Tản mạn chuyện “Lấy của người giàu chia cho người nghèo”
- Blogger Thuận Nhân
- •
Rất nhiều người luôn lấy làm yêu thích nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ Anh quốc là Robin Hood, một anh chàng với bộ áo xanh, giỏi bắn cung, đánh kiếm, chống lại kẻ ác, chuyên lấy của người giàu chia cho người nghèo. Cái quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” ấy đã từng được coi như một hành vi tốt đẹp và cao cả, cho đến một ngày người ta tự hỏi rằng: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” là tốt hay là xấu? Để rồi ai đó chợt nghĩ: Ăn cướp chưa bao giờ là một hành động tốt đẹp cả. Một điều trớ trêu là, nhân vật Robin Hood của Disney được tạo hình là một chú cáo, nhưng mà trong văn hóa phương Tây thời xưa thì cáo không phải loài vật tốt đẹp, nó tượng trưng cho sự lưu manh, khôn lỏi, gian dối.
Về mặt luật pháp, tự ý lấy đi tài sản của người khác chính là vi phạm quyền tư hữu tài sản. Nếu bởi vì nguyên nhân người giàu đó độc ác mà tự ý lấy đi tài sản của họ thì vẫn là sai. Kẻ độc ác nên bị trừng trị tương ứng với hành vi phạm pháp của họ, chứ không phải là theo cảm tính. Đơn cử như một kẻ trộm đồ sẽ không đáng bị người dân hùa vào đánh chết, bởi vì dù là về pháp luật hay là về nhân tính thì họ cũng không đáng phải chết. Kẻ trộm cũng là con người, chưa kể là ai biết được xem hoàn cảnh của họ ra sao, họ vì cớ gì mà đi ăn trộm? Tương tự như vậy, người giàu bị trộm là ai? Họ là người tốt hay người xấu? Tài sản đó của họ là do lừa lọc mà có, hay là do đổ mồ hôi sôi nước mắt mà có? Lấy đi số tài sản đó sẽ phương hại gì tới họ và gia đình?
Không chỉ như vậy, quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” còn tồn tại nhiều dấu hỏi: Người nghèo đó là ai? Vì sao mà họ nghèo? Họ nghèo là vì lười biếng không chịu làm việc, hay là bị bóc lột tàn nhẫn? Có tốt không khi trao cho người nghèo số tài sản đó? Họ sẽ làm gì hay là phung phí nó? Liệu có cách nào đó khiến người nghèo giàu lên mà không phải đi “cướp” để “cho” không? Liệu đạo đức của họ có xuống dốc vì chuyện này không? Liệu họ có hưởng ứng hành vi ăn cướp phạm pháp đó vì món lợi trước mắt không?
Hơn thế nữa, “lấy của người giàu chia cho người nghèo” thì chia như thế nào? Hình thức phân chia ra sao? Ai sẽ đảm bảo về số tài sản ấy? Liệu số tài sản ấy có thể bị lợi dụng vì mục đích khác không? Bản thân hành vi này là hành vi ăn cướp, vậy ai dám bảo chứng là kẻ cướp sẽ có một đạo đức cao thượng, không tơ hào một đồng? Ai dám bảo chứng là những người nghèo kia không vì món lợi chia chác mà trở thành kẻ cướp?
Hãy lấy việc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc Đại Lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện và cải cách ruộng đất ở Đài Loan do Chính phủ Quốc dân thực hiện làm ví dụ. Đây là hai cuộc cải cách cực kỳ khác biệt, không chỉ ở cách làm mà còn ở sự nhân văn. Nếu như cải cách ruộng đất ở Trung Quốc Đại Lục là một biển máu, thì cuộc cải cách ở Đài Loan lại diễn ra vô cùng hòa bình.
Với khẩu hiệu “cải cách ruộng đất” và trấn áp những phần tử “phản động”, chỉ trong vẻn vẹn hai năm ngắn ngủi, giới chức của ĐCSTQ đã giết hại 2,4 triệu người trong quá trình quốc hữu hóa ruộng đất. Đó là con số do bản thân ĐCSTQ công bố, còn có những nghiên cứu khác đặt con số ở mức 5 triệu người. Và cái cớ của hàng triệu nhân mạng đó chính là “lấy của người giàu chia cho người nghèo”.
Cách giết người phổ biến nhất được biết đến trong thời kỳ cải cách ruộng đất là “đấu tố”. ĐCSTQ làm giả tội danh và đổ tội cho những người chủ sở hữu đất đai (địa chủ) hoặc những người nông dân giàu có. Mọi người sau đó sẽ được hỏi xem là họ nên bị trừng phạt như thế nào. Một số đảng viên hoặc những người hoạt động cho ĐCSTQ đã được gài trong những đám đông để hô “Chúng ta nên giết họ!” và những người chủ sở hữu đất đai và những nông dân giàu có sau đó bị xử tử ngay tại chỗ. Vào thời kỳ đó, bất kể người nào sở hữu đất đai ở trong làng cũng đều bị coi là “cường hào”. Những người thường lợi dụng nông dân bị gọi là “cường hào bủn xỉn”; những người thường giúp sửa chữa những tiện nghi công cộng và tặng tiền cho các trường học và giúp đỡ trong việc giảm nhẹ thiên tai được gọi là “cường hào tốt bụng”; những người không làm gì cả bị gọi là “cường hào im lặng”. Việc phân loại như thế này không có ý nghĩa gì cả, bởi vì tất cả các loại “cường hào” cuối cùng đều bị xử tử ngay lập tức bất kể là họ thuộc vào loại “cường hào” nào.
Cải cách ruộng đất đã có thể được thực hiện mà không cần phải chém giết, giống như cách mà Chính phủ Quốc dân đã thực hiện ở Đài Loan. Bắt đầu từ năm 1946, các ruộng của chính phủ được cho người nông dân thuê lại với giá rẻ, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của họ. Do giá thuê rẻ, người nông dân được lợi nên chăm chỉ làm việc, khiến sản lượng thu hoạch tăng cao (tăng 46% trong 4 năm). Trong khi đó, nguồn lợi từ việc sở hữu ruộng đất của các chủ đất giảm xuống (do các ruộng của chính phủ), khiến những chủ đất mong muốn bán đất đai của mình để đầu tư sang khu vực kinh tế khác. Lượng đất này được chính phủ hoặc những người nông dân có điều kiện mua lại. Cuối cùng, chính phủ tiếp tục bán ra số đất mà mình sở hữu. Tới năm 1953, số lượng ruộng đất được người nông dân Đài Loan sở hữu cuối cùng đã tăng lên tới 90%.
So sánh trên đã chỉ ra cho chúng ta một thực tế về sự cực đoan của câu khẩu hiệu “lấy của người giàu chia cho người nghèo”.
Hãy thử lấy một ví dụ khác về quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” dưới hình thức văn minh hơn. Với logic là, người nghèo cần sự trợ giúp, và điều này trở thành một “quyền”, ví dụ như quyền có nhà ở và quyền được chăm sóc sức khỏe. Vậy thì đi kèm với quyền đó là việc những người khác phải có nghĩa vụ. Khi một người nghèo cần cấp cứu trong bệnh viện, họ có quyền nhận được sự trợ giúp. Tuy nhiên, những bác sĩ và y tá đã học tập bao nhiêu năm cũng có quyền được hưởng lương vì bất cứ một ca cấp cứu nào. Vậy thì ai sẽ trả cho họ? Xã hội hiện đại trả lời rằng: tất cả mọi người. Vậy là tất cả mọi người sẽ phải trả cho ca cấp cứu đó qua hình thức thuế. Và nếu như chi phí đó bị chia đều, thì có thể một số người nghèo sẽ không chịu nổi, vì thế phương án đánh thuế theo % thu nhập và theo mức thu nhập ra đời để đáp ứng cho hoàn cảnh xã hội của người nộp thuế.
Nhìn một cách tổng thể, thuế là một hình thức phân phối lý trí hơn quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo”. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp phương Tây cũng thừa nhận rằng: Thuế là hình thức sung công (mà không phải quốc hữu hóa) các tài sản tư nhân; và không có sự vô tư (không thiên vị) trong vấn đề thuế. Chính vì vậy, một hệ thống thuế tốt vẫn cần nền tảng lý trí và đạo đức từ chính phủ của một quốc gia.
Và tất nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều hình thức giúp đỡ người nghèo khác không nhờ “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, như quyên góp, làm từ thiện, tạo công ăn việc làm, v.v.. Tất cả đều xuất phát từ thiện nguyện tốt đẹp của con người chứ không phải là từ một câu khẩu hiệu…
Thuận Nhân
Xem thêm:
- Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”
- Văn hóa nghệ thuật có thể bị tuyên truyền độc tài lợi dụng như thế nào?
Mời xem video:
Từ khóa Người giàu chênh lệch giàu nghèo Công bằng pháp luật