Ngày nay ở Việt Nam phương tiện đi lại rất đa dạng, nhiều người dùng xe máy hay ô tô, tuy nhiên ký ức về thời học sinh sinh viên với “xe đạp ơi” vẫn không bao giờ phai mờ. Ngược dòng lịch sử, mô hình xe đạp ban đầu rất đơn sơ, rồi dần hoàn thiện qua thời gian.

Những mẫu xe đạp đầu tiên

Trước khi xe đạp xuất hiện, con người chủ yếu là dùng ngựa. Năm 1790, một thợ thủ công người Pháp là Comte Mede de Sivrac chế tạo ra một phương tiện để đi lại gồm 2 bánh và một cái đòn, trên đòn có thể gắn nệm để ngồi cho êm.

Người dùng sẽ ngồi lên cái nệm này rồi đạp chân xuống đất để cho hai bánh lăn đi, dùng để đi lại. Vì dùng cách này nhanh hơn đi bộ nhiều cho nên Comte Mede de Sivrac đặt tên cho chiếc xe này là Celerifere nghĩa là “nhanh”. Đây là mô hình thô sơ đầu tiên của xe đạp.

Việc sử dụng Celerifere chỉ có thể giúp chạy theo một đường thẳng, khi muốn chuyển hướng thì phải lắc mạnh phần trước. Vì có phần bất tiện nên không phải ai cũng dùng Celerifere.

Đến năm 1817, một người Đức là Nam tước Baron Karl von Drais đã phát minh ra chiếc xe mang tên ông gọi là Draisienne (nghĩa là xe của Drais), Drais phát minh ra chiếu xe này nhằm giúp ông di chuyển nhanh hơn trong khu vườn hoàng gia rộng lớn.

xe dap 1
Xe đạp bằng gỗ Draisienne. (Ảnh: Gun Powder Ma, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Xe Draisienne là loại xe đi bộ được cấu tạo bằng gỗ nặng 22 kg, nghĩa là nặng hơn xe đạp hiện nay rất nhiều. Hai bánh xe được làm bằng gỗ bọc sắt, bánh trước có thể bẻ lái, bánh sau có phanh. Để xe có thể chạy thì người dùng phải đẩy chân xuống đất, chỉnh hướng bằng bánh xe phía trước.

Trong lần chạy thử vào ngày 12/6/1817, Baron Karl von Drais đã đi đoạn đường dài 13 km nhưng chỉ mất 1 giờ.

Sau khi xe Draisienne trình làng, rất nhiều người ưa thích vì giúp di chuyển nhanh hơn rất nhiều. Chiếc xe vượt biên giới đến với nhiều nước ở châu Âu, người ta gọi nó với các tên khác nhau như Laufmaschine, Draisine (tiếng Anh) hay Draisienne (tiếng Pháp) hoặc Hobby Horse.

Năm 1818, Baron Karl von Drais được cấp bằng sáng chế thương mại cho chiếc xe của mình. Tuy nhiên khi có nhiều nhà sản xuất, chiếc xe này đã bộc lộ khuyết điểm như khó giữ thăng bằng để điều khiển, khiến các vụ tai nạn ngày càng nhiều. Một số thành phố đã phải cấm dùng xe này ở những nơi dễ xảy ra tai nạn.

Xe Draisienne phát triển tất nhiên sẽ có hư hỏng và xuất hiện những người thợ chuyên đóng và sửa xe. Năm 1865 ở Paris, hai anh em thợ đóng xe là Ernest Michaux và Pierre Michaux đã cải tiến, gắn thêm trục cùng bàn đạp ở bánh trước, như thế bánh trước được làm to hơn bánh sau để mỗi vòng đạp xe đi được đoạn đường dài hơn. Viền bánh xe được làm bằng kim loại.

Mẫu xe mới được cải tiến này được gọi là “bicycle” (xe đạp), đây là một cải tiến rất lớn thay đổi từ xe “đạp bộ” thành “xe đạp”, không còn cần dùng chân đạp xuống đường để cho xe chạy nữa. Xe rất được ưa chuộng vào thời điểm đó.

Tuy nhiên xe có nhược điểm là đi vào đoạn đường xấu thì rung lắc mạnh và dễ gây tai nạn. Vì xe bị rung lắc mạnh nên người ta hay gọi loại xe này là Boneshaker (nghĩa là xe làm rung lắc xương).

Sau đó xe đạp liên tục được cải tiến hoàn thiện. Năm 1869, Thomas McCall người Scotland cho thêm vào thanh điều khiển. Cũng năm này Eugène Meyer người Paris có cải tiến thêm bánh xe và nan hoa, được cấp bằng sáng chế.

xe dap 1869
Ảnh trên là xe đạp do McCall cải tiến năm 1869. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Xe đạp bằng kim loại

Năm 1870, James Starley và William Hillman đã chế tạo ra chiếc xe đạp làm bằng kim loại đầu tiên, có trọng lượng rất nhẹ và chạy được với tốc độ 24km/h, đây là tốc độ kỷ lục lúc đó. Xe được đặt tên là “Ariel”.

ariel
Xe đạp Ariel được chụp ở Bảo tàng Škoda của Cộng hòa Séc. (Ảnh: Agnieszka Kwiecień, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Năm 1885, John Kemp Starley đã hoàn thiện chiếc xe đạp với đầy đủ các bộ phận như ngày nay như phanh, xích, đĩa, hai bánh xe bằng nhau. Chiếc xe này giúp chạy an toàn hơn rất nhiều, không còn lo tai nạn nữa. Tuy nhiên xe vẫn hay bị xóc và không thể đi được khi đường xấu.

xe dap 3
Xe đạp năm 1885 của John Kemp Starley. (Ảnh: Science museum, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Năm 1888, nhà phát minh người Scotland là John Dunlop đã phát minh ra lốp xe khí nén giúp xe chạy rất êm và dễ điều khiển, việc bảo trì sửa chữa cũng dễ dàng hơn trước. Đây cũng là mẫu xe đạp hoàn thiện.

xe dap 4
Chiếc xe đạp vào năm 1889. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Lúc này xe đạp cũng theo chân người Pháp đến Việt Nam, đầu tiên là ở Sài Gòn, nhưng thời gian đầu chỉ hạn chế trong người Pháp và những người Việt làm việc cho Pháp.

Năm 1895, báo L’Illustration của Pháp có bài với bức ảnh vua Thành Thái đứng bên chiếc xe đạp. Bài báo cũng đăng rằng nhà Vua sử dụng xe đạp đi lại trong Hoàng thành.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: