Khoa thi độc nhất vô nhị thời Lê: Tung quyển thi, chọn Trạng nguyên
- Trần Hưng
- •
Khoa thi năm 1499 thời vua Lê Hiến Tông là một khoa thi đặc biệt, khi có hai thí sinh ngang tài ngang sức, lại đều nhường nhịn nhau, khiến triều đình và vua bối rối, không biết chọn ai làm Trạng nguyên.
Hai anh em họ Đỗ
Vào thời nhà Lê ở xã Ngoại Lãng, huyện Thư Trì (nay là xã Song Lãng, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình) có gia đình bà hàng nước nghèo khó. Vì không có ruộng cày nên bà phải quán nước ven đường kiếm kế sinh nhai. Chồng mất sớm nên bà phải một mình nuôi 2 đứa con trai là Đỗ Lý Khiêm và Đỗ Oánh.
Dù nhà nghèo nhưng bà cũng cố gắng cho 2 con theo học với một thầy đồ trong làng. Hai anh em đi học về thì cũng lo quán nước giúp mẹ, lại trao đổi bài vở khiến khách qua đường vui vẻ biết thêm thêm ít chữ. Từ đó tiếng đồn về hai anh em họ Đỗ ở Ngoại Lãng hay chữ cũng bay xa.
Có chyện kể rằng ở Kinh đô có người học trò họ Hoàng vốn cũng rất hay chữ, nghĩ rằng khoa này mình có thể đỗ đầu, nghe tiếng hai anh em họ Đỗ hay chữ thì lân la tìm đến để thử tài. Học trò họ Hoàng hỏi hết cả câu đối, thơ phú, kinh nghĩa, đến tứ thư ngũ kinh, nhưng cuối cùng thấy mình vẫn không thể sánh với anh em họ, liền nghĩ rằng khoa thi tới Trạng nguyên khó thoát khỏi tay họ Đỗ. Tuy vậy khoa thi năm ấy không ngờ cũng xuất hiện một nhân tài khác.
Nhường nhau ngôi vị Trạng nguyên
Năm 1499, Triều đình mở khoa thi, vua Lê Hiến Tông cần người hiền tài giúp trị quốc, ra chỉ dụ rằng: “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì đạo trị nước mới thịnh. Khoa mục là con đường chính của người làm quan, đường chính mở thì chân nho mới xuất hiện. Cho nên ngày xưa dùng khoa lấy người tài giỏi phải đặt quy chế chia vị cho nghiêm, phải định thể lên dán tên cho chặt, có lệnh cấm bảo nghĩa cho nhau, đổi sách cho nhau, cốt để ngăn ngừa mầm gian, thu nhiều người giỏi, để cung cấp cho nhu cầu dùng người vô cùng của thiên hạ. Phép chọn kẻ sĩ của tổ tông ta bắt chước đời xưa mà làm, đến nay quy mô rộng lớn, đã rất kỹ lại đầy đủ. Song phép lập đã từ lâu, tệ xấu theo đó mà nảy sinh, kẻ tầm thường thì lạm vào hàng thi đỗ, người thực học thì bị gạt ra ngoài vòng, lời bàn tán xôn xao, lòng học trò chưa thoả. Trẫm giữ cơ nghiệp lớn, rạng tỏ đạo công, sùng chuộng lòng thành, muốn văn hồi phong tục thuần phác, ngăn cấm lề thói phù hoa, mong trừ bỏ thói tệ kiêu bạc. Để cho bậc hiền triết nối gót bước lên, việc phòng giữ phải đặt ra minh bạch.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Đỗ Lý Khiêm đăng ký dự thi khoa thì này. Ngoài ra khoa thi này còn có cả Lương Đắc Bằng, người làng Hội Trào (Hội Triều), huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa (nay là xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa), cũng nổi tiếng là thần đồng từ tấm bé.
Vượt qua các cuộc thi Hương, thi Hội, 55 sĩ tử trong đó có cả Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.
Khi các quan chủ khảo chấm bài thì thấy có 2 bài rất nổi trội, là 2 bài của Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm. Vì khoa thi chỉ chọn 1 Trạng nguyên nên các quan chấm bài rất lỹ lưỡng, nhưng cả 2 bài văn sách đều có văn tài hay như nhau, không thể xác định được bài nào vượt trội hơn.
Các quan liền tâu lại với nhà Vua. Nghe theo lời các đại thần, Vua cho 2 người làm thêm bài ứng chế. Nhưng sau đó các quan chấm và thấy rằng 2 bài ấy cũng lại hay như nhau, không sao xác định được ai hơn.
Vua liền cho 2 người làm thêm một bài văn “bái mạng”. Bấy giờ Đỗ Lý Khiêm qua thời gian dài ở Kinh thành dự thi, tiếp xúc với Lương Đắc Bằng và cảm thấy đây là người rất tài năng, xứng đáng là Trạng nguyên, nên không có ý so tài nữa, vì thế chỉ làm qua loa cho xong.
Vua xem bài của Lương Đắc Bằng xong, đến bài của Đỗ Lý Khiêm thì thấy bài viết kém hẳn so với các bài trước ông đã viết, đoán biết ông cố ý nhường danh hiệu Trạng nguyên, liền nói lại điều này cho Lương Đắc Bằng biết.
Lương Đắc Bằng biết được thì cảm thấy hổ thẹn, nói với Vua rằng phẩm chất của mình không sánh được với Đỗ Lý Khiêm, ngôi vị Trạng nguyên nên trao cho Đỗ Lý Khiêm. Thế rồi cả hai người nhất mực nhường nhau không ai muốn nhận làm Trạng.
Tình huống khiến Vua và Triều thần không biết làm thế nào. Các quan liền nghĩ ra một cách là vẽ vòng tròn trên sân rồng rồi cho 2 người tung quyển thi vào, quyển thi của ai gần tâm vòng tròn hơn sẽ là Trạng nguyên.
Kết quả quyển thi của Đỗ Lý Khiêm nằm trong vòng tròn, còn quyển thi của Đắc Bằng nằm ngoài vòng tròn. Thế là Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ thứ hai tức Bảng nhãn.
Làm quan
Đỗ Lý Khiêm đổi tên thành Đỗ Lý Ích, làm quan đến Phó đô Ngự sử. Ông là người tiết tháo, làm quan trải 4 đời Vua là Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục và Tương Dực. Khi mất ông được phong tước Thái bảo, hàm Thượng thư, được phong làm Phúc Thần làng Ngoại Lãng quê ông.
Em trai ông là Đỗ Oánh tham dự kỳ thi sau và đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư bộ Lễ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông không chịu làm quan cho nhà Mạc. Khi mất ông cũng được phong làm Phúc Thần làng Văn Lãng quê ông.
Bảng nhãn Lương Đắc Bằng thì làm quan đến Tả thị lang bộ Lễ.
Năm 1504, vua Lê Uy Mục lên ngôi, Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả vị Vua này là: “Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy”.
Nhiều quan không theo Lê Uy Mục, đón Giản tu công Lê Dinh lên ngôi Vua, trong đó có Lương Đắc Bằng. Năm 1509, Lương Đắc Bằng soạn hịch kể tội Lê Uy Mục, rồi Lê Dinh cho xuất quân ra Thăng Long, Lê Uy Mục không có người theo nên nhanh chóng bị bắt. Giản tu công Lê Dinh lên ngôi Vua, hiệu là Lê Tương Dực.
Năm 1510, vua Lê Tương Dực thưởng cho công thần, Lương Đắc Bằng được phong làm Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các học sĩ, dạy cho Vua và Thái tử. Tuy nhiên Lương Đắc Bằng không nhận, mà dâng 14 kế sách gọi là “trị bình”:
- Hết sức cảnh giới để dẹp điềm tai dị
- Hết lòng hiếu thảo để tỏ lòng trung.
- Xa thanh sắc để làm gốc cho sự chính tâm.
- Bỏ kẻ tà nịnh để trọng nguồn phong hóa.
- Dè dặt việc cho quan tước để cẩn thận về việc khuyến trừng.
- Tuyển bổ công bằng để đường làm quan được trong sạch.
- Tiêu dùng phải dè dặt để giữ thói kiệm ước.
- Khen người cho những người có tiết nghĩa để trọng đạo cương thường.
- Cấm hối lộ để bỏ thói gian tham.
- Sửa sang võ bị để thế nước được vững.
- Kén chọn gián quan để cho người dám nói phấn khởi.
- Bớt việc phục dịch để thỏa tình dân trông ngóng.
- Hiệu lệnh phải nhất định để thống nhất lòng bốn phương
- Cẩn thận pháp độ để mở đường thịnh trị
Nhà Vua khen phải và nghe theo, ông làm quan đến Thượng thư bộ Lại.
Học trò nổi tiếng
Tuy nhiên Lương Đắc Bằng sau đó nhận thấy Vua không còn chú ý nghe theo 14 kế sách của mình nhằm ổn định Triều chính, nên cáo quan về quê dạy học.
Trong số những học trò của Lương Đắc Bằng, thì người làm ông hài lòng và tự hào nhất chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Là người thông minh, sáng dạ lại chăm chỉ đèn sách nên chẳng mấy chốc Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành học trò xuất sắc nhất của thầy Lương Đắc Bằng.
Thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng dạ, Lương Đắc Bằng không chỉ dạy chữ nghĩa, mà nhân đó dạy cả “Chu Dịch” và “Thái Ất”. Nguyễn Bỉnh Khiêm lĩnh hội được, sau lại trò giỏi hơn thầy, tiên đoán chính xác, quyết định thế cờ nhà Lê và Trịnh – Nguyễn sau này, còn để lại “Sấm Trạng Trình” nức tiếng trong dân gian.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Trạng nguyên nhà Lê khoa bảng