta cảm thấy thời gian một ngày trôi qua rất lâu, làm được rất nhiều việc, nhưng hiện tại dường như thời gian trôi qua thật là nhanh, có cảm giác thân thể không theo kịp. Nhất là những người sống nơi thành thị, cảm thấy vừa khổ vừa mệt, thoáng cái là đã qua một ngày, một tháng, một năm.

Có thể trong tiềm thức bạn cũng cảm giác được áp lực đè nén lên thời đại của chúng ta. Nó thật giống như điều mà “Everything Everywhere All at Once” mô tả. Nếu cứ tiếp tục như thế này, chẳng phải nhân loại sẽ đi vào một hố đen hủy diệt – cái “bánh vòng” của Jobu sao?

Một thời đại phản truyền thống

“Cái ác” Jobu trong phim cũng là một hình tượng chân thực của xã hội hiện đại. Bị mẹ là Alpha-Evelyn ép vượt quá điểm tới hạn, Jobu lâm vào một trạng thái khiến bản thân cô đồng thời trải nghiệm được ý thức tại tất cả các vũ trụ song song. Việc trải nghiệm một lượng ý thức khổng lồ này mang tới cho Jobu năng lực siêu thường, đồng thời cũng mang lại một sự rối loạn, khủng hoảng tinh thần.

Tại các vũ trụ song song, mỗi cá nhân đưa ra các lựa chọn khác nhau tại các thời điểm khác nhau của cuộc đời. Một người có thể là nhà khoa học ở vũ trụ này, và là kẻ giết người ở vũ trụ khác. Việc nhìn nhận bản thân ở mỗi phiên bản khác nhau đã khiến Jobu sụp đổ hoàn toàn khái niệm về đạo đức. Chuyện gì cũng có thể xảy ra, vậy thì đạo đức là gì, sống để làm gì? Jobu chỉ còn lại một “cái tôi” cô độc, vô đạo, cũng không tìm được mục đích sống.

Bởi vậy, Jobu trong “Everything Everywhere All at Once” xuất hiện với một hình ảnh phản truyền thống nhất: khủng bố, chém giết, bất cần… Đồng thời Jobu cũng ảnh hưởng tới Joy, con gái của Evelyn, thực tại khác của Jobu ở vũ trụ này. Joy biểu lộ mọi sự bất cần của lứa tuổi dậy thì, xăm mình, đồng tính, không bao giờ hỏi thăm gia đình, v.v..

Nhưng nếu nhìn vào hình ảnh của Jobu hay Joy, chúng ta sẽ thấy hình ảnh chân thực của chính thời đại mà chúng ta đang sinh sống. Có thể nói rằng nhân loại khác gì Jobu?

Thời đại của chúng ta là một thời đại phản truyền thống, không còn sự ước thúc về quy phạm đạo đức nhân luân, ngôn từ thô tục vô lễ, quan hệ nam nữ hỗn loạn. Ý thức hiện đại cùng sự phổ cập của những thiết bị điện tử và mạng internet có sự ảnh hưởng rộng lớn đến mức đáng sợ. Những câu chuyện cười dung tục, những bức ảnh, video kỳ quái… đều khiến con người từng phút từng giây bị ngập trong tư duy hiện đại.

Không chỉ là giải trí, ý thức hiện đại này còn thẩm thấu vào mọi lĩnh vực trong xã hội như chính trị, pháp luật, giáo dục, kinh tế… Ví như văn hóa truyền thống nhìn nhận kinh tế là để kinh bang tế thế, cứu đời giúp người, coi trọng giao dịch công bằng trong toàn xã hội, không gây tổn hại tới lợi ích của người khác. Nhưng kinh tế ngày nay về tổng quan lại hướng dẫn cách thành công, chủ yếu chỉ lưu tâm tới lợi nhuận, lợi ích lớn nhỏ. Tóm lại cũng chỉ là “cái tôi”.

Khoa học hiện đại thì phát triển mà không còn chịu sự ước thúc của đạo đức, đã phóng đại dục vọng vô cùng của nhân loại, như kỹ thuật nhân bản vô tính, phẫu thuật thay đầu người, biến đổi gen người… Đây đều là biểu hiện của việc phá hoại quy luật tự nhiên, vi phạm đạo lý, càng phát triển lại càng đưa nhân loại sớm tới vực thẳm diệt vong.

Điều này có khác gì cái “bánh vòng” – thứ Jobu tạo ra bằng cách ném vào đó mọi ước mơ, hy vọng và những thứ mình yêu thích – để tạo ra một hố đen “không có gì” – nhưng có thể phá hủy tất cả? Có thể thấy rằng Jobu cảm thấy cuộc đời mình, cuộc đời của mọi thực tại của bản thân, cũng như cuộc đời của tất cả sinh mệnh, đều là vô nghĩa.

Một thời đại thiếu vắng ý nghĩa cuộc sống

Khoa học hiện đại đã nghiên cứu đến được một số điều tương đối nhỏ bé. Thế giới của chúng ta nhìn từ góc độ vật lý là thế giới của các “hạt”. Nhưng nếu coi cuộc sống này đơn giản là những sự lựa chọn, đơn giản là “xác suất thống kê”, đơn giản là “sự dao động của các hạt”, như Jobu chỉ ra, thì đạo đức là gì đây?

Kỳ thực đây là một câu hỏi lớn mà “Everything Everywhere All at Once” đặt ra – hoặc giả tiếp nối.

Kể từ thời kỳ viễn cổ xa xưa, trong bất kể nền văn minh nào, trong bất kể phương cách sinh tồn nào, trong bất kể triết lý, nhận thức hay tín ngưỡng nào, nhân loại vẫn luôn kiếm tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn: “Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sẽ đi về đâu? Mục đích của sinh mệnh là gì?” Con người là những đứa con do Chư Thần “dùng bùn đất tạo ra” hay là kết quả “may mắn” của những đột biến “ngẫu nhiên” từ một giống loài cổ đại?

Cuộc sống của người hiện đại đã mất đi niềm vui mà tự nhiên ban tặng và những suy ngẫm về bản nguyên sinh mệnh, mất đi con đường giúp đạo đức, tầng thứ sinh mệnh thăng hoa. Con người ngày càng rời xa chính đạo. Nhiều người thật sự không thể hiểu được tâm cảnh của người xưa, lại càng chẳng thể thông hiểu lịch sử nhân loại và văn hóa truyền thống một cách chân chính. Không chỉ vậy, các tín ngưỡng vốn có thể giúp con người thăng hoa cũng đã bị con người đưa vào những tranh đua danh lợi chốn bụi trần.

Vì sao ngày nay lại có nhiều người trẻ tuổi tự sát, sát hại bạn bè, người thân một cách tàn nhẫn không chút run tay như thế? Vì sao ngày nay con người lại vô cảm như thế? Nếu như tất cả chỉ là tương đối, tất cả chỉ là quy tắc mà chúng ta dùng để bó buộc nhau, thì đạo đức lại là gì đây? Sống để làm gì? Chết thì có sao?

*

“Everything Everywhere All at Once” đã cố gắng trả lời những câu hỏi của thời đại chúng ta thông qua nhân vật Waymond:

“Làm ơn! Xin làm ơn! Liệu chúng ta… có thể dừng đánh nhau lại? Tôi biết rằng mọi người đánh nhau vì sợ hãi và bối rối. Tôi cũng bối rối. Cả ngày hôm nay tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng dường như… dường như tất cả đều là lỗi của tôi vậy. Tôi không biết nữa. Nhưng điều duy nhất tôi biết là chúng ta cần phải tử tế. Hãy tử tế. Đặc biệt khi chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra.”

Dù khoa học nói với chúng ta rằng chúng ta đang sống trong một thế giới của xác suất thống kê, dù cho chúng ta bối rối khi không biết ý nghĩa cuộc sống là gì, dù cho đạo đức trong mắt người hiện đại chỉ là tương đối, thì “hãy tử tế”, hãy thiện lương với mọi người. Đó là thông điệp của “Everything Everywhere All at Once”.

Tất nhiên, đó không phải là một câu trả lời toàn vẹn. Nhưng có một điểm bộ phim đình đám này nói đúng, nhân loại vẫn còn hy vọng, bởi vì chúng ta vẫn còn sự thiện lương và lòng tốt, dù chỉ là một chút thôi. Hãy nhìn mọi việc ở mặt tích cực, và hãy cho người khác cơ hội, bởi nhân loại vẫn còn cơ hội. Cũng như Evelyn đã làm vậy, khi một cá nhân trong toàn thể các thực tại trở nên tốt hơn một chút, thì cái tốt thực sự đã lan tỏa và làm cân bằng lại đa vũ trụ từ góc nhìn của cô.

Và có thể “Everything Everywhere All at Once” không trả lời trọn vẹn được những câu hỏi mà bộ phim đưa ra, nhưng nó lại vô ý chỉ ra được hy vọng cho nhân loại: quay về với những giá trị thiện lương truyền thống.

Một bộ phim kỳ lạ, không phải hài kịch, không phải bi kịch, không phải tâm lý xã hội, cũng chẳng phải hành động, với đầy rẫy cảnh đánh giết, đồng tính, u ám, bạo dâm… lại chỉ ra một điều như vậy. Quả thật là rất phi lý mà cũng rất hợp lý, phải không?

Tái bút

Nhân nói về cách nhìn nhận thế giới chỉ là sản phẩm của xác suất, có một tỉ dụ đáng suy ngẫm như thế này.

Hãy cầm một cái bút chì lên. Bạn cầm cái bút chì, và bạn biết nó là nhân tạo mà không cần phải chứng minh. Vì sao lại như vậy? Vì sao nó không phải là “sản phẩm của xác suất ngẫu nhiên”? Thế mà có người lại thực sự tin rằng chúng ta là sản phẩm của sự đột biến ngẫu nhiên.

Vũ trụ này chứa đầy những điều đáng kinh ngạc và các cơ chế khác nhau đằng sau chúng. Sự tồn tại và vận hành có trật tự của toàn bộ vũ trụ có thể là sự ngẫu nhiên chăng? Có bao nhiêu khả năng ngẫu nhiên để tạo ra một cái bút chì? Một con khỉ ngồi trước bàn phím máy tính thì có bao nhiêu khả năng ngẫu nhiên để nó lập trình được Windows XP?

Nhưng đó mới chỉ là những thứ nhân tạo. Còn như có bao nhiêu khả năng ngẫu nhiên để có những điều kiện sống cho con người, chẳng hạn như chín đại hành tinh quay quanh mặt trời một cách tuần tự với khoảng cách phù hợp? Có bao nhiêu yếu tố ngẫu nhiên có thể tạo ra một cơ thể người, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là một bông hoa, một chiếc lá?

Con người là những đứa con do Chư Thần “dùng bùn đất tạo ra” hay là kết quả “may mắn” của những đột biến “ngẫu nhiên” từ một giống loài cổ đại?

Mời xem thêm: Thần dùng đất bụi tạo ra con người: Từ Thần thoại đến vật lý lượng tử và hơn thế

Quang Minh

Mời xem video: