Hình mẫu đời thật ít biết của D’Artagnan trong Ba chàng lính ngự lâm
- Trần Hưng
- •
Cuốn tiểu thuyết Ba chàng lính ngự lâm của nhà văn Pháp Alexandre Dumas là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trên thế giới. Khi đến Việt Nam, vẻ lãng mạn quả cảm của D’Artagnan, cùng bộ ba ngự lâm quan Athos, Porthos, Aramis đã làm say mê các độc giả trong nước, nhất là thế hệ người Việt những năm 1970.
Mặc dù D’Artagnan trong Ba chàng lính ngự lâm thường được người đời coi là hiệp sĩ, nhưng nhân vật này vẫn không tránh khỏi những điểm lùi của cách xây dựng nhân vật lãng mạn: yêu bà chủ nhà Bonacieux vốn đã có chồng; hay cặp với Milady rồi lại lăng nhăng với người hầu gái của cô ta.
Người ta chỉ biết rằng Alexandre Dumas sử dụng cái tên và chi tiết cuộc đời của Charles de Batz de Castelmore D’Artagnan, một lính ngự lâm có thật để làm nguồn cảm hứng cho D’Artagnan. Nhưng ít ai biết rằng, hình mẫu chân chính mà Alexandre Dumas sử dụng để khắc họa tính cách D’Artagnan không chỉ bớt đi sự lăng nhăng nói trên, mà còn đẹp hơn nhiều so với anh chàng hiệp sĩ lãng mạn.
Người anh hùng da đen hiếm có của nước Pháp
D’Artagnan trong Ba chàng lính ngự lâm mang đầy đủ tính cách của Thomas-Alexandre Dumas, cha Alexandre Dumas, một người da đen. Ông thích phiêu lưu và gan dạ, có sự lãng mạn của tuổi trẻ và sự can đảm khi gặp nguy hiểm, cũng như sự cao thượng trước kẻ thù.
Thomas-Alexandre Dumas khởi đầu con đường binh nghiệp của mình là chàng kỵ binh tầm thường trong binh đoàn long kỵ binh của hoàng hậu. Tuy nhiên với sự can đảm và đường kiếm tinh nhuệ của mình, ông đã nhanh chóng được đồng đội nể phục và kẻ thù khiếp sợ. Ông cũng nổi tiếng bởi sự trung thành cùng trang phục lộng lẫy mang dáng dấp lãng mạn của một hiệp sĩ.
Năm 1789, cách mạng Pháp nổ ra, nước Pháp rơi vào cảnh loạn lạc. Phe bảo hoàng liên kết với các nền quân chủ khác tại Châu Âu, vốn cũng e sợ tác động của cuộc cách mạng, tìm cách tấn công chính quyền mới.
Thế nhưng “thời thế tạo anh hùng”, trong cảnh loạn lạc ấy, Thomas-Alexandre Dumas nổi lên như một cứu tinh thực sự. Từ năm 1786 đến năm 1794, ông lập nên rất nhiều kỳ tích. Đơn cử như năm 1792, bất chấp chênh lệch về quân số, ông dẫn đầu một nhóm nhỏ quân do thám ở gần biên giới Bỉ, can đảm tấn công và bắt sống được hàng chục kỵ binh quân Phổ.
Với sự tài trí, dũng cảm và lòng can đảm của mình, ông được cất nhắc dần lên những vị trí cao trong quân đội. Năm 1794 khi mới 32 tuổi, Thomas-Alexandre Dumas được đảm nhận chức Tổng tư lệnh đạo quân Alpes, nắm trong tay 53.000 binh sĩ. Đây là một trong những vị trí quan trọng nhất của quân đội Pháp.
Trong thời gian này Thomas-Alexandre Dumas cống hiến rất nhiều cho nước Pháp, khiến người ta ví rằng ông so với Napoleon thì cũng là “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
Các binh sĩ đều tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Thomas-Alexandre Dumas không chỉ bởi sức khỏe phi thường mà còn cả tài điều binh khiển tướng, sự gan dạ trên chiến trường, lòng nhân từ đối với các binh sĩ. Napoleon từng khen ngợi ông trước các binh sĩ, ví ông như Horacius Cocles, một anh hùng huyền thoại của đế chế La Mã.
Vào thời điểm Thomas-Alexandre Dumas thống lĩnh chỉ huy đội quân Alpes, quân của ông phải chiến đấu chống lại quân quân Piemonte (đến từ vùng Tây Bắc nước Ý) đang xâm chiếm vùng Savoie trên dãy Alpes. Dù là tướng chỉ huy nhưng ông lại là người luôn can đảm đi đầu, xông pha vào chốn nguy hiểm, gánh vác những nhiệm vụ khó khăn, chứ không đẩy những việc nguy hiểm cho cấp dưới.
Ví như một lần đích thân tướng Dumas chỉ huy nhóm quân tinh nhuệ dùng giày và đinh móc sắt vất vả leo lên vách núi đầy nguy hiểm, để bất ngờ tấn công chiếm lấy ụ trọng pháo trấn giữ trên đỉnh đèo Mont-Cenis.
Trận đánh khiến tất cả phải kinh ngạc
Năm 1797 khi Thomas-Alexandre Dumas phục vụ dưới trướng của tướng Napoleon Bonaparte (người sau này lên ngôi Vua vào năm 1804), đội quân của Thomas-Alexandre Dumas cố gắng đẩy lùi quân đội Áo trong liên minh chế độ quân chủ.
Trong lúc lâm trận, Thomas-Alexandre Dumas đơn thân một mình một kiếm đánh chặn cả một đội kỵ binh Áo tại một cây cầu nhỏ ở làng Klausen để cho 30 đồng đội rút lui.
Sự can đảm cùng tài kiếm thuật của Dumas khiến quân Áo kinh hoàng, ông một mình một kiếm trấn giữ cây cầu nhỏ ngăn quân Áo qua cầu.
Khi quân tiếp viện của Pháp đến nơi, họ tận mắt chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục Dumas dùng xác một con ngựa để trên cầu che chắn, còn ông cầm kiếm đứng chặn trên cầu nhỏ, quân Áo có cả trăm người qua cầu đều bị ngăn lại không sao qua được.
Thư ký của Dumas là sỹ quan Dermoncourt mô tả cảnh tượng này như sau: “Chiếc cầu thì hẹp và kẻ thù chỉ có thể tiến đến gần mỗi lúc hai hay ba người, và ông ấy đã hạ sát tất cả những ai đến gần ông ta.”
Napoleon viết trong bức thư gửi chính quyền cách mạng Pháp để tuyên dương Dumas như sau: “Tướng Dumas đã một mình giết được nhiều kỵ binh địch và một mình ngăn đội kỵ binh địch qua cầu, cầm cự cho đến khi quân tiếp viện đến.”
Sự trung thành và thẳng thắn dẫn đến mâu thuẫn với Napoleon
Sau chiến dịch này là đến chiến dịch viễn chinh tới Ai Cập. Để chuẩn bị cho chiến dịch này Napoleon phong Dumas làm tư lệnh thống lĩnh đội kỵ binh của đội quân phương Đông. Theo lời thuật của nhiều nhân chứng lịch sử thì vào thời điểm đó hào quang của Dumas còn sáng chói hơn cả Napoleon Bonaparte.
Thế nhưng qua các trận đánh, Dumas đã hiểu được con người Napoleon hơn, vì thế mà những bất đồng cũng xảy ra. Sử gia người Mỹ Tom Reiss đã mô tả rằng: “Điều làm tướng Dumas cảm thấy khó chịu hơn: cách hành xử của Bonaparte ngày càng không giống như là một đại tướng mà cứ như là một vị chúa tể, giả vờ tôn vinh những thành quả tốt đẹp của cách mạng nhằm củng cố quyền lực cá nhân.”
Sau này con trai ông, nhà văn Alexandre Dumas viết trong cuốn hồi ký của mình mô tả rằng Napoleon Bonaparte chỉ hành động theo lợi ích cá nhân chứ không vì quyền lợi quốc gia, vì thế mà Thomas-Alexandre Dumas đã nói thẳng ở trước mặt Napoleon rằng: “Tôi nghĩ rằng lợi ích của nước Pháp phải được đặt lên trên quyền lợi của một cá nhân […] Tôi tin rằng vận mệnh tổ quốc không nên phục tùng cho vận mệnh của một cá nhân nào.”
Nốt lặng trong một bản giao hưởng không tên
Dumas không còn được Napoleon coi trọng. Chiến dịch Ai Cập kết thúc, tướng Dumas được rời Ai Cập về Pháp. Chẳng may thuyền của ông bị đắm ở Tarente (thành phố biển phía nam nước Ý), ông bị Vua thành Naple bắt làm tù binh và bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt trong vòng hai năm.
Dù nhiều lần gửi thư nhờ chính phủ Pháp can thiệp, nhưng ông chỉ nhận được sự thờ ơ.
Thời gian 2 năm bị giam giữ, thể chất của Dumas hoàn toàn suy sụp, đây ở điều khó tin ở một người mới 39 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Các nghiên cứu sau này khẳng định chắc chắn rằng ông đã bị đầu độc bằng arsenic dẫn đến bị ung thư bao tử.
Lúc này nước Pháp thực hiện chố độ Tổng Tài, Napoleon Bonaparte trở thành Tổng Tài thứ nhất. Dù sức khỏe yếu kém nhưng Dumas vẫn viết thư cho Napoleon ngỏ ý muốn được tiếp tục phục vụ cho đất nước, thế nhưng lời đề xuất đó đã bị rơi vào trong im lặng.
Sự thù ghét của Napoleon dành cho Dumas là quá lớn. Những bức họa mô tả các chiến công oai hùng của Dumas bị thay thế bằng chân dung vị Hoàng Đế tương lai của nước Pháp. Napoleon muốn hình ảnh của mình thay thế hình ảnh của Dumas…
Tính cách vẫn sống mãi cùng Ba chàng lính ngự lâm
Sau này, Alexandre Dumas trở thành nhà văn. Trong Ba chàng lính ngự lâm, ông sử dụng tên và một số chi tiết cuộc đời của Charles de Batz de Castelmore D’Artagnan làm tư liệu, nhưng lại dùng chính tính cách của cha mình để đưa vào nhân vật, phóng tác nên cuốn tiểu thuyết Ba chàng lính ngự lâm nổi tiếng khắp thế giới.
Napoleon có thể đã khiến hình ảnh của tướng Dumas bị lu mờ, nhưng lại không thể khiến D’Artagnan biến mất. Tướng Dumas cả đời cống hiến cho nước Pháp bị lịch sử Pháp lãng quên, thế nhưng Ba chàng lính ngự lâm lại sống mãi trong nền văn học và điện ảnh thế giới.
Không chỉ con trai tướng Dumas, mà cả cháu nội của ông cũng là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm sống mãi với thời gian. Con ông được kết nạp vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1874 và được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh năm 1894.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Trận đánh cảm động nhất thế giới: Vua Sparta tình nguyện trở thành quân cảm tử
- Sự thật về phái Jacobin và cuộc cách mạng Pháp
Mời xem video:
Từ khóa D’Artagnan lịch sử thế giới lịch sử Pháp Napoleon tướng Dumas ba chàng lính ngự lâm