Họ Nguyễn làng Vác: 3 đời liên tiếp đỗ đại khoa, 2 Trạng nguyên
- Trần Hưng
- •
Họ Nguyễn làng Vác là dòng họ danh gia vọng tộc nổi tiếng ở miền bắc, đây là dòng họ duy nhất có ba đời liên tiếp đỗ đại khoa, trong đó có hai người đỗ Trạng nguyên.
Họ nguyễn làng Vác
Làng Canh Hoạch có tên nôm là làng Vác (nay là xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ngôi làng nổi tiếng bởi nơi đây có họ Nguyễn sản sinh ra nhiều bậc nhân tài.
Người đỗ khai khoa cho làng là ông Nguyễn Bá Ký, đỗ tiến sĩ năm 1463 thời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến Thượng thư Bộ binh.
Năm 1465, ông Ký có được người con trai là Nguyễn Đức Lượng, nhờ chăm chỉ học hành mà hay chữ. Đến khoa thi năm 1514, Nguyễn Đức Lượng đăng ký dự thi và vượt qua được kỳ thi Hương và thi Hội.
Bước vào thi Đình, Vua ngự điện ra đề thi Văn sách hỏi về nhân tài. Bài Văn sách của Nguyễn Đức Lượng được đánh giá cao nhất và chấm đỗ Trạng nguyên. Nguyễn Đức Lượng làm quan đến Tả thị lang bộ Lễ, sau khi mất được truy phong Thượng thư.
Nguyễn Đức Lượng có cô em gái Nguyễn Thị Hiền nết na xinh đẹp. Nguyễn Thị Hiền có con trai là Nguyễn Thiến. Năm 6 tuổi Nguyễn Thiến được mẹ cho học với cậu Nguyễn Đức Lượng, nhờ đó mà sức học ngày càng lên.
Đến khoa thi năm 1532 thời vua Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Thiến dự thi và đỗ Trạng nguyên, trở thanh trụ cột của nhà Mạc. Ông làm quan trải qua các chức Thượng thư bộ Lại, Ngự sử đài đô ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, tước Thư quận công.
Nguyễn Thiến có người bạn học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù Nguyễn Bỉnh Khiêm học rất giỏi nhưng không tham gia dự thi. Đến khoa thi năm 1535 Nguyễn Bỉnh Khiêm mới dự thi và đỗ Trạng nguyên, sau Nguyễn Thiến một khoa thi. Sinh thời hai người bạn học thường xướng họa vịnh thơ với nhau.
Sách “Nhị Khê Nguyễn thị thế phả” có ghi chép lại rằng Trạng nguyên Nguyễn Thiến có người con thứ Nguyễn Miễn là danh tướng nhà Mạc được phong Phù Hưng hầu.
Nguyễn Miễn có con trai thứ ba là Nguyễn Nhiệm năm 1601 khởi binh chống nhà Lê nhưng thất bại. Nguyễn Nhiệm phải đến Tiên Điền (Nghệ An) ở ẩn và khai sinh ra dòng họ Nguyễn Tiên Điền, hậu duệ sau này có nhà thơ Nguyễn Du.
Trong khi cháu của Nguyễn Đức Lượng đỗ Trạng nguyên thì con trai của ông là Nguyễn Khuông Lễ thi đỗ tiến sĩ năm 1535, làm quan đến chức Hữu thị lang tước Bá.
Nhà thờ họ ghi danh
Đình làng Vác còn có tên là đình Đụn, được xây theo kiến trúc thời Lê – Mạc rất hoành tráng. Đình thờ hai vị phúc thần được tôn là Thành Hoành của làng, đó là Trình Lý và Cao Hàn từng lập đồn lũy tại làng và tướng quân Trần Uất từng đóng quân ở đây chống quân Nguyên Mông.
Cách đình làng không xa là nhà thờ họ Nguyễn (còn gọi là nhà thờ Trạng nguyên) thờ 3 đời đỗ đạt là Nguyễn Bá Ký, Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Khuông Lễ. Trong nhà thờ họ có đôi câu đối tạm dịch là:
Cậu Trạng Nguyên, cháu Trạng Nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách,
Cha tiến sĩ, con tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc ấm đầy nhà.
Gia tộc có 3 đời liên tiếp đỗ đại khoa, trong đó có cậu cháu đều đỗ Trạng nguyên quả là hiếm có.
Thường quốc công Nguyễn Quyện
Trong làng còn có nhà sắc (còn gọi là Đình Sắc), toạ lạc trên nền nhà cũ của bà Hiền thân mẫu Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Ban đầu nơi đây dùng để lưu giữ những đạo sắc phong của các Triều đại cho Thành Hoàng của làng. Sau này nơi đây dùng để thờ danh tướng Nguyễn Quyện và là nơi ghi giữ công tích của gia tộc họ Nguyễn.
Nguyễn Quyện là con trai của Trạng nguyên Nguyễn Thiến, là trụ cột của nhà Mạc, được Vua phong làm Thường quốc công, rồi Thái bảo. Ông xây căn cứ quân sự lớn ở quê nhà, mở mang kinh tế thương nghiệp cho làng Vác, khiến từ Ngã tư Vác cho đến Tảo Dương trở nên thịnh vượng, sầm uất. Dân chúng làng Vác vô cùng tự hào về Nguyễn Quyện.
Sau này tới Triều nhà Nguyễn có sắc phong cho ông là tướng tài, vì thế mà dân làng Vác đã thờ ông ở Đình Sắc. Trong Đình Sắc còn có đôi câu đối dịch là:
Văn đỗ Trạng nguyên, võ làm tới Thường Quốc công, phú quý đầy triều.
Trai thì trung thần, gái thì trọn đạo làm vợ, sử sách còn ghi.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Về làng Tiên Điền nổi danh đường khoa bảng ở Hà Tĩnh
- Làng khoa bảng Liêu Xá, quê hương của Hải Thượng Lãn Ông
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng Trạng nguyên khoa bảng