Lịch sử Đồ Sơn – Vũ Bằng
- Vũ Bằng
- •
Ngài có biết lịch sử Đồ Sơn không? Cái bãi biển thu hàng triệu bạc mỗi vụ hè, nguyên là một ổ trộm cướp không đáng đồng xu nhỏ!
Đó là một sự thực mà khắp thảy Bắc Kỳ đều biết: hiện nay, cứ mỗi khi mùa hè đến, hễ bàn nhau đi tắm bể và lấy gió, người ta đã tính ngay chuyện đi đến Đồ Sơn. Nguyên do không phải là vì Đồ Sơn kém đẹp hay làn sóng ở Đồ Sơn khéo lượn hơn các chốn thừa lương khác. Cũng không phải vì Đồ Sơn đã mất giá rồi. Đó chẳng qua chỉ là vì người ta ham lạ, cái gì cũ quá thì chán, muốn tìm cái mới hơn. Người ta đi nghỉ mát ở Đà Lạt, Chapa, Tam Đảo, Kienchinh, Văn Lý, Đồng Châu, Bãi Cháy[1]… nhưng dù sao ta cũng phải công nhận rằng đã không nói đến nghỉ mát thì thôi, chứ đã nói đến nghỉ mát bãi biển thì Đồ Sơn hiện ra trong trí óc chúng ta trước hết. Tại sao? Đó là bởi Đồ Sơn là bãi biển có trước nhất ở Bắc Kỳ hay, nói cách khác, thì người Bắc Kỳ mình sở dĩ biết đi tắm biển như người Âu Mỹ, ấy cũng là vì Đồ Sơn vậy.
Trước khi người Pháp đến bảo hộ xứ ta, Đồ Sơn chưa có mà cũng chẳng có bãi biển nào để cho chúng ta đi nghỉ mát về mùa hạ. Riêng nói về Đồ Sơn thì lúc ấy Đồ Sơn chỉ là một mảnh đất hoang vu có lưa thưa mấy làng đánh cá nhỏ chui rúc dưới chân những trái đồi cằn cọc chỉ có ròng lau sậy. Ở đằng sau những trái đồi ấy, những ruộng bùn và những vũng nước hôi thối chạy ngút ngàn. Người ta không thấy một con đường đi, một cái nhà gạch. Chỉ toàn là những túp lều dựng tạm để cho dân chài tạm trú lúc đêm hôm, còn thì toàn là những cái bí mật chờ người ta bởi vì Đồ Sơn lúc đó thực là nhiều trộm cướp ở Cát Bà và những nơi lân cận đến tụ họp nhau ở đó. Ông Jean Dupuis, do đường Hồng Kông đi lại đã lao tâm khổ tứ vô cùng mới đến được đất này. Địa đồ thì chưa có, hay có mà vẽ không được rõ. Sông ngòi thì nhằng nhịt chẳng rõ cái nào vào cái nào. Lại những quân cướp tìm hết cách để cản trở công cuộc của nhà thám hiểm. Ông Jean Dupuis để chân lên Đồ Sơn từ 1880 thực đấy, nhưng phải đến mãi tận năm 1886, người Pháp trong số đó có các ông Georges Vlavéanos, Costa và Gouma, mới nghĩ làm Đồ Sơn thành một nơi nghỉ mát trong những ngày viêm nhiệt. Ối, nói đến chuyện nghỉ mát hồi ấy thì thực là giản dị: người ta đi từ Hải Phòng ra ở với bọn dân chài lưới. Một vài người gan lắm mới dám cất ở trên những ngọn đồi một vài cái nhà lá đáng giá dăm đồng bạc; người ta chèo thuyền ra hoặc là đi ngựa qua những con đường đất nhỏ; người ta nghỉ mát ngay ở những bờ ao bụi rậm và tiếng là nghỉ đấy nhưng không lúc nào không phải nghĩ: nghĩ lo về trộm cướp. Nghỉ mát ở Đồ Sơn như thế, trước sau người ta tính mất có đến mười năm lận!
Mãi sau, vào khoảng 1896, một công ty buôn mới tổ chức những cuộc đi Đồ Sơn bằng sà-lúp. Hồi ấy mỗi vụ hè, người ta đã thấy số người đi nghỉ mát lên tới cái mức hai, ba mươi người. Riêng sở thương chính mỗi tuần lễ vào chiều thứ bảy lại tổ chức một cuộc đi Hải Phòng Đồ Sơn đến sáng thứ hai về sớm, cũng đi bằng sà-lúp; cái sà-lúp ấy hồi bấy giờ người ta gọi là sà-lúp của những ông chồng. Người nào muốn đi nghỉ mát Đồ Sơn khởi hành từ Hải Phòng vào lối 3-4 giờ chiều; độ 8-9 giờ tối thì đến Đồ Sơn, những hôm thuận buồm xuôi gió thì đi chỉ mất độ 2-3 giờ. Đến Đồ Sơn, sà-lúp không vào bờ được, người ta phải đem những thuyền nan ra “túc trực” để cho “những ông chồng” đổ bộ; những ông nào nóng muốn gặp mặt vợ con thường nhảy phứa cả xuống nước để lội vào hay thuê dân chài lưới cõng như cõng trẻ. Người ta ở suốt một ngày chủ nhật như kiểu Lỗ Bình Sơn phiêu lưu ký, đến sáng thứ hai thì cái sà-lúp của các ông chồng lại đến đón để đem trả cho công việc của các ông ở Hải Phòng.
Nói cho thực thì đi nghỉ mát như thế mãi cũng vất vả, cũng ốm xác. Người Pháp đã sống quen với sự dễ dãi phong lưu, tìm hết cách để cho những cuộc đi nghỉ mát ấy dễ chịu hơn một chút. Cái khách sạn thứ nhất được dựng lên, bằng lá: đó là “Khách sạn của những người đi tắm biển” (Hôtel des Baigneurs). Ít lâu sau chính khách sạn có sà-lúp chở khách đi đi lại lại, nhưng tuy vậy người ta vẫn thấy sự bất tiện nên dân Pháp ở Hải Phòng hồi ấy nhất loạt yêu cầu chính phủ đắp cho một con đường đi cho tiện. Đó là vào năm 1891. Đồng thời người ta bắt đầu phá những cái nhà lá lụp xụp đi và xây dựng nhà gạch; cái nhà gạch thứ nhất xây năm 1888. Đến 1891 thì khắp Đồ Sơn đã có tới 11-12 cái nhà gạch trông có vẻ khả quan rồi. Toà sứ cũng xây cái biệt thự Joséphine, cái biệt thự này sau đổi lấy cái biệt thự St Mathurin của một người Pháp trồng thuốc phiện ở Trung Kỳ. Con đường nối liền Hải Phòng với Đồ Sơn khởi công từ 1891 và khánh thành năm 1892. Bây giờ thì tiện lợi lắm rồi: muốn đi từ Hải Phòng đến Đồ Sơn người ta chỉ mất độ một hai tiếng đồng hồ mà thôi, đi lại chắc chắn không sợ những nạn sông nước nữa. Hồi ấy người ta đi xe độc mã, đi xe kéo, nhưng phần nhiều là cưỡi ngựa. Nhưng gọi là chắc chắn đó thôi, chứ thực ra lúc mới có con đường Hải Phòng – Đồ Sơn đất hay lún lắm, người ta thường được chứng kiến lắm vụ xe bò và xe kéo tùng-bê cùng là cả người và ngựa tụt hố và lăn bò xuống ruộng. Con đường ấy mỗi ngày được sửa sang thêm; đến khi kha khá rồi thì sà-lúp mất hẳn. Đến năm 1906 thì người ta thấy bóng những cái ô-tô đầu tiên. Đến năm 1914 thì ô-tô ít hẳn vì chiến tranh nổi lên ở trời Âu, có mấy ngàn bạc trong túi thực đấy, nhưng mua được cái ô-tô không phải dễ. Mãi đến tận hết chiến tranh, vào khoảng 1920, 1921 thì ô-tô mới đi lại đông đúc; những người sang trọng không đi xe thổ mộ ra nghỉ mát ở Đồ Sơn nữa, xe thổ mộ lúc ấy để cho người An Nam ít xu dùng. An Nam đây là kể cả những người cực phú quý đi nghỉ mát lẫn những người chở rau chở hoa và đồ ăn thức đựng từ Đồ Sơn về Hải Phòng và từ Hải Phòng đến Đồ Sơn. Đồng thời nhà nước lúc ấy hết sức mở mang Đồ Sơn cho mỗi ngày mỗi đẹp hơn mỗi rộng hơn. Bao nhiêu nhà lá nhất loạt đều bị rỡ hết; đâu đâu cũng là nhà gạch; là biệt thự; Đồ Sơn không cằn cọc nữa, người ta đã thấy ở trong những căn vườn của người Pháp những cây cối xanh tươi mọc xum xê. Nối gót khách sạn Les Baigneurs, nhiều khách sạn khác được lập ra. Đồ Sơn vui hẳn lên, tươi hẳn lên và từ đó Đồ Sơn bắt đầu xứng với câu hát này: Đồ sơn vui thú xiết bao…
Nhưng đến tận lúc ấy, Đồ Sơn cũng chưa có nhiều đường lối lắm. Trong một thời gian khá dài, người ta chỉ có thể đi được tới biệt thự Marty là hết. Mươi năm sau mới có con đường đến biệt thự Saint Mathurin và mãi tận gần đây người ta mới làm những con đường đến Hòn Dấu vậy.
Tại sao những cái đường đó lại chậm làm như thế? Đó là bởi vì người ta không thấy cần dùng. Đi lại ở trong Đồ Sơn, thời ấy, người ta thường đi bằng song loan như kiểu những cái song loan mà các bà các cô vẫn ngồi về vụ trảy hội chùa Hương bây giờ: trên hai cái đòn dài có một cái ghế mây; bốn người đàn bà, hoặc cả đàn bà đàn ông khênh nghễu nghện lên vai đi hết cả bờ tre bụi rậm. Bây giờ, người ta đã bỏ cái lối người nghèo vác người giàu lên vai rồi. Đó là một sự tiến hay lùi về nhân cách con người, ta không bàn đến làm gì vội. Chỉ biết rằng song loan mà bỏ thì Đồ Sơn cũng có mất vui đi chút ít: người ta không còn được thấy cái quang cảnh những người khiêng song loan đứng ở trước cửa những khách sạn đợi những ông tây bà đầm đi chơi. […………….][2]
Đến thời này, Đồ Sơn đã tiến một bước dài. Đồng ruộng như bàn cờ, dân cư ngày đông đúc; người ta dệt lụa và trồng khoai tây mỗi năm lợi tức có hàng vạn. Lúa má tốt, dân nhiều. Người Pháp lấy làm lạ về cái tài làm ruộng của người nhà quê Việt Nam, về đức tính cần lao của họ. Vì thế ở Nam Kỳ một phái bộ đã được cử ra để học nghề nông tang của người Bắc Kỳ ở Đồ Sơn. Số làng mạc tăng lên trông thấy. Người ở Hà Nội về nghỉ mát mỗi ngày một đông hơn. Có lẽ vì sự đông đúc ấy mà cách đây ngót ba chục năm một chuyện rất tức cười đã xảy ra ở đó: chuyện quân cướp tầu đến đánh phá Đồ Sơn.
Đã đành đó chỉ là chuyện bịa, chuyện vu vơ. Ấy thế mà nghe đâu hồi đó ở Đồ Sơn cũng nhặng lên mất mấy ngày, gớm quá.
Những chuyện đó rút lại chỉ làm cho không khí Đồ Sơn mỗi ngày mỗi vui hơn. Trừ mấy trận bão lớn ra không kể, Đồ Sơn tiến một các rất êm đềm từ một cái bãi hoang vu không đáng đồng xu nhỏ đến một chỗ thừa lương mỗi năm thu hàng triệu bạc, có 5 cây số đường rải nhựa và hàng trăm ngàn nhà gạch, biệt thự và hiệu buôn.
Vũ Bằng
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 117 (28/6/1942)
Đăng lại từ trang nghiên cứu Lại Nguyên Ân (lainguyenan.free.fr)
Có bổ sung hình ảnh
Ghi chú:
[1] Lưu ý: ở báo gốc thường dùng lối viết địa danh Việt theo kiểu viết liền và không có dấu: Dalat, Chapa, Kienchinh, Vanly, Dongchau. Do vậy có tên dễ đoán, vì dụ Chapa = Sa Pa; nhưng cũng có vài tên không thật rõ là địa danh nào, ví dụ “Kienchinh”. Vì vậy ở đây tạm để nguyên dạng như gốc.
[2] chỗ này ở báo gốc để chấm lửng liền 6 dòng, hẳn do toà soạn bỏ.
Xem thêm:
Từ khóa Vũ Bằng Đồ Sơn bãi biển Đồ Sơn