Hương thơm: Liệu pháp tĩnh tâm dưỡng thần của người xưa
- An Hòa
- •
Người xưa dùng “liệu pháp hương thơm” để thể xác và tinh thần được thư giãn, giúp chữa bệnh, điều hòa thân thể và tinh thần. Đằng sau phương pháp này ẩn chứa rất nhiều trí tuệ và cũng phản ánh đời sống thanh nhã của người xưa.
Liệu pháp hương thơm là một phương pháp sử dụng hương thơm từ các loại thảo mộc. Theo truyền thuyết, việc sử dụng các loại thảo mộc trong văn hóa cổ xưa bắt đầu từ khi Thần Nông nếm thử tất cả các loại thảo mộc, từ đó truyền lưu lại một cuốn sách tên là “Thần Nông bản thảo kinh”, ghi lại rất nhiều trí tuệ về việc sử dụng thực vật.
Đến thời nhà Minh, Lý Thời Trân biên soạn “Bản thảo cương mục” ghi lại hơn 2000 loại dược liệu và hơn 8000 phương pháp điều chế. Sách “Bản Thảo Cương Mục” cũng ghi chép ứng dụng của rất nhiều hương liệu trong việc dưỡng sinh, ví dụ như trầm hương lúc đốt lên tỏa ra hương thơm có thể điều hòa hoạt động của hơi thở con người, làm cho tính khí con người trở nên bình ổn, đưa con người vào trạng thái an tĩnh tường hòa. Ngoài loại hương liệu này, trong sách còn ghi chép về nhiều loại khác như địa lan, ngải cứu, đinh lăng… Với nhiều loại hương liệu như thế, người xưa đã ứng dụng chúng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, tạo nên một loại “liệu pháp hương thơm” độc đáo.
Cúng tế
Lúc ban đầu, hương của thảo mộc đốt lên (huân hương) được dùng trong cúng tế. Rất nhiều phong tục văn hóa của người xưa đều có nguồn gốc từ Phật gia hay Đạo gia. Chúng ta có thể thấy cảnh người xưa thắp hương cúng tế thần linh từ nhiều bức họa cổ xưa. Ví như mùng bảy tháng bảy là tiết khất xảo trong dân gian. Tương truyền vào ngày này, Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ gặp nhau, các thiếu nữ cũng sẽ bày bàn án ở dưới ánh trăng, rồi mang lên lư hương, trái cây, tế bái ánh trăng, hy vọng Thần linh ban phúc để mình trở nên thông minh khéo léo, giỏi việc thêu thùa.
Đốt hương thì cần phải có lư hương. Qua khảo cổ người ta đã phát hiện ra rất nhiều loại lư hương khác nhau ở vào những thời kỳ khác nhau. Tính đến nay, lư hương được phát hiện sớm nhất là lư hương hình dạng Bác Sơn (lư hương hình núi) thời nhà Hán. Tương truyền, Bác Sơn là ngọn núi Tiên ở trên biển phía đông. Trên đỉnh lư hương Bác Sơn có hình một ngọn núi, khi đốt hương bên trong thì ngọn núi trên đỉnh lư hương liền bị khói thuốc lượn lờ bao quanh, từ xa nhìn lại tựa như là một tòa núi Thần tiên cư ngụ.
Tĩnh tâm dưỡng thần
Mùi thơm của huân hương vô cùng thanh khiết, rất tốt cho việc tĩnh tâm dưỡng thần. Bởi vậy sau này huân hương ngoài việc để cúng tế ra thì càng ngày càng được sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt của con người. Người xưa lúc gảy đàn, đọc sách, làm thơ, hay tĩnh tọa đều sẽ đốt hương. Điều này có thể thấy rõ trong các bức họa cổ.
Trong “Thính Cầm Đồ” của Tống Huy Tông, bên cạnh người đang gảy đàn đặt một kỷ án, trên kỷ án đặt một lư hương. Trong “Bá Nha Cổ Cầm Đồ” cũng có thể nhìn thấy kỷ án bên cạnh Bá Nha có đặt một lư hương Bác Sơn, trong lư Bác Sơn đang đốt hương.
Sở dĩ người xưa thường kết hợp việc đánh đàn và đốt hương lại với nhau là vì mục đích đánh đàn không phải là để tiếng đàn nghe êm tai, mà chủ yếu là để cho tâm của mình trở nên thanh tĩnh. Đốt hương cũng là có mục đích này, hương có thể điều hòa khí tức, khiến cho người ta trở nên bình hòa yên tĩnh.
Đến thời nhà Tống, phẩm hương phát triển rất thịnh, người ta xem bốn việc: thưởng trà, cắm hoa, treo tranh, đốt hương là bốn việc tao nhã của văn nhân. Thời nhà Đường, khi hòa thượng Giám Chân đến Nhật Bản, ông đã mang theo rất nhiều văn hóa trong đó có đốt hương. Sau khi tục đốt hương được truyền đến Nhật Bản thì nó đã phát triển thành hương đạo. Hương đạo ngày nay vẫn còn được lưu truyền ở Nhật Bản.
Làm thơm phòng
Thời xưa, trong phòng của thiếu nữ đều có đốt hương, còn gọi là hương khuê. Từ thơ từ của Lý Thanh Chiếu, chúng ta có thể thấy được điều này. Trong bài “Túy Hoa Âm”, Lý Thanh Chiếu viết: “Bạc vụ nồng vân sầu vĩnh trú, thoại não tiêu kim thú”. “Kim thú” là chỉ một loại lư hương hình thú, câu thơ này là chỉ một loại hương long não trong lư hình thú, khói lượn lờ bao quanh.
Trong “Phượng Hoàng Đài Thượng Ức Xuy Tiêu”, Lý Thanh Chiếu còn viết rằng: “Hương lãnh kim nghê, bị phiên hồng lãng, khởi lai dong tự sơ đầu”. Nghê là một loại động vật có hình dạng giống sư tử. Kim nghê là chỉ lư hương đúc bằng đồng có hình giống sư tử.
Ngoài lư hương, còn có lồng đốt, chính là lồng bằng trúc bao quanh bên ngoài lư hương. Nó không chỉ có tác dụng thắp hương mà còn có thể sưởi ấm. Giường của người xưa bốn phía đều sẽ có màn che, cho nên trong màn sẽ treo một ít túi thơm, hoặc là loại hương ưa thích. Lúc đang ngủ cũng có thể cảm nhận được hương thơm thoang thoảng. Nếu như ngủ không ngon giấc, có thể thả một ít cỏ hương xông quần áo để giúp giấc ngủ ngon.
Làm thơm quần áo
Quần áo của người xưa cũng rất thơm vì người xưa thường đeo túi thơm bên mình. Thói quen mang túi thơm đã có từ trước thời Tần. Trong “Lễ ký” ghi chép, thiếu nữ thường sẽ dậy thật sớm, trải đầu rửa mặt sạch sẽ, sửa sang quần áo, sau đó buộc bên hông rất nhiều thứ mà ngày thường cần dùng, trong đó có túi thơm. Túi thơm sẽ giúp giữ người sạch sẽ thơm mát.
Sau này, những người thuộc tầng lớp thượng lưu thời cổ đại còn dùng hương để xông quần áo. Họ đem quần áo đặt trên lồng xông để khí thơm thông hết vào quần áo, như thế mùi thơm sẽ lưu lại rất lâu. Trong “Tương Dương ký” ghi lại rằng thời Hán có người tên Tuân Úc, mọi người gọi ông là Tuân Lệnh Quân. Trên quần áo của ông luôn luôn có lưu hương thơm. Lúc ông đến nhà người khác làm khách thì nơi ông ngồi vẫn còn lưu lại hương thơm rất lâu. Vì vậy lưu truyền câu nói rằng: “Tuân Lệnh Quân đến nhà, chỗ ngồi ba ngày vẫn còn hương”. Điều này cho thấy người xưa rất lịch sự và tao nhã.
Chữa trị bệnh
Người ta đào được rất nhiều văn vật trong lăng mộ Mã Vương Đôi thời nhà Hán, trong đó phát hiện có túi thơm, gối hoa thêu và lư hương. Bên trong những thứ này đều chứa các loại dược liệu như bội lan, mao hương. Điều này cho thấy vào thời Hán hơn 2.000 năm trước, người ta đã sử dụng gối hương, lư hương để tiêu trừ ô uế, làm sạch không gian sống, phòng chống bệnh tật… Ngày nay, chúng ta vẫn thường sử dụng ngải cứu, đinh lăng, bồ kết… lợi dụng khí thơm của chúng để làm sạch không khí, giúp thân thể khỏe mạnh.
Vào thế kỷ 14, khi bệnh dịch hạch hoành hành, người ta đã đem cánh hoa và thảo mộc rắc trên đường, khắp nơi đều có thể nhìn thấy treo túi hương và hoa cỏ có hương thơm. Khi đi trên đường, chân giẫm vào hoa cỏ làm chảy nhựa tỏa ra mùi hương thơm. Người ta dùng cách này để phòng ngừa, ngăn chặn bệnh truyền nhiễm.
Làm đẹp
Người xưa thường dùng thực vật có hương thơm như cây lan, xương bồ để tắm rửa, không chỉ giúp làn da trở nên mềm mịn mà còn lưu lại hương thơm. Người xưa còn biết phối hợp một số thực vật có hương thơm như trầm hương, mật ong, xạ hương, v.v. để dưỡng da. Hà thủ ô, tạo giác… để gội đầu còn làm cho tóc trở nên đen nhánh, mượt mà. Đây đều là kiến thức cổ xưa.
*
Xã hội hiện đại với rất nhiều cạnh tranh gay gắt, khi căng thẳng, lo nghĩ nhiều, chúng ta cũng có thể vận dụng liệu pháp hương thơm này. Dùng một chút tinh dầu hoặc nến thơm từ dược liệu tự nhiên có thể giúp giảm bớt lo âu, cải thiện trường năng lượng trên thân thể, giúp cho tâm và thân an tường.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tĩnh tâm Hương thơm tự nhiên Cúng tế