Mạc Đĩnh Chi: Bản lĩnh sứ thần nước Nam
- Trần Hưng
- •
Trong sử Việt, người đảm nhận trách nhiệm đi sứ phương Bắc thường phải được lựa chọn kỹ càng, nhiều trường hợp phải có tài khoa cử, thậm chí là trạng nguyên. Nhiều vị sứ thần đại diện cho dân tộc bang giao với nước lớn ấy đã làm rạng danh đất nước, trong đó phải kể đến Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Mâu thuẫn gốc tích Mạc Đĩnh Chi
Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280 vào thời nhà Trần, từ thuở nhỏ đã thông minh hơn người, tuy nhiên tướng mạo lại rất xấu xí. Bấy giờ Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở học đường, tập hợp văn sĩ bốn phương, chu cấp cho họ ăn học và đào tạo thành nhân tài cho đất nước, trong số đó có Mạc Đĩnh Chi.
Về việc này “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép như sau:
Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề ghì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu, v.v… gồm 20 người, đều được dùng cho đời.
Sau này trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Ích Tắc dẫn cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Còn trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, những người ở hương Ba Điểm, Bàng Hà cũng đầu hàng giặc. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép:
Ngày 30, thái tử Nguyên A Thai cùng Ô Mã Nhi họp 30 vạn quân đánh vào Vạn Kiếp rối thuận dòng xuôi về phía đông. Người các hương Ba Điểm, Bàng Hà đều đầu hàng chúng.
Chính vì vậy, sau khi đánh bại quân Nguyên, triều đình có xử tội:
Xử tội đồ quân dân hai hương Ba Điểm và Bàng Hà, làm thang mộc binh, không được làm quan, ban cho tể thần làm sai sử hoành (tức nô tỳ).
Còn Trần Ích Tắc thì không thể quay trở lại Đại Việt, phải tha hương nơi đất khách (Xem bài: Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?).
Về gốc tích Mạc Đĩnh Chi, thì “Lịch triều hiến chương loại chí” lại chép rằng Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Đông (tỉnh Hải Dương hiện nay). Như vậy là hai nguồn sử liệu mâu thuẫn nhau. Dẫu sao, trái với Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép rằng người Bàng Hà không được làm quan, thì năm 1304, Mạc Đĩnh Chi vẫn ứng thí, đỗ trạng nguyên, và vẫn được làm quan.
Bấy giờ thấy tướng mạo Mạc Đĩnh Chi xấu xí, vua có ý chê, Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc), trong đó có đoạn:
Khởi hộ lạc hề vô dung,
Thán thuyền quyên hề đa ngộ.
Cẩu dư bính chi bất a,
Quả hà thương hề phong vũ.
Dịch nghĩa là:
Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.
Nếu ta giữ mực thẳng ngay.
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường
Vua Trần Anh Tông xem rồi khen hay, thăng làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.
Giai thoại truyền kỳ
“Giai thoại” về Mạc Đĩnh Chi có rất nhiều, nhưng nổi bật nhất chính là về việc ông đi sứ phương Bắc. Sau khi sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên.
Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông. Vậy nên khi tiếp kiến, triều Nguyên ra câu đối nhằm hạ nhục nước Nam:
“Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”
Có nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng. Câu đối có hàm ý nói rằng nước Nguyên là nước lớn như mặt trời có thể đốt cháy tất cả. Còn các nước chư hầu khác chỉ như mặt trăng yếu ớt, chỉ dám sáng ban đêm, còn ban ngày sẽ bị mặt trời đốt cháy.
Mạc Đĩnh Chi bình tĩnh đối lại rằng:
“Nguyệt cung tinh đan, hoàng hôn xạ lạc kim ô”
Có nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, khi hoàng hôn mặt trăng bắn rơi mặt trời. Vế đối rất chuẩn, ý tứ lại mạnh mẽ, đồng thời cũng tỏ rõ bản lĩnh của sứ thần, ý chí của nước Nam. Hơn nữa, việc này cũng nhắc nhà Nguyên nhớ tới việc nhà Trần đã đánh bại quân Nguyên Mông. Triều Nguyên dù tức tối nhưng cũng không sao bắt bẻ được.
Một hôm viên tể tướng mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẽ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:
“Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”.
Mọi người đều phục tài của ông.
Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau:
Lưu kim thước thạch, thiên vị địa lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngã phu.
Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù.
Dịch nghĩa là:
Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.
Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!
Y Chu và Bá Di, Thúc Tề là những người trung nghĩa trong lịch sử Trung Hoa, nhưng một người là công thần khai quốc, hai người còn lại thì ở ẩn rồi chết vì đói. Bài minh này cho thấy sứ thần của Đại Việt sang bang giao thật sự am hiểu văn hóa Trung Hoa, lại có tài ứng đối.
Nghe bài minh, người Nguyên lại càng thán phục tài năng ứng đối của Mạc Đĩnh Chi. Nguyên Thành Tổ xem xong bài minh khuyên son chữ Y và châu phê bốn chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (trạng nguyên hai nước), rồi tự tay trao sắc phong cho Mạc Đĩnh Chi.
Hậu duệ tại Cao Ly
Mạc Đĩnh Chi không chỉ giúp tăng cường vị thế của Đại Việt với Trung Hoa, mà cũng để lại hậu duệ của mình tại Cao Ly. Bấy giờ, sứ bộ nước Việt giao lưu rất thân thiết với sứ bộ nước Cao Ly. Sự tương đồng hoàn cảnh của hai nước trước cường quốc Trung Hoa, cùng với tài năng của Mạc Đĩnh Chi làm sứ thần Cao Ly mến mộ. Vị sứ thần Cao Ly đã mời ông sang chơi và gả cháu gái cho ông. Người thiếp này sinh được một nữ, và lần ông đi sứ thứ hai thì sinh một nam, từ đó lập ra một dòng họ ở Cao Ly. Vậy là Đại Việt đã có ít nhất 3 dòng họ tại xứ Cao Ly: 2 dòng họ Lý và 1 dòng họ Mạc. (Xem bài: Người Việt giúp đánh bại quân Mông Thát ở Cao Ly, hậu duệ trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc)
Sau này, một hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi đã tìm đến Việt Nam, bút đàm Hán tự với ông Lê Khắc Hoè. Sau đó ông Hòe có viết bài “Người Triều Tiên đi bán sâm là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi”, muốn tìm họ Mạc để nhận họ, đăng trên An Nam tạp chí số 4 năm 1926. Sau này Vũ Hiệp sưu tập và đăng trên tạp chí Nghiên cứu Sử số 2, 1996 tại Sài Gòn.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Vị “lưỡng quốc trạng nguyên” duy nhất trong sử Việt làm quan tới chức tể tướng
- Lá số thánh nhân bất bại và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
- Vị trạng nguyên chỉ làm dân thường mà vẫn giúp đánh đuổi quân Nguyên Mông
Mời xem video:
Từ khóa Danh nhân lịch sử nhà Trần Trạng nguyên Cao Ly