Kẻ chiến thắng mang lòng trắc ẩn: Câu chuyện về tướng Scipio
- Quang Minh
- •
“The Continence of Scipio” (“Lòng trắc ẩn của Scipio” hay “Sự tiết dục của Scipio”) là một trong những truyền thuyết nổi bật của La Mã cổ đại, tôn vinh lòng khoan dung và nhân cách cao đẹp của Scipio Africanus, một vị tướng kiệt xuất của quân đội La Mã. Câu chuyện về lòng trắc ẩn của Scipio đã được nhiều họa sĩ tái hiện qua các thời kỳ, để ca ngợi hành động nhân văn của Scipio và truyền tải các giá trị đạo đức vượt thời gian.
Bối cảnh lịch sử và câu chuyện
Vào năm 209 TCN, trong Chiến tranh Punic lần thứ hai, Scipio Africanus chiếm được thành New Carthage (nay là Cartagena, Tây Ban Nha). Sau chiến thắng, quân La Mã bắt được nhiều tù nhân, trong đó có một thiếu nữ xinh đẹp đã hứa hôn với hoàng tử Allucius xứ Celtiberi. Thời đó, các tù nhân nữ có nhan sắc sẽ bị cưỡng hiếp, bắt làm vợ lẽ, bán làm nô lệ hoặc đòi tiền chuộc từ gia đình.
Vì trong quân đội đồn thổi với nhau rằng Scipio có quan hệ không đứng đắn với một số phụ nữ xinh đẹp, quân lính đã đưa người thiếu nữ này tới cho ông. Khi biết rằng cô gái đã được hứa hôn, thay vì giữ cô làm chiến lợi phẩm, Scipio đã gọi cha mẹ cô gái cùng người chồng tương lai của cô đến.
Cha mẹ và vị hôn phu của cô tới, mang theo nhiều của cải và tiền chuộc, mong có thể nhận lại cô. Tuy nhiên Scipio từ chối nhận tiền chuộc, thay vào đó đề nghị trả lại tù nhân. Khi gia đình cô gái cố gắng tặng của cải đã mang tới như một lời cảm ơn vì nghĩa cử cao đẹp, Scipio chấp nhận nhưng ngay lập tức tặng lại hoàng tử Allucius và cô gái như một món quà cưới của ông.
Hành động này sau đó đã mang đến cho Scipio sự tôn trọng và liên minh từ các thủ lĩnh địa phương.
Câu chuyện đã được các sử gia như Livy và Polybius ghi lại, trở thành một ví dụ điển hình của nghĩa cử trong chiến tranh. Nó cũng truyền cảm hứng cho các họa sĩ qua nhiều thế hệ.
Các bức tranh tiêu biểu

Bức tranh của Fasolo, thuộc phong cách cuối thời Phục Hưng, là bích họa tại biệt thự Caldogno, Vicenza, Ý. Tác phẩm khắc họa Scipio trả tự do cho nữ tù nhân trong không gian kiến trúc cổ điển, với bố cục cân đối và màu sắc tươi sáng. Phong cách của Fasolo chịu ảnh hưởng từ trường phái Veneto, với sự chú trọng vào chi tiết trang trí và ánh sáng.
Thuộc trường phái Tiền tân cổ điển, bức tranh của Poussin tái hiện câu chuyện Scipio với bố cục hài hòa và mang đậm tính bình lặng, dù vẽ vào thời Baroque vốn nhấn mạnh vào chuyển động và cảm xúc mãnh liệt. Scipio mặc áo sắc vàng toát lên vẻ uy nghiêm, trong khi nữ tù nhân được khắc họa mặc áo sắc xanh tượng trưng cho phẩm giá và sự không bị vấy bẩn.
Bức tranh Baroque của Ricci khắc họa khoảnh khắc Scipio trả tự do cho nữ tù nhân với màu sắc rực rỡ, bố cục tạo nên sự tương tác mạnh mẽ. Tư thế quyết đoán của Scipio và ánh sáng tập trung vào ông làm nổi bật chủ đề. Phong cách của Ricci nhấn mạnh cảm xúc và sự kịch tính, phản ánh tinh thần Baroque.
Bức tranh của David Allan, thuộc phong cách Tân cổ điển, khắc họa Scipio trong tư thế uy nghi, hào hiệp, trả tự do cho nữ tù nhân. Bố cục tranh gợi nhớ đến các tác phẩm thời kỳ Phục Hưng. Phong cách của Allan chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Scotland thế kỷ 18, với sự chú trọng vào tính bố cục chặt chẽ, motif cổ điển, cân đối, ánh sáng nhẹ nhàng hài hòa.
Batoni, một họa sĩ Tân cổ điển, tái hiện câu chuyện Scipio với màu sắc thiên về Baroque. Bức tranh miêu tả nữ tù nhân trang nhã, làm nổi bật sự trong trắng của cô, và Scipio trong áo choàng đỏ, với tư thế hào hiệp.
“The Continence of Scipio” không chỉ là một câu chuyện lịch sử mà còn là biểu tượng của lòng khoan dung và đạo đức trong chiến tranh. Qua bàn tay của các họa sĩ như Fasolo, Poussin, Ricci… câu chuyện này được tái hiện với những phong cách nghệ thuật độc đáo, từ sự hài hòa cân đối của thời Phục Hưng, đến tính kịch tính của Baroque, hay các phong cách Tân cổ điển. Mỗi bức tranh không chỉ kể lại hành động cao đẹp của Scipio mà còn phản ánh các giá trị hội họa của từng thời kỳ, cho thấy câu chuyện là nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật và lịch sử.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nghệ thuật phương Tây hội họa phương Tây
