Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở Nhật Bản
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Bộ luật này được công bố và có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2001.
Mục đích
Điều 1
Bộ luật này có mục đích xác lập triết lý cơ bản liên quan đến việc khuyến khích các hoạt động đọc sách của trẻ em, làm rõ nghĩa vụ của nhà nước và các chính quyền địa phương đồng thời bằng việc xác định các nội dung cần thiết liên quan đến khuyến khích các hoạt động đọc sách của trẻ em mà thúc đẩy có kế hoạch và có tính tổng hợp các cơ sở khuyến khích trẻ em đọc sách từ đó tạo nên sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ em.
Triết lý cơ bản
Điều 2
Hoạt động đọc sách của trẻ em (chủ yếu nói tới những người dưới 18 tuổi) phải được xúc tiến trong môi trường được xây dựng một cách tích cực để trẻ em có thể đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc nhằm làm cho trẻ em học ngôn ngữ, mài sắc cảm tính, nâng cao năng lực thể hiện, làm phong phú năng lực sáng tạo, suy nghĩ về những gì không thể thiếu để có được năng lực sống sâu sắc hơn.
Nghĩa vụ của nhà nước
Điều 3
Nhà nước có nghĩa vụ ban hành và thực thi tổng hợp các chính sách liên quan đến khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em tuân theo triết lý cơ bản ở điều trên (dưới đây sẽ gọi tắt là triết lý cơ bản).
Điều 4
Các chính quyền địa phương có nghĩa vụ ban hành và thực hiện các chính sách liên quan đến khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em tuân theo triết lý cơ bản trên, dựa trên tình hình của địa phương đồng thời liên kết với nhà nước.
Nỗ lực của những người thực hiện sự nghiệp
Điều 5
Những người thực hiện sự nghiệp này khi tiến hành các hoạt động phải nỗ lực khuyến khích các hoạt động đọc sách của trẻ em dựa trên triết lý cơ bản và cung cấp sách giúp cho sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ em.
Điều 6
Cha mẹ hay người bảo hộ phải phát huy vai trò tích cực trong việc làm phong phú các cơ hội đọc sách và thói quen đọc sách của trẻ em.
Tăng cường liên kết với các cơ quan có liên quan
Điều 7
Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực tăng cường liên kết các đoàn thể dân sự với các trường học, thư viện và các cơ quan khác đồng thời xây dựng các thể chế cần thiết để các chính sách khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em được diễn ra suôn sẻ.
Kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động trẻ em
Điều 8
1. Chính phủ phải thiết lập kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (từ dưới đây gọi là kế hoạch cơ bản) nhằm xúc tiến có kế hoạch và tổng hợp các chính sách liên quan tới hoạt động đọc sách của trẻ em.
2. Chính phủ khi xây dựng kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em phải thông báo kế hoạch này trước quốc hội và công bố không được chậm trễ.
3. Quy định ở mục trước cũng được vận dụng cho sự thay đổi kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em.
Kế hoạch khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở các đô, đạo, phủ, tỉnh
Điều 9
1. Các đô, đạo, phủ, tỉnh phải lấy kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em làm nền tảng đồng thời dựa trên tình hình xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em ở các đô, đạo, phủ, tỉnh để nỗ lực lập ra kế hoạch thực hiện chính sách liên quan đến khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em.
2. Các thành phố, khu phố, thôn làng phải nỗ lực xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách liên quan tới việc khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở thành phố, khu phố, thôn làng đó dựa trên tình hình xúc tiến các hoạt động đọc sách của trẻ em ở đó đồng thời lấy kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em làm cơ sở.
3. Các đô, đạo, phủ, tỉnh và các thành phố, khu phố, thôn làng khi xây dựng kế hoạch khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở đô, đạo, phủ, tỉnh và kế hoạch khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở thành phố, khu phố, thôn làng phải công bố rõ các kế hoạch ấy.
4. Quy định của mục trước được áp dụng cho cả sự thay đổi kế hoạch khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở đô, đạo, phủ, tỉnh và kế hoạch khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở các thành phố, khu phố, thôn làng.
Ngày đọc sách của trẻ em
Điều 10
1. Ngày trẻ em đọc sách được đặt ra nhằm làm sâu sắc mối quan tâm, sự hiểu biết của quốc dân về hoạt động đọc sách của trẻ em đồng thời nhằm nâng cao lòng mong muốn đọc sách của trẻ em.
2. Ngày trẻ em đọc sách là ngày 23 tháng 4.
3. Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực thực hiện các hoạt động thích hợp với ngày đọc sách của trẻ em.
Các biện pháp trên phương diện tài chính
Điều 11
1. Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực có biện pháp tài chính và các biện pháp khác để thực hiện các chính sách liên quan đến việc khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em.
Nghị quyết đi kèm của Ủy ban giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ thuộc hạ viện
Chính phủ khi thực thi bộ luật này cần lưu ý những điều sau:
1. Bộ luật này là thứ tạo ra chính sách và xây dựng môi trường cần thiết để khuyến khích hoạt động đọc sách tự chủ của trẻ em vì vậy cơ quan hành chính không được can thiệp bất chính.
2. Phải nỗ lực xây dựng nhanh chóng kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em, phản ánh ý nguyện của dân, xác lập các chính sách liên quan đến khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em và cụ thể hóa chúng.
3. Nỗ lực xây dựng các thư viện công cộng, thư viện trường học nhằm tạo ra môi trường để trẻ em có thể thân thiện với sách và thưởng thức sách mọi lúc, mọi nơi.
4. Khi thư viện các trường học và thư viện công cộng mua sách thì phải tôn trọng tính tự chủ của các cơ quan này.
5. Phải nỗ lực cung cấp các sách giúp cho sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ em dựa trên sự quyết định tự chủ của những người tiến hành sự nghiệp này.
6. Đối với sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động thích hợp với mục đích ngày đọc sách của trẻ em do nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện thì phải tôn trọng tính tự chủ của trẻ em.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Nhật Bản Nguyễn Quốc Vương khuyến đọc