Vài tìm hiểu về hình tượng rồng Đại Việt qua các triều đại
- Hy Vọng
- •
Trong các nền văn hóa phương Đông, rồng là biểu tượng của sự cao quý, sức sống vĩnh hằng và sức mạnh hô mưa gọi gió. Đặc biệt là nước Việt với truyền thuyết “con rồng, cháu tiên”, rồng lại là một biểu tượng thiêng liêng. Thời xưa, hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đền đài, trang phục vua chúa. Hình tượng rồng trong các thời kỳ tự chủ lâu dài cũng có những điểm đặc trưng riêng.
Hình tượng rồng thời Lý còn lại đến ngày nay không nhiều, đặc biệt xuất hiện ở các chùa như chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Long Đội, chùa Chương Sơn, chùa Quỳnh Lâm, chùa Báo Ân, chùa Linh Xứng, chùa Sùng Nghiêm, chùa Diên Thánh… Ở Hoàng thành Thăng Long cũng tìm thấy hình tượng rồng trên gốm thời đầu lập đô nhà Lý.
Rồng thời Lý thân tròn lẳn, khá dài, không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, trông nhẹ nhàng và thanh thoát. Rồng thường ngẩng đầu lên, miệng há to, mép trên của miệng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có trường hợp răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với lên bao lấy viên ngọc.
Thân rồng thời Lý dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng giống chân loài chim.
Thời Lý là thời dân tộc mới giành lại được độc lập sau hơn nghìn năm, nên các nghệ nhân có ý thức tạo ra hình tượng rồng khác biệt với hình tượng rồng của Trung Hoa.
Rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Vẩy lưng vẫn thể hiện từng chiếc, nhưng không tựa đầu vào nhau như rồng thời Lý. Có khi vẩy lưng có dạng hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vẩy được chia thành hai tầng. Chân rồng thường ngắn hơn, những túm lông ở khủy chân không bay ra theo một chiều nhất định như rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hay phía sau tùy thuộc vào khoảng trống trên bức phù điêu. Rồng thời Trần có sự xuất hiện chi tiết cặp sừng và đôi tay.
Đầu rồng thời Trần không phức tạp như rồng thời Lý. Rồng vẫn có vòi hình lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Miệng rồng há to nhưng nhiều khi không đớp quả cầu.
Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước. Cách thể hiện rồng thời Trần không chịu những quy định khắt khe như thời Lý.
Đến thời Lê Sơ, hình tượng rồng có sự thay đổi hẳn, không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng răng cưa kết lại như hình chiếc lá.
Răng nanh rồng Lê Sơ cũng được kéo dài lên phía trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Lông được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Trên lông mày và chiếc sừng hai chạc, đầu sừng cuộn tròn lại. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu, tư thế thường thấy ở các con rồng đời sau. Cổ rồng thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con rồng trước đó.
Rồng Lê Sơ xuất hiện ở thời điểm Nho giáo Trung Hoa thâm nhập mạnh mẽ vào nước ta. Hình tượng rồng cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi hình tượng rồng Trung Hoa.
Rồng thời Nguyễn ở thế kỷ XIX trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vây trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Phong cách rồng của từng thời toát lên nét đặc trưng của thời đại đó. Cùng với sự giao thoa văn hóa, hình tượng rồng ngày nay được dùng tùy tiện hơn, và được dùng lẫn lộn với hình tượng rồng phương Tây. Trong khi đều phiên dịch là “rồng”, nhưng con rồng phương Tây trong truyền thuyết thường là loài ác long, thích ăn thịt người, thậm chí xuất phát từ địa ngục. Còn con rồng phương Đông thì được nhìn nhận là loài vật linh thiêng, tôn quý.
Hy Vọng
Xem thêm:
- Lịch sử thú vị của con rồng Ba Tư
- Vài ghi chép trong sử sách về sự xuất hiện của con rồng phương Đông
Mời xem video:
Từ khóa Con rồng Tứ linh triều đại