Hợp thời xả bỏ thể hiện trí tuệ của một người
- An Hòa
- •
Khi một người có ham muốn càng lớn thì áp lực sẽ càng nhiều, dục vọng càng mạnh thì càng dễ bị ràng buộc chặt hơn. Khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng thì người ta sẽ không thể thoát ra được, càng muốn nhiều hơn, chất chứa nhiều hơn, cuộc sống của người ấy sẽ càng bị đè nặng hơn. Vì vậy, lựa chọn xả bỏ hay nắm giữ sẽ quyết định cuộc đời của một người là nặng nề hay tiêu sái.
Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều hy vọng có được nhiều, cho rằng khi có được càng nhiều thứ mình muốn thì sẽ càng khoái hoạt hạnh phúc. Nhưng rất nhiều người sau khi đã có được những thứ mình muốn rồi lại vẫn chưa cảm thấy thực sự khoái hoạt.
Có một câu chuyện hàm chứa đạo lý kể rằng, một người thanh niên cảm thấy cuộc sống thật nặng nề liền tới gặp một vị trí giả mong tìm cách giải thoát. Vị trí giả đưa cho anh ta một cái sọt và bảo anh ta đeo trên lưng rồi chỉ vào một hòn đá nhỏ trên đường, nói: “Mỗi bước đi, cậu hãy nhặt một hòn đá cho vào sọt, rồi sau đó xem xem cậu có cảm giác gì?” Chỉ một lát sau, người thanh niên nói rằng anh ta cảm thấy rất nặng nề.
Lúc này vị trí giả mới nói cho anh ta biết: “Đây chính là đạo lý. Trong cuộc sống, chúng ta không ngừng nhặt thứ này thứ kia đặt vào trong tâm mình. Vì thế mà càng ngày càng cảm thấy nặng nề hơn”.
Người thanh niên hỏi: “Xin hỏi có cách nào giảm bớt gánh nặng ấy đi không?”
Vị trí giả hỏi lại anh ta: “Cậu có nguyện ý đem công việc, địa vị, tình yêu, tiền tài, danh vọng quăng đi không?” Người thanh niên nghe xong như chợt tỉnh ngộ.
Có lẽ đối với con người mà nói, cả đời chỉ có hai thời điểm là ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng nhất. Chính là khi được sinh ra, trần trụi mà đến, trên lưng không đeo một chiếc sọt nào. Thứ nữa chính là khi nhắm mắt xuôi tay, trần trụi mà đi, không đem được thứ gì theo. Trừ đó ra thì cuộc đời con người chính là một hành trình không ngừng lấy sao cho đầy sọt. Khi chất chứa càng nhiều người ta sẽ càng thấy nặng nề, nhưng tâm lại đau khổ khi không biết lựa chọn thứ nào để bỏ xuống.
Tuy rằng cũng không ít người hiểu đạo lý có xả mới có đắc, có mất mới có được, nhưng những tình huống không nỡ xả bỏ trong cuộc sống lại thường chiếm phần nhiều. Khi ấy, người ta phải khổ tâm khi lựa chọn giữa buông bỏ và nắm giữ.
Cổ nhân có câu: “Trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu”, có những thứ hiện tại chúng ta buông bỏ nhưng không phải cả đời sẽ lại không có được. Rất nhiều khi trong cuộc sống, có những sự tình chúng ta tạm thời chưa đủ năng lực để giải quyết hoặc ứng phó, vậy thì chúng ta có suy nghĩ nhiều cũng là điều vô ích, thậm chí chỉ tăng thêm ưu tư phiền não.
“Nhẫn nhất thời gió yên sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, nắm giữ không được chi bằng hãy xả bỏ để tâm an yên khoái hoạt. Phương thức sống là do chúng ta tự mình lựa chọn và nắm giữ, khoái hoạt hay thống khổ kỳ thực đều nằm trong tay chúng ta.
Có một câu nói rất hay rằng, chúng ta sống có thực sự vui vẻ hay không không phải được quyết định bởi chúng ta sống ở đâu, cũng không phải chúng ta có được thứ gì, không phải chúng ta là người như thế nào mà là do tâm linh của chúng ta đạt được đến cảnh giới nào. Không có sự tình nào trong nhân gian là hoàn mỹ cả, những thứ nên buông bỏ thì cần quyết đoán buông bỏ, những thứ cần nắm giữ thì kiên định nắm giữ. Người như vậy mới thực sự là sáng suốt.
Mỗi người đều hướng đến thành công, đều có khát vọng thay đổi hiện trạng không như mong muốn, đều hy vọng có thể thành tựu được một sưu nghiệp như ý. Nhưng trong cuộc sống có một số sự tình cũng không đơn giản và dễ dàng như chúng ta tưởng tượng. Người có thể thành công thường là không nhiều, phần lớn con người đều là sống một cuộc đời bình thường, không có thành tựu lớn lao trong đời. Cho nên, cho dù cả đời này chúng ta không có thành tựu gì lớn lao nhưng chúng ta có thể sống một cuộc đời vui vẻ thì đó chính là đã có được hạnh phúc lớn nhất đời người rồi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Buông bỏ Xả bỏ Dục vọng Đời người được mất