Lễ tế giao ngày xưa được xem là “đại tự”, tức lễ lớn, trong đó Vua tế cáo với Trời đất, nhận ý chỉ của Trời đất để chăm lo cho bách tính.

Lễ tế giao qua các thời kỳ lịch sử
Vua Bảo Đại ngồi trong ngự liễn (kiệu) trên đường tới Đàn Nam Giao làm lễ tế năm 1942. (Ảnh: Manhhai Flickr, Public Domain)

Chữ Giao (郊) nguyên nghĩa ngày xưa là “chỗ cách xa nước một trăm dặm”, chỉ vùng đất ở ngoại thành. Vào tiết đông chí Vua làm lễ tế ở phía nam của thành gọi là lễ tế nam giao; vào tiết hạ chí thì Vua làm lễ tế ở khu bắc của thành gọi là lễ tế bắc giao.

Lễ tế giao bắt nguồn từ thời nhà Chu. Nhà Vua làm lễ tế biểu đạt lòng cảm ân Trời đất dưỡng dục, nuôi dưỡng vạn vật, đồng thời mong được bảo hộ. Người xưa tin rằng Trời đất tạo ra và nuôi dưỡng vạn vật, vì thế mà cần cảm ân Trời đất, sống thuận theo tự nhiên nhằm nhận được sự bảo hộ từ Thiên thượng.

Tại Việt Nam, “Đại Việt Sử ký Toàn thư” lần đầu có nhắc đến Lễ tế giao là vào năm 1154 thời vua Lý Anh Tông, nhà Vua cho đắp Viên Khâu đàn ở phía nam thành Thăng Long.

Lễ tế giao qua các thời kỳ lịch sử
Ngự liễn của nhà vua và đoàn tùy tùng tại Lễ tế giao năm 1942. (Ảnh: Manhhai Flickr, Public Domain)

Về việc lễ tế, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” có chép rằng:

“Sách Chu Lễ chép: ‘Ngày đông chí tế Trời ở đàn Viên Khâu (gò tròn), tế Đất ở đàn Phương Trạch (gò đất vuông), đấy là lễ của vương giả’. Từ thời Hán Đường về sau, khi thì tế chung, khi thì tế riêng. Lễ tế giao ở nước Việt ta xưa kia còn thiếu sót, tên Viên Khâu đến đây mới thấy, còn lễ tế ở đàn Phương Trạch thì không thấy nói đến, không biết có phải là cúng theo lễ xưa tế tách riêng mà sử bỏ sót không chép, hay là hợp tế cả Trời Đất mà gọi chung là Viên Khâu. Bởi vậy không thể khảo cứu vào đâu được”.

Sách “Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn” ghi chép lại rằng:

“Nhà vua cho lập đàn Viên khâu ở thành Thăng Long, cứ 3 năm một lễ lớn, 2 năm một lễ trung, mỗi năm một lễ nhỏ. Nhà Trần kế tục nhà Lý bỏ hẳn lệ Tế giao trong gần 200 năm (từ 1225 – 1400). Khi họ Hồ soán ngôi nhà Trần, Hồ Hán Thương lập đàn tế trời ở núi Đốn Sơn (Thanh Hóa). Tương truyền trong buổi tế, Hán Thương run tay làm đổ chén rượu trên nền bãi tế. Người đương thời cho đó là điềm gở cho nhà Hồ”.

Khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi, lễ tế giao được xem trọng hơn. Vua tìm chọn một ngày tốt nhất trong 3 ngày xuân để làm lễ tế.

Đến thời vua Lê Thánh Tông, nhà Vua xem lễ tế giao là việc không thể thiếu. Nhờ xem trọng lễ nghĩa, đào tạo hiền tài, mà Vua Lê Thánh Tông tạo nên thời kỳ Hồng Đức thịnh trị bậc nhất trong lịch sử.

Đến thời Lê Trung Hưng, Vua chỉ còn là bù nhìn, chúa Trịnh nắm thực quyền, nên nhà Vua chỉ còn làm lễ tế giao cho có lệ, thắp hương đọc tờ tấu với Trời đất, rồi lạy 8 lần là xong.

Sử gia Phan Huy Chú cũng nhận xét rằng:

“Từ thời Trung Hưng về sau, vào các dịp đại lễ, hoàng thượng chỉ đội mũ Xung Thiên. Trộm nghĩ kiểu dáng mũ Xung Thiên so với mũ Phốc Đầu không quá khác biệt. Văn sức không đầy đủ thì thể cách không tôn nghiêm. Bậc vương giả đặt định lễ nghi thì phải khôi phục quy chế Cổn Miện. Khổng Tử nói mặc Cổn Miện của nhà Chu. Thực là phép thức cho muôn đời vậy”.

Đến thời nhà Nguyễn, năm 1806, vua Gia Long cho xây đàn Nam Giao ở phía nam Kinh thành Huế, đến năm 1807 thì xây xong. Từ đó theo lệ cứ đến tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, các vị vua nhà Nguyễn đề làm lễ tế đàn Nam Giao.

Thời nhà Nguyễn, trong các nghi lễ thì lễ tế Nam Giao là quan trọng nhất, việc tế cũng được ghi chép lại nhiều hơn các thời kỳ trước đó. Lễ tế là nơi để Vua bố cáo với Trời đất những gì mình đã làm được, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đồng thời nhận ý chỉ của Trời đất để xem mình còn gì làm chưa tốt nhằm sửa đổi để trị vì dân chúng.

Thời kỳ đầu các vua nhà Nguyễn chú ý lễ tế giao, nhà Nguyễn cũng rất cường thịnh, lãnh thổ mở rộng đến cực điểm.

Nhưng từ năm 1886 đến năm 1890, triều đình Huế không tổ chức lễ tế giao. Sau đó từ năm 1891 thì việc lễ tế 3 năm mới tổ chức một lần, nhà Nguyễn cũng dần suy yếu.

Đến thời vua Tự Đức thì Vua không còn đi tế lễ nữa mà toàn cử các vị đại thần như Phan Thanh Giản hay Đoàn Thọ thay mình. Sau đó nhà Nguyễn không thể chống được quân Pháp và phải ký những hiệp ước bất bình đẳng.

Mùa xuân năm 1885, vua Hàm Nghi cũng không tự đến tế lễ đàn Nam Giao mà sai Đặng Đức Địch làm thay. Tháng 7 năm đó quân nhà Nguyễn dù bất ngờ tấn công đánh úp quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ Pháp nhưng vẫn thất bại. Vua Hàm Nghi phải từ Kinh thành chạy đến Tân Sở, sau đó bị quân Pháp bắt được.

Năm 1918 nhà báo Phạm Quỳnh chứng kiến lễ tế đã cảm động nói rằng:

“Đang đêm thanh vắng, hơn 100 con người đồng thanh hát lên, nghe rất cảm động, tưởng thấu đến tận trời cao đất thẳm, mà xa đưa đến đấng Tiên Hoàng Địa Kỳ cái tấm lòng thành của cả một dân một nước”.

Ngày nay vẫn còn di tích của 4 đàn tế là:

  • Đàn Viên Khâu (tức đàn Nam Giao Thăng Long) nơi làm lễ tế giao từ thời vua Lý Anh Tông hết thời Lê Trung Hưng;
  • Đàn Nam Giao nhà Hồ;
  • Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn;
  • và Đàn Nam Giao nhà Nguyễn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Học con tìm lại chính mình”: