Lòng tôn trọng chân chính bắt nguồn từ đức hạnh
- Quán Minh
- •
Trong xã hội ngày nay, có những doanh nhân hay quan chức cho rằng khi đã có tiền và quyền thì sẽ có được sự tôn trọng của mọi người, có thể làm rất nhiều điều. Tuy nhiên họ lại không thể nào nhận được sự công nhận và tôn trọng thật lòng từ người khác. Cái gọi là “tôn trọng” đó chẳng qua chỉ là sự sợ hãi và lệ thuộc đối với tiền bạc hay quyền lực mà thôi, không phải là lòng chân thành giữa con người với con người. Lòng tôn trọng chân chính bắt nguồn từ sự cảm phục trước phẩm chất đạo đức cao quý và cảnh giới tư tưởng cao thượng.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, từng có một người nổi tiếng là gian thương làm nhiều điều xấu tệ, ai ai cũng biết. Ông ta vô cùng giàu có nhưng lại không được ai kính trọng. Điều này khiến ông ta vô cùng phiền muộn.
Một ngày nọ, khi đang dạo bước trên phố, ông ta nhìn thấy một người ăn xin ăn mặc rách rưới. Ông ta nghĩ ngợi một lúc, rồi ném một đồng tiền vàng lấp lánh vào cái bát vỡ của người ăn xin. Nào ngờ người ăn xin nhìn ông ta, ngắm nghía một lát, rồi lại nhìn ra chỗ khác, chẳng buồn nói lấy một câu.
Người thương nhân tức giận:
“Ngươi mù à? Không thấy ta cho ngươi vàng sao?”
Người ăn xin vẫn không nhìn ông ta, thản nhiên đáp:
“Cho hay không là việc của ông. Không vui thì lấy lại đi”.
Người thương nhân tức tối, giận dữ ném thêm mười đồng vàng nữa vào bát, nhưng người ăn xin vẫn không quan tâm.
Thương nhân tức đến mức nhảy dựng lên:
“Ta đã cho ngươi mười đồng vàng nữa, chẳng lẽ ngươi không nên tôn trọng ta một chút sao?”
Người ăn xin đáp:
“Có tiền là chuyện của ông, tôn trọng hay không lại là chuyện của tôi”.
Thương nhân lại hỏi:
“Nếu ta cho ngươi một nửa tài sản, ngươi có tôn trọng ta không?”
Người ăn xin đảo mắt nhìn ông ta:
“Nếu ông cho tôi nửa tài sản, thì tôi cũng giàu như ông rồi. Tôi việc gì phải tôn trọng ông nữa?”
Thương nhân lại nghiến răng nói:
“Vậy nếu tặng toàn bộ tài sản cho ngươi, chắc hẳn ngươi sẽ tôn trọng ta!”
Người ăn xin bật cười ha ha:
“Ông cho tôi hết tài sản, thì ông trở thành ăn xin, tôi thành phú ông. Thế thì tại sao tôi lại phải tôn trọng ông?”
Có người từng nói: “Có hai điều khiến chúng ta luôn cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và kính sợ: một là bầu trời đầy sao lấp lánh trong không trung, hai là quy luật đạo đức trong tâm hồn”.
Bầu trời đầy sao cho chúng ta thấy rằng bản thân thật vô cùng nhỏ bé, con người thật không là gì trong vũ trụ bao la, con người thật không là gì so với các quy luật lớn lao trong vũ trụ.
Quy luật đạo đức trong tâm hồn cho chúng ta thấy rằng con người không phải là động vật vô tri, nhất là khi còn bé thơ, người ta biết vui khi giúp đỡ người khác, biết sợ sệt khi làm điều sai trái, nghĩa là có một điều gì đó lớn lao hơn trong sinh mệnh chúng ta, ngầm nói cho chúng ta thấy được ý nghĩa chân chính của sự tồn tại.
Tiền bạc không phải là vạn năng, sinh không mang theo đến, tử không mang theo đi. Tiền có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không thể mua được một tổ ấm; có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách, nhưng không mua được tri thức; có thể mua thuốc, nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua đồng hồ, nhưng không mua được thời gian; có thể mua chức vụ, nhưng không mua được sự tôn trọng… Một người dù có địa vị xã hội, danh tiếng, tài năng và giàu có, nhưng nếu không có đạo đức cao thượng thì cuối cùng vẫn không thể nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Bất kể là người nghèo hay người giàu, sức hút thực sự của họ đều bắt nguồn từ cảnh giới tư tưởng và đạo đức cao thượng, chứ không nằm ở tiền tài hay quyền lực. Người có đạo đức cao thượng thường có tấm lòng rộng mở, luôn đối xử nhân hậu với người khác, sống vì xã hội, đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân, sống một cách chân thành vô tư, vô ngã. Vì vậy, mọi người đều cảm thấy gần gũi, cảm phục và kính trọng họ.
Dựa theo “Thắp sáng ngọn đèn tâm: Sự tôn trọng bắt nguồn từ đạo đức cao thượng“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Quán Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tôn trọng
